Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 18/6/2020

10:40 18/06/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 18/6/2020:

Nhà tình báo huyền thoại Mười Hương về với đất mẹ

Sáng 17/6, dòng người nối dài xếp hàng trước Nhà tang lễ BV 175 Bộ Quốc phòng cúi đầu tiễn đưa vị “kiến trúc sư” của ngành tình báo cách mạng Việt Nam trở về với đất mẹ. Nội dung này được đăng tải trên nhiều báo.

Báo Pháp Luật TP ghi nhận hình ảnh bà Nguyễn Thị Hải, cựu học sinh Trường nữ trinh sát đặc biệt (Bộ Công an) cùng những người bạn của mình không tránh khỏi sự xúc động khi cố gắng nhìn theo linh cữu của Ông.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đọc điếu văn. Ảnh: NGUYỆT NHI
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đọc điếu văn. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bà nhớ lại, đó là năm 1966, nhà tình báo Mười Hương trực tiếp thành lập ngôi trường này để đào tạo các nữ trinh sát chi viện cho chiến trường miền Nam, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nói là trường nhưng thực tế chỉ có một lớp học với 60 học viên gồm những cô gái 13-14 tuổi. Đây là lớp học đầu tiên cũng là cuối cùng đào tạo các nữ trinh sát phục vụ cách mạng. Dù ông Mười Hương không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng tình cảm mà ông dành cho các học viên luôn giản dị, như là sự quan tâm của một người cha dành cho các cô con gái của mình.

Đến viếng, thắp nhang tiễn đưa ông vào ngày hôm trước, nhà báo Nguyễn Thế Thanh đã kể lại kỷ niệm với ông Mười Hương khi bà còn là phóng viên. Ông hay gọi bà là “con Thanh đía” vì bà hay hỏi, tham gia vào câu chuyện của ông. Bà vẫn nhớ lời nói nhỏ nhẹ như răn dạy của ông về nghề báo: “Làm báo khó lắm, bây giờ hay bao giờ cũng vậy. Ráng nghe cho tường tận, ghi cho chính xác, viết cho kỹ càng. Đừng sợ sự dọa nạt của những người không tốt”.

Cũng trong sáng 17/6, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo TP.HCM qua các thời kỳ, lực lượng vũ trang, các ban, ngành, đoàn thể và đông đảo người dân đã đến dự lễ tiễn đưa vị nhà tình báo huyền thoại Trần Quốc Hương về nơi an nghỉ.

Tại buổi tiễn ông Trần Quốc Hương về nơi an nghỉ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, trưởng ban lễ tang, đã xúc động đọc điếu văn tiễn biệt. Điếu văn có đoạn:

“Đồng chí Trần Quốc Hương của chúng ta không còn nữa! Một trái tim giàu nhiệt huyết cách mạng đã ngừng đập. Tham gia cách mạng từ khi 13 tuổi, bị thực dân Pháp tù đầy từ khi 18 tuổi, vào Đảng khi 19 tuổi, với 97 năm tuổi đời, 77 năm tuổi Đảng, đồng chí Trần Quốc Hương đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cuộc đời cách mạng của ông Mười Hương là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân cả nước kính trọng, học tập và noi theo.

TP. Hồ Chí Minh: Phát triển giáo dục thông minh, hiện đại

Giáo dục và đào tạo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thông qua hàng loạt mô hình đột phá, như trường tiên tiến, hội nhập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục, triển khai các chương trình tiếng Anh, tin học theo chuẩn quốc tế… Nội dung trên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP, năm học 2019-2020, toàn TP có 16 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 8 trường THCS và 3 trường THPT áp dụng mô hình tiên tiến.

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa học tập trong môi trường khang trang. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa học tập trong môi trường khang trang. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ở bậc mầm non, bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi (huyện Nhà Bè), cho biết, sĩ số các lớp học theo mô hình tiên tiến không quá 25 học sinh/lớp; trẻ được tham gia nhiều hoạt động như làm quen tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, học thể dục 10 môn phối hợp theo chương trình nước ngoài, tăng cường các giờ học năng khiếu, ngoại khóa nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và kỹ năng cho học sinh.

Tương tự, ở bậc tiểu học, 13 trường triển khai mô hình tiên tiến đều tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đảm bảo sĩ số không vượt quá 30 học sinh/lớp, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực với trang thiết bị hiện đại.

Riêng ở hai bậc THCS và THPT, các trường đảm bảo tỷ lệ hơn 90% học sinh đạt trình độ A2 tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ quốc gia, có kiến thức và kỹ năng công nghệ thông tin theo chuẩn quốc tế; thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện thể chất…

Bên cạnh đó, việc đưa ngoại ngữ thành thế mạnh của học sinh TP cũng được chú trọng. Đến nay, sau nhiều năm thực hiện, đã có hơn 70% giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn. Năm học 2019-2020, giáo viên tiếng Anh tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, kỹ năng và phương pháp giảng dạy không ngừng nâng cao, qua đó đáp ứng yêu cầu dạy và học ngoại ngữ chất lượng cao của học sinh TP.

Ưu tiên nguồn lực cho các dự án giao thông trọng điểm

Do nguồn lực khó khăn, nên TP. Hồ Chí Minh sẽ xác định ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, tập trung các khu vực mang tính tháo gỡ “nút thắt,” kết nối khu vực, các cửa ngõ TP.

Nội dung trên được nêu ra tại buổi giám sát của HĐND TP về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP, diễn ra ngày 17/6. Báo điện tử Vietnamplus đưa tin.

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP, Thành phố rất chú trọng đến phát triển giao thông khi đã dành đến 37,5% tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 để phát triển hạ tầng giao thông.

Nút giao Nguyễn Thái Sơn-Nguyễn Kiệm ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Nút giao Nguyễn Thái Sơn-Nguyễn Kiệm ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Tuy nhiên, nguồn vốn dành cho giao thông thiếu nên TP dồn sức để tập trung giải quyết các “nút thắt” như sân bay, cảng biển, các trục đường kết nối giao thông TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh xung quanh như dự án hầm chui An Sương, nút giao An Phú, Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ…

Ông Võ Văn Hoan cho biết thêm, trong quản lý, TP liên tục kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, tăng cường phân cấp phân quyền cho địa phương chủ động. Thành phố cũng đang tìm các giải pháp để gỡ vướng trong bồi thường GPMB, thí điểm quy trình 2 trong 1 mà Chính phủ đã cho phép…

Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư công mới thì vốn đầu tư dự án cũ chỉ được bố trí lại tối đa 20% nên sẽ gặp khó khăn khi dự án cũ không có tiền để triển khai.

UBND TP sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy, HĐND TP xin chủ trương cắt giảm một số dự án, đồng thời xác định lại các tiêu chí ưu tiên, tập trung đầu tư; đồng thời kiến nghị Trung ương xem lại quy định này.

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường trong nước

Gần 2 tháng qua, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh sau thời gian giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19. Báo SGGP đã trao đổi với ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP, về vấn đề này. 

Theo ông Phạm Thành Kiên, tại thời điểm hiện nay, Sở này đang triển khai cùng lúc 2 nội dung: Một là, thường xuyên cập nhật, xác định nhu cầu cần hỗ trợ của DN. Trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước đã ghi nhận 511 trường hợp khó khăn; trong đó đã giải quyết theo đề nghị của DN là 57 trường hợp, 324 trường hợp đang tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại để xử lý, 101 trường hợp đang tư vấn, không đủ điều kiện để giải quyết là 29 trường hợp.

Ngành dệt may đang bị giảm các đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG
Ngành dệt may đang bị giảm các đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG

Hai là, mở rộng thị trường trong nước, triển khai các chương trình khuyến mãi tập trung; trong đó có chương trình “60 ngày vàng khuyến mãi trên địa bàn thành phố” và Chương trình “Kích cầu tiêu dùng năm 2020”.

Điểm nổi bật của các chương trình này là tổ chức kết hợp 2 kênh mua sắm truyền thống và thương mại điện tử; hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi lên tới 100%; DN được hỗ trợ 100% chi phí tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm. Riêng chương trình “Kích cầu tiêu dùng năm 2020”, được triển khai theo hình thức hội chợ với quy mô 500 gian hàng nhằm hỗ trợ DN TP đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong bối cảnh cùng cả nước bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ DN mở rộng thị trường, vào tháng 9/2020, TP sẽ tổ chức Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành nhằm tiếp tục hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, đưa hàng hóa TP. Hồ Chí Minh vào hệ thống phân phối các tỉnh thành và ngược lại.

Sáp nhập đường sắt Hà Nội vào Sài Gòn, có hết khó?

Theo thông tin trên báo Thanh Niên, sau 6 năm tách thành 2 công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn hoạt động thiếu hiệu quả, đường sắt lại tiếp tục xúc tiến sáp nhập 2 doanh nghiệp này về một mối.

Không phải ngẫu nhiên, đề án tái cơ cấu Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR), trong đó có sáp nhập 2 công ty đường sắt Hà Nội - Sài Gòn, được đưa ra từ năm 2018 đến nay chưa thể chốt lại. Trong khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) thành viên ngành đường sắt ngày càng khó khăn và thu hẹp. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) dự kiến lỗ hơn 330 tỉ đồng trong năm 2020.

Việc tách - nhập đã thành câu chuyện luẩn quẩn của ngành đường sắt nhiều năm nay
Việc tách - nhập đã thành câu chuyện luẩn quẩn của ngành đường sắt nhiều năm nay

Tuy nhiên, khó khăn không chỉ do Covid-19, hoạt động vận tải của đường sắt Hà Nội, Sài Gòn cũng đã bộc lộ nhiều yếu điểm khi giẫm chân lên nhau trong những năm qua. Mô hình tổ chức hiện tại của đường sắt Việt Nam có 3 đơn vị kinh doanh phục vụ vận tải đường sắt gồm: Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội, Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn, Công ty CP vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco). Trong đó, 2 công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn kinh doanh cả vận tải hàng hóa và hành khách, trùng lặp và tự cạnh tranh lẫn nhau.

Hiện VNR đã báo cáo Bộ GTVT về chủ trương này và tờ trình Đề án tái cơ cấu 2 công ty cũng đã được gửi lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN chờ phê duyệt.

Câu hỏi đặt ra là nếu sáp nhập 2 công ty VTHK Sài Gòn và Hà Nội thành một công ty CP vận tải đường sắt với hàng nghìn lao động và trải dài trên địa bàn 40 tỉnh thành, liệu có hiệu quả hơn việc duy trì mô hình như hiện nay? Bản thân đề án của VNR cũng cho rằng, việc cơ cấu lại 2 công ty vận tải có thể chưa tạo ra sự thay đổi lớn về doanh thu do những nút thắt về hạ tầng, nhưng sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh của tổng công ty.

Sẽ kiến nghị xử lý hình sự 20 doanh nghiệp nợ BHXH

Theo báo Người Lao Động, ngày 17/6, ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP, cho biết từ đầu năm đến nay, TP có 5.583 đơn vị, doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 6 tháng trở lên với tổng số tiền 1.354 tỉ đồng.

Ông Phan Văn Mến (đứng) - Giám đốc BHXH TP HCM - phát biểu tại buổi tiếp xúc báo, đài
Ông Phan Văn Mến (đứng) - Giám đốc BHXH TP HCM - phát biểu tại buổi tiếp xúc báo, đài

BHXH cũng đã gửi hồ sơ 12 DN nợ BHXH, BHYT, BHTN sang cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của Bộ Luật Hình sự. Đây là các DN đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không đóng hoặc không đóng đầy đủ các khoản bảo hiểm cho người lao động nhưng chưa khắc phục hậu quả và tiếp tục vi phạm. Dự kiến trong tháng 7/2020, BHXH TP sẽ tiếp tục kiến nghị công an điều tra, khởi tố 20 DN có hành vi vi phạm tương tự.

Được biết, từ năm 2018 đến nay, BHXH TP đã chuyển hồ sơ của 85 DN nợ BHXH, BHYT, BHTN sang cơ quan công an nhưng đến nay vẫn chưa có DN nào bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, đã có 9/85 DN tự nguyện khắc phục nợ và BHXH TP đã rút đơn đề nghị truy tố. Số DN còn lại đang trong quá trình hoàn tất thủ tục cần thiết để đưa ra xét xử tại tòa, trong đó có 5 DN đã giải thể, phá sản, chủ DN bỏ trốn.

Dân hài lòng với nhà vệ sinh hiện đại miễn phí

Đó là tiêu đề bài viết của báo Pháp Luật TP khi nói về các nhà vệ sinh công cộng miễn phí được đặt tại 5 điểm ở khu vực trung tâm TP, với các thiết bị cảm ứng hiện đại.

Theo bài viết, việc cải tạo, lắp mới hệ thống nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) nhằm phục vụ miễn phí cho nhu cầu vệ sinh cá nhân của người dân và du khách tại TP đang được các địa phương thực hiện.

Người dân hài lòng khi được sử dụng nhà vệ sinh miễn phí, sạch sẽ  ở góc ngã tư Lê Bình - Hoàng Văn Thụ 
Người dân hài lòng khi được sử dụng nhà vệ sinh miễn phí, sạch sẽ  ở góc ngã tư Lê Bình - Hoàng Văn Thụ 

Cách làm là chính quyền sẽ cung cấp đất công tại nơi đông người và nơi người nhiều có nhu cầu sử dụng NVS. Doanh nghiệp sẽ bỏ kinh phí xây dựng NVSCC để người dân sử dụng miễn phí. Bù lại, doanh nghiệp sẽ được sử dụng một phần diện tích đất kinh doanh tái đầu tư.

Hiện tại, đã có 5 NVSCC miễn phí ở khu vực trung tâm TP được đưa vào vận hành theo cách này.

Theo ghi nhận, NVSCC được làm bằng thép inox, diện tích 7-10 m2, bên cạnh có quầy bán cà phê thương hiệu Vietnamese Coffee To Go.

Cách vận hành của NVSCC rất đơn giản, bằng thiết bị cảm ứng. Người dùng chỉ cần ấn nhẹ tay vào vị trí đèn LED, cánh cửa bằng sắt tự động mở rồi đóng lại. Bên trong có bồn cầu và có ba khay đựng xà phòng, nước rửa tay, máy làm khô tay. Người dùng chỉ cần đưa tay đến vị trí các khay, thiết bị sẽ tự động phục vụ.

Ông Đình Văn Long ở phường 4, quận Tân Bình cho biết, trước đây ở khu vực này có một NVSCC phục vụ miễn phí cho người đi đường nhưng bị xuống cấp, rất bẩn. Hơn một tháng nay, NVS cũ này được làm mới lại sạch sẽ và rất hiện đại.

Đại diện Công ty CP Vietnamese Coffee To Go, đơn vị lắp đặt hệ thống NVSCC miễn phí trên, cho biết: Hiện tại, công ty đã kết hợp với chính quyền địa phương lắp đặt được các NVSCC tại các vị trí như góc đường Tú Xương - Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), góc đường Hoàng Văn Thụ - Lê Bình (quận Tân Bình), góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Quý Đôn (quận 1), đường Hàm Nghi (quận 1).

Mỗi NVS công ty đầu tư 400-700 triệu đồng tùy vào diện tích. Hệ thống NVSCC được đầu tư, quản lý, vận hành theo phương thức xã hội hóa. Đặc biệt, người sử dụng NVS không bắt buộc phải sử dụng dịch vụ cà phê ở đây. Các nhân viên kinh doanh tại quầy cà phê sẽ quản lý, dọn vệ sinh tại NVSCC.

100% phản ánh của người dân về rác thải được xử lý

Báo Người Lao Động đưa tin: UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch tăng cường triển khai Chỉ thị số 19/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” trong năm 2020.

Mục tiêu được đưa ra là vận động hơn 80% hộ dân trên địa bàn TP thực hiện bản cam kết về giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch; phấn đấu 100% hộ dân đăng ký thu gom rác thải tại khu vực có tuyến thu gom.

Bên cạnh đó, 100% phản ánh của người dân về vệ sinh môi trường, trật tự đô thị được tiếp nhận và xử lý kịp thời; 100% điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải trên địa bàn TP được giải quyết và duy trì chất lượng vệ sinh môi trường, mỹ quan tại các khu vực đã cải tạo, chuyển hóa; 100% lực lượng thu gom rác dân lập được chuyển đổi thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách… sử dụng các bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni-lông khó phân hủy.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục