TPHCM với tầm nhìn trở thành trung tâm y tế khu vực
Báo Người Lao Động đưa tin, chiều 1/10, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại TPHCM (AmCham Vietnam - HCMC) đã tổ chức buổi đối thoại y tế TPHCM - Hoa Kỳ với chủ đề “Hiện thực hóa tầm nhìn TPHCM là trung tâm y tế khu vực”, theo hình thức trực tuyến.
Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho hay thời gian qua, TP HCM đẩy mạnh nghiên cứu và đổi mới sáng tạo phát triển ngành dược thành ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn, nâng cao năng lực sản xuất thuốc trong nước.
Ông Nguyễn Thành Phong hoan nghênh Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam đã cho ra mắt Sách trắng về y tế, đồng thời khẳng định cuộc đối thoại tạo cơ hội tăng cường hợp tác giữa ngành y tế TP HCM với các đối tác Mỹ, góp phần hiện thực hóa chiến lược đưa TP HCM trở thành trung tâm y tế chất lượng cao ngang tầm khu vực.
Trong khi đó, Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP HCM Marie Damour khẳng định Mỹ sẵn sàng hợp tác với TP HCM để tăng cường nhân lực y tế; phối hợp chặt chẽ để xác định cơ hội hợp tác, sẵn sàng hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để hiện đại hóa ngành y tế TP.
Trong phiên thảo luận về lộ trình đưa TP HCM thành trung tâm y tế chất lượng cao của Việt Nam và khu vực, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết thời gian qua Sở Y tế đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để bảo đảm nguồn nhân lực đủ về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng. Cũng theo ông Thượng, nhu cầu đầu tư cho y tế là rất lớn trong khi ngân sách không thể đáp ứng. Vì vậy, thu hút nguồn lực theo hình thức đối tác công - tư (PPP) là giải pháp tốt để thúc đẩy ngành y tế phát triển.
Phát biểu trực tuyến tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá ngành y tế TP HCM có sự quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại. TP HCM cần chú trọng phát triển nâng cao chăm sóc sức khỏe người dân nhằm giảm tình trạng người dân ra nước ngoài chữa bệnh; mở ra lĩnh vực y tế du lịch, thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh.
Bộ Tài chính trả lời kiến nghị tăng thẩm quyền điều tra về ma tuý cho ngành hải quan
Cũng trên báo Người Lao Động, Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP HCM về việc nghiên cứu, sửa đổi các văn bản pháp luật theo hướng tăng thẩm quyền trong hoạt động điều tra tội phạm ma túy cho ngành hải quan trong nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm ma tuý.
Theo Bộ Tài chính, cơ quan này đã chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ về công tác phòng, chống ma tuý. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của công an, quân đội trong công tác đấu tranh ngăn chặn, điều tra, bắt giữ, xử lý đối với các đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, bắt giữ các vụ án ma túy của ngành hải quan cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện công tác phối hợp với các đơn vị chức năng.
Bộ Tài chính dẫn Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định về thẩm quyền và nhiệm vụ của cơ quan hải quan trong việc kiểm soát, kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển may túy qua biên giới còn hạn chế. Theo đó, hải quan không có thẩm quyền khởi tố vụ án mà phải bàn giao đối tượng và tang vật cho cơ quan công an tiếp tục điều tra, xử lý.
Trả lời cử tri, Bộ Tài chính cũng nhắc đến Luật Phòng, chống ma túy quy định lực lượng công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan là lực lượng chuyên trách trong công tác đấu tranh với tội phạm ma tuý. Tuy nhiên trên thực tế, lực lượng công an, biên phòng, cảnh sát biển là lực lượng vũ trang, riêng lực lượng hải quan là công chức, thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo Luật Công chức, viên chức nên phải đối mặt với rủi ro nghề nghiệp, nhưng hiện chưa có chính sách đặc thù hỗ trợ. Với các vướng mắc này, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất kiến nghị Chính phủ, Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, các Bộ ngành để tháo gỡ.
Về kiến nghị của cử tri cho rằng cần nghiên cứu, sửa đổi các văn bản pháp luật theo hướng tăng thẩm quyền trong hoạt động điều tra về tội phạm ma túy cho ngành hải quan, Bộ Tài chính cho rằng, các quy định của pháp luật hiện tại về công tác đấu tranh, phòng chống ma túy là phù hợp với chức năng, thẩm quyền của lực lượng hải quan. Do đó, trong thời điểm này, Bộ tài chính chưa để xuất tăng thẩm quyền điều tra về tố tụng hình sự cho lực lượng hải quan trong công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý.
Lập 5 khu cách ly tập trung do quân đội quản lý
Báo Thanh Niên cho hay, UBND TP vừa quyết định thành lập 5 khu cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19 trực thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM với tổng quy mô 2.200 giường.
Năm khu cách ly gồm: Khu cách ly tập trung tại Trường Quân sự Quân khu 7, đường Tô Ký, P.Trung Mỹ Tây, Q.12 quy mô 850 giường; Khu cách ly tại Khu Sư đoàn BB117 Quân khu 7, đường Lê Lợi, xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn quy mô 400 giường; Khu cách ly tại Trung đoàn BB10, đường Trần Thị Quy, xã Phú Xuân, H.Nhà Bè quy mô 100 giường.
Ngoài ra, còn có Khu cách ly tại khu B, khu C Trường Quân sự TP.HCM, ấp Bàu Đưng, xã Nhuận Đức, H.Củ Chi quy mô 650 giường; Và Trung tâm cách ly tập trung tại khu thao trường huấn luyện dã ngoại và chiến sỹ mới tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, H.Củ Chi quy mô 200 giường.
Các khu cách ly nêu trên có chức năng tiếp nhận, khám, sàng lọc, theo dõi, tư vấn những người được cách ly tập trung theo Nghị định 101/2010 của Chính phủ. Trong thời gian cách ly, nếu người cách ly có triệu chứng ho sốt, khó thở thì chuyển đến Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ. Khi hết thời gian cách ly, các khu cách ly tập trung sẽ cấp giấy xác nhận cho người dân.
Các khu cách ly chịu sự chỉ đạo, quản lý và điều hành trực tiếp của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Y tế.
Đẩy nhanh sửa chữa cao tốc TP.HCM - Trung Lương để giảm kẹt xe
Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, ngày 1/10, Cục Quản lý đường bộ 4 thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ sửa chữa đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (TP.HCM, Long An, Tiền Giang) để kéo giảm tình trạng kẹt xe do thi công sửa chữa.
Theo đó, Cục đã yêu cầu đơn vị tổ chức thi công sửa chữa đường ngoài giờ cao điểm và tổ chức phân luồng giao thông. Đồng thời, thi công sửa chữa đoạn nào xong đưa ngay toàn bộ thiết bị xe máy thi công ra bên ngoài đường cao tốc để tạo cho luồng xe lưu thông thông thoáng.
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4, cho biết hiện tình trạng ùn ứ giao thông trên đường cao tốc tăng hơn so với trước do phải ngăn bớt một làn xe lưu thông để thi công sửa đường. Hiện việc sửa chữa đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương tập trung ở những đoạn hư hỏng nặng và dự kiến đến giữa tháng 11/2020 hoàn thành.
Theo Cục Quản lý đường bộ 4, số lượng xe tăng mạnh do nhiều xe chuyển hướng lưu thông từ quốc lộ 1 vào đường cao tốc. Bên cạnh đó, tuyến đường cao tốc này cũng chưa được đầu tư hệ thống cân xe tự động để xử lý xe quá tải. Do đó, tình trạng xe quá tải lưu thông trên cao tốc khiến tốc độ xe lưu thông giảm, mặt đường cao tốc hư hỏng nặng và nhanh hơn so với trước. Cục Quản lý đường bộ 4 cho biết đã đề xuất Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục sửa chữa đường cao tốc trong năm 2021 với kinh phí 70 tỉ đồng.
TP.HCM tung 300 chương trình du lịch hấp dẫn
Để đưa ngành du lịch từng bước trở lại quỹ đạo bình thường, Sở Du lịch TP vừa ban hành kế hoạch kích cầu du lịch nội địa lần hai, diễn ra từ tháng 10. Trao đổi với báo Pháp Luật TP, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP cho biết mục tiêu chính của kích cầu du lịch lần hai là kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân, trong đó giá cả chỉ là một trong các yếu tố để thúc đẩy.
Do đó, ngoài việc chuẩn bị hơn 300 chương trình du lịch có giá ưu đãi, các sản phẩm du lịch trong chương trình kích cầu lần hai còn chú trọng đáp ứng hai nhu cầu quan trọng của du khách: đi du lịch an toàn và có những trải nghiệm thú vị sau mỗi chuyến đi.
Điểm nhấn của chương trình lần hai là tập trung vào những sản phẩm du lịch tham quan tại TP.HCM trong ngày, hai ngày, ba ngày với nhiều phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân. Bên cạnh đó, các công ty du lịch chú trọng phân khúc sản phẩm ngắn ngày dành cho nhóm nhỏ gia đình, sản phẩm du lịch theo yêu cầu của du khách.
Bà Hoa cho biết thêm, chương trình kích cầu du lịch lần hai vẫn theo thông điệp chung như lần một là “TP.HCM - Sống động từng trải nghiệm”. Tuy nhiên, có nhiều chương trình nhánh mới như “Người TP.HCM đi du lịch TP.HCM” và “TP.HCM nghĩa tình - du lịch san sẻ yêu thương”...
Đối với chương trình “Người TP.HCM đi du lịch TP.HCM”, Sở đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch TP và các công ty du lịch chuẩn bị sẵn khá nhiều sản phẩm để khuyến khích người dân đi du lịch tại chỗ để hiểu và yêu hơn về TP nơi mình sinh sống và làm việc. Qua đó góp phần quảng bá cho điểm đến TP.HCM và hỗ trợ doanh nghiệp du lịch hồi sinh.
Đối với chương trình “TP.HCM nghĩa tình - du lịch san sẻ yêu thương”, sở phối hợp với các quận/huyện tổ chức cho những người yếu thế như trẻ em mồ côi, người khuyết tật… du lịch miễn phí với những chương trình hấp dẫn, chất lượng tại TP.HCM.
Đề xuất bỏ khung giá đất tối đa, tối thiểu
Theo quy định hiện hành, cứ 5 năm Chính phủ sẽ ban hành khung giá đất trên toàn quốc. Dựa vào khung giá này, hằng năm TP.HCM sẽ ban hành hệ số K (hệ số điều chỉnh giá đất) theo từng khu vực và có bảng giá đất riêng. Tuy nhiên, bảng giá đất luôn thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Vì vậy, mới đây UBND TP.HCM đã đề xuất các Bộ báo cáo Thủ tướng việc bãi bỏ quy định khung giá đất tối thiểu và tối đa. Thông tin từ báo Pháp Luật TP.
Theo UBND TP, bảng giá đất trên địa bàn TP đang căn cứ theo khung giá đất của Chính phủ. Khung giá đất thấp nên bảng giá đất cũng thấp. Theo đó, khung giá đất ở tại TP.HCM (đô thị đặc biệt) có mức tối thiểu là 1,5 triệu đồng/m2 và tối đa là 162 triệu đồng/m2, thấp hơn nhiều so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường.
Do đó, khi thực hiện các giao dịch chuyển nhượng nhà, đất, các bên thường thỏa thuận thể hiện giá trị chuyển nhượng trên hợp đồng thấp hơn hoặc bằng quy định tại bảng giá đất nhằm giảm số tiền phải thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Đồng tình với đề xuất này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng việc bãi bỏ quy định về khung giá đất tối thiểu, tối đa giúp xây dựng bảng giá đất tiệm cận với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường, tránh thất thu thuế nhà, đất. Theo ông Châu, khung giá đất của Chính phủ ban hành và bảng giá đất do các địa phương, cụ thể là TP.HCM, công bố so với giá đất thực tế trên thị trường luôn thấp hơn 30%-50%. Chính vì vậy, HoREA thống nhất với TP kiến nghị bãi bỏ quy định Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ năm năm một lần tại Điều 113 Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội thí điểm giao thẩm quyền cho HĐND, UBND TP.HCM chịu trách nhiệm ban hành bảng giá đất. TP phải đảm bảo nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường và phù hợp với thực tế tình hình của địa phương.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cũng cho rằng nếu bỏ khung giá đất và giao toàn quyền cho địa phương sẽ tạo điều kiện cho UBND cấp tỉnh có thể ban hành giá đất phù hợp hơn với cơ chế thị trường mỗi khu vực. Khi được tính giá thật so với thị trường thì thuế sẽ cao lên, đẩy lùi được đầu cơ đất đai, không làm méo mó thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhận định bảng giá đất là căn cứ để tính tiền sử dụng đất, bồi thường, thuế, phí…, vì vậy nói bỏ cũng không được. Theo ông Hiển, không nên bỏ mà nên đưa ra công thức tính, cách tính khoa học phù hợp thực tế. Ngoài việc quản lý chuyển nhượng, cũng cần quy định các ngân hàng khi cho vay cần căn cứ vào giá giao dịch của các tài sản đó để cho vay chứ không chỉ căn cứ vào giá thẩm định. Khi có quản lý đồng bộ thì giá đất sẽ đúng trên dữ liệu của ngân hàng, công chứng, nộp thuế đúng. Từ đó TP sẽ có cơ sở tin cậy tính toán được giá đất thị trường và ra công thức đúng
Ở góc nhìn khác, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt An Hòa, cho rằng thị trường bất động sản hiện không minh bạch, giá đất hay biến động. Như vậy, nếu căn cứ thị trường thì bảng giá đất sẽ phải thay đổi liên tục. Ông cho rằng chỉ nên rút ngắn giai đoạn áp dụng khung giá đất, bảng giá đất xuống còn 3 năm thay vì 5 năm, bởi khoảng cách 5 năm là khá dài so với mức độ biến động của bất động sản.
35.000 vé tàu, xe, máy bay tặng công nhân về quê đón tết
Theo báo SGGP, chiều 1/10, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với đại diện các quận huyện về tình hình đời sống của người lao động trên địa bàn.
Nhiều đại biểu cho biết do Covid-19 nên việc làm tại các doanh nghiệp bị giảm sút. Đến nay có hơn 15.200 doanh nghiệp ở TP giải thể, ngừng việc, thu hẹp sản xuất làm hơn 149.840 lao động bị mất việc, ngừng việc. Các đại biểu lo ngại tình hình chăm lo tết năm nay tại các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tại buổi gặp gỡ, LĐLĐ TP triển khai kế hoạch các hoạt động chăm lo Tết Tân Sửu năm 2021. Công tác chăm lo tết năm nay theo hướng bảo đảm tất cả đoàn viên, người lao động đều được chăm lo, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công nhân mất việc làm hoặc không có việc làm ổn định do dịch Covid-19.
Theo kế hoạch, y bác sĩ, cán bộ y tế làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19; đoàn viên công đoàn, con đoàn viên công đoàn được mổ tim theo chương trình “Trái tim nghĩa tình” từ năm 2012 đến năm 2020 cũng sẽ được xét chăm lo.
Ngoài ra, chương trình “Tấm vé nghĩa tình” dự kiến sẽ trao tặng hơn 35.000 vé tàu, xe, máy bay cho công nhân hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng việc làm do dịch Covid-19, nhiều năm không về quê đón tết. Chương trình cũng tặng vé tàu để 500 gia đình công nhân tiêu biểu có sáng kiến làm lợi cho đơn vị (từ 15 triệu đồng trở lên) về quê.
Đặc biệt, những công nhân đạt các giải thưởng của LĐLĐ TP, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ được xét tặng 100% vé máy bay về quê đón tết.
Hành trình đưa nước sạch đến người dân
Với những ý nghĩa thiết thực mang lại cho nhiều hộ dân, dự án “Sinh viên thành phố Bác và hành trình mang nước sạch đến người dân” của nhóm sinh viên Khoa Địa chất Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đã giành được giải ba tại cuộc thi Dự án tình nguyện 2020 do T.Ư Đoàn tổ chức. Ngoài ra, dự án đã được đưa vào các chiến dịch Mùa hè xanh của trường để mang nước sạch về cho người dân. Thông tin trên báo Thanh Niên.
Chủ nhân của dự án là Vũ Hồng Phước Lộc, Nguyễn Trung Thái và Hồ Thị Hồng Yến (cùng là sinh viên Khoa Địa chất Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM). Qua thực tế thấy cảnh người dân một số nơi ở Q.9 TP.HCM phải hằng ngày sống chung với nước nhiễm phèn nặng, nhóm bạn trẻ trên đã ngay lập tức nghĩ đến ý định phải làm điều gì đó để giúp người dân.
Vũ Hồng Phước Lộc kể những vùng như: Trường Thạnh, Phú Hữu, Long Phước của Q.9, người dân chủ yếu sử dụng nước giếng hoặc nước bơm trực tiếp từ sông lên, chứ chưa tiếp cận được với nước máy do đường nước chưa kéo vào được và cũng có trường hợp không có đủ điều kiện kinh tế để tiếp cận với nguồn nước sạch.
Nhóm đã khảo sát, tiến hành lấy mẫu và phân tích thành phần, đặc tính của nước tại khu vực để biết được tình trạng nhiễm phèn tại địa phương, sau đó đưa ra mô hình lọc nước và lắp đặt cho phù hợp với tính chất nước của khu vực.
Nguyễn Trung Thái cho biết, trong môn học về xử lý nước chỉ được học về kiểm định chất lượng nước, nên để làm được mô hình máy lọc nước này, nhóm phải mất hơn 1 năm nghiên cứu, hoàn thiện. Điều mà nhóm bạn đặt lên hàng đầu là làm thế nào hệ thống lọc có thể đơn giản, ít tốn chi phí nhưng mang lại chất lượng nước và hiệu suất cao.
Sau quá trình nghiên cứu, nhóm sáng chế được hệ thống lọc gồm các bộ phận như khay nhựa, ống nước, van nước, lưới, sỏi thạch anh giúp giữ cặn, lấy nước; than hoạt tính có tác dụng khử mùi, màu, độc tố…
Lần đầu thử nghiệm, mẫu nước khi được lọc xong đã được nhóm đưa đến Viện Pasteur để kiểm nghiệm trước khi mang hệ thống lắp đặt cho hộ dân sử dụng. Đoàn trường thấy mô hình khá hay và hiệu quả nên nhân rộng trong các chiến dịch Mùa hè xanh.
Qua 3 mùa hè, nhóm đã lắp đặt được 27 hệ thống máy lọc nước hoàn toàn miễn phí cho người dân. Điều nhóm mong muốn là có được nguồn tài trợ để có thể nhân rộng mô hình tại các huyện khác như Nhà Bè, Củ Chi, bởi ở đây vẫn có nhiều hộ đang sống chung với nước nhiễm phèn nặng.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai