Kích cầu du lịch, tạo đột phá
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Trao đổi tại Hội nghị thảo luận về ứng phó với dịch Covid-19 của ngành du lịch do Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP cho biết, để khôi phục ngành du lịch, đơn vị có đề ra 2 nhóm giải pháp, bao gồm thống nhất cùng các đơn vị, doanh nghiệp (DN) lữ hành, hàng không, dịch vụ… xây dựng chương trình kích cầu du lịch nội địa với mức giá giảm giá sâu tới khoảng 50%.
Kế đến là giải quyết các tồn tại, khó khăn của DN lữ hành phải chịu tác động bởi dịch Covid-19. Sở Du lịch hiện đã tổ chức một số cuộc gặp gỡ với DN, hiệp hội… nhằm lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp cũng như những giải pháp giúp đảm bảo, duy trì mức độ phát triển trong và ngay khi chấm dứt dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP, cho rằng cần triển khai sớm chương trình kích cầu du lịch. Ngày 21/2, Hiệp hội Du lịch TP sẽ triển khai chương trình kích cầu du lịch TP. “Hiện chúng tôi đã có giá của một số hãng hàng không, các công ty cũng đã có các chương trình kích cầu cụ thể. Có công ty giảm giá dịch vụ từ 30%-40% so với giá bình thường. Có đơn vị đã xây dựng được tới vài chục chương trình tour…”, bà Khánh nói.
Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng dẫn lời Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá cao sự đồng lòng của tất cả các bên (doanh nghiệp, sự liên kết chặt chẽ của các sở ngành…) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong việc phòng chống dịch Covid-19. “Chính sự đồng lòng, tích cực này hứa hẹn ngành du lịch sớm phục hồi. Chúng tôi sẽ ghi nhận và báo cáo, đề xuất Chính phủ các chính sách có liên quan, hỗ trợ DN bị thiệt hại.
Cụ thể là 5 nhóm vấn đề: Thứ nhất, liên quan đến thuế, như giảm thuế, giãn thuế, nộp chậm; Thứ hai, nhóm tín dụng, các gói, hợp đồng vay, lãi suất; Thứ ba, các chính sách góp phần làm thông thoáng thị trường (visa, tạo điều kiện kết nối Việt Nam với thế giới…); Thứ tư, tăng cường xúc tiến quảng bá, hỗ trợ kinh phí xúc tiến ở cả trung ương lẫn địa phương...; Thứ năm, chính là việc tăng cường nguồn nhân lực cho ngành du lịch.
Cách ly y tế 2 người từ vùng dịch trở về
Vừa qua, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Đặng Nguyễn Thanh Minh đã ký quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế với hai người dân trở về từ vùng dịch.
Trong đó, một người vừa trở về từ tâm dịch thuộc địa bàn thôn Ái Văn, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc vào ngày 12/2. Người này đã ở vùng tâm dịch trong 13 ngày (từ ngày 31/1 đến 12/2), sẽ được cách ly tại BV dã chiến huyện Củ Chi.
Người còn lại đã có thời gian dài ở thị xã Lạc Dương, Tuyền Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc (từ ngày 13/10/2019 đến 14/2/2020). Người này vừa trở về địa bàn vào ngày 14/2, sẽ được cách ly tập trung tại quận Thủ Đức (đường 16, phường Linh Trung, quận Thủ Đức).
Cả hai người đều được cách ly trong vòng 14 ngày kể từ ngày 14/2. Trong thời gian này, cả hai người không được rời khỏi khu cách ly trừ trường hợp phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
(Theo Báo Pháp Luật TP)
Xin giảm thuế vì chợ ế ấm
Theo báo Tuổi Trẻ, hàng ngàn hộ kinh doanh tại chợ An Đông (quận 5) đã ký đơn xin giảm thuế vì doanh thu sụt giảm trầm trọng do dịch Covid-19. Đơn xin giảm thuế được gửi đi nhiều nơi như UBND quận 5, Công an quận 5, Ban quản lý chợ An Đông…
Tại các quận khác, nhiều hộ kinh doanh cũng làm đơn xin giảm thuế hoặc ngưng kinh doanh do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo các tiểu thương kinh doanh tại chợ An Đông, từ ngày mở chợ bán lại sau Tết Nguyên đán đến nay, đa số các quầy không bán được hàng hóa, mãi lực tại chợ gần như bằng 0. Do đó, tiểu thương thỉnh cầu các cấp lãnh đạo quận 5 xem xét, giảm 50% thuế hằng tháng trong thời gian 3-6 tháng (bắt đầu tính từ tháng 2/2020) cho toàn bộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ.
Ghi nhận của phóng viên tại chợ An Đông ngày 20/2 cho thấy tình hình ế ẩm bao trùm nhiều ngành hàng. Dạo khắp khu chợ này không còn cảnh nhộn nhịp như trước. Tiếng chào mời, kỳ kèo trả giá, tiếng dán băng keo liên hồi để chuyển hàng đi cũng vắng lặng. Các tiểu thương người ngủ say, kẻ thức nói chuyện, chơi game, xem phim trên điện thoại.
Lãnh đạo Chi cục Thuế quận 5 cho biết đã nhận được đơn kiến nghị giảm thuế của các tiểu thương chợ An Đông và đang yêu cầu các bộ phận rà soát mức thuế của các tiểu thương, báo cáo Cục Thuế Thành phố xin ý kiến. Lãnh đạo Chi cục Thuế quận 5 cũng thừa nhận dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh, ăn uống, trường học và những ngành liên quan.
Hơn 3,8 tỉ đồng cho vay giải quyết việc làm
Báo Người Lao Động cho hay, UBND TP vừa giao chỉ tiêu cho vay giải quyết việc làm năm 2020 cho 9 quận của TP với số tiền hơn 3,805 tỉ đồng.
Các quận được hỗ trợ vay là quận 4, 6, 10, 12, Thủ Đức, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân; mỗi quận được vay từ 400 đến 500 triệu đồng. UBND TP giao Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thực hiện cho vay giải quyết việc làm và phải giám sát quá trình sử dụng vốn vay. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính TP và UBND các quận chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Qua khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, trong tháng 2, toàn TP cần khoảng 30.000 chỗ làm; trong đó, trình độ đại học chiếm 14,06%, cao đẳng: 14,02%, trung cấp: 35,23%, sơ cấp: 19,87% và lao động chưa qua đào tạo chiếm 16,82%.
Hướng nghiệp online
Lập riêng trang Facebook tư vấn hướng nghiệp, tìm kiếm và chia sẻ các chương trình tư vấn trực tuyến của các trường ĐH… là những cách thức đang được nhiều trường THPT tại TP.Hồ Chí Minh thực hiện trong khâu tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối 12 ở thời điểm nghỉ chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn cũng được coi là kênh tương tác hết sức quan trọng khi hỗ trợ kết nối, giải đáp những thắc mắc trực tuyến cho các em học sinh.
Cụ thể, tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), trang Facebook nhà trường hiện đang là kênh đưa các thông tin chính thống về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020. Tuy nhiên, với hình thức tư vấn trực tuyến, thầy Nguyễn Hùng Khương - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết bước đầu nhà trường chỉ có thể tương tác với học sinh dưới dạng “không hình ảnh”, tức là không quay video trực tuyến. Hoặc là học sinh sẽ “note” (ghi nhớ lại) những vấn đề của mình và chuyển cho thầy cô, nhà trường qua các kênh trực tuyến để được hỗ trợ giải đáp.
Hướng nghiệp online cho học sinh khối 12 cũng là giải pháp hiện đang được Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú) lựa chọn và triển khai ngay từ khi các hoạt động trực tiếp bị dừng do dịch Covid-19… Thầy Phạm Văn Cường - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng trong giai đoạn này, chưa bàn đến kiến thức, điều mà học sinh khối 12 “đói” nhất là thông tin về hướng nghiệp, tuyển sinh.
Được xây dựng và duy trì nhiều năm nay, trang Facebook về kỳ thi THPT quốc gia của Trường THPT Hùng Vương (Q.5) luôn là kênh cung cấp, ghi nhận và giải đáp những thông tin cho học sinh khối 12 của trường xung quanh kỳ thi này và cả tuyển sinh ĐH, CĐ.
(Theo báo Giáo Dục TPHCM).
Bệnh nhân người Trung Quốc gửi thư cho bác sĩ BV Chợ Rẫy
Mới đây, trên Facebook, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, vừa chia sẻ bức tâm thư của anh Li ZiChao - một trong hai người Trung Quốc mắc Covid-19 - đã được Bệnh viện Chợ Rẫy chữa khỏi bệnh.
Hai cha con bệnh nhân người Trung Quốc hạnh phúc ngày xuất viện. Ảnh: Trương Khởi/Zing.vn
Bức thư của bệnh nhân Li ZiChao gửi bác sĩ BV Chợ Rẫy viết: “Chúng tôi cảm thấy rất hối tiếc khi đã đến đây là gây phiền phức cho các bạn, chúng tôi chân thành cúi chào: Xin lỗi các bạn! Chính các bác sĩ và y tá Việt Nam điều trị bằng tất cả tâm sức, cuối cùng đã chữa khỏi bệnh cho chúng tôi. Chúng tôi hiểu rằng chính lòng tốt của bạn đã cứu chúng tôi và chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi…
Gia đình chúng tôi đã thống nhất rằng sẽ quay trở lại Việt Nam xinh đẹp một lần nữa vào một thời điểm thích hợp trong tương lai, và quay lại Chợ Rẫy một lần nữa để bày tỏ lời cảm ơn chân thành nhất đến những người bạn thân của chúng tôi. Cảm ơn Việt Nam, cảm ơn Chính phủ Việt Nam!"
TS.BS Lê Quốc Hùng bày tỏ: “Tôi muốn đăng lên lá thư cảm tạ của một trong những bệnh nhân nhiễm Covid-19 như là lời tri ân đối với người đồng nghiệp đã khuất và là nguồn động viên cho tất cả nhân viên y tế chúng ta để tiếp tục cùng nhau vững vàng, tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng và dịch COVID-19 sẽ nhanh chóng đi qua”.
(Theo Zing.vn)
Tranh luận quanh kiến nghị cho học sinh nghỉ học hết tháng 3
Đó là nội dung được đăng tải trên Báo Tuổi Trẻ số ra sáng nay.
Khảo sát trên Tuổi Trẻ Online từ 10h15 đến 17h ngày 20/2, có hơn 18.000 bạn đọc cho ý kiến về kiến nghị của TP. Trong đó, có 4.734 ý kiến không đồng tình với kiến nghị cho học sinh cả nước nghỉ học đến hết tháng 3. Trong khi đó, số bạn đọc đồng tình với kiến nghị của TP lên tới 13.059 người, cao gấp gần 3 lần.
Ý kiến bình chọn của bạn đọc Tuổi Trẻ Online về kiến nghị của UBND TP.HCM/TTO
Một số bạn đọc cho rằng theo thông tin trên báo chí, cơ quan chức năng đã khẳng định kiểm soát được tình hình, những ngày gần đây không còn tình trạng virus corona lây lan trong cộng đồng nên việc kéo dài thời gian nghỉ của học sinh là không cần thiết.
Ngoài lý do lo con em mình nghỉ học quá dài sẽ quên bài, phần lớn những người không đồng tình cho rằng việc con em không đến trường khiến cha mẹ phải ở nhà trông nom, ảnh hưởng tới công việc. "Tôi không đồng tình, không cần nghỉ nhiều quá. Vợ chồng cứ thay nhau ở nhà trông con sắp bị thất nghiệp hết rồi..." - bạn đọc Đức Cường bình luận.
Trong khi đó, bạn đọc tên Ly Hương cho biết mình có 2 con đang tuổi đi học, đành rằng nếu phải nghỉ 2 tháng ở nhà thì phải lo cơm áo gạo tiền đủ thứ, nhưng sẽ ra sao nếu chẳng may con đi học rồi bị nhiễm bệnh.
Tự học dựa vào Internet, con sẽ có cơ hội được học từ nhiều thầy cô khác nhau - Ảnh: H.NG/TTO
Ghi rõ là "gửi những phụ huynh không đồng tình", bạn đọc Quỳnh Phương bình luận: "Đi làm thì đi cả đời, học thì cũng học cả đời, tiền nhiều tiền ít cho đến lúc này không quan trọng bằng tính mạng...”
Thậm chí có bạn đọc cho rằng lý do con nghỉ học không có người trông là không hợp lý. "Không phải tự nhiên mà TP.HCM cho nghỉ dài hạn như vậy. Nghỉ để phòng tránh dịch bệnh. Nhiều phụ huynh cứ lên tiếng oán trách cho con nghỉ nhiều, ở nhà không ai trông nên phải nghỉ làm. Hóa ra nhiều người nghĩ giáo viên họ là người trông trẻ à? Vậy thời gian hè, học sinh nghỉ thì ai trông?" - bạn đọc Lucas viết.
Robot hạn chế lây nhiễm trong mùa dịch Covid-19
Những ngày này, mặc dù trường học rất vắng vẻ vì sinh viên chưa trở lại trường, nhưng phòng thí nghiệm Open Lap – nơi 2 chàng sinh viên đến từ Khoa Cơ khí chế tạo máy của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu, vẫn đều đặn mở cửa từ 8 giờ sáng đến tận khuya. Họ vẫn mày mò nghiên cứu để tiếp tục cải tiến những tính năng mới cho sản phẩm robot hỗ trợ khám chữa bệnh.
Người dùng có thể tương tác với robot bằng màn hình cảm ứng hoặc giọng nói/Báo Thanh Niên
Sản phẩm xuất phát từ việc nhận thấy nhu cầu khám chữa bệnh rất cao và bệnh nhân phải di chuyển một quãng đường xa, đồng thời phải chờ đợi rất tốn thời gian và tiền bạc cũng như sức khỏe.
Khi người dùng tương tác với robot, ngay lập tức robot sẽ chào hỏi và hướng dẫn người dùng: “Xin chào, tôi là robot hỗ trợ khám bệnh. Chạm vào biểu tượng micro để trò chuyện với tôi hoặc nếu bạn muốn sử dụng các chức năng khác, hãy chọn trên màn hình nhé”. Và người dùng có thể tùy theo nhu cầu mà chọn các chức năng khác nhau thông qua màn hình cảm ứng hoặc bằng giọng nói để tương tác với robot.
Bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo, robot có thể hỗ trợ người bệnh đo các số liệu sức khỏe như huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ… Tất cả thông số thu được sẽ được lập thành hồ sơ bệnh án điện tử và cập nhật trực tiếp cho bác sĩ để theo dõi tình hình sức khỏe.
Ngoài việc hỗ trợ khám chữa bệnh, robot cũng đóng vai trò như lễ tân để chỉ đường các khu vực, phòng ban, giúp mọi người tra cứu thông tin về y tế cũng như hành chính của bệnh viện và có thể thanh toán viện phí điện tử thông qua các hình thức thanh toán điện tử hiện nay...
Điều đặc biệt nhất mà 2 chàng sinh viên mong muốn là robot có thể hỗ trợ hữu hiệu cho bệnh nhân và bác sĩ trong mùa dịch này. Với việc hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa và bệnh nhân đều có thể kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe tại nhà, robot giúp hạn chế việc phải đến và tiếp xúc ở những nơi đông người như các cơ sở y tế khi chưa thật sự cần thiết, đồng thời cũng giúp phát hiện được những triệu chứng nguy cơ vì có thể thường xuyên tương tác với bác sĩ thông qua robot. Không những thế, với chức năng có thể thay thế người để vận chuyển các mẫu bệnh phẩm, mẫu xét nghiệm hay thuốc và thức ăn... cũng giúp phòng chống phần nào việc truyền nhiễm không mong muốn trong mùa dịch.
Sản phẩm của nhóm đã từng xuất sắc đoạt giải nhất giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp quốc gia năm 2019 do Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ, T.Ư Đoàn, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
(Theo báo Thanh Niên).