Du học sinh về học trường trong nước
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở các nước khiến nhiều du học sinh Việt Nam mong muốn trở về nước tiếp tục học tập trong nước. Hiện các trường đại học trong nước và quốc tế đóng tại Việt Nam có nhiều chương trình đáp ứng nhu cầu này.
Theo báo Thanh Niên, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã có thông báo chính thức về việc tiếp nhận học sinh, sinh viên (HS-SV) đang học tại các nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có nhu cầu về học tại Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, cho biết trường sẽ tiếp nhận du học sinh (DHS) vào học tại trường theo 2 cách: tuyển mới và chuyển tiếp. Cụ thể, với người đang học bậc ĐH, trường sẽ xem xét chuyển tiếp đúng ngành SV đang học, công nhận tín chỉ đã học tương đương. Những SV muốn chuyển sang ngành học khác với ngành mình đang học, trường sẽ xét căn cứ trên bằng tú tài nước ngoài và quá trình phỏng vấn. Hiện tại, Trường ĐH Quốc tế đã tiếp nhận khoảng 15 hồ sơ. Nếu được chọn, SV sẽ nhập học vào tháng 10/2020.
Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) xét tuyển vào ĐH chính quy năm học 2020 bằng phương thức sử dụng chứng chỉ quốc tế (30 chỉ tiêu). Trong đó, nhóm 1 xét tuyển vào tất cả các ngành SV người Việt Nam tốt nghiệp THPT Việt Nam hoặc nước ngoài. Nhóm 2 chỉ xét tuyển vào chương trình tiên tiến ngành hệ thống thông tin học bằng tiếng Anh đối với SV người nước ngoài tốt nghiệp THPT nước ngoài.
Không chỉ tuyển sinh từ đầu hoặc chuyển tiếp “ngang” để đào tạo và cấp bằng, một số trường ĐH còn cho phép SV học tạm thời để chuyển đổi tín chỉ trong thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trước khi trở về trường cũ.
Trường ĐH RMIT Việt Nam vừa đưa ra các biện pháp hỗ trợ DHS từ Mỹ về học tại trường. Trong đó, SV đang theo học tại các trường ĐH, CĐ hoặc CĐ cộng đồng của Mỹ có thể chuyển đổi tín chỉ các môn đã học từ trường Mỹ để tiếp tục học tập và nhận bằng cử nhân tại RMIT. Số lượng tín chỉ được xét tùy ngành, bậc và môn đã học trước đó. Ngoài ra DHS có thể theo học tại trường đến khi hết dịch hoặc vào thời điểm thích hợp có thể chuyển đổi tín chỉ để quay lại trường ban đầu.
Ban lãnh đạo Trường ĐH Fulbright Việt Nam (FUV) cũng vừa có quyết định mở rộng chương trình Sinh viên dự thính và kéo dài thời hạn nộp hồ sơ ứng tuyển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của DHS bị gián đoạn kế hoạch học tập do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là chương trình đào tạo đặc biệt, khởi xướng từ tháng 6/2020. Với quyết định mới nhất này, chương trình Sinh viên dự thính sẽ tiếp tục nhận hồ sơ ứng tuyển đến hết ngày 31/7/2020.
Cơ bản hoàn thành hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Lê Minh Tấn cho hay, TP. Hồ Chí Minh đã giải quyết hỗ trợ cho hơn 536.500 người dân trong tổng số gần 540.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (đạt 99,4%) với tổng số tiền hơn 587 tỷ đồng.
Trong đó, gần 100% hộ có công, hộ nghèo, bảo trợ đã nhận được hỗ trợ. TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ với mức 500.000 đồng/người/tháng cho gần 32.500 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (đạt tỷ lệ gần 100%). Cùng với mức hỗ trợ trên, gần 124.000 người thuộc diện bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng đã nhận được hỗ trợ, đạt tỷ lệ 99%.
Riêng hộ nghèo, cận nghèo, toàn bộ gần 110.900 người đã nhận được hỗ trợ với số tiền hơn 83 tỷ đồng, đạt 100%. Một tỷ lệ nhỏ người có công, diện bảo trợ xã hội (khoảng 0,3%) chưa nhận hỗ trợ với lý do về quê, đi nước ngoài chưa liên hệ được, hẹn lần sau,
Về người lao động, nhóm đối tượng có quy mô lớn nhất bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là những lao động tự do, không có hợp đồng lao động bị mất việc làm. Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Lê Minh Tấn cho biết, TP có hơn 182.200 người thuộc diện này. Tính đến nay, gần 181.000 người (hơn 99,4%) đã nhận hỗ trợ với số tiền gần 181 tỷ đồng (1 triệu đồng/người/tháng).
Về hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương (ngừng việc, hoãn việc) do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến nay, TP giải quyết cho hơn hơn 53.000 trong tổng số hơn 53.400 người (tỷ lệ 99,4%), với số tiền gần 55 tỷ đồng.
TP cũng đã hỗ trợ hơn 20.500 người trong tổng số hơn 21.300 người bán vé số (96%), với số tiền hơn 20 tỷ đồng; 12.803/12.809 giáo viên mầm non, bảo mẫu được hỗ trợ, đạt tỷ lệ 99,9%.
Về hỗ trợ hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm phải tạm ngừng hoạt động trong tháng 4/2020 (mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng), TP đã chi hỗ trợ cho 1.279 hộ trong tổng số 1.565 hộ, đạt tỷ lệ 82%.
Về hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, thống kê cho thấy, TP có 01 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động. Đến nay, giải quyết cho 01 doanh nghiệp với 12 lao động được vay hơn 44 triệu đồng.
Dự kiến, TP sẽ hoàn tất việc chi trả chính sách hỗ trợ cho 0,4% người dân còn lại vào cuối tháng 7/2020 như kế hoạch đề ra.
Ưu tiên đầu tư làm đường trên cao số 1 và số 5
Báo Tuổi Trẻ cho hay, theo Đề án "Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030", Sở Giao thông vận tải TP đề xuất làm trước hai tuyến đường trên cao số 1 và đường trên cao số 5, trong tổng số 5 tuyến đường trên cao đã được Thủ tướng phê duyệt về quy hoạch giao thông vận tải ở TP.
Theo đó, xây dựng đường trên cao số 1 dài khoảng 9,5km bao gồm 1km cầu cạn cho 2 làn xe và 8,5km cầu cạn cho 4 làn xe lưu thông. Tuyến đường trên cao này đi từ đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long nối dài đến cầu Phú An (Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh) để nối ra đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Việc xây dựng tuyến đường trên cao số 1 nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở các tuyến đường nội thành. Đặc biệt giải quyết áp lực giao thông cho cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất. Sở Giao thông vận tải đã kiến nghị nguồn vốn ngân sách địa phương sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường trên cao này.
Tuyến đường trên cao số 5 có chiều dài khoảng 34km sẽ được đầu tư với quy mô 4 làn xe, chủ yếu đi trên quốc lộ 1 có điểm đầu là nút giao Trạm 2 trên xa lộ Hà Nội và điểm cuối đường Tân Tạo - Chợ Đệm (quậnThủ Đức, 12, Hóc Môn, Bình Tân và huyện Bình Chánh).
Tuyến đường này được chia thành hai giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 năm 2020-2025 đầu tư đoạn từ nút giao Trạm 2 đến nút giao thông An Sương dài 21,5km. Giai đoạn 2 năm 2025-2030 đầu tư đoạn từ nút giao An Sương đến nút giao An Lạc dài khoảng 12,5km.
Dự án xây dựng tuyến đường trên cao số 5 nhằm giải quyết tình trạng quá tải trên tuyến quốc lộ 1 - đường vành đai 2. Sở Giao thông kiến nghị đầu tư bằng nguồn vốn PPP (nhà nước và tư nhân hợp tác đầu tư).
Thủ đoạn dùng đá xây dựng giấu ma túy lần đầu tiên tại Việt Nam
Theo VietnamPlus, ngày 20/7, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an, cho biết đã phối hợp cùng Cục Phòng chống tội phạm, ma túy - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Phòng chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan và nhiều đơn vị khác triệt phá một đường dây ma túy xuyên quốc gia.
Cụ thể vào lúc 0 giờ 30 ngày 19/7, tại vị trí line P17 - thuộc Cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét khẩn cấp một container loại 20 Feet có trọng lượng gần 30 tấn, khai báo hàng hóa là đá granite. Container này chuẩn bị được thực hiện khử trùng để đưa xuống tàu, đi tới cảng Incheon của Hàn Quốc.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn ma túy tổng hợp được cất giấu trong những khối đá. Đồng loạt khám xét 5 địa điểm khác tại Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã bắt giữ 5 đối tượng, gồm 2 người Trung Quốc, 2 người Hàn Quốc và 1 người Việt Nam. Trong đó, đối tượng cầm đầu được xác định là Kim Soon Sik (sinh năm 1960, quốc tịch Hàn Quốc).
Theo Ban chuyên án, đây là lần đầu tiên Việt Nam khám phá thủ đoạn dùng đá xây dựng để giấu ma túy. Số ma túy trên nếu không bị phát hiện sẽ được chuyển sang Hàn Quốc - một điểm đến mới mà từ trước đến nay chưa từng phát hiện có liên hệ với tội phạm ma túy tại Việt Nam.
Tổng cộng, cơ quan chức năng đã thu giữ 40kg ma túy đá. Hiện chuyên án đang được điều tra mở rộng.
Ứng dụng 'Y tế trực tuyến' giúp phát hiện nhiều sai phạm khám, chữa bệnh
Thông tin từ báo Thanh Niên, chiều 20/7, Sở Y tế TP tổ chức sơ kết 4 tháng triển khai ứng dụng Y tế trực tuyến và quy trình phản ứng nhanh khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân qua ứng dụng Y tế trực tuyến.
Theo đó, sau hơn 4 tháng chính thức triển khai, đã có 101 phản ánh. Nội dung phản ánh thường tập trung vào các vấn đề: quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ, nha khoa; các phòng khám vẫn hoạt động trong giai đoạn tạm dừng do cách ly xã hội (do dịch Covid-19); nhà thuốc, cửa hàng thực phẩm chức năng không phép; giá dịch vụ khám, chữa bệnh; chứng chỉ hành nghề của bác sĩ; giao tiếp ứng xử của nhân viên bệnh viện… Trong đó có khoảng 13% tin nhắn phản ánh được xếp vào nhóm “tin rác” (thông tin chung chung, không có địa chỉ cụ thể).
Thời gian tới, Sở Y tế TP sẽ cập nhật phần mềm “Y tế trực tuyến” bổ sung thêm các tiện ích cho các bộ phận có trách nhiệm xử lý thông tin. Sẽ mở rộng cho cán bộ lãnh đạo quản lý tham gia xử lý thông tin và giải quyết các phản ánh của người dân những vấn đề có liên quan đến cơ sở, nhất là lãnh đạo các bệnh viện công lập và tư nhân, giám đốc các trung tâm y tế quận, huyện.
Đại diện lãnh đạo Sở Y tế cho hay, cái được lớn nhất của ứng dụng “Y tế trực tuyến” chính là người dân cùng tham gia giám sát và phản ánh; Thanh tra Sở đã chủ động tiếp nhận thông tin và chủ động xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Sở Y tế TP cũng quy định thời gian tối đa xử lý thông tin và công khai kết quả giải quyết thông tin phản ánh qua ứng dụng “Y tế trực tuyến”, gồm 3 mức thời gian: Không quá 24 giờ đối với thông tin phản ánh cấp độ 1 (thuộc thẩm quyền của UBND quận huyện); Không quá 48 giờ đối với phản ánh cấp độ 2 (thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở); Không quá 72 giờ đối với phản ánh cấp độ 3 (thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở nhưng tính chất vụ việc phức tạp, cần sự phối hợp và hỗ trợ của các sở, ban ngành khác và Công an TP).
Giảm dần xe máy, được không?
Kỳ họp thứ 20 vừa qua, HĐND TP khóa IX đã thông qua đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân với công việc cụ thể và lộ trình thực hiện.
Điển hình là thu phí ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm trong giai đoạn 2021-2025, phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021-2030, tổ chức quy hoạch phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng tại các khu vực mới và các đầu mối giao thông vận tải giai đoạn 2021-2030.
Theo bài viết trên chuyên mục Bạn đọc của báo Người Lao Động, thống kê cho thấy quá tải phương tiện cá nhân, trong đó có xe máy, là áp lực rất lớn lên phát triển hạ tầng giao thông, phương tiện công cộng, đặc biệt là không có làn đường riêng cho xe buýt.
TP có 8,94 triệu phương tiện cá nhân, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có hơn 825.000 ô tô (tăng gần 16%) và 8,12 triệu xe máy (tăng hơn 6%). Như vậy, chỉ trong khoảng 10 năm, từ 2010 đến nay, đã tăng thêm hơn 4 triệu phương tiện giao thông. Bình quân mỗi tháng có 30.000 phương tiện được đăng ký mới, tức mỗi ngày có thêm 1.000 phương tiện. Trong khi đó, mặt đường phát triển không thể theo kịp, ở trung tâm càng khó mở rộng.
Chủ trương hạn chế xe cá nhân là đúng, cho thấy mục tiêu và sự quyết tâm của chính quyền. Vấn đề còn lại là chính quyền phải có giải pháp hoàn chỉnh, từ cơ sở pháp lý, huy động vốn, kêu gọi đầu tư phát triển mạnh cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện công cộng đến sự đồng thuận của người dân.
Nhiều đô thị lớn trên thế giới thông qua chủ trương cấm xe máy làm cơ sở thực hiện các bước chuẩn bị về thủ tục, quy hoạch, phát triển vận tải công cộng, kết nối giao thông thuận lợi…
Tiếp tục chi trả phụ cấp thâm niên cho giáo viên
Cũng trên báo Thanh Niên, ngày 20/7, Sở GD-ĐT TP có văn bản gửi đến các trường học về việc thực hiện phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo theo Nghị định 54 của Chính phủ.
Theo đó, Sở này đã tiếp nhận một số ý kiến thắc mắc của phòng giáo dục các quận - huyện và các cơ sở giáo dục trên địa bàn liên quan đến nội dung thực hiện chế độ tiền lương (trong đó có phụ cấp thâm niên) đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 với nhiều sửa đổi, bổ sung về vấn đề tiền lương, phụ cấp của giáo viên…
Sở đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT xin ý kiến chỉ đạo về phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo. Công văn trả lời của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý thuộc Bộ GD-ĐT nêu rõ: Liên quan đến ý kiến của Sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh cũng như một số sở khác trên toàn quốc, Bộ đã có công văn báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện phụ cấp thâm niên.
Hiện tại, chính sách tiền lương và phụ cấp của nhà giáo và cán bộ quản lý thực hiện theo quy định của Chính phủ. Theo đó, các chính sách về chế độ tiền lương (trong đó có chế độ thâm niên) vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành cho đến khi có các quy định, hướng dẫn mới của Chính phủ.
Như vậy, trong thời gian chờ có hướng dẫn chính thức của Bộ về việc thực hiện chế độ tiền lương theo Luật Giáo dục 2019, đề nghị các đơn vị thuộc ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện chế độ tiền lương (trong đó có chế độ phụ cấp thâm niên) đối với nhà giáo và cán bộ quản lý Giáo dục theo các quy định hiện hành.
Chăm lo văn hóa đọc cho người trẻ
Bên cạnh các chương trình khuyến đọc thiết thực dành cho học sinh, sinh viên (HS, SV), thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng chất thư viện, góp phần thay đổi thói quen đọc sách, tiếp nhận tri thức của người trẻ. Nội dung trên được đăng tải trên báo Nhân Dân.
Cách đây ba năm, UBND TP thông qua chủ trương thực hiện dự án "Ðầu tư xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại cho các trường học trên địa bàn TP theo chương trình kích cầu". Ðến thời điểm hiện tại, thư viện thông minh đầu tiên trong dự án này đã chính thức đi vào hoạt động và nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực.
Ðưa vào sử dụng từ đầu năm học 2019 - 2020, thư viện tiên tiến, hiện đại của Trường THPT chuyên Trần Ðại Nghĩa (quận 1) đã tạo ra không gian dạy - học mới mẻ, kích thích sự sáng tạo cho HS, giáo viên. Thư viện tiên tiến này có hệ thống máy chủ và 63 máy tính tra cứu dữ liệu trực tiếp với hơn 9.000 đầu sách giấy, gần 11 nghìn đầu sách điện tử, 403 tập tin phim ảnh và hơn 500 sách nói, hình ảnh tra cứu…
Khi cơ sở vật chất được nâng cấp theo hướng xã hội hóa, nhà trường đã áp dụng hai mô hình "lớp học trong thư viện" và "thư viện trong lớp học" để tăng khả năng tương tác, tích lũy kiến thức của người học. Theo đó, bên cạnh việc đến học, tra cứu trực tiếp tại thư viện, HS có thể truy cập nguồn tài nguyên số ở bất kỳ nơi đâu vì wifi phủ sóng toàn trường.
Thư viện này còn tích hợp hệ thống giảng dạy trực tuyến Learning Management System với các bài giảng số hóa, phần mềm thực tế ảo hỗ trợ nâng cao chất lượng cho giờ học thực tế.
Mới đây, tại hội nghị bàn về các giải pháp đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống TV tiên tiến, hiện đại cho các trường học trên địa bàn TP, Phó Giám đốc Sở GD-ÐT TP Lê Hoài Nam cho biết: Thời gian tới sẽ có thêm nhiều cơ sở giáo dục phổ thông đẩy mạnh thực hiện mô hình này. Với tờ trình vừa được UBND TP thông qua, ngành GD-ÐT sẽ triển khai dự án nêu trên theo hai giai đoạn. Tổng nguồn vốn đầu tư là 14 tỷ đồng/dự án, bao gồm đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thư viện, đầu tư thiết bị, phần mềm…
Cùng với nỗ lực của ngành GD-ÐT và các trường học, nhiều năm trở lại đây, Văn phòng đại diện Hội Xuất bản Việt Nam tại phía nam, Sở Thông tin và Truyền thông, Ðường sách TP cùng các đơn vị làm sách đã có rất nhiều hoạt động quy mô góp phần phát triển văn hóa đọc cho người dân. Rất nhiều hội sách uy tín từ nhỏ đến lớn đã được TP tổ chức thành công, thu hút sự quan tâm của người dân, du khách, nhất là độc giả trẻ. Hàng loạt tọa đàm tìm giải pháp hình thành, phát triển thói quen đọc sách, duy trì văn hóa đọc trong cộng đồng đã được triển khai và thu về nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất thiết thực.
Vân Anh - Thanh Hà - Khang Minh