Tạm ngưng tất cả các kỳ thi ngoại ngữ, tin học...
Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, ngày 19/3, Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh thông báo ngưng tất cả hoạt động tập trung học sinh và ngưng nhận hồ sơ đăng ký cấp phép hoạt động các loại hình dịch vụ giáo dục.
Theo đó, Sở GD-ĐT TP yêu cầu các đơn vị trên địa bàn ngưng tất cả các kỳ thi, khảo sát chứng chỉ ngoại ngữ - tin học, các hoạt động giáo dục kỹ năng, ngoại khóa...; tạm ngưng nhận hồ sơ đăng ký cấp phép hoạt động các loại hình dịch vụ giáo dục như các loại hình trường, trung tâm ngoại ngữ - tin học; dạy thêm - học thêm; giáo dục kỹ năng; tư vấn du học...
Sở này cũng đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và yêu cầu các đơn vị thực hiện chỉ đạo trên. Thời gian thực hiện từ nay đến khi UBND TP cho phép học sinh, học viên đi học trở lại.
Được biết, trước đó UBND TP. đã có quyết định cho học sinh các cấp nghỉ học đến hết ngày 5/4/2020 để phòng chống dịch COVID-19.
Cách ly như… nghỉ dưỡng
Đó là tiêu đề bài viết được đăng tải trên báo Người Lao Động. Bài viết cho biết, ngày 19/3, Sở Du lịch Thành phố đã phối hợp Sở Y tế và UBND huyện Cần Giờ tập huấn cho 7 khách sạn, khu nghỉ dưỡng (resort) nhằm phục vụ việc cách ly người từ các nước có dịch nhập cảnh Việt Nam.
Đó là resort Cần Giờ, khách sạn Mangove, khách sạn Thái Dương, khách sạn Tân Thái Dương, khách sạn Tâm Tâm, khách sạn Khánh Vân 1, resort Phương Nam. Bảy khách sạn, resort này đủ điều kiện với khả năng đáp ứng 342 trường hợp cần cách ly. Đối với các cơ sở lưu trú du lịch khác, Sở Du lịch tiếp tục phối hợp Sở Y tế kiểm tra các tiêu chuẩn, nếu đáp ứng đủ điều kiện phục vụ cách ly theo quy định sẽ đưa vào vận hành.
Đại diện Sở Du lịch Thành phố cho biết “Việc triển khai đăng ký cách ly có trả phí cũng như quyết định đối tượng lưu trú tại các cơ sở cách ly sẽ do lực lượng y tế xác định dựa trên tình trạng sức khỏe của khách”.
Ngăn chặn tình trạng tái sử dụng khẩu trang y tế
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 19/3, Sở Y tế TP thông báo, hiện trên thị trường có dấu hiệu xuất hiện một số đối tượng thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng. Để đảm bảo an toàn sức khỏe người dân và vệ sinh môi trường, Sở Y tế TP đề nghị Phòng Y tế các quận huyện thông báo ngay đến các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn quận huyện về nội dung này.
Đồng thời, Phòng Y tế phối hợp với Trạm Y tế phường xã, ban điều hành khu dân cư, khu phố tuyên truyền và hướng dẫn việc quản lý các khẩu trang y tế đã qua sử dụng.
Phòng Y tế các quận huyện tăng cường giám sát, kiểm tra và hướng dẫn các quy định pháp luật tại cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn quản lý để ngăn chặn việc tái sử dụng khẩu trang y tế.
Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TP cả công lập và ngoài công lập đang cấp phát hoặc sử dụng các sản phẩm khẩu trang y tế khẩn trương rà soát nhằm đảm bảo tất cả khẩu trang y tế sau khi sử dụng phải được quản lý chặt chẽ và tiêu hủy theo đúng quy định.
Cũng liên quan đến việc sử dụng khẩu trang phòng chống dịch Covid-19, để đảm bảo người dân trên địa bàn tiếp cận được nguồn khẩu trang vải kháng khuẩn, Sở Công thương TP đề nghị UBND quận huyện khẩn trương thông tin đến các xã phường, khu phố, ấp, chợ truyền thống hướng dẫn người dân, tiểu thương đến các địa điểm bán lẻ gần nhất của các hệ thống phân phối trên địa bàn như Siêu thị Co.op Mart, Vinmart, Lotte Mart, Siêu thị Satra, Big C, Aeon… để mua các loại khẩu trang vải kháng khuẩn giá hợp lý, đảm bảo chất lượng.
Phát hiện hệ thống Ansan Cosmetics bán mỹ phẩm có dấu hiệu vi phạm
Báo điện tử Vietnamplus đưa tin: Ngày 18/3, Tổ công tác 368 về Thương mại điện tử của Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra đồng loạt 4 điểm kinh doanh mỹ phẩm của Hệ thống Ansan Cosmetics tại quận 10, quận 6, quận Thủ Đức và Bình Thạnh.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn liên ngành đã phát hiện hệ thống Ansan Cosmetics có nhiều dấu hiệu vi phạm trong việc kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên mạng internet qua việc sử dụng Facebook, website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử.
Hệ thống này đã thiết lập website thương mại điện tử bán hàng www.ansancosmetics.com mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, Ansan Cosmetics không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website, thông tin về hàng hóa, dịch vụ, giá cả, vận chuyển, giao nhận, phương thức thanh toán, các điều khoản hợp đồng và điều kiện giao dịch chung trước khi khách hàng tiến hành giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử.
Một dấu hiệu vi phạm nữa đó là Ansan Cosmetics không xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách đảm bảo an toàn, an ninh cho việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
Hiện lực lượng chức năng đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật đồng thời tạm giữ khoảng 7.678 đơn vị sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm.
Hóa đơn tiền điện tăng theo nắng nóng
Theo quy luật hằng năm, từ tháng 3 đến tháng 6 khu vực Nam Bộ bước vào màu nắng nóng. Số liệu Cục Thống kê Thành phố cho thấy nhiệt độ tăng dần qua mỗi năm, trong đó nhiều ngày có nhiệt độ lên đến 37-40°C. Song song với sự thay đổi nhiệt độ, tổng lượng điện tiêu thụ của Thành phố cũng tăng cao qua mỗi năm. Không ít gia đình phải trả tiền điện gần gấp đôi so với những tháng trước.
Ngoài ra, do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các em học sinh được nghỉ học, người dân được khuyến cáo nên ở nhà, từ đó nhu cầu sử dụng điện mùa khô năm nay dự báo có thể tăng vọt. Đó là nội dung được phản ánh trên báo Tuổi Trẻ.
Chị N.T.N.H. - ở quận 2 - cho biết tiền điện nhà chị phải trả trong tháng 2 vừa qua cao hơn tháng trước gần 300.000 đồng. Cụ thể, theo chị H., tháng trước gia đình chị chỉ chi trả 1.180.000 đồng tiền điện, nhưng trong tháng 2 tiền điện lên đến 1.470.000 đồng. Chị H. cho biết tiền điện tăng một phần do hai con chị nghỉ học tránh dịch COVID-19, trong khi đó ngoài trời lại quá nóng nên gia đình luôn phải sử dụng quạt máy lẫn máy lạnh liên tục.
Một chuyên gia trong ngành điện dự báo nhiều hộ gia đình sẽ có xu hướng dùng thiết bị làm mát vào ban ngày nhiều hơn mọi năm. Điều này sẽ góp phần vào việc tiêu thụ điện có thê tăng mạnh hơn so với những tháng cùng kỳ năm trước.
Tổng công ty Điện lực Thành phố cũng đưa ra khuyến cáo người dân nên cài đặt máy lạnh ở nhiệt độ phòng chênh lệch không quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời (chừng 5°C). Ngoài ra, Sở Y tế cũng khuyến cáo người dân nên dùng quạt máy thông thường để làm mát thay cho máy lạnh và quạt hơi nước để giảm sự lây lan dịch COVID-19.
Hỗ trợ giáo viên gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19
Nội dung được phản ánh trên báo Pháp Luật TP. Theo đó, Công đoàn ngành Giáo dục vừa có văn bản về kế hoạch tổ chức chăm lo cho đoàn viên công đoàn bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Công tác chăm lo được tổ chức thực hiện đồng bộ ở hai cấp (Công đoàn ngành giáo dục TP, Liên đoàn Lao động TP).
Theo đó, đối tượng tham gia gồm nữ đoàn viên công đoàn mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị giảm thu nhập bởi dịch bệnh. Đoàn viên công đoàn bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo đang nằm viện điều trị hoặc đang điều trị ngoại trú tại nhà bị giảm thu nhập do dịch bệnh.
Nguồn kinh phí chăm lo từ nguồn tài chính tích lũy công đoàn, trong đó Liên đoàn Lao động TP chăm lo 1.000.000 đồng/đoàn viên và Công đoàn ngành giáo dục chăm lo một phần quà trị giá 200.000 đồng/đoàn viên .
Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động TP, Công đoàn ngành giáo dục tiếp tục phối hơp với các đối tác đã ký kết các chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn” thực hiện các chương trình ưu đãi về giá cả các sản phẩm, dịch vụ như các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm, quần áo, dịch vụ giải trí cho cán bộ nhà giáo.
Công đoàn ngành giáo dục tiếp tục phối hợp với Tổ chức Tài chính vi mô (CEP) nghiên cứu có chính sách giảm lãi suất cho vay cho cán bộ, nhà giáo và người lao động đang vay và chính sách hỗ trợ vay vốn kịp thời cho chủ trường, đoàn viên công đoàn khó khăn, giáo viên tư thục, ngoài công lập được vay vốn dể vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Chủ nhà trọ san sẻ gánh lo với công nhân mùa dịch Covid-19
Báo Người Lao Động cho hay: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều gia đình công nhân (CN) gặp khó khăn khi việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng. Chia sẻ khó khăn với CN, nhiều chủ nhà trọ tại Thành phố (TP) đã giảm giá thuê phòng, hỗ trợ bữa ăn sáng và tặng khẩu trang miễn phí.
Điển hình như chị Lê Thị Ngọc Thùy - chủ nhà trọ tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Dãy nhà trọ của chị Thùy có 14 phòng được xây dựng từ năm 2015, mỗi phòng có diện tích 21 m2, chưa kể diện tích gác lửng. Nhà trọ rất thoáng mát, có camera theo dõi an ninh nên được nhiều gia đình CN thuê. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đời sống của đại bộ phận CN ở trọ gặp nhiều khó khăn khi việc làm không ổn định, thu nhập giảm sút. Hiểu được tâm tư của CN nên chị Thùy không ngần ngại giảm giá tiền thuê phòng từ 2,7 triệu đồng xuống còn 2,5 triệu đồng/tháng và sẽ kéo dài trong 3 tháng.
Tại khu nhà trọ của chị Phạm Thị Thủy Tiên (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức), từ tháng 2 đến nay, giá thuê phòng từ 1,6-1,8 triệu đồng/tháng giảm còn từ 1,5-1,7 triệu đồng/tháng. Việc giảm giá này kéo dài cho đến khi hết dịch. Chị Tiên còn mua vài trăm chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn để phát cho CN ở trọ.
Cũng nhiều tháng nay, ông Nguyễn Thành Tâm - chủ nhà trọ trên đường TL16, phường Thạnh Lộc, quận 12 - đều đặn cập nhật diễn tiến và thông tin kịp thời về dịch bệnh Covid-19 cho CN ở trọ. Khu trọ của ông Tâm có 153 phòng với gần 400 CN và người thân đang sinh sống. Ngoài việc phát miễn phí khẩu trang và xà phòng sát khuẩn cho CN, ông Tâm còn còn phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên CN Thành phố tặng xirô ho, vitamin cho con CN và hướng dẫn các cháu rửa tay đúng cách.
Chuyện ở bếp nấu cơm miễn phí cho người bị cách ly
Đó là nội dung bài viết trên báo Thanh Niên.
Bên ngoài quán The Gangs (đường Cao Thắng, Q.10) trông vắng khách bởi dịch Covid-19, nhưng bên trong bếp vẫn rôm rả tiếng nói cười của nhiều bạn trẻ. Họ đã nấu những suất cơm ngon miễn phí cho người dân đang cách ly tại chung cư Hòa Bình, P.14, Q.10. Đi sâu vào trong bếp, cái nóng hầm hập đến rát da của những chiếc “chảo lửa” khiến chúng tôi khó chịu mặc dù đã mặc thêm một chiếc áo khoác. Tuy nhiên, các đầu bếp trẻ tại quán vẫn liên tục xào, chiên, nấu các món ăn để “tiếp tế” cho người dân.
Ở vị trí bếp phụ, anh Vũ Công Nam (23 tuổi), đôi tay thoăn thoắt với món thịt heo xào giá hẹ, mùi thơm dậy lên khiến chúng tôi phải “sôi” bụng. Công Nam cho biết hôm nay anh sẽ làm ba món: giá hẹ xào thịt, canh bí thịt bằm, sườn heo kho củ cải, nấu đến tầm 16 giờ là xong. Tất cả mọi người cũng đồng lòng, từ các bác lao công đến chú bảo vệ đều có mặt rất sớm để phụ, ai nấy vui tươi khi làm việc. “Lúc nghe nói sẽ cùng với chính quyền địa phương nấu cơm miễn phí cho những người đang cách ly vì nghi nhiễm Covid-19 tại chung cư Hòa Bình, mình rất vui vì đây là một việc có ích nên tự nhủ sẽ làm hết mình”, anh Công Nam chia sẻ.
Đứng kế bên Công Nam là anh Võ Trọng Tường Lân, 36 tuổi, không quên nhắc nhở: “Giá hẹ đừng xào chín quá nha em, coi chừng bị nhừ. Nhớ cho thịt vào xào trước, sau đó mới cho giá hẹ vào, như thế đồ ăn mới ngon được”. Vừa là trưởng bếp vừa là chủ quán, anh Tường Lân vẫn hăng hái tham gia công việc nấu cơm này. “Thực đơn do quán nghĩ ra, và luôn làm đủ ba món: canh, mặn, xào cho bà con. Quán tôi bắt đầu nấu từ ngày 15.3, tính đến thời điểm hiện nay quán đã nấu gần 1.000 suất, tất cả đều được phát miễn phí”, anh Tường Lân cho biết.
Lan tỏa tính nhân văn và trách nhiệm giữa mùa dịch bệnh - Ấm áp tình người
Không chỉ là “đất lành” thu hút người dân từ nhiều tỉnh thành trên cả nước về mưu sinh, lập nghiệp, TP. Hồ Chí Minh còn là nơi kết nối những tấm lòng sẻ chia, đùm bọc để tạo nên một vùng đất hào sảng, đầy tình người. Trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, tình người ở mảnh đất nghĩa tình mang tên Bác càng thêm đong đầy qua từng hành động đẹp.
Nội dung của bài viết được đăng tải trên báo Sài Gòn Giải Phóng.
Vào TP. Hồ Chí Minh mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo gần 10 năm để nuôi thân và lo cho 2 con ăn học, đọng lại trong lòng ông Trần Văn Bảy (quê Bình Định) chính là cái tình của những người ông đã gặp. “Có người mua giúp vài tờ vé số rồi dúi thêm vào tay tôi ít tiền nói rằng để chú ăn cơm trưa. Rồi những phần quà của chủ đại lý vé số, của người dân nơi tôi đi bán dạo dịp lễ tết, hay cái khẩu trang với chai nước rửa tay được tặng mùa dịch bệnh thế này, tôi thấy thật ấm lòng giữa thành phố rộng lớn này”, ông Bảy chia sẻ.
Không chỉ ông Bảy, nhiều năm nay, cứ thấy người bán dạo gặp khó khăn, bà Trần Thị Hương Xuân (chủ đại lý vé số 106) lại giúp đỡ. Khi thì phần quà, khi thì kết nối để họ nhận xe lăn hoặc học bổng cho con cái. Khi dịch Covid-19 xảy ra, nhận được nước rửa tay và khẩu trang vải kháng khuẩn do Công ty Xổ số kiến thiết TP và Hội Chữ thập đỏ TP gửi tặng, bà liền phân phát hết cho người bán dạo. Thiếu, bà lại xuất tiền túi mua thêm.
Hay như chị Trần Mai Lan, công nhân vệ sinh tại quận Bình Thạnh, xúc động khi nhận được khẩu trang vải kháng khuẩn do nhóm tình nguyện viên của chị Xuân Hạnh (ngụ quận 8) trao, - “Đây là món quà quý đối với chúng tôi trong thời điểm khan hiếm khẩu trang như hiện nay. Với công việc phải tiếp xúc nhiều chất thải, khả năng lây nhiễm cao, tôi cũng rất lo lắng. Có thêm khẩu trang để phòng ngừa bệnh, công nhân vệ sinh sẽ an tâm hơn khi đi làm”. Chị tâm sự.
Từ khi dịch bệnh xảy ra, nhiều hình ảnh đẹp đã diễn ra trong từng ngõ ngách tại mảnh đất TP. Hồ Chí Minh đầy ắp tình người. Nhiều người không khỏi xúc động khi bắt gặp hình ảnh cậu bé 11 tuổi lấy hết tiền lì xì của mình mua khẩu trang tặng bác xe ôm, chú lái xe taxi, người khó khăn để phòng dịch bệnh. Hay những thùng khẩu trang miễn phí xuất hiện tại các góc đường cũng khiến nhiều người ấm lòng đến lạ. Không chỉ có TP. Hồ Chí Minh, mà tại nhiều tỉnh thành khác trên khắp cả nước, nơi đâu người dân cũng bắt gặp những nhóm thiện nguyện cầm trên tay khẩu trang để phát cho người dân. Các cơ quan chức năng, các cấp các ngành cũng vào cuộc để chung tay ngăn ngừa dịch bệnh.