Sẽ trình HĐND TP một số dự án giao thông
Theo báo Pháp Luật TP, để chuẩn bị cho kỳ họp HĐND TP diễn ra vào tháng 3/2020, UBND TP đã giao Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông hoàn thiện báo cáo một số dự án giao thông.
Trong đó, các dự án: mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa); xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái; xây dựng cầu Bình Triệu 2; xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa; dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật)… TP giao BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông phối hợp với BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công theo ý kiến góp ý của các sở, ngành.
UBND TP cũng giao BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh).
Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ lập danh sách những dự án đủ điều kiện cũng như những dự án không đủ điều kiện trình HĐND TP để UBND TP báo cáo tại cuộc họp tổ công tác về đầu tư.
Ngoài ra, Sở GTVT cũng được giao làm việc với Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng để xem xét các dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, dự án xây dựng nút giao An Phú (giai đoạn một) và xây dựng đường vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản
Báo Thanh Niên đưa tin: Ngày 18/2, tại buổi họp kinh tế, xã hội tháng 1 của UBND Thành phố, Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà đánh giá, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và hoạt động chuyển nhượng bất động sản, đầu tư vốn cá nhân sụt giảm đã tác động đến tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt tháng 1 giảm hơn 6% so với cùng kỳ, thuế thu nhập cá nhân tăng 7,92% nhưng là mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm qua.
Cuối tuần này, lãnh đạo Thành phố sẽ gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe những khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp. Đầu năm 2018, Thành phố thành lập tổ công tác về đầu tư do Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Tuy nhiên, mỗi buổi họp chỉ giải quyết được 3 - 4 dự án. Ông Phong cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung tháo gỡ các dự án đã được Chính phủ và bộ, ngành cho ý kiến để đẩy nhanh tiến độ. Văn phòng UBND Thành phố phải sắp xếp lịch làm việc hằng tuần cho tổ công tác, nếu các ngày trong tuần bận công việc thì có thể xếp lịch vào thứ bảy hoặc chủ nhật để giải quyết những tồn đọng, vướng mắc của các dự án.
Cùng ngày, làm việc với Sở Xây dựng trong việc giao nhiệm vụ năm 2020, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Thành phố, cho biết hiện có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào dự án cả ngàn tỉ đồng, ngân hàng cũng “bơm” thêm hàng ngàn tỉ đồng mà không cấp phép xây dựng, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Chính vì vậy, Sở Xây dựng phải làm nhanh để cấp phép xây dựng cho doanh nghiệp, không được để “đứng hình” hết.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông cùng các sở, ngành liên quan trong năm 2020 phải “số hóa” dữ liệu nhà, đất, trước mắt là tại những khu vực trung tâm, phối hợp đồng bộ với các sở ngành tổng rà soát lại quy hoạch… Đồng thời chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các sở ngành tổng rà soát quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố, nhất là quỹ nhà xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, xem xét để Thành phố chọn nhà hay quy đổi thành tiền, để từ nguồn tiền này phát triển những dự án nhà ở xã hội độc lập; đồng thời rà soát lại quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Cuối tháng 4 khai trương bến xe Miền Đông mới
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH một thành viên (SAMCO) vừa có báo cáo UBND TP về dự kiến tổ chức lễ khai trương chính thức đưa bến xe Miền Đông mới hoạt động trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến 26/4/2020.
Bến xe miền Đông mới đã được khởi công cách đây 3 năm với kinh phí 773 tỉ đồng. Trước đó, bến xe này nhiều lần dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2019 nhưng do vướng các thủ tục liên quan nên việc vận hành chính thức chưa được thực hiện.
Theo SAMCO, đến nay tổng công ty đã hoàn thành việc nghiệm thu đưa vào sử dụng dự án đầu tư xây dựng bến xe Miền Đông mới giai đoạn 1. Đồng thời đã lắp đặt xong các trang thiết bị cần thiết bên trong và ngoài nhà ga của bến xe theo quy chuẩn của Bộ Giao thông vận tải.
SAMCO cho biết trong giai đoạn1, bến xe mới này sẽ phục vụ vận tải hành khách tuyến đường cố định có cự ly từ 1.000km trở lên. Như vậy, bến xe sẽ phục vụ hành khách chủ yếu đi từ TP.Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành từ tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc.
Giai đoạn 2, bến xe Miền Đông mới sẽ lần lượt phục vụ hành khách đi các tuyến đường từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên trở vào TP.Hồ Chí Minh.
Việc đưa bến xe Miền Đông mới giáp ranh P.Long Bình, quận 9, TP.Hồ Chí Minh và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương vào hoạt động sẽ góp phần giải tỏa áp lực kẹt xe trong nội đô, nhất là khu vực bến xe miền Đông hiện hữu ở quận Bình Thạnh.
Xoay trở trong mùa dịch: Chật vật vượt khó
Tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở giáo dục gặp khó khăn và điều này tác động rất lớn đến việc làm, đời sống của người lao động (NLĐ). Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là giáo viên (GV) mầm non ở các cơ sở giữ trẻ tư thục, NLĐ làm việc trong lĩnh vực vận tải, du lịch.
Cô L.T.H - GV một trường mầm non tư thục trên địa bàn phường 6, quận Gò Vấp - cho biết dịch bệnh đã làm cho cô và nhiều đồng nghiệp lao đao do cả tháng nay chỉ ở nhà. "Chưa biết có lương chờ việc hay không nhưng từ khi trường tạm đóng cửa, tôi phải về quê để phụ gia đình và tiết kiệm chi phí ăn ở. Đi dạy nhiều năm rồi nhưng đây là lần đầu tiên ngành rơi vào kỳ nghỉ dài đến vậy nên ảnh hưởng rất lớn đến GV mầm non. Không được đến lớp khá bứt rứt trong người, đã vậy còn không có thu nhập khiến cuộc sống GV vốn khó khăn lại còn khó thêm".
Không chỉ GV mầm non ở các trường tư thục mà ngay cả công nhân (CN) ở các DN cũng khốn đốn vì dịch bệnh. Gặp chúng tôi mới đây, anh Lê Văn Lộc (quê tỉnh Nghệ An, công nhân xây dựng) than thở: "Con được nghỉ học đến hết tháng 2 khiến sinh hoạt gia đình bị xáo trộn. Ông bà nội không còn, trong khi bà ngoại quá già yếu không thể vào Thành phố giữ cháu, do vậy tôi quyết định "hy sinh" ở nhà giữ con vì vợ tôi làm CN thường tăng ca, thu nhập khá hơn tôi. Gia đình tôi 4 người phải trả tiền thuê nhà trọ, tiền ăn, tiền sinh hoạt… nhưng chỉ phụ thuộc vào lương của vợ nên khá chật vật. Tình hình dịch bệnh kéo dài, không biết gia đình tôi sẽ ra sao".
Trong khi đó, chị Vũ Thị Hương, nhân viên xe buýt số 19 (Bến xe buýt Sài Gòn – Đại học Quốc gia), cho biết tuyến này chủ yếu chở sinh viên, học sinh. Từ khi dịch bệnh xuất hiện, lượng khách đi xe giảm mạnh, thu nhập của chị giảm khoảng 20% so với trước. Để trụ lại với nghề, ngoài việc nấu cơm mang theo ăn, chị cố gắng hạn chế những khoản chi tiêu không cần thiết.
(Theo báo Người Lao Động).
Bắt đường dây nhập lậu hơn 200 máy tính xách tay, điện thoại từ Mỹ
Thông tin trên báo Sài Gòn Giải Phóng, chiều 18/2, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) – Công an TP cho biết vừa bắt giữ một đường dây nhập lậu máy laptop và điện thoại từ Mỹ về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với số lượng lớn.
Hiện cảnh sát đang tạm giữ 4 đối tượng gồm Bùi Hữu Lộc (48 tuổi, quốc tịch Mỹ), Huỳnh Thị Bích Thuận (36 tuổi, ngụ quận Gò Vấp), Phan Tấn Phát (38 tuổi, quê tỉnh Khánh Hòa) và Nguyễn Hữu Cương (48 tuổi) để điều tra, xử lý về hành vi “Buôn lậu”.
Trước đó, lúc 1 giờ 45 ngày 17/2, Thuận, Cương và Phát vận chuyển 8 kiện hàng ra khỏi khu vực kiểm soát hải quan (cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất), chuẩn bị đưa lên xe taxi. Ở phía sau, Lộc cũng đang chuyển 4 kiện hàng tương tự từ khu vực trả hành lý ký gửi ra cửa sân bay.
Nghi vấn, tổ công tác của Phòng PC03 đang làm nhiệm vụ tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tiến hành kiểm tra. Kết quả, cảnh sát phát hiện bên trong 12 kiện hàng chứa 207 máy tính laptop các loại (Dell, Macbook...) và 3 điện thoại di động (đã qua sử dụng). Toàn bộ số hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc; không khai báo hải quan.
Tại cơ quan công an, Bùi Hữu Lộc khai toàn bộ số hàng hóa trên được Lộc gom mua tại Mỹ, sau đó đóng vào 12 kiện hàng vận chuyển về Việt Nam để bán kiếm lời.
Tổng giá trị số hàng hóa không có nguồn gốc xuất bị bắt giữ ước tính hơn 2 tỷ đồng. Hiện vụ việc đang được Phòng PC03 – Công an TPHCM tiếp tục điều tra.
Tạm giữ 60.000 khẩu trang trong một ngày
Vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 1 và số 16 đã phối hợp cơ quan công an kiểm tra một xưởng sản xuất khẩu trang y tế tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Công ty này đang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn 4 lớp, loại 50 cái/hộp căn cứ theo tiêu chuẩn Việt Nam về khẩu trang y tế - khẩu trang y tế thông thường - khẩu trang y tế phòng nhiễm khuẩn.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy khẩu trang tại đây chỉ có 2 lớp không dệt màu và 2 lớp vải không dệt màu trắng, không có lớp giữa là vải lọc kháng khuẩn chất lượng cao như quy định cũng như tiêu chuẩn do chính cơ sở này tự công bố.
Do đó, đội quản lý thị trường đã tạm giữ tang vật là 20.000 khẩu trang (400 hộp). Đồng thời, đội cũng thu giữ tại xưởng 10.000 khẩu trang 3D không hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ cùng 8 cuộn vải không dệt do Trung Quốc sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ.
Cùng ngày, Đội Quản lý thị tường số 1 còn kiểm tra thêm một kho trung chuyển - nhà xe vận chuyển trên quận 12 và phát hiện 30.000 khẩu trang kháng khuẩn không có hóa đơn chứng từ. Trên hộp có ghi khẩu trang kháng khuẩn, 4 lớp, siêu mềm mượt, mặt nạ lọc bụi 4 lớp cao cấp, lọc khuẩn - mùi, bụi với nơi sản xuất là một địa chỉ trên quận Tân Phú. Số hàng trên cũng đã bị tạm giữ toàn bộ.
Theo Cục Quản lý thị trường TP, từ ngày 31/1 đến 17/2, Cục đã xử lý hành chính 26 vụ với hơn 151 triệu đồng tiền phạt. Đồng thời, các đội quản lý thị trường đã tiêu hủy gần 6.000 khẩu trang y tế và tịch thu gần 20.000 khẩu trang các loại.
(Theo Zing.vn)
Chuyện xúc động về điều trị COVID-19 cho Việt kiều Mỹ
Từ bên ngoài, BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện (BV) Nhiệt Đới nối máy điện thoại gọi vào phòng cách ly cho ông K. “Kết quả kiểm tra sức khỏe của ông giờ đã ổn định hết rồi. Nay mai ông sẽ được xuất viện thôi, ráng lên” - BS Phong thông báo. Qua điện đàm với BS Phong, giọng ông K. cũng lạc quan, hồ hởi không kém.
BS Phong kể lại: Ông K – Việt kiều Mỹ về Việt Nam sau khi quá cảnh ở Vũ Hán đã được kiểm tra dương tính với virus COVID-19, buộc phải điều trị cách ly tại BV cho đến khi được khỏi bệnh hoàn toàn. Về quê ăn tết một mình, không có người thân khi ở độ tuổi 73, ông K. hẳn có nhiều dự định thực hiện khi ở Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả đành phải gác lại. Ông K. đặt nhiều câu hỏi về bệnh tình của mình và lo lắng khi phải điều trị cách ly tại đây.
Hiểu được tâm lý của bệnh nhân, hằng ngày ngoài mang thức ăn vào cho ông K., các điều dưỡng trong bộ đồ bảo hộ bức bí đều nán lại để trò chuyện cùng ông, có khi kéo dài 1-2 giờ đồng hồ trò chuyện là bình thường.
Nhờ tuân thủ điều trị tốt, không có bệnh nền, từ chỗ được cho thở ôxy khi mới vào viện, hiện tại ông K. đã hoàn toàn ổn định. “Không chỉ thuốc, chế độ dinh dưỡng, mà yếu tố tâm lý cũng góp phần quan trọng giúp bệnh nhân đẩy lùi bệnh tật” - BS Phong nhìn nhận.
Gọi điện thoại thông báo với ông K. sắp đến giờ cơm, điều dưỡng Hà Mai Thanh Hiền cho biết: “Hôm nay ngoài bữa ăn chính, thực đơn có trái cây gồm chuối, nước cam, thanh long. Mấy ngày trước chú ăn táo rồi nên hôm nay không thích ăn táo nữa”. Ngoài ra, khi cần bệnh nhân chỉ nhấn chuông trong phòng sẽ được đáp ứng các yêu cầu.
Chị Hiền chia sẻ từ trước tết đến giờ, tập trung chống dịch, chị chỉ quẩn quanh ở nhà, cố gắng không nghĩ đến việc đi chơi tết và đến BV làm việc theo khuyến cáo không đến nơi tập trung đông người của Bộ Y tế.
Khi biết chị phải thường xuyên tiếp xúc với người nhiễm virus COVID-19 và những thông tin thất thiệt về đợt dịch này, người thân của chị cũng mất ăn mất ngủ cùng chị. Tuy nhiên, thấy bệnh nhân mình góp phần chăm sóc hồi phục, đặt niềm tin vào ngành y tế, chị cảm thấy được an ủi rất lớn.
(Theo báo Pháp Luật TP)
“Chợ quê giữa phố” nói không với bao ni-lông
Không ồn ào, nhộn nhịp như chợ truyền thống, nằm ẩn mình giữa trung tâm Thành phố (hẻm số 7 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, quận 1) đúng với tên gọi mà những người sáng lập đặt - “Chợ quê giữa phố”.
Chợ mang đậm hơi thở cây nhà lá vườn, theo kiểu mùa nào thức ấy, bán mua không mặc cả. Nguồn thực phẩm bán ở chợ chủ yếu là rau củ quả được trồng hữu cơ được cung cấp bởi nhà vườn miền Trung. Đến chợ còn bắt gặp những gánh hàng ăn dân dã: sản phẩm, đồ dùng sinh hoạt bằng mây, tre; gian hàng tò he… in đậm trong ký ức một thời dù đi xa ai cũng nhớ.
Điều thú vị là phụ nữ từ trẻ đến già bán hàng ở chợ đều trong trang phục áo dài. Đặc biệt hơn nữa, “Chợ quê giữa phố” nói không với bao ni-lông, chỉ sử dụng túi, bao làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. Đây cũng chính là một trong những điểm nhấn thu hút rất đông khách hàng, kết nối cộng đồng người yêu môi trường và cùng hành động vì môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - đồng sáng lập, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ, chia sẻ: “Giá cả ở chợ có phần nhỉnh hơn ở nơi khác để đảm bảo cuộc sống cho nhà vườn trong điều kiện làm nông sản sạch. Toàn bộ lợi nhuận thu được dành tặng học bổng, mua giống trồng rừng và hỗ trợ các hoạt động văn hóa dân gian, tạo sân chơi khoa học cho trẻ. Chợ còn là nơi giao lưu, giáo dục văn hóa truyền thống của vùng miền cho lớp trẻ. Đồng thời chung tay vì môi trường…”.
Đi “Chợ quê giữa phố” là trở về với cái bình dị, mộc mạc và gần gũi, như được sống chậm giữa cuộc sống bộn bề hối hả. Hơn hết là góp phần hun đúc, duy trì lối sống xanh.
Phóng sự ảnh đăng tải trên báo Giáo Dục TP. Hồ Chí Minh.