Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 21/6/2021

10:44 21/06/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 21/6

TPHCM ngày đầu cấm chợ tự phát, giao thông công cộng

Ngày 20/6, TPHCM bước vào ngày đầu tiên thực hiện theo Chỉ thị số 10 của UBND TP về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.

Ghi nhận của PV báo Người Lao Động, tại các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cộng Hòa, Trường Chinh, Nguyễn Đình Chiểu… không diễn ra tình trạng kẹt xe như ngày thường, rất ít phương tiện lưu thông trên đường.

Bến xe buýt Tân Phú dừng hoạt động
Bến xe buýt Tân Phú dừng hoạt động
Rất ít phương tiện tham gia lưu thông trên đường
Rất ít phương tiện tham gia lưu thông trên đường

Ngay từ sáng sớm, lực lượng chức năng của các phường cũng đã đến các chợ tự phát để hướng dẫn tiểu thương giải tán, dừng các hoạt động mua bán tại đây. Các chợ truyền thống, siêu thị vẫn hoạt động bình thường, không diễn ra tình trạng người dân đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm như các đợt TP thực hiện giãn cách xã hội trước.

Trên địa bàn huyện Hóc Môn, các chợ tự phát...đều dừng hoạt động. Tương tự tại quận 12, chợ tự phát khu vực đường Nguyễn Ảnh Thủ, đường Tân Thới Nhất 08, gần chợ Lạc Quang...cũng dừng hoạt động khi lực lượng chức năng đặt bảng "Khu vực hạn chế đi lại".

Trên đường phố, đặc biệt các tuyến đường lớn như Trường Chinh, Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Song hành Quốc lộ 22... hàng quán tuân thủ việc bán mang về.

Chợ tự phát đường Trần Khắc Chân, phường Tân Định, quận 1 không còn cảnh mua bán nhộn nhịp
Chợ tự phát đường Trần Khắc Chân, phường Tân Định, quận 1 không còn cảnh mua bán nhộn nhịp
Bảo vệ chợ Tân Định (quận 1) đo thân nhiệt cho từng người dân đến chợ
Bảo vệ chợ Tân Định (quận 1) đo thân nhiệt cho từng người dân đến chợ

Tại một số chốt kiểm soát trên địa bàn phường An Lạc, quận Bình Tân việc ra, vào khu vực phong tỏa, cách ly y tế bị cấm tuyệt đối. Tại mỗi chốt đều có lực lượng công an, quân sự, tình nguyện hỗ trợ tiếp nhận nhu yếu phẩm từ bên ngoài chuyển vào. 

Chợ tự phát bên hông UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn dừng hoạt động
Chợ tự phát bên hông UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn dừng hoạt động
Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường Võ Thị Sáu, quận 3) thông thoáng so với ngày thường
Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường Võ Thị Sáu, quận 3) thông thoáng so với ngày thường

Tuy nhiên, tại các khu chợ tự phát trên địa bàn TP Thủ Đức nhiều người vẫn tập trung đông đúc để mua thức ăn, đứng nói chuyện không giữ khoảng cách theo quy định tại nơi công cộng.

Tại khu vực chợ trên đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, người dân chen chúc mua hàng hoá, xe bán hàng lưu động tràn ra đường gây ùn ứ giao thông.

Cảnh người dân tấp nập mua hàng hoá ở khu vực chợ trên đường Hiệp Bình, TP Thủ Đức
Cảnh người dân tấp nập mua hàng hoá ở khu vực chợ trên đường Hiệp Bình, TP Thủ Đức

Nhiều xe bán hàng rong tụ tập thành điểm cố định dọc đường Phan Văn Hớn (xã Bà Điểm, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), đường Nguyễn Văn Bứa (gần UBND xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn), điểm bán hàng tập trung trên đường Tân Thới Nhất 08 (phường Tân Thới Nhất, quận 12), hàng rong gần siêu thị Coopmart Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12) ... vẫn thu hút rất đông người dân đến mua hàng, không giữ khoảng cách.

Những điểm bán hàng tập trung trên đường Tân Thới Nhất 08, quận 12 vẫn thu hút đông người dân đến mua
Những điểm bán hàng tập trung trên đường Tân Thới Nhất 08, quận 12 vẫn thu hút đông người dân đến mua

Dốc sức phục vụ chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất lịch sử tại TPHCM

Thông tin trên VOV.vn, để phục vụ cho chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay, Sở Y tế TP đã huy động 5.000 nhân viên y tế tham gia triển khai tiêm chủng, từ 547 đơn vị bệnh viện, phòng khám kể cả tư nhân, trung tâm y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP, trạm y tế, hệ thống tiêm chủng thuộc Công ty VNVC...

Sở cũng đã phân công lực lượng này thành 1.032 đội tiêm, mỗi đội tiêm gồm ít nhất 5 nhân sự (1 bác sĩ khám sàng lọc, 2 nhân sự tiêm vaccine, 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng phụ trách theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm).

1000 liều vaccin đầu tiên trong chiến dịch tiêm chủng này đã được tiêm cho 2 doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao (HCDC)
1000 liều vaccin đầu tiên trong chiến dịch tiêm chủng này đã được tiêm cho 2 doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao (HCDC)

Hiện các đội tiêm đã sẵn sàng nhân lực, vật lực cùng dây chuyền lạnh, chờ có chỉ đạo phân bổ số lượng vaccine từ Thành phố, phân công khu vực tiêm là nhân viên y tế nhanh chóng lên đường thực hiện nhiệm vụ. Việc tiêm chủng với quy mô lớn nhưng vẫn phải đảm bảo đúng quy trình an toàn tiêm chủng nghiêm ngặt, từ khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe, tư vấn và cả thực hiện theo dõi sau tiêm.

Nhân viên y tế đảm nhận nhiều nhiệm vụ trong đêm vì cuộc chiến chống Covid-19 (HCDC)
Nhân viên y tế đảm nhận nhiều nhiệm vụ trong đêm vì cuộc chiến chống Covid-19 (HCDC)

Bên cạnh đó, ngành y tế còn được sự hỗ trợ từ các công ty, doanh nghiệp đảm nhận công việc lập danh sách với tất cả các thông tin hành chính, mã số nhân viên của người được tiêm để quản lý, theo dõi sau tiêm.

Chiến dịch tiêm chủng đợt 4 tại TPHCM được khởi động từ ngày 19/6, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 26/6, số người dự kiến được tiêm chủng trong 1 ngày sẽ là 200.000 người .

Công nhân là nhóm đối tượng ưu tiên hàng đầu được tiêm vaccine
Công nhân là nhóm đối tượng ưu tiên hàng đầu được tiêm vaccine

Tiêm vaccine COVID-19 cho 5.000 công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận

Vietnamplus đưa tin, chiều 20/6, Ban Quản lý các Khu chế xuất (KCX), Khu công nghiệp (KCN) TP, các doanh nghiệp trong KCX Tân Thuận phối hợp cùng lực lượng y bác sỹ TP, Trung tâm Y tế quận 7 tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 5.000 công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp.

Đây là ngày thứ hai của chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 tại TPHCM từ nguồn 786.000 liều vaccine do Nhật Bản tài trợ và được phân bổ nhằm hạn chế lây nhiễm trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là tốc độ lây lan nhanh, rộng hơn tại TP.

Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận. (Ảnh: TTXVN phát)
Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Ban Quản lý các KCX, KCN TP, trong đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 lần này, Sở Y tế TP phân bổ 78.000 liều cho công nhân, người lao động tại các KCX, KCN và khu công nghệ cao (KCNC) TP.

Trong đó, KCX Linh Trung được phân phân bổ 20.000 liều, KCX Tân Thuận 20.000 liều, KCN Tân Tạo 10.000 liều, KCN Tân Phú Trung 13.000 liều và KCNC 15.000 liều.

Do số lượng vaccine cả nước nói chung, TPHCM nói riêng còn hạn chế, nên việc tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ được thực hiện theo phân bổ hợp lý nhằm hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh, nhất là trong đợt cao điểm dịch bùng phát lần này.

Đã có 5 đoàn tàu metro số 1 được nhập

Cũng trên Vietnamplus, chiều 20/6, tại cảng Khánh Hội (Quận 4), nhà thầu Hitachi đã triển khai bốc dỡ hai đoàn tàu số 4 và số 5 (tổng cộng 6 toa xe) của tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) xuống xe chuyên dụng để vận chuyển về depot Long Bình (TP Thủ Đức) để chuẩn bị thử nghiệm, vận hành.

Đến nay, đã có 5 đoàn tàu tuyến metro số 1 được nhập từ Nhật Bản về TPHCM.

Toa xe đầu tiên của đoàn tàu số 4 được cẩu khỏi tàu vận chuyển Pulang Tala. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Toa xe đầu tiên của đoàn tàu số 4 được cẩu khỏi tàu vận chuyển Pulang Tala. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Theo kế hoạch, rạng sáng 21/6, ba toa xe của đoàn tàu số 4 được các xe chuyên dụng vận chuyển về depot Long Bình, việc lắp đặt đoàn tàu lên ray T1 tại depot sẽ được thực hiện trong ngày 21/6.

Trong khi đó, các toa xe của đoàn tàu số 5 sẽ được vận chuyển về depot rạng sáng 22/6 và được đặt lên ray T1 vào ngày 23/6.

Lần đầu tiên sinh viên thi học kỳ trực tuyến

Theo báo Pháp Luật TP, lần đầu tiên, sinh viên nhiều trường đại học ở TP.HCM chuyển sang thi học kỳ theo hình thức trực tuyến vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Những ngày qua, sinh viên (SV) của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP đã bắt đầu kỳ thi học kỳ 2 đặc biệt nhất. Tất cả lớp học phần thuộc hệ đào tạo đại trà và chất lượng cao sẽ áp dụng 100% các hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ áp dụng cho SV làm bài tại nhà như thi trực tuyến, bài tập lớn, làm tiểu luận, làm dự án, vấn đáp trực tuyến…

PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh - Phụ trách trường, cho biết đây là lần đầu tiên trường tổ chức thi trực tuyến. SV có thể làm bài ở bất kỳ đâu mà không phải đến trường, miễn là có Internet.

“Trường giao quyền chủ động chuyên môn cho các khoa và bộ môn. Họ sẽ dựa trên chuẩn đầu ra môn học để đưa ra phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với thi online và cũng để tạo động lực sáng tạo cho SV” - PGS-TS Thịnh cho biết.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trong một giờ tự học trực tuyến. Ảnh: NT
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trong một giờ tự học trực tuyến. Ảnh: NT

Tương tự, Trường ĐH Sài Gòn chính thức tổ chức thi trực tuyến cho tất cả SV các khóa, cả chuyên ngành lẫn môn chung trong tháng 6 nhằm đảm bảo tiến độ tốt nghiệp, kịp thời tham gia các đợt tuyển dụng giáo viên của ngành GD&ĐT.

Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức bảo vệ và đánh giá khóa luận cũng như nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học trực tuyến cho SV.

Còn tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP, theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, trường sẽ cho thi online thử nghiệm ba lần. Hiện trường đang cho thi thử nghiệm lần một ở phần tự luận và chỉ chọn vài môn của Khoa công nghệ thông tin. Sau đó trường sẽ có những điều chỉnh, rút kinh nghiệm trước khi triển khai chính thức.

Với Trường ĐH Nông Lâm TP, theo kế hoạch ban đầu, từ ngày 21/6, trường sẽ tổ chức thi học kỳ 2 năm học 2020-2021 cho SV. Thế nhưng, sau Chỉ thị số 10 của UBND TP về nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trường buộc phải thông báo hoãn kỳ thi này. Lãnh đạo trường cho biết, trường sẽ căn cứ vào tình hình dịch cũng như quyết định của UBND TP mới lên kế hoạch thi và sẽ thông báo cho SV biết trước ngày thi một tuần để kịp thời ôn tập và chuẩn bị.

Đại diện nhà trường cũng cho biết trường chưa có phương án cho các em thi online, vì để làm được đòi hỏi rất nhiều yếu tố phức tạp. Do đó, trường vẫn duy trì tổ chức thi tập trung

Đổi cách phân loại rác: Lợi đủ đường!

Để phù hợp với công nghệ xử lý rác hiện nay là tập trung vào tái chế và đốt, TPHCM đã quyết định sửa đổi cách phân loại rác thành 2 nhóm gồm: Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, các chủ nguồn thải).

Theo đánh giá của chính quyền và người dân, cách phân loại rác này mang lại nhiều tiện lợi cho người dân và cả đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Ghi nhận trên báo Pháp Luật TP.

Người dân cho rằng việc phân loại rác theo hai nhóm sẽ đơn giản vàdễ thực hiện hơn. Ảnh: NC
Người dân cho rằng việc phân loại rác theo hai nhóm sẽ đơn giản vàdễ thực hiện hơn. Ảnh: NC

Theo quy định trước đây, các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt phải phân loại rác thành 3 nhóm: Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon, thủy tinh) và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, các chủ nguồn thải).

Chị Nguyễn Thanh Thùy (quận 12) chia sẻ: Trước đây người dân cũng được hướng dẫn phân loại rác tại nguồn nhưng không thực hiện được vì phân làm 3 loại thì rất phức tạp, dần dần thì cũng để chung. Nếu đổi việc phân loại rác thành 2 nhóm sẽ dễ thực hiện hơn rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Thanh Duy Tân - Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, việc thay đổi cách phân loại rác rất thuận tiện cho cả đơn vị thu gom rác và người dân.

Ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết: TP đã hướng đến công nghệ xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện thay vì chôn lấp. Bởi khi đã sử dụng công nghệ đốt thì không cần thiết phải phân thành 3 loại. Nếu chỉ phân làm 2 loại sẽ đỡ tốn công phân nhiều loại và cũng đỡ tốn chi phí xử lý nước rò rỉ rác trong quá trình chôn lấp.

Phấn đấu phát triển 8 triệu m2 sàn nhà ở vào cuối năm 2021

Báo Phụ Nữ TP cho hay, Sở Xây dựng TP vừa có báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021. Trong đó, về công tác phát triển nhà ở, Sở Xây dựng TP cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan phấn đấu phát triển 8 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở trên địa bàn TP, nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người lên 21,04m²/người vào cuối năm 2021.

Tính đến tháng 6/2021, TPHCM đã phát triển 1,92 triệu m² sàn xây dựng nhà ở (diện tích nhà ở riêng lẻ do dân tự xây dựng là 1,39 triệu m², nhà ở thương mại là 0,53 triệu m²), diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 20,65 m²/người.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sở Xây dựng cũng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 14 dự án, với tổng số 11.948 căn nhà và tổng diện tích sàn là 1.231.514,12 m2.

Cụ thể, căn hộ chung cư là 11.038 căn, diện tích sàn là 1.006.040,12m²; nhà ở thấp tầng 910 căn, diện tích sàn 225.474 m2. Trong đó, phân khúc cao cấp là 7.040 căn (chiếm tỷ lệ 58,92%) tăng 112,57% so với cùng kỳ năm 2020; phân khúc trung cấp là 4.908 căn (chiếm 41,08%) tăng 294,85% so với cùng kỳ năm 2020; không có căn nào ở phân khúc căn hộ bình dân.

Vân Anh (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục