Trao giấy chứng nhận cho 9 doanh nghiệp đầu tư vào Khu Công nghệ cao
Thêm 09 doanh nghiệp (01 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI và 08 doanh nghiệp trong nước) đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 777,27 triệu USD.
Tại Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP tối 18.12, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chúc mừng 9 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đợt này và đề nghị các doanh nghiệp triển khai dự án đúng quy định của Luật Đầu tư, đúng tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư. Về phía TP cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp an tâm đầu tư, triển khai dự án một cách hiệu quả, sẵn sàng lắng nghe giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp.
(Theo Thanhuytphcm.vn)
Chủ động ứng phó với mức sinh thấp
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, hiện dân số TP đang ở mức hơn 8,9 triệu người. Năm 2018 tổng tỷ suất sinh của TP mới chỉ đạt 1,33 con, con số báo động về tình trạng mức sinh rất thấp.
Để tập trung thực hiện giải pháp chủ động ứng phó linh hoạt với mức sinh thấp, TP cần có giải pháp cụ thể trong hoạch định chính sách và tăng cường đầu tư cho công tác dân số trong tình hình mới. Nỗ lực truyền tải thông điệp “mỗi gia đình nên sinh đủ 2 con” đến từng người dân nhằm duy trì mức sinh hợp lý mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội.
Thông tin trênđược công bố tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và Kỷ niệm 58 năm Ngày Dân số Việt Nam (26/12/1961 – 26/12/2019) với chủ đề “Đồng hành cùng sự nghiệp dân số và phát triển vì sự phồn vinh của đất nước”, tổ chức tại Trung tâm Văn hóa huyện Cần Giờ vào sáng 18/12.
Tìm giải pháp giảm ô nhiễm không khí tại TP. Hồ Chí Minh
Ngày 18/12, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Hồ Chí Minh đã thông tin về các giải pháp giảm ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố.
Sở TN&MT cho rằng nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu từ ba yếu tố chính: Do hoạt động giao thông, các hoạt động công nghiệp, các hoạt động xây dựng. Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, Sở TN&MT đã đưa ra nhiều giải pháp căn cơ. Cụ thể, sở sẽ phối hợp với Sở Giao thông vận tải (GTVT) kiểm tra, giám sát nồng độ khí thải của các phương tiện giao thông. Trong đó, đặc biệt chú ý đối với các doanh nghiệp vận chuyển, vận tải công cộng; nghiên cứu, đề xuất kiểm tra khí thải đối với xe máy.
Ngoài ra, sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GTVT cùng các cơ quan có liên quan để đẩy nhanh việc đầu tư mở rộng các tuyến hướng tâm, tuyến vành đai, đường cao tốc, đường xuyên tâm và tuyến đường sắt đô thị. Đồng thời đầu tư các bến, bãi đậu xe nhằm tăng cường mật độ đường, tỉ lệ đất dành cho giao thông và giãn mật độ xe lưu thông trên các tuyến đường nhằm giảm các điểm kẹt xe.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng sẽ phối hợp với Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong công tác xây dựng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
(Theo báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh)
Đề xuất “độc”: Chống ngập bằng hóa chất
Nội dung trên báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh:
“Lâu nay Thành phố giải quyết bài toán chống ngập bằng các giải pháp cơ khí như xây bể chứa, lắp thêm máy bơm, xây dựng cống mới… Khác với giải pháp cơ khí mang tính lâu dài, giải pháp hóa học mang tính đột phá cao, kinh phí đầu tư vận hành thấp, dễ thực hiện” - TS Đặng Vũ Trọng, Giám đốc kỹ thuật một tập đoàn của Canada, đề xuất ứng dụng giải pháp hóa học cho Thành phố tại hội thảo do Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 18/12.
Theo ông Trọng, giải pháp dùng hóa học này cơ bản được thực hiện bằng cách bơm chất DRP (Drag Reduction Polymer) vào hệ thống cống thải của Thành phố thông qua các điểm được lắp đặt máy bơm DRP. Khi hòa tan hóa chất này vào nước thì sẽ làm tăng công suất dòng chảy nước, qua đó tăng năng suất cho cống thoát nước, máy bơm và giúp giảm ngập lụt tốt hơn. Chất DRP với độ kéo dài cao trong dung dịch loãng có thể ảnh hưởng đến cấu trúc dòng chảy rối, chống lại sự phát triển xoáy rối và làm giảm sự tiêu tán năng lượng hoặc giảm lực cản dòng chảy. DRP không gây ảnh hưởng đến môi trường nước xử lý. Đặc biệt, giá thành chất DRP chỉ khoảng 4 USD/kg, tùy vào lưu lượng dòng chảy bao nhiêu mét khối trong một giờ, một ngày sẽ điều chỉnh lượng DRP phù hợp khi ứng dụng vào chống ngập .
Thành phố Denver, bang Colorado của Mỹ cũng đã thử nghiệm giải pháp này vào năm 2000 cho thấy công suất của trạm bơm nâng Brantner Culch tăng 37% và thành phố này đã quyết định đưa chất DRP vào ứng dụng từ năm 2002.
Vỉa hè, lòng đường vẫn bị lấn chiếm
Cũng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, sau những đợt “tuyên chiến”, ra quân rầm rộ của chính quyền địa phương, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường tại TP. Hồ Chí Minh vẫn không thuyên giảm, thậm chí còn diễn biến phức tạp hơn ở nhiều nơi. Hậu quả là không chỉ gây nhếch nhác, phản mỹ quan; nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường giờ đây còn kéo theo hàng loạt hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng khác như kẹt xe, va chạm - tai nạn giao thông…
Ông Nguyễn Thành Lanh, cán bộ hưu trí phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, bức xúc: Tôi nghĩ đã đến lúc các sở ngành, quận huyện của TP. Hồ Chí Minh cần phải thật nghiêm túc nhìn lại công tác lập lại trật tự đô thị; đặc biệt là các giải pháp ngăn chặn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Một nguyên nhân có thể thấy rõ nhất vì sao vỉa hè, lòng đường ở TP vẫn bị lấn chiếm tràn lan là do việc xử lý, chế tài vi phạm của chính quyền, ngành chức năng phần lớn chỉ mang tính hình thức, thiếu quyết liệt. Rất nhiều lần TP ra quân rầm rộ, “tuyên chiến” nhưng sau đó thì rơi vào quên lãng. Nếu không dẹp bỏ cách làm “đầu voi đuôi chuột”, vỉa hè, lòng đường sẽ không bao giờ được trả lại đúng công năng.
Xây cầu bộ hành có thang máy trước Bệnh viện Ung bướu
Ngày 18/12, ông Trần Sĩ Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ Thành phố, cho biết do cầu bộ hành cũ trước Bệnh viện Ung buớu xuống cấp, nhiều bộ phận bị mục nên cần phải tháo dỡ để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.
Sau khi tháo dỡ, trung tâm sẽ xây dựng lại một cầu vượt bằng thép dài 22 m, rộng 3 m với tĩnh không tối thiểu đạt 4,75 m để xe cộ lưu thông bên dưới dễ dàng. Cầu thang có bề rộng và chiều cao bậc đạt tiêu chuẩn là công trình công cộng được sử dụng cho mọi lứa tuổi, bên trên có mái che. Điểm đáng chú ý, cầu bộ hành sẽ có thêm thang máy ở 2 đầu cầu phục vụ bệnh nhân cũng như việc di chuyển băng ca giữa 2 cơ sở của Bệnh viện Ung Bướu.
“Cầu mới sẽ thi công trong tháng 12/2019 và dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán Canh Tý”, ông Thắng thông tin.
(Theo báo Thanh Niên)
Thi học kỳ căng như tốt nghiệp
Chỉ là một đợt kiểm tra thường kỳ trong năm học nhưng nhiều trường ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh “biến” nó thành một kỳ thi như thi THPT quốc gia, gây áp lực nặng nề cho học sinh, phụ huynh.
Một phụ huynh có con học tại trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh cho biết rất choáng khi nhìn thấy đề cương ôn tập của con. Môn nào các thầy cô cũng soạn đề cương cho học sinh, môn tiếng Anh đề cương gồm 24 trang giấy A4, môn toán có 15 đề thi khác nhau mà học sinh phải giải hết, môn văn có 16 trang A4, thậm chí, môn Giáo dục công dân, Công nghệ cũng có đề cương… Một phụ huynh khác có con học tại trường THCS Đồng Khởi, quận 1 cũng phản ảnh tương tự.
Ở TP. Hồ Chí Minh, hầu hết các trường THCS, THPT đều tổ chức đợt kiểm tra cuối học kỳ như thi THPT quốc gia: mỗi học sinh có số báo danh, phòng thi được sắp xếp theo thứ tự A,B,C (tức lạ trộn học sinh của cả khối lại), học sinh nhiều trường cũng không được đi học bán trú mà đến giờ kiểm tra mới vào trường, sau khi làm bài kiểm tra xong là ra về… Do đó, phụ huynh cũng lao đao với việc đưa đón con đi làm bài kiểm tra.
Theo lý giải của lãnh đạo một trường THCS tại Thành phố, thì lịch kiểm tra cuối học kỳ là nhà trường thực hiện theo lịch kiểm tra chung của phòng GD&ĐT vì học sinh làm bài theo đề chung của phòng. Đây là quy định của Sở GD&ĐT Thành phố nên toàn Thành phố thực hiện như vậy. Trong khi đó, mặc dù đã được Sở GD&ĐT phân cấp cho tự ra đề kiểm tra cuối học kỳ, đa số các trường THPT vẫn tổ chức mộ kỳ thi căng thẳng như hiện nay.
(Theo báo Tuổi Trẻ).
Chuẩn bị mùa giải 2020: CLB TP. Hồ Chí Minh tung “bom tấn” đầu tiên
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Trưa 18/12, CLB đương kim á quân V-League TP. Hồ Chí Minh đã ký hợp đồng có thời hạn 3 năm với thủ môn đang khoác áo đội tuyển U23 Việt Nam Bùi Tiến Dũng.
Lãnh đạo CLB chia sẻ phải bỏ ra chi phí rất “khủng” để có thể sở hữu chữ ký các thủ môn có lượng cổ động viên rất lớn này. Cụ thể, hợp đồng được ký với Bùi Tiến Dũng có thời hạn 3 năm với phí chuyển nhượng là 8 tỉ đồng, lương 60 triệu đồng/ tháng.
Vị này chia sẻ, trong tuần tới, CLB TP. Hồ Chí Minh tiếp tục công bố một hợp đồng “bom tấn” khác với một ngôi sao thậm chí còn nổi tiếng hơn. Đây cũng là cầu thủ được chờ đợi sẽ giúp CLB thi đấu tốt và thu hút người hâm mộ đến sân Thống Nhất nhiều hơn nữa. Có thể nói, CLB đang hoạt động rất nhiều trên thị trường chuyển nhượng để chuẩn bị cho tham vọng đạt thành tích cao ở mùa giải mới 2020.