Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 19/6/2020

12:25 19/06/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 19/6/2020:

Quy hoạch thoát nước TP. Hồ Chí Minh từ 650 km2 lên 2.095 km2

Ban cán sự Đảng UBND TP. vừa trình Ban Thường trực Thành ủy TP về điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chính là lập quy hoạch thoát nước đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của TP; làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước ở TP.

Dù trời không mưa, đường Huỳnh Tấn Phát bị ngập nước vì mặt đường thấp hơn triều cường - Ảnh: VĂN BÌNH
Dù trời không mưa, đường Huỳnh Tấn Phát bị ngập nước vì mặt đường thấp hơn triều cường - Ảnh: VĂN BÌNH

Thông tin trên báo Tuổi Trẻ, TP.Hồ Chí Minh hiện đang thực hiện theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP theo quyết định 752 Thủ tướng Chính phủ năm 2001. Quy hoạch này chỉ đề cập việc thoát nước khu vực trung tâm TP bao gồm diện tích 650km2, có nhiều yếu tố không còn phù hợp...

Trong nghiên cứu quy hoạch hệ thống thoát nước mới lần này được mở rộng trên diện tích khoảng 2.095km2 ở 23 quận huyện, trừ huyện Cần Giờ. Như vậy, quy hoạch thoát nước mới được mở rộng tăng hơn 3 lần diện tích so với trước đây.

Ngập nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh - Ảnh: LÊ PHAN
Ngập nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh - Ảnh: LÊ PHAN

Quy hoạch thoát nước mới hướng tới phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa và nước thải từ thu gom, chuyển tải đến xử lý cho từng lưu vực. Quy hoạch thoát nước mưa phải góp phần giảm thiểu và từng bước xóa bỏ tình trạng ngập úng tại đô thị trung tâm TP.Hồ Chí Minh và các đô thị khác trên địa bàn.

Nhiều vấn đề phát sinh thời gian qua cũng sẽ được nghiên cứu trong quy hoạch thoát nước mới như ảnh hưởng biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, lún nền đất tự nhiên của TP.

66 tác phẩm đoạt Giải báo chí TP. Hồ Chí Minh lần thứ 38 năm 2020

Theo báo Công an TP, Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh vừa công bố kết quả Giải báo chí TP. Hồ Chí Minh lần thứ 38 - năm 2020. Qua hai vòng tuyển chọn, Ban giám khảo đã trao giải cho 66 tác phẩm, gồm 5 giải nhất, 15 giải nhì, 21 giải ba và 25 giải khuyến khích. 

Theo Ban Tổ chức, nhiều tác phẩm tham dự Giải Báo chí TP. Hồ Chí Minh lần này được thực hiện công phu, chuyên nghiệp, mang tính phát hiện, tạo được hiệu ứng xã hội tích cực, sức lan tỏa cao; nhiều bài phản ánh những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm...

Lễ trao giải sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 21/6/2020 tại Nhà hát Thành phố. 

Tuyên dương 24 cá nhân đạt giải thưởng "Ngòi bút trẻ" năm 2020

Báo Người Lao Động đưa tin: Sáng 18/6, Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình trao giải thưởng "Ngòi bút trẻ" năm 2020, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6-1925 – 21/6/2020).

24 cá nhân là đoàn viên tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực báo chí năm 2020 được trao giải thưởng "Ngòi bút trẻ". Các cá nhân được tuyên dương không chỉ tốt về chuyên môn mà còn là đoàn viên xuất sắc trong tham gia hoạt động đoàn thể, xã hội và có nhiều bài viết về đời sống thanh thiếu nhi, công tác Đoàn - Hội - Đội của TP.

Bí thư Thành đoàn TP Phan Thị Thanh Phương và Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP Ngô Văn Luận (ở giữa) chúc mừng các cá nhân đạt giải thưởng "Ngòi bút trẻ" năm 2020
Bí thư Thành đoàn TP Phan Thị Thanh Phương và Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP Ngô Văn Luận (ở giữa) chúc mừng các cá nhân đạt giải thưởng "Ngòi bút trẻ" năm 2020

Đáng chú ý, trong số 24 cá nhân đạt giải thưởng kỳ này có 11 cá nhân là đảng viên; 15 cá nhân là cán bộ Đoàn; 13 cá nhân đoạt giải thưởng báo chí cấp TP và 4 cá nhân đoạt giải thưởng báo chí cấp Trung ương.

Theo Bí thư Thành đoàn TP Phan Thị Thanh Phương, giải thưởng "Ngòi bút trẻ" chính là niềm tin và sự kỳ vọng của tổ chức Đoàn, mong muốn các đoàn viên tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực báo chí chuyển tải những thông tin tốt, câu chuyện đẹp và lan tỏa khát vọng của tuổi trẻ TP đến với cộng đồng, góp phần xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Hỗ trợ văn nghệ sĩ gặp khó khăn vì dịch Covid-19

Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh đồng ý hỗ trợ 151 văn nghệ sĩ khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/người, thời gian hỗ trợ là 3 tháng (tháng 4, tháng 5 và tháng 6). Sở VH -TT TP cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam TP được giao phối hợp thực hiện. Đó là thông tin trên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Thường trực UBND TP cũng đồng ý kế hoạch tổ chức sự kiện “Thành phố Hồ Chí Minh” kỷ niệm 44 năm Ngày thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dự kiến sự kiện diễn ra trong 6 ngày, từ 27/6 đến 2/7 tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1.

Tổng kiểm soát phương tiện làm kéo giảm tai nạn giao thông

Báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay, trong đợt ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ở TP. Hồ Chí Minh thì tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn Thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông được kéo giảm.

Tổng kiểm soát phương tiện làm kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn
Tổng kiểm soát phương tiện làm kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn

Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) cho biết, trong thời gian diễn ra cao điểm tổng kiểm soát phương tiện, trên địa bàn thành phố xảy ra 41 vụ tai nạn giao thông (TNGT) từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 36 người chết, 10 người bị thương. So với cùng kỳ giảm 23 vụ (-36%), giảm 27 người chết (-43%), giảm 04 người bị thương (-29%).

Một số lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT như: Lưu thông không đúng phần đường, không chú ý quan sát,vi phạm tốc độ, chuyển hướng không đúng quy định, không giữ khoảng cách an toàn,vi phạm quy định về nồng độ cồn…

CSGT nộp Kho bạc nhà nước số tiền trên 18,5 tỷ đồng
CSGT nộp Kho bạc nhà nước số tiền trên 18,5 tỷ đồng

Trong công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT TP đã tiến hành tổng kiểm soát 72.344 trường hợp, xử lý 53.795 trường hợp, tạm giữ 4.793 phương tiện gồm: 14 ô tô khách, 2 container, 10 ô tô tải, 92 ôtô con, 4.527 mô tô, 148 phương tiện khác, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 4.138 trường hợp, nộp Kho bạc nhà nước số tiền trên 18,5 tỷ đồng.

248 doanh nghiệp tạm dừng đóng BHXH

Theo báo Pháp Luật TP, hiện tại, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạm dừng đóng BHXH đối với doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP, cho biết: Việc tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với DN gặp khó khăn do dịch Covid-19 rơi vào các DN có từ 50% số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc trở lên, hoặc bị giảm trên 50% nguồn thu nhập của DN.

Tính đến thời điểm hiện nay thì đã có 248 đơn vị được tạm dừng đóng BHXH với số tiền khoảng 70 tỉ đồng.

BHXH TP dự kiến có 2.000 DN tại TP.Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được tạm dừng đóng BHXH với số tiền khoảng 800 tỉ đồng.

Tìm hướng mới về quản lý vỉa hè

Vỉa hè, lòng đường tại TP. Hồ Chí Minh được phép tổ chức kinh doanh cùng nhiều hoạt động ngoài chức năng giao thông, song phải có giấy phép và đóng phí. Đó là nội dung bài viết được đăng tải trên báo Người Lao Động.

Theo đó, tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quyết định ban hành quy định quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP do Ủy ban MTTQ TP tổ chức ngày 18/6, nhiều ý kiến nói thẳng những tồn tại hiện nay trong quản lý trật tự lòng, lề đường cũng như giải pháp xây dựng và hoàn thiện đề án quản lý.

Cho kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè ngoài việc phải có giấy phép và đóng phí thì phải bảo đảm không gian còn lại cho người đi bộ
Cho kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè ngoài việc phải có giấy phép và đóng phí thì phải bảo đảm không gian còn lại cho người đi bộ

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng đường bộ Sở Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết dự thảo mới bao gồm một số nội dung chính trong việc tăng cường bảo đảm an toàn cho người đi bộ trên vỉa hè, đặc biệt là những khu vực có công trình đang thi công, giao lộ đông người... Đồng thời cũng nêu giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành sử dụng tạm một phần lòng đường, hè phố, đồng thời qua nhiều hình thức quản lý như xã hội hóa đầu tư, khai thác, cho thuê, thu phí sử dụng...

