Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 19/2/2021

11:29 19/02/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 19/2:

Lãnh đạo Thành phố bất ngờ kiểm tra phòng dịch Covid-19 tại các quán nhậu

Tối 18/2, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã trực tiếp kiểm tra việc chấp hành quy định phòng dịch Covid-19 đối với các quán nhậu tại một số quận khu vực trung tâm. Nhiều quán ăn trên các tuyến đường như Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp), Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc địa phận Q.Tân Bình và Q.3) vẫn mở cửa đón khách, phục vụ bia rượu, khách ra vào nườm nườp.

Tại quán nhậu Xuân Thảo (đường Ngô Thị Thu Minh, Q.Tân Bình), hàng chục thực khách tỏ ra bất ngờ, trên tay vẫn còn nâng ly bia, khi đoàn kiểm tra bước vào. Chủ quán Xuân Thảo nói rằng biết quy định của thành phố không được phép phục vụ quá 30 người nhưng "không ngờ sau Tết khách lại đến đông như thế".

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM trao đổi với chủ quán nhậu Xuân Thảo, đường Ngô Thị Thu Minh, Q.Tân Bình. ẢNH: SỸ ĐÔNG
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM trao đổi với chủ quán nhậu Xuân Thảo, đường Ngô Thị Thu Minh, Q.Tân Bình. ẢNH: SỸ ĐÔNG

Phó Chủ tịch Dương Anh Đức nhìn nhận quán ăn đã thực hiện tốt một số quy định như bàn ghế giãn cách, nhân viên đeo khẩu trang, chuẩn bị nước rửa tay cho khách nhưng việc phục vụ quá 30 người là vi phạm.Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, sau khi ban hành văn bản chỉ đạo thì cần đi kiểm tra xem những chỉ đạo đã sát với thực tế chưa cũng như giám sát các cấp chính quyền cơ sở có thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố. Từ quá trình kiểm tra, lãnh đạo TP sẽ lắng nghe khó khăn của bà con, nghiên cứu điều chỉnh các chính sách cho hợp lý. Nếu quy định đã phù hợp nhưng người dân vẫn cố tình vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm trên “tinh thần xem xét toàn diện tình hình thực tế, chia sẻ khó khăn với bà con nhưng mục tiêu phòng chống dịch vẫn là cao nhất”.

Vắng khách, ngành đường sắt cắt giảm thêm nhiều đoàn tàu sau Tết

Theo báo Vietnamplus, do nhu cầu hành khách đi lại sau Tết Nguyên đán trên tuyến Bắc-Nam giảm, ngành đường sắt tiếp tục cắt giảm nhiều đoàn tàu Thống Nhất chạy hàng ngày và nhiều mác tàu khu đoạn do vắng khách vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Ngành đường sắt sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+
Ngành đường sắt sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

Cụ thể, đường sắt sẽ dừng chạy tàu SE9 xuất phát ga Hà Nội từ ngày 21/2 và tàu SE10 xuất phát ga Sài Gòn từ ngày 19/2. Tàu xuất phát tại ga Hà Nội sẽ dừng chạy tàu SE19 các ngày từ 17-21/2; tàu SE5 các ngày từ 22-28/2. Tàu xuất phát tại ga Sài Gòn sẽ dừng chạy tàu SE20 các ngày từ 19-23/2; tàu SE6 các ngày từ 20-28/2.

Tuyến Hà Nội-Vinh, dừng chạy tàu NA1 các ngày từ 19-21/2, hành khách đi tàu NA1 sẽ chuyển sang đi tàu SE1; dừng chạy tàu SE35 các ngày từ 19-21/2, hành khách đi tàu SE35 sẽ chuyển sang đi tàu SE9.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, hành khách có vé những ngày tàu dừng chạy và hành khách không đi tàu cần trả vé cho nhà ga trước giờ tàu chạy ghi trên vé ít nhất 24 giờ.

Lễ Khai hạ ở lăng Ông Bà Chiểu: Ước nguyện cho năm mới bình an

VOV.VN đưa tin, ngày 18/2, Lăng Ông Bà Chiểu tổ chức Lễ Khai hạ - Cầu an đầu năm mới. Đây là lễ hội truyền thống đã có từ hơn 100 năm qua.

Đoàn nghi thức vào Lăng để bắt đầu buổi lễ Khai hạ
Đoàn nghi thức vào Lăng để bắt đầu buổi lễ Khai hạ
Nhiều lãnh đạo tại địa phương tham dự lễ Khai hạ, khai bút và khai ấn đầu năm
Nhiều lãnh đạo tại địa phương tham dự lễ Khai hạ, khai bút và khai ấn đầu năm

Theo phong tục địa phương, cứ đến ngày mùng 7 Tết hàng năm, Ban Quản lý Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (hay còn gọi là Lăng Ông Bà Chiểu, quận Bình Thạnh) tổ chức Lễ Khai hạ- Cầu an để người dân hạ nêu, khai bút, cầu cho mưa thuận gió hoà, công việc hanh thông. Lễ hội được chia ra làm nhiều phần khác nhau như: hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn.

Lễ khai bút đầu năm tại lăng Ông Bà Chiểu
Lễ khai bút đầu năm tại lăng Ông Bà Chiểu

Do tình hình dịch Covid-19 nên số người tham dự lễ năm nay giảm hơn so với mọi năm và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Bên cạnh cầu an, cầu may mắn cho năm mới, mọi người đều mong muốn dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát, để mọi hoạt động trở lại bình thường.

TPHCM xin Thủ tướng Chính phủ cho triển khai xe buýt mini dưới 17 chỗ

Báo Lao Động thông tin, UBND TP vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TPHCM được triển khai phát triển loại hình xe buýt cỡ nhỏ từ 12 đến dưới 17 chỗ.

Theo đó, TPHCM đã xây dựng Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân nhằm kiểm soát và hạn chế dần việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân theo lộ trình phù hợp đến năm 2030.

Mục tiêu của TPHCM đến năm 2025 là phục vụ được 15% và đến năm 2030 phục vụ được 25% nhu cầu giao thông đô thị. Tuy vậy, cấu trúc mạng lưới giao thông đô thị hiện hữu với nhiều tuyến đường có mặt cắt ngang nhỏ đang cản trở rất nhiều trong việc phát triển hệ thống giao thông công cộng của TP.

Cụ thể, xe buýt hiện nay chủ yếu hoạt động trên các tuyến đường có bề rộng mặt đường tối thiểu trên 10m chiếm khoảng 41,81% mạng lưới đường bộ. Với đặc thù này, cộng với sự tăng trưởng ngày càng lớn của phương tiện cá nhân, người dân không lựa chọn xe buýt, sản lượng hành khách đi xe buýt ngày càng sụt giảm.

UBND TPHCM cho biết, trong tổng số 4.938 tuyến đường trên địa bàn thành phố, có tới khoảng 3.450 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7 m với chiều dài 2.544,7 km, tương đương 55,52% tuyến đường hiện nay.

Xe buýt tại TPHCM ngày càng thất thế trước các phương tiện giao thông cá nhân.  Ảnh: Minh Quân
Xe buýt tại TPHCM ngày càng thất thế trước các phương tiện giao thông cá nhân.  Ảnh: Minh Quân

Do đó, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thành phố được sử dụng phương tiện có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ để triển khai cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt hoạt động trên địa bàn, từ đó đáp ứng được nhu cầu đi lại trong đô thị theo đặc thù của thành phố.

Box: Theo kế hoạch giai đoạn từ năm 2021 - 2022, TPHCM dự kiến mở mới 20 tuyến xe buýt sử dụng phương tiện nhỏ kết nối dọc tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), 10 tuyến xe buýt kết nối với tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) và một số tuyến xe buýt kết nối với các khu đô thị mới.

6 phương án quản lý, sử dụng đất hiệu quả

Theo báo Pháp Luật TP, UBND TP vừa chính thức phê duyệt đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất (SDĐ) đai hiệu quả trên địa bàn TP. Trong đó đề ra sáu phương án tăng tính hiệu quả quản lý, SDĐ.

Cụ thể, theo phương án thứ nhất, TP phải đánh giá hiệu quả việc quản lý và SDĐ. Phương án này gồm tổ chức nghiên cứu về hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả SDĐ cho tất cả loại đất trên địa bàn TP; Sở TN&MT tiếp nhận ý kiến giám sát, chịu trách nhiệm theo dõi và đánh giá; đề xuất việc điều chỉnh hệ thống quản lý đất đai, chính sách đất đai, quy hoạch SDĐ…

Phương án thứ hai về thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ. Phương án đưa ra các giải pháp như: Sở TN&MT xây dựng kế hoạch SDĐ 5 năm của TP; UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức tổ chức xây dựng quy hoạch SDĐ dựa trên quy định pháp luật; UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức xây dựng kế hoạch SDĐ hằng năm trình UBND TP phê duyệt.

Phương án thứ ba về tài chính đất đai. Nội dung đề cập đến việc quản lý, định giá đất (Sở TN&MT đề xuất giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất TP tiến hành thẩm định); thu tiền SDĐ, thuê đất (định giá đất sao cho phù hợp thị trường); xử lý giá trị đất đai tăng thêm tại các dự án phát triển hạ tầng; xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.

Được xem là vấn đề khá quan trọng, phương án thứ tư đề cập đến việc Quản lý tài sản công là nhà, đất do Nhà nước quản lý. TP đưa ra hai đề xuất để triển khai sắp xếp, điều chuyển đưa vào sử dụng hợp lý tài sản công là nhà, đất được hiệu quả.

Phương án thứ năm của đề án là về hành chính đất đai gồm phần mềm quản lý thông tin đất đai, số hóa và chuẩn hóa dữ liệu…

Phương án thứ sáu là nâng cao hiệu quả của chuyển dịch đất đai theo quy hoạch, kế hoạch SDĐ.

Tăng cường quản lý động vật hoang dã

Một thông tin khác trên báo Pháp Luật TP cho hay, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc tăng cường các biện pháp quản lý động vật hoang dã trên địa bàn TP.

Theo UBND TP, hiện nay tình trạng săn bắt, giết mổ vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã vẫn còn xảy ra, đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của TP và du khách quốc tế.

Tê tê buôn bán trái phép bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: ENV
Tê tê buôn bán trái phép bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: ENV

Từ thực tế trên, UBND TP yêu cầu Công an TP chỉ đạo Công an TP Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp lực lượng chức năng tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã.

Đồng thời, lực lượng công an phải tập trung triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã. Ngoài ra, lực lượng công an phải phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo, mua bán trái phép động vật hoang dã trên các trang thông tin điện tử và dọc các tuyến đường trên địa bàn TP.

Riêng Bộ đội biên phòng TP phải chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ địa bàn, biên giới, cửa khẩu cảng, vùng biển giáp ranh giữa TP và các tỉnh để kịp thời xử lý các hành vi săn bắt, mua bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu trái phép động vật hoang dã.

Lực lượng kiểm lâm phải kiểm soát việc gây nuôi động vật hoang dã, các nhà hàng, quán ăn có thực đơn là động vật hoang dã.

Xanh thêm những góc phố

Theo ghi nhận của PV báo SGGP, từ sự chung tay của người dân TP, nhiều khu phố văn hóa được chăm chút trang hoàng sạch đẹp. Những góc phố xanh đang làm đẹp thêm không gian công cộng trong những ngày đầu năm mới.

Sống gần vườn hoa mới được tạo dựng hơn 1 năm nay, cô Thủy (khu phố 5, phường 6, quận 8) cho biết, 10 năm sống chung với bãi rác khiến cô ám ảnh, giờ đây bãi rác đã được cải tạo thành một vừa hoa xanh mát.

Người dân tích cực chăm sóc mảng xanh tại khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1
Người dân tích cực chăm sóc mảng xanh tại khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1

Kể về vườn hoa, về cái “công viên nhỏ” mà cả khu phố chung tay, chú Phạm Văn Xuyên (60 tuổi, trưởng ban công tác mặt trận khu phố 5, phường 6, quận 8) cho biết, khu vực mấy trăm mét vuông này trước đây là bãi rác tự phát rất lớn, chính quyền nhiều lần dọn dẹp nhưng không được. Nhờ công sức của một số đơn vị tài trợ ra sức san ủi dọn dẹp bãi rác và ủng hộ cây trồng, mới cải tạo thành vườn hoa.

Cũng như khu phố 5, khu phố 7 (phường 3, quận 8) có rất nhiều ngõ hẻm được trang trí những mảng xanh dài khắp hẻm. Ai có đi ngang hẻm 63, gồm 2 hẻm nhỏ nối cùng hẻm 75, cũng phải xuýt xoa: “Hẻm gì mà xanh mướt”. Đi từ đầu hẻm tới cuối hẻm không hề thấy rác, vừa có tranh vẽ vừa có nhiều cây xanh, hoa cỏ trang trí hai bên tường, trước nhà  dân.

Những ngày tết, đi ngang khu phố 6 (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) ai cũng phải trầm trồ bởi khá nhiều con hẻm được trang trí “Góc phố ngày tết năm 2021”. Mỗi góc phố mang một màu sắc riêng biệt, thể hiện sắc xuân rực rỡ đang tràn về. Bên cạnh những hoa mai, hoa đào… là mảng xanh ngay tại con hẻm. Mô hình “Khu phố xanh” ở khu phố 6 được thực hiện từ tháng 7 năm vừa rồi, đến nay các hẻm trở thành niềm vui, niềm tự hào của bà con.

Xa quê vẫn thấy ấm lòng

Hàng chục ngàn công nhân đã được hưởng lợi từ các chương trình chăm lo Tết Tân Sửu do các cấp Công đoàn TPHCM triển khai. Thông tin trên báo Người Lao Động.

Với hàng trăm công nhân (CN) Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Lập Phương, Tết năm nay cũng vô cùng khác biệt, từ thấp thỏm lo lắng không có lương - thưởng Tết, họ đã liên tiếp đón tin vui khi được LĐLĐ quận Gò Vấp hỗ trợ. Ban giám đốc cũng cố gắng xoay xở để kịp ứng lương tháng 1 và 50% thưởng Tết cho CN vào những ngày cuối cùng trong năm. Đây là đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong suốt năm 2020. Đến cuối năm, dù có đơn hàng nhưng tiến độ xuất hàng quá chậm khiến doanh nghiệp (DN) chới với, không thể cân đối tài chính.

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM (trái), lì xì cho công nhân trong chương trình “Chuyến tàu mùa Xuân”. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM (trái), lì xì cho công nhân trong chương trình “Chuyến tàu mùa Xuân”. Ảnh: HỒNG ĐÀO

Theo báo cáo của LĐLĐ TP, đến ngày 13/2, các cấp công đoàn đã vận động và phối hợp các DN tổ chức thăm và tặng 1.651.618 suất quà Tết cho công nhân viên chức lao động (CNVC-LĐ) có hoàn cảnh khó khăn, CN bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo, người lao động bị mất việc làm do DN khó khăn phải thu hẹp sản xuất, tổng kinh phí chăm lo là 253,5 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, số đông CNVC-LĐ chọn ở lại TP ăn Tết nên các cấp CĐ TP đã tăng cường các chương trình phúc lợi đoàn viên và chăm lo cho đoàn viên không về quê... Tiêu biểu là chương trình "Tết sum vầy" đã được 53/53 CĐ cấp trên cơ sở và 2.910 CĐ cơ sở tại các DN tổ chức với các hình thức phong phú như họp mặt tất niên, bữa cơm thân mật, khen thưởng CN có thành tích tốt trong công việc, tổ chức bốc thăm trúng thưởng với các phần quà giá trị…

Song song đó, chương trình "Ngày hội CN - Phiên chợ nghĩa tình" cũng được tổ chức thành công tại 18 địa điểm với trên 270 gian hàng phục vụ nhu yếu phẩm, gạo, quần áo... với mức giá ưu đãi 10% - 50% đã hỗ trợ hơn 20.000 đoàn viên...

ĐH Kinh tế TPHCM xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT nước ngoài

Ngày 18/2, trao đổi với báo Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết trong điều kiện hạn chế giao thông quốc tế và sự bất định do đại dịch COVID-19, sự lựa chọn và quyết định học tập của học sinh đã tốt nghiệp các chương trình THPT nước ngoài chắc chắn có nhiều thay đổi.

"Vì vậy, nhà trường đã bổ sung phương thức tuyển sinh mới nhằm đa dạng hóa các phương thức và đối tượng xét tuyển, tăng thêm cơ hội học tập tại trường cho thí sinh yêu thích và có nhu cầu. Phương thức xét tuyển này chính là sự đồng hành của nhà trường đối với cộng đồng và xã hội để giúp người học không bị gián đoạn", ông Bảo chia sẻ.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM - Ảnh: TỐ NHƯ
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM - Ảnh: TỐ NHƯ

Phương thức xét tuyển này hướng đến đối tượng học sinh đang theo học các chương trình đào tạo THPT của nước ngoài tại trường quốc tế ở Việt Nam (theo danh sách được Bộ GD-ĐT công nhận) hoặc học sinh đã học tập THPT ở nước ngoài nay muốn vào Trường ĐH Kinh tế TPHCM để tiếp tục học tập.

Điều kiện xét tuyển là học sinh đã tốt nghiệp các chương trình THPT nước ngoài và có các chứng chỉ quốc tế đủ điều kiện xét tuyển như chứng chỉ tú tài quốc tế IB (International Baccalaureate), chứng chỉ A-Level của Trung tâm khảo thí ĐH Cambridge, Vương quốc Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK), chứng chỉ BTEC (Business & Technical Education Council, Hội đồng Giáo dục thương mại và kỹ thuật Anh), Level 3 Extended Diploma và các chứng chỉ quốc tế khác như IELTS, TOEFL iBT, SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) và ACT (American College Testing) với các điều kiện và điểm số cụ thể mà trường sẽ công bố rõ trong đề án tuyển sinh.

Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục