Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 20/7/2020

11:24 20/07/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 20/7/2020

Ngày hội du lịch thu hút gần 200.000 lượt khách

Theo báo Vietnamplus, tối 19/7, Ngày hội du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ 16 - năm 2020 đã kết thúc, thu hút gần 200.000 lượt khách tham quan và giao dịch. Ngày hội năm nay ghi nhận những nét đặc biệt, lần đầu tiên có đến 50/63 tỉnh, thành trong cả nước tham dự; 96 doanh nghiệp du lịch, dịch vụ và ẩm thực.

Giới trẻ Thành phố Hồ Chí Minh yêu thích tour du lịch của các tỉnh, thành thuộc khu vực phía Bắc. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Giới trẻ Thành phố Hồ Chí Minh yêu thích tour du lịch của các tỉnh, thành thuộc khu vực phía Bắc. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ngoài ra, trong khuôn khổ Ngày hội còn có Liên hoan món ngon các nước, gian hàng chung của TP. Hồ Chí Minh với 18 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ..., phát huy tính hiệu quả của thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng. Các tỉnh, thành, doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành tham gia đều có sự chuẩn bị chu đáo từ trang trí hình thức gian hàng, cho đến việc tung ra những chương trình khuyến mại hấp dẫn mà chất lượng dịch vụ không đổi...

Thống kê sơ bộ từ cộng đồng doanh nghiệp, qua 4 ngày đã có hơn 9.300 giao dịch thành công chủ yếu tập trung vào những tour liên kết Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Ngoài ra, doanh thu của doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, ẩm thực... cũng đạt trên 40 tỷ đồng.

Ngày hội du lịch TP. Hồ Chí Minh năm nay được đại diện Sở Du lịch của nhiều tỉnh, thành đánh giá là một tổng thể những hoạt động mang tính nghề nghiệp cao, gắn liền với việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố, tăng cường kết nối với các địa phương trong cả nước.

Tuyển sinh lớp 10: Những trường nào cạnh tranh cao?

Nhiều giáo viên tại TP.Hồ Chí Minh dự đoán điểm các trường tốp đầu tăng vì những thí sinh đăng ký vào đây đều có học lực khá trở lên, trong khi đề thi lại ở mức độ vừa sức với hầu hết học sinh (HS).

Báo Thanh Niên cho biết, trong hệ thống các trường THPT công lập thì trường có tỷ lệ “chọi” cao nhất là Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình): 1/4,4. Tiếp đến vẫn là các trường thuộc tốp đầu như Gia Định (Q.Bình Thạnh), Trung học Thực hành - ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh (Q.5), Mạc Đĩnh Chi (Q.6), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), Bùi Thị Xuân (Q.1)...

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay TP có khoảng 82.000 thí sinh tham dự, trong đó có hơn 6.500 thí sinh dự thi vào trường, lớp chuyên cùng gần 900 thí sinh dự thi vào chương trình tích hợp. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của khoảng 100 trường THPT công lập là gần 66.000. Như vậy, sau ngày 21/8, dự kiến là thời điểm Sở GD-ĐT công bố điểm chuẩn, sẽ có xấp xỉ 16.000 thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng nào.

Qua tham khảo số liệu đăng ký nguyện vọng ban đầu mà Sở GD-ĐT công bố, một số giáo viên lớp 9 dự đoán mức độ cạnh tranh vào các lớp tích hợp có thể nhẹ nhàng, vì chỉ có 857 nguyện vọng trong tổng số 980 chỉ tiêu. Trong khi đó, tỷ lệ chọi vào lớp chuyên khoảng 1/4 bởi tổng chỉ tiêu lớp chuyên của các trường trên địa bàn TP là 1.645 HS nhưng lại có đến 6.500 thí sinh đăng ký nguyện vọng.

Sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh lớp 10, dựa vào mức độ đề thi và tình hình làm bài thi của HS, đã có nhiều dự đoán cho rằng điểm chuẩn vào lớp 10 tại TP.Hồ Chí Minh có thể tăng so với năm trước.

Tập trung đầu tư lĩnh vực then chốt để đột phá phát triển

Nguồn lực là hữu hạn, không thể dàn trải nguồn lực nên cần chọn những chương trình có tính then chốt để tập trung đầu tư, giải quyết nhằm đột phá phát triển. Đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, phát triển công nghệ gắn với đào tạo và chuyển giao công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ số đồng bộ là 3 vấn đề cần ưu tiên nhất của TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới. 

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu “xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước”. Để thực hiện được mục tiêu này, TP. Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh, viễn thông, giáo dục, nghiên cứu khoa học - công nghệ (KH-CN). 

Thực hành thí nghiệm tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM.  Ảnh: VIỆT DŨNG
Thực hành thí nghiệm tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM.  Ảnh: VIỆT DŨNG

Đối với chương trình phát triển cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng đô thị thông minh, cần tập trung xây dựng hạ tầng giao thông công cộng gắn với công nghệ số, tạo thuận lợi cho người dân di chuyển, giao tiếp và doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, chuyển đổi công nghệ số. Khi thực hiện, cần chú ý xử lý các vấn đề ngập nước, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mỹ quan đô thị và lựa chọn giải pháp công nghệ số để đầu tư phát triển. 

Quy hoạch hạ tầng của TP. Hồ Chí Minh đã có, nhưng trong thực hiện có nhiều dự án kéo dài, thậm chí một vài dự án đầu tư dang dở. Nguyên nhân chủ yếu là cơ chế giải ngân vốn và quyết toán theo cơ chế chung của cả nước. Do đó, TP cần tiếp tục kiến nghị Trung ương có cơ chế riêng trong thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng theo hướng giảm các đầu mối liên quan trong quy trình, nhằm đẩy nhanh tiến độ và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà thầu có năng lực.

Cải cách hành chính là một chương trình lớn đã được triển khai liên tục qua nhiều nhiệm kỳ. Tuy nhiên, cần tiếp tục nâng cấp số hóa và thực hiện thủ tục hành chính theo hướng kết nối dữ liệu giữa các ngành. Đây cũng là cơ sở hạ tầng quan trọng tiến đến xây dựng thành phố thông minh.

Trên lĩnh vực KH-CN, TP cũng cần những chính sách khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, đào tạo phối hợp với doanh nghiệp để phát triển giải pháp công nghệ mang tính ứng dụng và thương mại cao. Đồng thời, sáng tạo cơ chế thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp với trường/viện trong nghiên cứu KH-CN và đào tạo.

Nhiều đại biểu ủng hộ bỏ HĐND quận, phường

Ngừng tổ chức HĐND quận, phường ở TP.Hồ Chí Minh sẽ phát huy cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đại biểu Quốc hội và HĐND TP. Rất nhiều đại biểu (ĐB) HĐND quận, phường đồng tình với đề xuất này. Đó là nội dung thông tin trên báo Pháp Luật TP.

Bà Lê Nguyễn Mộng Hà (Phó Chủ tịch chuyên trách HĐND phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) cho hay việc bỏ HĐND cấp phường không ảnh hưởng đến cơ chế hoạt động của bộ máy chính quyền mà còn giúp bộ máy tinh gọn hơn.

Theo bà Hà, lâu nay hoạt động giám sát thực tế của HĐND vẫn được thực hiện nhưng khó để có thể tập hợp được đủ tất cả ĐB HĐND cùng tham gia. Hơn nữa, hiện nay công tác giám sát còn được thực hiện thông qua MTTQ Việt Nam và các đoàn thể.

Rất nhiều đại biểu HĐND quận, phường đồng tình với đề xuất bỏ HĐND quận, phường
Rất nhiều đại biểu HĐND quận, phường đồng tình với đề xuất bỏ HĐND quận, phường

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Hiệp (Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường An Lạc A, quận Bình Tân) nhìn nhận việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, đường dây nóng, các app trực tuyến của phường, quận tạo hiệu quả trong việc phản ánh vì tiết kiệm thời gian.

Ông Hiệp đánh giá, hiện nay có nhiều vụ việc trên địa bàn được người dân gọi điện thoại trực tiếp cho chủ tịch phường, cán bộ phường, mọi thứ được xử lý nhanh chóng chứ không cần đợi đến họp HĐND phường hay đợi gặp ĐB HĐND phường. Do đó, Ông cho rằng không tổ chức HĐND phường là hợp lý. 

Đề xuất giải pháp thay thế vai trò của HĐND quận, phường trong thời gian tới, Ông Huỳnh Thanh Hùng (Phó Chủ tịch HĐND quận Bình Tân) đề nghị HĐND cấp TP tăng cường hơn nữa việc giám sát việc tuân thủ hiến pháp, pháp luật ở địa phương, nhất là giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp quận, phường.

Giải quyết thủ tục hành chính tại UBND phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM. Ảnh: THANH TUYỀN
Giải quyết thủ tục hành chính tại UBND phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM. Ảnh: THANH TUYỀN

Ông Hùng cũng cho rằng quyền làm chủ, quyền đại diện của người dân càng phải được phát huy thực hiện thông qua các kênh giám sát như ĐB Quốc hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp, cơ chế giám sát của cấp ủy Đảng… Đặc biệt là cơ chế thanh tra, kiểm tra của cơ quan hành chính cấp trên đối với cơ quan hành chính cấp dưới cần phải tăng cường hơn nữa, gắn liền với quy định chặt chẽ, rõ ràng và trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị.

605 cử nhân luật đầu tiên nhận bằng tốt nghiệp theo mẫu mới

Theo báo Pháp luật TP, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức Lễ bế giảng và trao bằng cử nhân Luật đợt 1 năm 2020 cho 605 học viên hệ vừa làm vừa học. Đặc biệt, từ tháng 7/2020, nhà trường sẽ cấp bằng và các chứng chỉ cho các hệ đào tạo theo mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ mới theo Thông tư số 21 và Thông tư số 27 của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2019.

Theo TS Lê Trường Sơn, Phó Hiệu trưởng nhà trường, các phôi văn bằng này được nhà trường tự chủ thiết kế theo bộ nhận diện thương hiệu và đã được Cục Quản lý chất lượng của Bộ GD&ĐT chấp thuận từ ngày 17/6 vừa qua. Ngay sau khi được Bộ GD&ĐT chấp thuận, nhà trường đã tiến hành cấp bằng đợt đầu tiên năm 2020 cho 605 tân cử nhân tốt nghiệp đợt này của trường.

TS Lê Trường Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, trao bằng tốt nghiệp cho các tân cử nhân. Ảnh: NTCC
TS Lê Trường Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, trao bằng tốt nghiệp cho các tân cử nhân. Ảnh: NTCC

Được biết, theo quy định mới này, các nội dung sau sẽ được ghi trên văn bằng ĐH: Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, văn bằng trình độ tương đương); ngành đào tạo; tên cơ sở giáo dục ĐH cấp văn bằng; họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng; ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng; hạng tốt nghiệp (nếu có); địa danh, ngày tháng năm cấp văn bằng; chức danh, chữ ký, họ, chữ đệm, tên của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định; số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng.

Như vậy, so với quy định cũ thì quy định mới đã loại bỏ việc ghi thông tin về hình thức đào tạo trên văn bằng ĐH. Thông tin về hình thức đào tạo sẽ được ghi tại phụ lục văn bằng. Cơ sở giáo dục ĐH được bổ sung các nội dung khác ghi trên văn bằng giáo dục ĐH phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời được tự thiết kế mẫu và được bổ sung các nội dung khác ghi trên phụ lục văn bằng.

Ngành nào cần nhiều nhân lực nhất?

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP cho biết, do dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2020, nhu cầu nhân lực giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Thông tin trên báo Người Lao Động.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động các lĩnh vực như: lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải, dệt may, giày da, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, xây dựng... gặp nhiều khó khăn đã làm ảnh hưởng đến việc làm của người lao động (NLĐ).

Kinh doanh - thương mại là nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất
Kinh doanh - thương mại là nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất

Phần lớn DN đã phải áp dụng các giải pháp tạm thời như cắt giảm lao động, cho NLĐ nghỉ việc không lương, giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, giảm lương lao động, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.

Về xu hướng việc làm trong nửa năm còn lại, Trung tâm dự báo sẽ tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: Kinh doanh - thương mại (22,7%); dịch vụ phục vụ (7,63%); dệt may - giày da (6,25%); chế biến lương thực - thực phẩm (6,02%); xây dựng (4,62%); công nghệ thông tin (4,23%); vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng (3,62%)…

Nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm 84,5%. Trong đó, đại học chiếm 20%, cao đẳng chiếm 21%, trung cấp 30% và sơ cấp 13,5%.

Hè vui khỏe, học nhiều điều hay

Trẻ em TP. Hồ Chí Minh đã bước vào mùa hè 2020 từ hôm qua (19/7) và sẽ có một tháng để thư giãn, vui chơi, học nhiều điều hay trước khi quay trở lại trường. Đó là nội dung bài viết trên báo Tuổi Trẻ.

Ngày khai mạc hè cũng là ngày hoạt động cao điểm của các chiến dịch tình nguyện với chủ đề vì đàn em thân yêu. Có rất nhiều phần quà, hoạt động nghĩa tình cùng các sân chơi vui nhộn được dành tặng cho các thiên thần nhỏ.

Tại quận 8, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đến chia vui và trao học bổng cho học sinh nghèo của quận. 20 suất học bổng Nụ cười hồng của Thành đoàn TP (1 triệu đồng/suất) đã được tặng cho các bạn học sinh dịp này.

Đa dạng các sân chơi vui khỏe, rèn luyện kỹ năng cho thiếu nhi TP được tổ chức trong dịp Hè 2020/ Ảnh: Thanhuytphcm
Đa dạng các sân chơi vui khỏe, rèn luyện kỹ năng cho thiếu nhi TP được tổ chức trong dịp Hè 2020/ Ảnh: Thanhuytphcm

Một không gian văn hóa đậm sắc màu dân tộc cùng các tiết mục xiếc, ảo thuật đã được các nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật Phương Nam biểu diễn ngay giữa sân trường thu hút khá đông khán giả nhí. Hoạt động do Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp cùng Thành đoàn TP thực hiện phục vụ thiếu nhi mùa hè này.

22 bạn học sinh gia đình khó khăn của quận 8 đã được tặng xe đạp mới để đi học. Nhiều học sinh ở một số quận, huyện khác cũng được tặng xe đạp trong hôm qua.

Cũng trong hôm qua, nhiều sân chơi vui nhộn do chiến sĩ tình nguyện các chiến dịch hè của TP thiết kế, trực tiếp tổ chức để các bạn nhỏ được chơi thỏa thích và còn được nhận nhiều phần quà nhỏ xinh.

Tại nhiều nơi khác, các bạn nhỏ còn được lắng nghe chuyên đề về an toàn giao thông, tập huấn kỹ năng phòng vệ, hướng dẫn chăm sóc răng miệng, tham gia ngày hội vui đọc sách…

Vân Anh - Thanh Hà - Khang Minh

Tin cùng chuyên mục