Tuy nhiên, ông Ngô Hải Đường cũng nói rõ nếu muốn sử dụng tạm một phần vỉa hè thì mọi hoạt động phải bảo đảm chiều rộng chừa lại tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ. Còn đối với những tuyến sử dụng tạm một phần lòng đường cũng phải chừa lại tối thiểu đủ bố trí 2 làn ôtô cho một chiều lưu thông...

Đặc biệt, tất cả hoạt động sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè phải đóng phí cũng được quy định cụ thể, bao gồm cả việc tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên truyền hay điểm giữ xe, trung chuyển vật liệu, phế thải cùng hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hóa... Tất cả những vấn đề này khi muốn hoạt động đều phải được cấp giấy phép.

TS Trịnh Văn Chính, Trường Đại học GTVT TP, cũng nêu: Cần quy định và ràng buộc trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý, đồng thời cần phân cấp cụ thể và tránh các vấn đề không đồng bộ hiện nay. Ông Chính đề xuất nên cấp phép cho người buôn bán hàng rong như quy hoạch lại các khu vực và thời gian hoạt động rõ ràng. Việc này sẽ giúp người buôn bán hàng rong yên tâm và có trách nhiệm hơn.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP, trong quản lý lòng đường, hè phố hiện nay thực tế có tình trạng cán bộ "bảo kê". Đa phần người vi phạm, lấn chiếm hè phố không được cấp phép và nhiều trường hợp chỉ cần chi trả "lệ phí ngoài" là mua được vị trí vỉa hè làm nơi kinh doanh, giữ xe... Vì vậy, cần siết chặt việc quản lý trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, lạm quyền...

Chưa thể có 100% mặt bằng metro số 2 trong tháng 6

Theo báo Pháp Luật TP, trong tháng 6, các quận chưa thể bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư để tiến hành triển khai tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương).

Trong các cuộc họp về tiến độ giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP, yêu cầu các quận có tuyến metro số 2 đi qua phải cơ bản bàn giao mặt bằng trong tháng 6.

Tuy nhiên, đến nay dự kiến khả năng bàn giao mặt bằng cho tuyến metro số 2 chỉ đạt khoảng 60%. Trong đó, một số quận đã xong thủ tục bồi thường và bắt đầu nhận bàn giao mặt bằng từ người dân. Điển hình, hôm nay (19/6), UBND quận Tân Bình sẽ bàn giao khu đất xung quanh ga Tân Bình và ga ngầm khu đường Phạm Văn Bạch cho Ban Quản lý đường sắt đô thị TP (MAUR).

Sơ đồ các nhà ga tuyến metro số 2. Đồ họa: HỒ TRANG
Sơ đồ các nhà ga tuyến metro số 2. Đồ họa: HỒ TRANG

MAUR cho biết về nguyên tắc, đơn vị chỉ nhận bàn giao mặt bằng sạch từ các quận thì mới tiến hành khởi công dự án. Nếu trong tháng 6 các quận không thể bàn giao 100% mặt bằng thì MAUR cũng chưa thể khởi công dự án theo dự kiến.

Cũng theo MAUR, quận 3 là một trong những địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng nhanh, song khâu cập nhật giá đất hiện nay hơi chậm khiến các quận khác bị ảnh hưởng.

MAUR cũng lường trước trường hợp các quận không thể bàn giao mặt bằng 100% thì đơn vị sẽ không thể tiến hành thủ tục song song khác (bao gồm công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, điện nước, viễn thông). Tuy nhiên, nếu nhà ga nào ổn thì sẽ tiến hành di dời hạ tầng kỹ thuật trước. Đồng thời, đơn vị này sẽ tiến hành công tác đấu thầu và triển khai đồng bộ từ quý III/2020.

Sang quý III/2021, MAUR sẽ tiến hành ký hợp đồng với các nhà thầu chính, sau đó chính thức khởi công các hạng mục chính.

Trước đó, UBND các quận cũng hứa theo tiến độ đến tháng 6 sẽ xong các thủ tục và tiến hành bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc bàn giao mặt bằng còn nhiều khó khăn. Thủ tục chi trả bồi thường trong tháng 6 sẽ xong nhưng việc bàn giao thì có thể kéo dài hơn.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục