Xin hướng dẫn thành lập 'Thành phố phía Đông'
Báo Thanh Niên đưa tin, ngày 19/2, Sở Nội vụ TP gửi văn bản đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn quy trình, thành phần hồ sơ thành lập Thành phố phía Đông trực thuộc TP.Hồ Chí Minh trên cơ sở gộp 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức.
Sở Nội vụ TP cho biết việc thành lập thành phố phía đông sẽ được UBND TP thực hiện song song với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; dự kiến sau khi thành lập có diện tích tự nhiên hơn 211,5 km2, dân số hơn 1,1 triệu người.
Việc sáp nhập 3 quận để thành lập TP phía đông, nghĩa là từ đô thị loại cao xuống đô thị loại thấp hơn, là chưa có tiền lệ nên đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn quy trình, thành phần hồ sơ để thực hiện.
Ý tưởng thành lập khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông (thành phố phía đông) dựa trên các trụ cột có sẵn là Khu công nghệ cao (Q.9), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (Q.Thủ Đức) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) được lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh ấp ủ nhiều năm qua. TP cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo và cuộc thi ý tưởng quy hoạch quốc tế... để cụ thể hóa các ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch, xây dựng.
Thành phố nêu lý do khó hợp nhất sở - ngành
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản, chính thức kiến nghị lên Bộ Nội vụ không thí điểm hợp nhất cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện..
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, lý do TP. Hồ Chí Minh đưa ra là xuất phát từ vị trí, vai trò và quy mô, Thành phố cần ổn định tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh là một trung tâm lớn về kinh tế - văn hóa – giáo dục – khoa học công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế và là đầu tàu, động lực có sức thu hút, sức lan tỏa mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với quy mô dân số lớn nhất nước, đóng góp cho ngân sách nhiều nhất nước.
Hiện Thành phố đang chịu sức ép của gần 9 triệu dân cư trú thực tế, đông gần ½ tổng số dân các tỉnh trong một vùng đông dân của cả nước là các tỉnh đồng bằng sông Hồng với 22,5 triệu dân, gần gấp 2 lần tổng số dân của một vùng ít dân nhất là các tỉnh Tây Nguyên với khoảng 5,8 triệu dân. Nếu so sánh theo từng tỉnh, dân số Thành phố gấp 10 lần bình quân dân số mỗi tỉnh, thành. Trừ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, thì trung bình mỗi tỉnh, thành chỉ khoảng 1,2 triệu dân.
Về thu ngân sách nhà nước, bình quân tổng thu ngân sách trên địa bàn Thành phố chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách cả nước, trong đó chỉ tiêu thu ngân sách được giao hằng năm cao gấp 10-20 lần so với các tỉnh, thành khác.
Từ thực tế trên, UBND Thành phố cho rằng với tính chất đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội, có vị trí, vai trò, đặc điểm của đô thị đặc biệt thì khối lượng công việc giải quyết ngày càng nhiều và có xu hướng ngày càng tăng. Mức độ phức tạp của công việc càng cao đòi hỏi việc tuân thủ quy trình, quy chuẩn, các kế hoạch, pháp luật phải triệt để và chính xác đang tạo nên áp lực lớn đối với tổ chức bộ máy cũng như đội ngũ cán bộ, công chức của Thành phố.
(Theo báo Người Lao Động).
Phát hiện người từ các tỉnh phía Bắc gom, nâng giá khẩu trang
Báo Tuổi Trẻ cho hay, ngày 19/2, Phòng cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP cho biết đơn vị này đã phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường và thanh tra Sở Y tế kiểm tra 17 vụ và tạm giữ 548.720 khẩu trang y tế không đạt chuẩn, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện tình trạng người từ các tỉnh phía Bắc vào thu gom khẩu trang đẩy giá lên cao nhiều lần. Tại địa chỉ 115 Nguyễn Cửu Đàm, quận Tân Phú (cũng là địa điểm thu mua, găm hàng đẩy giá cao), khi khách hàng có nhu cầu hỏi mua thì chủ cửa hàng bán khẩu trang 450.000 đồng/hộp, 1 thùng 21 triệu đồng và nói với khách là "cháy" hàng.
PC03 cảnh báo hiện trên thị trường có nhiều loại khẩu trang được bày bán nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế nhưng chưa được công bố chất lượng, không đảm bảo các quy định về sản xuất y tế.
Khẩu trang y tế: Không lo thiếu, nên dùng hợp lý
Cũng trên báo Người Lao Động, dùng hợp lý nghĩa là không lãng phí chứ không phải tiết kiệm không đúng chỗ. Dùng hợp lý để bảo đảm những chỗ cần luôn có đủ.
Thời gian qua, có nhiều tin đồn tại một số bệnh viện (BV) ở Thành phố đã cạn nguồn khẩu trang y tế (KTYT) phục vụ công tác khám chữa bệnh. Lãnh đạo nhiều BV đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.
BV quận 2 bị mạng xã hội (MXH) đưa tin đang thiếu KTYT cho nhân viên. Kịch tính hơn, một tài khoản cá nhân MXH còn gắn lời của ban giám đốc BV quận 2 kêu gọi hỗ trợ KTYT cho BV. Bác sĩ (BS) Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, khẳng định chưa bao giờ BV lên MXH kêu gọi quyên góp, ủng hộ KTYT. "Hiện BV quận 2 đã dự trù đủ số lượng KTYT cho nhân viên. Các công ty đã hợp đồng cung cấp KTYT vẫn giao hàng bình thường, trung bình mỗi ngày BV quận 2 sử dụng khoảng 1.700 KTYT" - BS Khanh cho biết.
Tại BV Chợ Rẫy, dược sĩ Nguyễn Quốc Bình, Trưởng Khoa Dược - BV Chợ Rẫy, khẳng định không có chuyện thiếu KTYT cho nhân viên y tế của BV. Công ty cung ứng KTYT cho BV hiện vẫn bảo đảm nguồn cung đúng tiến độ.
BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết ngành y tế Thành phố đã triển khai kế hoạch khẩn về bảo đảm KTYT để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Thanh tra Sở Y tế phối hợp các phòng, ban có liên quan hiện đang tiến hành thanh - kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh KTYT trên địa bàn nhằm ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh KTYT phải tập trung cho việc sản xuất, cung ứng KTYT bảo đảm nhu cầu phòng chống dịch bệnh. Ưu tiên cung cấp cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rồi mới đến các cơ sở kinh doanh khác.
Dịch COVID-19: BS Trương Hữu Khanh cảnh báo về thẻ đeo diệt khuẩn
Thẻ đeo chống virus xuất xứ từ Nhật với nhiều công dụng như làm sạch không khí xung quanh người đeo trong bán kính 1 mét, ngăn ngừa sự truyền nhiễm của virus, nấm mốc, vi khuẩn, thông qua đường hô hấp và không khí...
Đó là những công dụng của những chiếc thẻ đeo diệt khuẩn có xuất xứ từ Nhật đang được nhiều người bán hàng xách tay rao bán ở Việt Nam.
Theo đó, thành phần chính của chiếc thẻ là hợp chất Chlorine Dioxide (CLO2) ở dạng hạt rắn. Sau khi mở bao bì sản phẩm, các phần tử CLO2 sẽ bay ra ngoài không khi thông qua các lỗ thoát khi trên thẻ. Thành phần ClO2 ô xi hóa các cấu trúc protein của virus,vi khuẩn xung quanh, ngăn chặn và vô hiệu hóa chúng.
Có hai loại thẻ dùng được liên tục trong 2 tháng và 1 tháng với mức giá từ gần 200 ngàn đến hơn 400 ngàn đồng.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cảnh báo các bậc phụ huynh trước khi tìm mua và sử dụng thẻ đeo diệt khuẩn cho con nên tìm hiểu thông tin thận trọng về loại thẻ này.
BS Khanh phân tích, thẻ đeo diệt khuẩn được quảng cáo chứa chất Chlorine Dioxide (CLO2) dạng rắn và sẽ từ từ phát tán ra trong môi trường, bán kính 1m giúp diệt khuẩn. Tuy nhiên, trên thực tế virus Corona không bay lơ lửng mà theo các giọt bắn bám vào mặt khi người bị bệnh ho, hay hắt hơi, từ đó đi vào trong phổi.
Bên cạnh đó, nếu thẻ đeo diệt khuẩn có hiệu quả ngăn chặn virus thì Chính phủ Nhật đã sử dụng để phát cho tất cả người dân và nhất là du khách trên tàu Diamond Princess, không cần phải thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát như những ngày qua.
Ngoài ra, CLO2 là một chất oxy hóa mạnh, được sử dụng để xử lý nguồn nước và tẩy trắng, khi sử dụng phải tính toán nồng độ rất rõ ràng, sử dụng lượng nhiều rất nguy hiểm. Chất này đã được nén lại thành dạng tinh thể ở nhiệt độ -56 độ C để phóng thích ra từ từ trong chiếc thẻ diệt khuẩn. Với bản tính tò mò, khi đeo thẻ, trẻ rất dễ táy máy mở ra và hít vào rất nguy hiểm.
Ngoài ra, cơ quan FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) cũng đã có nhiều cảnh báo sử dụng chất CLO2 để chữa bệnh.
(Theo báo Pháp Luật TP)
Xử lý 37 công trình không phép trong hàng rào kiên cố
Chiều 19/2, UBND quận Thủ Đức vẫn tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để xử lý cụm 37 căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại đường số 40, khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh.
Bước đầu, UBND phường Hiệp Bình Chánh xác định, tại khu vực này đang tồn tại 37 căn nhà không phép, trong đó có một số căn nhà 1 trệt, 1 lầu với diện tích 40-60 m²/căn. 37 căn nhà này đã được xây dựng hoàn thiện, nằm trên khuôn viên đất rộng khoảng 5.000m², được quy hoạch đất cây xanh, đường giao thông và hồ điều tiết. Một số căn nhà còn có dấu hiệu xây dựng lấn chiếm đất hành lang bảo vệ rạch. Theo UBND phường Hiệp Bình Chánh, đất này được cấp giấy chứng nhận cho ông Lê Tấn Tài.
Điều đáng nói, UBND phường Hiệp Bình Chánh từng phát hiện và nhiều lần xử lý việc xây dựng công trình không phép tại khu vực này. Trong đó, năm 2015, UBND phường đã cưỡng chế các công trình xây dựng không phép tại đây. Tuy nhiên, các công trình không phép vẫn tiếp tục mọc lên.
Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, trường hợp chủ đầu tư không tự nguyện tháo dỡ, quận sẽ ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình không phép. Trong quá trình xử lý, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự, như lừa đảo bán giấy tay cho người dân thì quận sẽ chuyển hồ sơ cho công an và đề nghị xử lý hình sự.
(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng)
Đầu năm giao dịch nhà, đất liên tục giảm
Thống kê của các chuyên trang mua bán bất động sản (BĐS) - batdongsan.com.vn, giao dịch nhà, đất tại phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh liên tục giảm ở mức hai con số. Gần hết tháng thứ hai của năm mới, thị trường nhìn chung vẫn chưa có gì khởi sắc.
Cụ thể, tổng lượng tin đăng rao bán BĐS tính riêng trong tháng 1/2020 giảm 21%, nhu cầu tìm kiếm cũng giảm hơn 31% so với cùng kỳ tháng 1/2019. So sánh với thời điểm trước tết, nhu cầu tìm mua nhà, đất giảm thêm 9,3%.
Riêng khu vực phía Nam, mức độ quan tâm đến BĐS của người mua giảm đến con số gần 30%, đặc biệt là ở loại hình đất nền và biệt thự, mức giảm ghi nhận 20%-40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 1-2020 nhu cầu tìm kiếm BĐS giảm mạnh đến 16,6% so với thời điểm này năm 2019. Cũng trong tháng này, hoạt động tìm kiếm phân khúc chung cư giảm 2,5% so với trước tết 2019, bất chấp lượng tin đăng rao bán tăng hơn 8,8%.
Trong động thái mới nhất nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, UBND Thành phố dự kiến ngày 22/2, lãnh đạo Thành phố sẽ gặp gỡ doanh nghiệp (DN) BĐS để lắng nghe những khó khăn, kiến nghị của DN và tìm cách tháo gỡ.
Thông tin được mong chờ nhất trong cuộc họp này là việc cơ quan chức năng tìm cách giải quyết hàng trăm dự án đang bị ách tắc. Tại Thành phố, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018 và kéo dài đến nay có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án BĐS có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý. Cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra.
(Theo báo Pháp Luật TP).
Cận cảnh Bệnh viện dã chiến Củ Chi cho người cách ly vì COVID-19
Đó là nội dung được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ online. Từ những hình ảnh cho thấy, bên cạnh hoàn tất cơ sở vật chất và trang bị các trang thiết bị y tế, sau 9 ngày hoạt động, Bệnh viện dã chiến Củ Chi đã có đầy đủ nhu yếu phẩm, thức ăn và đồ uống miễn phí cho người nghi nhiễm đang cách ly tại đây.
Trưa 19/2, tại khuôn viên Bệnh viện dã chiến Củ Chi, một số công nhân đang gấp rút hoàn tất hệ thống xử lý nước thải y tế dưới tiết trời oi bức.
Tại khu vực bếp ăn thuộc Trường Quân sự (Bộ Tư lệnh TP), các đầu bếp cũng đang chuẩn bị những suất cơm trưa cho những người nghi nhiễm, nhân viên y tế và tổ công tác hậu cần. Mỗi suất cơm với cơm, thịt, tôm, dưa chua, canh... màu sắc bắt mắt và đầy đủ chất dinh dưỡng.
Tại mỗi khu cách ly đều có nhà vệ sinh thoáng đãng và bồn rửa tay (có xà phòng).
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP - cho biết toàn khu vực bệnh viện dã chiến đã kết nối Internet. Trong ngày 19-2, Sài Gòn Co.op đã cung cấp những vật dụng cá nhân thiết yếu miễn phí và chuẩn bị chuyển đến cho từng người được cách ly đang theo dõi. Sắp tới từng buồng cách ly được lắp đặt tivi.
Đường bay Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh nhộn nhịp nhất thế giới
Kể từ khi xảy ra dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV), các hãng hàng không Việt Nam bắt buộc phải dừng đường bay sang Trung Quốc và số tàu bay này đã đổ dồn về chặng bay nội địa dẫn đến khả năng cung ứng tải trên trục “đường bay vàng” Hà Nội-TP.Hồ Chí Minh tăng lên nhiều lần.
Theo số liệu từ Trung tâm hàng không châu Á-Thái Bình Dương (CAPA), đường bay giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện là đường bay nhộn nhịp nhất thế giới với gần 270.000 ghế cung ứng/tuần, tăng 39% so với cùng kỳ.
Xếp sau đó là đường bay giữa Jeju-Seoul (Hàn Quốc) vàTokyo-Hokkaido (Nhật Bản).
Để kịch cầu trong thời điểm dịch COVID-19, các hãng hàng không đua nhau giảm giá vé máy bay.
Đơn cử, chặng TP. Hồ Chí Minh-Hà Nội ngày 22/2, Vietjet có giá 769.000 đồng/chiều, đã bao gồm thuế, phí. 17 chuyến bay của Bamboo Airway đều niêm yết giá 764.000 đồng/chiều. Vé của hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific chỉ 643.000 đồng/chiều.
Hiện nay, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines và Jetstar Pacific) đang khai thác gần 40 chuyến bay/ngày giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất 30 phút-1 tiếng/chuyến. Các chuyến bay đều được bố trí vào khung giờ tròn, dễ nhớ, trải đều từ 5-22 giờ 30 phút.
Đây là cơ hội để hành khách tận hưởng chuỗi dịch vụ ưu tiên của Vietnam Airlines dành riêng cho hành trình bay giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với giá đặc biệt hấp dẫn.
Để bảo vệ sức khỏe cho hành khách trong mùa dịch, toàn bộ tàu bay của Vietnam Airlines đều được trang bị hệ thống màng lọc không khí HEPA, giúp hạn chế đến 99,99% vi khuẩn và virus trên chuyến bay, đảm bảo không khí trong khoang máy bay được liên tục làm mới sau mỗi 3 phút./.
( Theo Vietnamplus)