Tuyên dương 53 cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân trẻ, giỏi tiêu biểu
Thông tin từ Vietnamplus, kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945-19/8/2020) và 15 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005- 19/8/2020), chiều 18/8, Thành Đoàn TPHCM và Công an TPHCM tổ chức tuyên dương các gương cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân trẻ, giỏi, tiêu biểu của TP năm 2020.
Năm nay, Ban tổ chức đã chọn 53 hồ sơ từ 59 đề cử của Đoàn Thanh niên Công an TP và 24 quận, huyện Đoàn trên địa bàn để trao tặng bằng khen.
Đây là những cán bộ, chiến sỹ có phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật tốt; tham gia tích cực các hoạt động tình nguyện tại đơn vị; là điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào thi đua “Thanh niên Công an nhân dân học tập; thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy” và Chỉ thị 03 của Bộ Công an về “Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ."
Chị Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành đoàn TPHCM cho biết chương trình tuyên dương “Cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân trẻ, giỏi, tiêu biểu” là hoạt động hằng năm của TP nhằm biểu dương các cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân trẻ, có nhiều thành tích xuất sắc trong bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động đoàn, tình nguyện vì cộng đồng.
Các cán bộ, chiến sỹ công an được tuyên dương là những minh chứng sống động cho sức lan tỏa mạnh mẽ của các phong trào thi đua trong lực lượng công an nhân dân.
Lịch học, nghỉ tết năm học 2020-2021
Báo Pháp Luật TP đăng tải lịch học, nghỉ tết năm học 2020-2021 của học sinh trên địa bàn TPHCM.
Các trường Đại học tạo điều kiện cho sinh viên bị kẹt tại vùng có dịch
Theo báo Tuổi Trẻ, năm học mới 2020-2021 của các trường ĐH ở TP. Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2020 nhưng hàng ngàn sinh viên vẫn đang mắc kẹt tại các địa phương có dịch Covid-19, chưa thể trở lại trường.
Theo quy định của Bộ Y tế, những người trở về từ vùng dịch Covid-19 phải khai báo y tế và tự cách ly 14 ngày. Điều này khiến nhiều sinh viên đang nghỉ hè ở quê nhà hoặc đến vùng dịch rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Sinh viên được đo thân nhiệt trước khi vào lớp. Ảnh: Thanh Hưng
Trước vấn đề trên, nhiều trường ĐH tại TP. Hồ Chí Minh đều tạo điều kiện giải quyết cho sinh viên hoãn thi các học phần đăng kí học trong học kì II năm học 2019-2020 và hủy học phần đã đăng kí do phải thực hiện cách ly trong đợt dịch Covid-19 hiện nay.
Trường ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh cũng vừa ra thông báo việc tổ chức nhập học năm 2020-2021 và triển khai các quy định phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, nhà trường tổ chức tuần sinh hoạt công dân-sinh viên cho sinh viên khóa 2019 trở về trước theo hình thức học trực tuyến, không tập trung trên giảng đường trong khoảng thời gian từ 24/8 đến 31/8.
Truy quét người nhập cảnh trái phép
Ngày 18/8, các quận - huyện ở TPHCM bắt đầu tăng cường công tác kiểm tra nhân khẩu, khai báo tạm trú tạm vắng tại các khách sạn, nhà trọ, khu vực công cộng trên địa bàn nhằm sớm phát hiện, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép, đặc biệt là người nước ngoài theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.
Theo ghi nhận của báo Tiền Phong, quận Tân Bình đã yêu cầu lực lượng công an quận rà soát, kiểm tra các trường hợp khai báo tạm trú, tạm vắng, đặc biệt là tại các khách sạn, nhà trọ…
11 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bị phát hiện tại quận Tân Phú
Bà Nguyễn Thị Hồng Tiến, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết, các cơ quan chức năng quận vừa phát hiện 8 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Nhóm người này di chuyển bằng ô tô từ các tỉnh phía Bắc vào TPHCM và bị phát hiện, đưa đi cách ly tập trung. Kết quả xét nghiệm 8 người Trung Quốc 3 lần đầu đều âm tính. Đến lần xét nghiệm thứ 4 thì một người có kết quả dương tính (bệnh nhân 912).
Tại quận 2, chính quyền địa phương tăng cường rà soát các trường hợp khai báo lưu trú, tạm trú, đồng thời tổ chức cho người phiên dịch phối hợp với cán bộ đến các chung cư, khu dân cư có người nước ngoài đang sinh sống để tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch Covid-19. Mới đây, địa phương đã phát hiện 2 người Campuchia và 8 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào TP và đã làm thủ tục cách ly tập trung.
Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP cho biết, số người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào TP đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua. Để kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép, Công an TP đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan ban ngành của các quận - huyện tăng cường kiểm tra tạm vắng tạm trú. Lực lượng công an cũng thường xuyên tuyên truyền đến người dân, các chủ nhà trọ, nhà cho thuê kịp thời phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng những trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép để xử lý theo quy định.
Thu giá dịch vụ thoát nước giai đoạn này là chưa phù hợp
Theo báo Thanh Niên, trong văn bản vừa gửi UBND TP và Sở Xây dựng TP, Hiệp hội Bất động sản thành phố (HoREA) đề nghị UBND TP xem xét, chưa nên áp dụng “giá dịch vụ thoát nước” (gồm phí bảo vệ môi trường đối với nước thải) trong năm 2020 theo đề xuất của Sở Xây dựng, mà nên giữ nguyên mức thu bằng 10% giá nước sạch như năm 2019, để giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình trong tình hình đại dịch hiện nay.
HoREA phân tích, kể từ năm 2016, người sử dụng nước sạch đã nộp “phí bảo vệ môi trường đối với nước thải” tính bằng 10% trên giá nước sạch, theo Quyết định số 24 của UBND TP, khi xả nước thải thì phải thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo vệ môi trường, góp phần bổ sung nguồn ngân sách nhà nước về xử lý nước thải.
TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng phương án thu giá thoát nước giai đoạn 2020 - 2024. Ảnh: Ngọc Dương
Bên cạnh đó, trong hơn 20 năm qua, các dự án nhà ở thương mại (cả nhà thấp tầng và nhà chung cư) đều phải xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định và bàn giao tài sản này cho cơ quan chuyên ngành quản lý vận hành.
Nhưng hiện nay, có một số dự án chưa bàn giao được công trình xử lý nước thải sinh hoạt cho cơ quan chuyên ngành, nên người dân trong các dự án này đã phải trả chi phí xử lý nước thải 2 lần: Một là trả chi phí cho chủ đầu tư để vận hành trạm xử lý nước thải; Hai là đóng “phí bảo vệ môi trường” thông qua trả tiền nước sạch.
Mặt khác, trong tình hình đại dịch Covid-19 còn đang diễn biến khó lường, đa số người dân bị tác động rất lớn, một bộ phận bị thiếu việc làm, bị thất nghiệp, bị giảm thu nhập, thậm chí bị mất thu nhập, phải chi tiêu dè sẻn, nên việc đề xuất tăng thu phí xử lý nước thải trong năm nay chưa thật phù hợp.
Nghiên cứu đầu tư mở rộng cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây
Vietnamplus đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải vừa giao Tổng công ty Cửu Long tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường TPHCM-Long Thành-Dầu Giây trình Bộ trong đầu quý 4/2020 làm cơ sở xem xét, đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, giai đoạn 2021-2030, nghiên cứu quy mô đầu tư từ 8 đến 10 làn xe đoạn từ nút giao An Phú đến Long Thành, riêng đoạn từ Long Thành-Dầu Giây giữ nguyên quy mô 4 làn xe.
Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu trong nghiên cứu phải làm rõ quy mô và trách nhiệm đầu tư đối với các nút giao An Phú, đường vành đai 2, đường vành đai 3, Quốc lộ 51.
Vụ Kế hoạch và Đầu tư được giao tham mưu bố trí vốn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án để triển khai và chủ trì phối hợp với địa phương. Các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu phương án tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, trong đó lưu ý phương án đầu tư đường trên cao (trong trường hợp không cho phép mở rộng quỹ đất) đoạn từ TPHCM đi Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Phương tiện lưu thông đoạn Vành đai 2 đến Quốc lộ 51 đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây dài 55km, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, gồm 4 làn xe, chiều rộng nền đường 27,5m với vốn đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng.
Tuyến đường được khởi công xây dựng vào năm 2009 và hoàn thành, đưa vào khai thác từ 2015 giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TPHCM với các vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, nâng cao tốc độ chạy xe, giảm thời gian, chi phí vận chuyển, đẩy mạnh giao thương giữa TPHCM và các vùng lân cận, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong khu vực.
Tạm giữ 1 triệu găng tay, 3 triệu khẩu trang không rõ nguồn gốc
Báo Lao Động cho hay, ngày 18/8, lực lượng quản lý thị trường TPHCM đã phối với Cục nghiệp vụ Tổng cục QLTT kiểm tra 5 cơ sở sản xuất và kho chứa hàng, phát hiện và thu giữ hơn 1 triệu găng tay, hơn 3,2 triệu khẩu trang; 1.214 kg nẹp nhựa, dây thun, vải không dệt,...Hiện lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng trên để điều tra, xử lý theo quy định.
Theo đó, vào ngày 17/8, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường TP tiến hành kiểm tra tại 5 cơ sở gồm: hai nhà máy sản xuất VINA FACE MASK Tân Phú ở đường Tân Kỳ Tân Quý, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú và VINA FACE MASK miền Nam tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân; Công ty Trách nhiệm hữu hạn HDPRO LAND ở đường Bát Nàn, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 và hai kho chứa hàng của Công ty này tại số 49 đường 101 và tại số 1 đường số 84A, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2.
Khẩu trang, găng tay bị tạm giữ. Ành: Cơ quan chức năng cung cấp
Cụ thể, tại Công ty TNHH HDPRO LAND có địa chỉ ở số 18C đường Bát Nàn (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2), tại thời điểm kiểm tra, công ty đang kinh doanh khẩu trang, găng tay các loại do Việt Nam sản xuất. Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 97.000 chiếc khẩu trang 4 lớp, hơn 166.000 cái găng tay hiệu Vina Glove vi phạm về nhãn mác hàng hóa, chưa cung cấp đầy đủ chứng từ, có dấu hiệu kém chất lượng, phế phẩm đã qua sử dụng.
Kiểm tra tiếp tại 2 điểm chứa hàng hóa của Công ty TNHH HDPRO LAND nằm trên đường 101 và đường số 84A (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2), lực lượng tạm giữ hơn 637.000 cái găng tay và 190.000 cái khẩu trang không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu kém chất lượng và vi phạm về nhãn hàng hóa.
Găng tay bị tạm giữ. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn kiểm tra hai nhà máy sản xuất VINA FACE MASK tại quận Tân Phú và quận Bình Tân phát hiện hơn 787.000 cái khẩu trang và gần 270.000 cái găng tay các loại ghi không đúng nơi sản xuất và chưa xuất trình đầy đủ hồ sơ, chứng từ có liên quan đến hàng hóa.
Tổng cộng, hơn 1 triệu găng tay, hơn 3,2 triệu khẩu trang; 1.214 kg nẹp nhựa, dây thun, vải không dệt; 4.560 vỏ thùng carton, vỏ hộp bị tạm giữ. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng mở rộng điều tra.
Thêm trường hợp hiến tạng và ghép tạng thành công ở Bệnh viện Chợ Rẫy
Ngày 18/8, thông tin từ Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận một trường hợp hiến tạng và đã ghép thành công hai giác mạc cho hai người bị sẹo giác mạc lâu năm. Nội dung đăng tải trên Vietnamplus.
Tiến sỹ, bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, cho biết trưa 12/8, đơn vị này tiếp nhận thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia về bệnh nhân nam (64 tuổi) bị chết não sau tai nạn lao động, đang được điều trị tại Bệnh viện Quân y 175. Trước đó, bệnh nhân có tâm nguyện hiến tạng sau khi qua đời. Khoảng 17 giờ ngày 12/8, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức Cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy).
Ngay lập tức các bác sỹ đã tiến hành song song hai quy trình, vừa tiếp tục hồi sức, đánh giá tình trạng bệnh lý, tìm kiếm cơ may cứu sống người bệnh vừa thực hiện đánh giá chức năng các mô, tạng.
Sau nhiều lần Hội đồng chuyên môn đánh giá bệnh nhân đã hoàn toàn chết não, các bác sỹ quyết định chỉ sử dụng hai giác mạc để ghép cho người khác.
Kiểm tra thị thực cho bệnh nhân sau 4 ngày được ghép giác mạc từ người hiến tặng. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Tối 13/8, bệnh nhân được phẫu thuật lấy giác mạc và trưa 14/8, hai phụ nữ (67 tuổi và 53 tuổi) - đều là những trụ cột trong gia đình - đã được phẫu thuật ghép giác mạc thành công. Các bác sỹ đánh giá 4 ngày sau phẫu thuật, thị lực của cả hai bệnh nhân đều có cải thiện đáng kể.
Bác sỹ Ngô Văn Hồng, Trưởng Khoa Mắt (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết hai ca phẫu thuật ghép giác mạc được thực hiện trong bối cảnh bệnh viện đang áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ người bệnh trong mùa dịch Covid-19 nên mọi quy trình tiếp nhận, ghép tạng được tuân thủ chặt chẽ.
Đầu tiên, người hiến tặng được xét nghiệm Covid-19, sau đó người ghép cũng phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt.
Đặc biệt, trong quá trình được điều trị sau ghép, bệnh nhân phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép khiến nguy cơ có thể bị các loại virus xâm nhập rất cao. Do đó, các bệnh nhân luôn được bảo vệ một cách tối đa bằng cách ở phòng cách ly sau ghép, kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Theo thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy), đơn vị này đã tiếp nhận 16.000 đơn đăng ký hiến tạng sau khi qua đời, chiếm trên 50% số đơn đăng ký trên toàn quốc.
Tính đến nay có 36 trường hợp hiến tạng sau khi chết não và ngừng tim đã mang lại sự sống cho hàng trăm người bệnh khác.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai