Sàng lọc hành khách nhập cảnh tại sân bay
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Chiều 18/3, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP đã tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP phối hợp Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và các đơn vị liên quan lấy mẫu của hành khách về từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch khi nhập cảnh tại sân bay để xét nghiệm Covid-19.
Nếu xảy ra ùn tắc tại cửa khẩu, việc lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện tại các cơ sở cách ly tập trung. Nếu phát hiện trường hợp dương tính hoặc nghi ngờ, cần chuyển ngay mẫu bệnh phẩm đến Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh để làm xét nghiệm khẳng định.
Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2: chuyển ngay đến cơ sở y tế để được cách ly, điều trị kịp thời. Trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính, cần tiếp tục cách ly tập trung đủ 14 ngày.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho rằng cần phải có phương án dự phòng, đảm bảo công suất sử dụng tối đa số giường cách ly là 80%, luôn phải đảm bảo còn ít nhất 20% dự phòng. Cần sự điều phối khéo léo, nhịp nhàng để phân bổ các trường hợp cách ly hợp lý.
Ra mắt buồng khử khuẩn phòng chống dịch bệnh
Thông tin từ Vietnamplus, chiều 18/3, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh) phối hợp cùng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) giới thiệu buồng khử khuẩn nhằm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tấn Tiến, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia điều khiển số và kỹ thuật hệ thống, Trường Đại học Bách khoa, cho biết buồng khử khuẩn được thiết kế cho phép khử khuẩn nhanh trong vòng 30 giây/người.
Thiết kế gồm cảm biến phát hiện người và hơn 60 đầu béc tự động phun cùng lúc; có đèn tín hiệu, hệ thống phun siêu âm 360 độ không gây ướt và giúp khử khuẩn toàn bộ cơ thể với dung dịch khử khuẩn anloyte đã được pha chế và kiểm định yếu tố an toàn khi sử dụng.
“Như vậy, sẽ không làm mất quá nhiều thời gian khi mỗi người đi qua buồng khử khuẩn mà vẫn đảm bảo độ phủ cả người, an toàn và có khả năng phục vụ liên tục số lượng người đông hay ở quy mô lớn,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tấn Tiến khẳng định.
Cấm dừng, đỗ ôtô trên đường Lê Văn Lương (Q.7) và cấm ôtô rẽ trái vào đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.1)
Theo báo Tuổi Trẻ, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP sẽ cấm ôtô dừng, đỗ trên tuyến đường Lê Văn Lương, quận 7 để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tránh ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các hộ kinh doạnh dọc 2 bên tuyến đường.
Cụ thể, Sở GTVT TP thông báo cấm ôtô dừng trên đường Lê Văn Lương, phường Tân Hưng, quận 7 từ 6h-9h và từ 16h-20h, đồng thời cấm đỗ xe từ 9h-16h và từ 20h-6h. Thời gian thực hiện từ ngày 21/3.
Sở GTVT TP giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ có trách nhiệm khẩn trương triển khai lắp đặt biển báo, treo băng rôn thông báo thời gian thực hiện trước cho người dân nắm rõ.
Cũng từ ngày 21/3, Sở GTVT sẽ thực hiện cấm toàn bộ ôtô (ngoại trừ xe buýt) rẽ trái từ đường Tôn Đức Thắng vào đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.1) trong khoảng từ 6h - 9h và từ 16h - 20h để giảm bớt áp lực giao thông.
Lỡ “cơ hội vàng” nâng cấp đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất
Nội dung này được phản ánh trên báo Thanh Niên ngày 19/3.
Sự “vắng lặng” tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất do dịch Covid-19 đang là cơ hội vàng để đẩy nhanh sửa chữa, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại đây. Thế nhưng, dự án nâng cấp, sửa chữa 2 sân bay này sẽ phải tiếp tục chờ thủ tục.
Bộ GTVT từ đầu năm 2018 - 2020 đã nhiều lần có văn bản khẩn cấp đề nghị Chính phủ bố trí vốn để cải tạo, nâng cấp hệ thống đường băng (cất hạ cánh), đường lăn tại cảng hàng không (CHK) quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Lý do, hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn của 2 CHK này đã khai thác vượt tần suất thiết kế, dẫn tới bị xô dịch, gãy vỡ, hằn lún mặt đường, phùi bùn tại các khe co giãn, bong bật, nứt vỡ các tấm bê tông… Đặc biệt, việc tiếp nhận nhiều máy bay thế hệ mới với tải trọng và áp suất bánh hơi lớn như A350-900, B787-9 khiến từ năm 2017 đến nay, hệ thống sân đường khu bay Tân Sơn Nhất bị xuống cấp ngày càng nghiêm trọng.
Dù đơn vị đang quản lý, khai thác là Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV) đã tự bỏ kinh phí để khắc phục tạm thời các điểm hư hỏng, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Theo ACV, nếu không sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường băng, đường lăn, sẽ làm tăng nguy cơ mất an toàn khi khai thác, thậm chí phải đóng cửa đường băng.
Dự án được xem là cấp bách này đã kéo dài hơn 2 năm vẫn chưa được xem xét bố trí vốn. Lý do, đề xuất của ACV sử dụng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp từ chênh lệch thu - chi trong khai thác hạ tầng khu bay không được Bộ Tài chính đồng thuận, vì vướng mắc nhiều luật hiện hành như luật Quản lý, sử dụng tài sản công, luật Ngân sách nhà nước, luật Đầu tư công…
Trong khi đó, việc bố trí vốn ngân sách cho dự án cũng gặp khó, vì dự án không có trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn ngân sách nhà nước của Bộ GTVT, cũng không thuộc danh mục dự kiến sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Tổ chức lại 4 bệnh viện, trung tâm y tế
Báo Pháp Luật TP cho hay: UBND TP đã quyết định tổ chức lại bốn bệnh viện (BV), trung tâm y tế trên địa bàn TP.
Bao gồm: BV huyện Nhà Bè và Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè (trực thuộc UBND huyện Nhà Bè), BV quận Tân Bình (trực thuộc UBND quận Tân Bình), BV quận Phú Nhuận (trực thuộc UBND quận Phú Nhuận). Đây là các đơn vị sự nghiệp y tế công lập được tổ chức lại thành đơn vị trực thuộc Sở Y tế.
Theo đó, BV quận/huyện có chức năng thực hiện sơ cấp cứu, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho các trường hợp bệnh nhân tới khám.
Các BV này cũng có nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân do tuyến trên chuyển về để tiếp tục theo dõi, điều trị. Ngoài ra thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật khám sức khỏe và chứng nhận sức khỏe; tham gia khám giám định y khoa, khám giám định pháp y khi được trưng cầu.
Trung tâm y tế quận/huyện cũng có chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác.
Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe môtô, xe gắn máy
Đó là nội dung thông tin trên báo điện tử Vietnamplus. Theo đó, ngày 18/3, Sở GTVT TP cùng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam đã ký kết Chương trình “Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe môtô, xe gắn máy đang lưu hành hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố, góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí.”
Chương trình này được thực hiện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 12/2020. Đối tượng là xe máy sử dụng từ 5 năm trở lên (không phụ thuộc vào hãng sản xuất).
Nội dung thực hiện Chương trình bao gồm đánh giá hiện trạng phát thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn TP; khảo sát, đánh giá tác động kinh tế xã hội của việc kiểm soát khí thải xe máy tới người dân, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức có liên quan; xây dựng và đề xuất các giải pháp, chính sách để thí điểm kiểm soát khí thải xe máy tham gia giao thông trên địa bàn TP.
Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở để UBND TP đề xuất HĐND TP và Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế cho phép TP. Hồ Chí Minh triển khai thí điểm kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP.
Khẩu trang vải kháng khuẩn được mùa
Từ ngày 16/3, người dân đến các nơi công cộng tập trung đông người như sân bay, siêu thị hoặc trên các phương tiện giao thông công cộng… đều phải đeo khẩu trang. Vậy nên chọn loại khẩu trang nào để đeo trong mùa dịch? Đó là vấn đề mà báo Tuổi Trẻ đưa ra bàn luận trong số ra hôm nay.
Trước thực trạng khẩu trang y tế khan hiếm, đa số người dân hiện nay đã chọn các loại khẩu trang vải để sử dụng. Theo ghi nhận, tại một quầy bán khẩu trang vải trên đường Hoàng Văn Thụ - quận Phú Nhuận, khách hàng liên tục ghé mua khẩu trang. Các loại khẩu trang vải được treo bán có nhiều màu sắc, mẫu mã khác nhau với giá bán trung bình 10.000 đồng/ chiếc.
Tại một quầy bán khẩu trang ở phía ngoài chợ Tân Định (quận 1), chủ cửa hàng cho biết loại khẩu trang kháng khuẩn đang được bán chạy nhất trong những ngày gần đây, cũng với giá 10.000 đồng, được may 4 lớp bằng một loại vải.
Những người bán khẩu trang cho biết, những ngày này họ bán được hàng trăm chiếc khẩu trang. Ngoài những loại thông dụng, trên thị trường còn có khẩu trang vải lọc khuẩn, chống UV vĩnh viễn từ công nghệ hạt cà phê với giá 65.000 đồng/ chiếc, khẩu trang nano chống khuẩn, duy trì tỉ lệ kháng khuẩn sau 30 lần giặt, giá 35.000 đồng/ chiếc…
Theo PGS.TS Lê Thị Anh Thư – chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Thành phố, nên gọi chính xác là khẩu trang vải kháng khuẩn. Loại khẩu trang này sẽ tốt hơn những loại khẩu trang may bằng vải thông thường vì có thêm tính năng diệt được các vi khuẩn, virus bám trên bề mặt của vải.
Vải kháng khuẩn đã được sử dụng từ lâu tại một số quốc gia, ví dụ tại Nhật Bản, vải này được sử dụng để may áo blouse cho nhân viên y tế. Loại vải kháng khuẩn cũng đã được thử nghiệm diệt cả vi khuẩn và virus trên bề mặt vải.