Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 20/12/2019

11:38 20/12/2019

Trung tâm Báo chí TP tổng hợp một số thông tin nổi bật liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 20/12/2019:

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Thanh Sơn chụp hình lưu niệm cùng cán bộ, nhiên viên Sở Ngoại vụ TP/Thanhuytphcm.vn
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Thanh Sơn chụp hình lưu niệm cùng cán bộ, nhiên viên Sở Ngoại vụ TP/Thanhuytphcm.vn

Đẩy mạnh việc quan hệ hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với địa phương của các nước

Sáng 19/12, Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2020. 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động đối ngoại của TP có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của TP. Thành phố đã xác định 4 nhóm chương trình xây dựng phát triển TP. Hồ Chí Minh với gần 40 chương đề mục, chương trình nhỏ trong đó gần 60% là liên quan đến hợp tác quốc tế. 

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, cần đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các địa phương các nước, nhất là địa phương của các nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam; thu hút các nhà đầu tư lớn, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Để thực hiện hiệu quả các chương trình hợp tác quốc tế cần hiểu được thế mạnh, khả năng hợp tác của các đối tác, doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài để khi TP thực hiện các chương trình, đề án để có thể mời các đối tác nước ngoài cùng thực hiện.

(Theo Thanhuytphcm.vn).

Tiếp quản Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Nhơn Trạch

Báo Người Lao động cho hay: Bộ đội biên phòng (BĐBP) TP. Hồ Chí Minh vừa chính thức quản lý Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Nhơn Trạch (tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) - một vị trí quan trọng về an ninh trật tự với lưu lượng phương tiện qua lại đông đúc - từ BĐBP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

BĐBP TP HCM và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bàn giao nhiệm vụ quản lý Trạm biên phòng cửa khẩu cảng Nhơn Trạch/NLĐO
BĐBP TP HCM và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bàn giao nhiệm vụ quản lý Trạm biên phòng cửa khẩu cảng Nhơn Trạch/NLĐO

Thành lập từ năm 2011, Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Nhơn Trạch quản lý 11 bến cảng nằm dọc sông Lòng Tàu, thuộc địa bàn 2 xã Phú Đông và Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch); và một phần cảng tổng hợp tỉnh Bình Dương. Theo quyết định của Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP TP. Hồ Chí Minh chính thức tiếp quản đơn vị trên; chịu trách nhiệm quản lý về tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ.

Xử lý triệt để tình trạng hàng dỏm

“Nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp làm ăn chân chính và nền kinh tế của đất nước, chúng ta phải quyết tâm xử lý triệt để tình trạng hàng dỏm”, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh tại Hội nghị đánh giá công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý, diễn ra ngày 19/12. 

Lô hàng giả mạo, hàng nhái thương hiệu bị Quản lý Thị trường TPHCM phát hiện, tạm giữ trong năm 2018/SGGP
Lô hàng giả mạo, hàng nhái thương hiệu bị Quản lý Thị trường TPHCM phát hiện, tạm giữ trong năm 2018/SGGP

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cũng yêu cầu các ngành trên địa bàn cần có quy chế phối chặt chẽ, mở chiến dịch để xử lý triệt để tình trạng hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả hàng ngày càng hoành hành. Trong đó, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, thanh tra chuyên ngành, quận huyện; thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng cùng tham gia công tác chống hàng dỏm.

Ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, địa bàn nào để xảy ra tình trạng hàng dỏm mà lãnh đạo nói không biết thì phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.

Trên tinh thần này, thành phố yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường tấn công truy quét hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả với quy mô lớn.

(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng).

TP. Hồ Chí Minh tiến tới đấu thầu các tuyến xe buýt

Đó là nội dung được đăng tải trên báo Tuổi trẻ. Theo bài viết, trong thời gian qua, TP đã dành sự quan tâm rất lớn cho phát triển vận tải hành khách công cộng. Mỗi năm ngân sách cấp khoảng 1.000 tỷ đồng trợ giá cho xe buýt. Thế nhưng từ năm 2012 – đỉnh điểm của thời “hoàng kim” xe buýt có 305 triệu lượt khách, đến năm 2018 chỉ còn 194 triệu lượt khách và năm 2019 tình hình cũng không mấy khả quan khi 8 tháng đầu năm, sản lượng khách tiếp tục lao dốc, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

Về nguyên nhân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP nhìn nhận hạ tầng giao thông hiện nay rất khiêm tốn, đường nhỏ… Theo thống kê, tại TP có tới 70% tuyến đường dưới 5m nên việc tổ chức cho người dân tiếp cận trạm xe buýt có bán kính 500 – 700m rất khó. Còn về thời gian, có những tuyến xe buýt có thời gian lưu thông cả 1 tiếng, không thể đáp ứng nhu cầu đi nhanh cho người dân.

Giữa năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định 32/2019 về giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách, có hiệu lực từ 1/6/2019. Do vậy, sắp tới công tác đặt hàng, đấu thầu xe buýt phải thực hiện theo nghị định này, trong đó nếu chỉ có một nhà đầu tư đăng ký vẫn được thực hiện theo phương thức đặt hàng.

Toàn TP hiện có 136 tuyến xe buýt, trong đó 98 tuyến có trợ giá và 38 tuyến không trợ giá. Có tới 57 tuyến được đầu tư xe mới, đang được hỗ trợ lãi vay theo đề án thay xe buýt mới và 2 tuyến khác đã được Sở GTVT chấp thuận chủ trương đầu tư. Vì vậy, Sở GTVT kiến nghị cho phép 57 tuyến nêu trên chưa thực hiện hình thức đấu thầu trong năm 2020 mà sẽ thực hiện đến khi kết thúc thời gian hỗ trợ lãi vay. Còn 4 tuyến sắp hết thời gian khấu hao xe mới và 36 tuyến chưa đầu tư sẽ tiến tới đấu thầu cung cấp dịch vụ vận chuyển trong năm tới. Tuy nhiên, Sở GTVT TP cũng cho biết, trong trường hợp không chọn được nhà thầu, hoặc không có nhà đầu tư tham gia sẽ tiếp tục thực hiện theo phương thức đặt hàng.

Lý do dừng dự án BOT cầu Tân Kỳ Tân Quý

Theo ghi nhận của báo Pháp luật TP, chiều 19/12, tại dự án cầu mới Tân Kỳ Tân Quý đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng. Các máy móc dùng để thi công nằm bao gọn trong rào chắn. Trong thời gian chờ xây dựng cầu mới, người dân đi trên hai cầu sắt tạm hai bên. Tuy nhiên, vào giờ tan tầm, lượng xe lưu thông qua khu vực lớn, diện tích mặt cầu sắt nhỏ hẹp khiến các phương tiện di chuyển khó khăn.

Người dân lưu thông qua hệ thống cầu sắt tạm tại dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý. Ảnh: THU TRINH/PLO
Người dân lưu thông qua hệ thống cầu sắt tạm tại dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý. Ảnh: THU TRINH/PLO

Người dân khu vực cho hay thông thường hướng xe từ quốc lộ 1 quẹo phải cùng với lượng xe từ đường Tân Kỳ Tân Quý đi thẳng ra quốc lộ hay xung đột ở vị trí cầu hướng ra quốc lộ nên gây ùn tắc giao thông.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho hay, năm 2017, UBND TP phê duyệt dự án đầu tư xây dựng bổ sung cầu mới Tân Kỳ Tân Quý thuộc dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc, chủ đầu tư là Công ty IDICO-IDI.

Cuối năm 2017, công trình được khởi công, dự kiến hoàn thành trong quý IV-2018. Hiện nay khối lượng công việc xây lắp dự án đã đạt khoảng 70%. Tuy nhiên, dự án bị vướng mặt bằng vì UBND quận Bình Tân đang thực hiện phê duyệt giá T2 nên công trình đã tạm ngưng thi công từ tháng 12/2018 đến nay.

Nói về những vấn đề khó khăn nhất hiện nay của dự án, Sở GTVT cho biết: Đối với phụ lục hợp đồng đã ký kết, nhà đầu tư đã thực hiện khoảng 70% khối lượng công việc xây lắp. Về GPMB, quận Bình Tân cũng cơ bản hoàn thành về thủ tục. Như vậy, các khoản mục mà nhà đầu tư chưa thực hiện là ứng bồi thường GPMB và khối lượng công việc xây lắp khoảng 30% (gồm đường dẫn cầu, đường gom, thoát nước, tổ chức giao thông, chiếu sáng, cây xanh).

Theo đó, Sở GTVT phân tích nếu tiếp tục thực hiện phụ lục hợp đồng đã ký và thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ sẽ không phù hợp với nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết 437/UBTVQH14). Tuy nhiên, nếu chấm dứt thực hiện phụ lục hợp đồng đã ký thì TP cần xem xét, thực hiện điều khoản chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Đồng thời TP tiếp tục thực hiện hoàn tất công tác bồi thường GPMB, công tác đầu tư phần khối lượng còn lại của dự án.

Bên cạnh đó, công tác bồi thường GPMB hiện nay đã chậm so với tiến độ và dự kiến hoàn thành trong quý I/2020. Nếu tiếp tục chờ hoàn tất công tác bồi thường GPMB, thi công và thu phí sẽ phát sinh thêm lãi vay (đặc biệt là từng khoản vốn ứng bồi thường GPMB), kéo dài thời gian thu hoàn vốn đầu tư.

Ngoài ra, nếu sử dụng nguồn vốn thu phí dự án BOT để hoàn vốn đầu tư thì phải dựa trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc công bằng đối với người dân xung quanh khu vực dự án.

Từ những khó khăn trên, Sở GTVT kiến nghị UBND TP đề xuất không tiếp tục thực hiện đầu tư cầu mới Tân Kỳ Tân Quý theo hình thức bổ sung hợp đồng BOT dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc, chấm dứt phụ lục hợp đồng đã ký kết.

Sở GTVT cũng kiến nghị UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính tham mưu bố trí vốn ngân sách TP để thanh toán hoàn trả chi phí đã đầu tư và tiếp tục thực hiện phần khối lượng dở dang còn lại. Trước mắt Sở GTVT kiến nghị TP bố trí vốn cho dự án bồi thường GPMB khoảng 88 tỉ đồng từ ngân sách TP để kịp hoàn tất trong quý I/2020.

Khổ vì … rác “quá khổ”

Tiễn một bộ sofa cũ phải chi 700.000 đồng, bỏ đi một cái nệm cũ phải chi 250.000 đồng… Những món rác lớn này đang là nỗi vất vả, khó khăn cho cả quy trình của những người thu gom, xử lý rác…

Trên chuyên mục “Người trong cuộc” của báo Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến về vấn đề này:

Nệm và những vật dụng cồng kềnh bị người dân vứt bên lề đường tại Q.Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN/TTO
Nệm và những vật dụng cồng kềnh bị người dân vứt bên lề đường tại Q.Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN/TTO

Ông Nguyễn Văn Sáng – Giám đốc HTX vệ sinh môi trường Thống Nhất, quận Bình Thạnh, cho biết “thực tế có những bải rác vô chủ do các xe ba gác chở các loại tủ ghế từ nhà dân đến đổ ở đây. Khi đồng ý thu gom các loại rác quá khổ này, anh em rác dân lập chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều anh em mất thời gian xử lý, không kịp thời gian thu gom rác sinh hoạt. Việc thương lượng phí dọn các loại rác này chưa có mức đơn giá cụ thể, nhiều người không hiểu cho rằng chúng tôi thu tiền quá cao, không thương lượng được đành phải từ chối thu gom”.

Ông Nguyễn Văn Thụ - Phó Giám đốc Xí nghiệp vận chuyển số 1 TP. Hồ Chí Minh thì cho rằng: cứ vào dịp lễ tết, nhiều rác thải cồng kềnh đến trạm trung chuyển nhiều hơn. Các trạm trung chuyển không phí riêng loại rác này, coi đó là rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, nhiều thức quá lớn, chúng tôi phải cho công nhân, xe ép rác để xử lý và đôi bên sẽ tự thỏa thuận chi phí hợp lý để cùng xử lý…”

Trong khi đó, chị Bạch Tuyết ở quận Phú Nhuận lại chia sẻ: “Tháng trước, tôi cần bỏ một chiếc nệm cũ. Tôi gọi một người thu gom rác thải và chúng tôi thỏa thuận mức phí dọn tấm nệm này là 250.000 đồng. Lần khác, nhà tôi bỏ đi cái tủ cũ. Chúng tôi đã gỡ và bỏ vào hai bao nhưng vẫn phải trả 150.000 đồng. Giá cả thỏa thuận thường dựa trên ước tính khối lượng kích thước cụ thể chứ không có cân đo gì. Giá bao nhiêu cũng chấp nhận chứ biết bỏ đi đâu!”.

Liên quan đến vấn đề này, theo đại diện sở Tài nguyên và Môi trường TP, trước nay việc thu gom loại rác cồng kềnh như bàn, tủ, giường,… cũng được coi như là rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên do rác cồng kềnh, phải tháo nhỏ ra để chuyên chở nên mất công, mất thời gian hơn, vì vậy giá thường cao. Hiện nay Sở TNMT đang lấy ý kiến các quận huyện để đưa ra mức giá tham khảo cho các đơn vị.

Vân Anh (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục