Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 21/8/2020

10:22 21/08/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 21/8/2020:

Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 47%

Theo UBND TP, đến hết ngày 31/7, TP đã giải ngân là 20.059,960 tỷ đồng, đạt 47,6% tổng kế hoạch vốn đã giao (42.139,316 tỷ đồng), cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ.

Khu vực nhà ga tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Khu vực nhà ga tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Nếu tính luôn khối lượng hoàn thành chưa quyết toán và số vốn đã chi cho các dự án nhưng chưa hoàn trả tạm ứng là 1.470,199 tỷ đồng thì tỷ lệ giải ngân đạt 51,1% kế hoạch vốn đã giao. Thông tin trên Vietnamplus.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, trong thời gian tới, TP tiếp tục triển khai một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Trong đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xem việc thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020.Lập danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng trường hợp cụ thể; phấn đấu đến ngày 15/10, giải ngân đạt từ 80%, đến cuối năm 2020 giải ngân đạt hơn 95% kế hoạch.

Xây nhà sát tuyến metro: Chờ hướng dẫn của UBND TPHCM

Báo Pháp Luật TP cho biết, theo thống kê, tại TP.HCM, hiện có hơn 200 hồ sơ của người dân yêu cầu được cấp phép xây dựng nằm trong phạm vi kiểm soát xây dựng của tuyến đường sắt đô thị. Tuy nhiên, đến nay các địa phương vẫn chưa giải quyết dứt điểm được vì còn vướng về thủ tục pháp lý, thẩm quyền.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết năm 2019, Bộ GTVT đã có Văn bản số 8277 ngày 30/8/2019 hướng dẫn về thẩm quyền tổ chức hướng dẫn thực hiện bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị là của UBND TP. Cụ thể, tại điểm b khoản 4 Điều 7 Luật Đường sắt năm 2017 quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh, trong đó có nội dung phát triển GTVT đường sắt đô thị, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Vị trí ga S7, tuyến metro số 2 đang được tích cực giải phóng mặt bằng.  Ảnh: ĐÀO TRANG
Vị trí ga S7, tuyến metro số 2 đang được tích cực giải phóng mặt bằng.  Ảnh: ĐÀO TRANG

Như vậy, việc lập quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Cũng theo điểm c khoản 4 Điều 7 Luật Đường sắt năm 2017, UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.

Hiện nay, UBND TP đã giao cho Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MAUR) xây dựng tiêu chí về an toàn xây dựng trong phạm vi công trình trong vùng kiểm soát. Sau đó, MAUR tiến hành lấy ý kiến của các Sở, ngành và Sở GTVT là đơn vị tổng hợp lại, lấy ý kiến thống nhất với các sở có liên quan để trình UBND TP phê duyệt. Sau khi thống nhất, Sở GTVT đã có báo cáo TP về các tiêu chí an toàn xây dựng trong phạm vi công trình trong vùng kiểm soát.

Sau khi UBND TP ban hành thì Sở và các quận - huyện sẽ dựa trên các tiêu chí này để có cơ sở cấp phép xây dựng cho người dân.

Học sinh nghèo học trực tuyến ra sao?

Dạy và học trực tuyến đang dần trở nên phổ biến tại các trường học trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo báo Tuổi Trẻ, một số trường tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã có các biện pháp để hỗ trợ những học sinh nghèo, gia đình không có máy tính nối mạng, không WiFi, không có điện thoại thông minh.

Một số giáo viên Trường tiểu học Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi) trong đợt học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19 hồi đầu năm 2020 đã đi photo tài liệu giảng dạy rồi nhắn phụ huynh qua nhà giáo viên hoặc đến trường để nhận. Giáo viên ghi lại tất cả những lời giảng trong giờ học trên giấy, photo rồi chuyển cho những phụ huynh mà con em họ không thể học trực tuyến.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 21/8/2020 - Ảnh 1

Có phụ huynh mang tài liệu về cho con em mình xem rồi làm bài tập. Có người đọc tài liệu ấy rồi giảng lại cho con em. Thậm chí, một số phụ huynh còn thắc mắc là ngày xưa họ học khác với bây giờ nên không thể dạy con mình được. Họ yêu cầu giáo viên giảng cho họ từng phần một khi họ đến lấy tài liệu. Thực tế tuy có khó khăn nhưng nếu phụ huynh có tinh thần hợp tác thì khó khăn sẽ biến thành thuận lợi.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 9 cho biết, một số trường đã nghĩ đến giải pháp cho học sinh vào trường học online bằng hệ thống máy nối mạng của nhà trường nếu ở nhà các em không có máy tính nối mạng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng như vậy sẽ phát sinh một số yếu tố khác như phụ huynh phải đưa đón con em đến trường trong mùa dịch, rồi việc quản lý các em trong thời gian học online... Do đó, Phòng GD-ĐT đang chờ các trường gửi báo cáo đầy đủ rồi mới phân tích và đưa ra giải pháp cụ thể.

Đối với trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn), do số học sinh không có máy tính nối mạng hoặc điện thoại thông minh chỉ có vài em nên nhà trường cho các em mượn laptop và thiết bị phát WiFi để các em mang về nhà học online.

Kịp thời điều chỉnh giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất

Báo Pháp Luật TP, ngày 19/8, có thông tin Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất, đại diện cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa, đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng kiến nghị giải quyết bất cập trong việc cấm xe tải lưu thông vào nhà ga hàng hóa sân bay Tân Sơn Nhất theo giờ.

Theo đơn vị này, việc cấm đường đã gây khó cho việc vận chuyển hơn 800 tấn hàng hóa/ngày từ các nhà máy, KCN về kho nhà ga hàng hóa sân bay Tân Sơn Nhất. Qua đó đã tác động trực tiếp đến việc làm của hơn 800 lao động. Bên cạnh đó, do xe tải chờ xếp hàng vào kho cũng đã gây ảnh hưởng tới tình hình giao thông và đời sống của người dân khu vực này.

UBND TP đã triển khai nhiều giải pháp không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài và lan ra diện rộng tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất
UBND TP đã triển khai nhiều giải pháp không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài và lan ra diện rộng tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất

Trao đổi với PV, Sở GTVT TP cho biết để bảo đảm công tác trật tự an toàn giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, UBND TP đã thành lập tổ công tác liên ngành và nhóm phản ứng nhanh, đồng thời triển khai nhiều giải pháp không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài và lan ra diện rộng tại khu vực này. Trong đó có giải pháp hạn chế xe tải lưu thông từ 6 giờ đến 22 giờ trên các tuyến đường Hồng Hà, Bạch Đằng, đặc biệt là khu vực nút giao Trường Sơn - Hồng Hà - Bạch Đằng.

Bên cạnh đó, một số biển báo cũ (biển báo cấm xe tải lưu thông theo giờ) chưa phù hợp với phương án điều chỉnh gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện vận tải hàng hóa phục vụ sân bay cũng đã được thu hồi trong ngày 19/8. Hiện nay hệ thống biển báo, vạch sơn khu vực đã được điều chỉnh phù hợp, đảm bảo hoạt động bình thường cho xe tải của các doanh nghiệp vận tải hàng hóa phục vụ sân bay.

Ngoài ra, Sở cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan thông báo tổ chức lưu thông tạm thời theo lộ trình lưu thông từ đường Trường Sơn ---> đường Hồng Hà ---> đường Yên Thế ---> đường Bạch Đằng ---> đường Trường Sơn có lộ trình lưu thông thực tế không đúng theo lộ trình trong thông báo.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Sở đề nghị Công an TP, Công an quận Tân Bình hỗ trợ, hướng dẫn cho các phương tiện nêu trên được lưu thông theo lộ trình từ đường Trường Sơn ---> đường Hồng Hà ---> đường Bạch Đằng ---> đường Trường Sơn cho đến khi hết thời hạn được cấp. 

Đoạn Cao tốc TPHCM - Long Thành: Mở thêm làn xe, đừng quên nút giao thông

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đồng ý giao Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long lập báo cáo nghiên cứu dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây lên 8-10 làn xe, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông, kết nối vùng TP. Hồ Chí Minh và đồng bộ với kế hoạch đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Song song với phương án này, nhiều người cho rằng cần phải chú ý đến các nút giao với cao tốc bởi nếu không đầu tư đồng bộ, khi cao tốc được mở rộng thì tình trạng kẹt xe sẽ tiếp tục xảy ra tại các điểm này. Báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Thường xảy ra ùn ứ xe trên quốc lộ 51 do xung đột với xe ra vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: T.T.D.
Thường xảy ra ùn ứ xe trên quốc lộ 51 do xung đột với xe ra vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: T.T.D.

TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị nghiên cứu đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao thông An Phú (quận 2) sao cho đồng bộ với quy mô hoàn chỉnh tuyến cao tốc. Đây là điểm đầu của đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (cuối đường Lương Định Của giao cắt với đường Mai Chí Thọ). Hiện nay, mật độ xe lưu thông qua khu vực này rất lớn theo hai hướng về hầm sông Sài Gòn và ra xa lộ Hà Nội. Đây cũng là điểm giao thoa đi các hướng về miền Đông, miền Trung và miền Bắc; đường Mai Chí Thọ kết nối về miền Tây và đường ra vào cảng biển hàng đầu của cả nước như Cát Lái, Sài Gòn, Bến Nghé, Tân Thuận...

Hiện nay, nỗi ám ảnh kẹt xe của nhiều người đi trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là nút thắt giao thông An Phú và quốc lộ 51. Tới nay nút giao An Phú vẫn chưa có cầu vượt hoặc hầm chui khiến thường xuyên xảy ra kẹt xe. Tương tự, tình trạng kẹt xe cũng thường xuyên diễn ra trên quốc lộ 51 hướng từ Vũng Tàu về TPHCM.

Sơ đồ đoạn mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây Nguồn: Tổng công ty Cửu Long - Đồ họa: TUẤN ANH
Sơ đồ đoạn mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây Nguồn: Tổng công ty Cửu Long - Đồ họa: TUẤN ANH

Để giải quyết nhiều bất cập vẫn đang tồn tại ở tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bộ GTVT đã giao Tổng công ty Cửu Long trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng đường cao tốc này cần nghiên cứu làm rõ quy mô và trách nhiệm đầu tư đối với các nút giao An Phú, đường Vành đai 2, Vành đai 3 và quốc lộ 51.

Ngày 3/9, xét xử nguyên Phó Chánh án Tòa án Quận 4

Vietnamplus đưa tin, Tòa án nhân dân TPHCM cho biết, đơn vị này đã có quyết định đưa vụ án Nguyễn Hải Nam (nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Quận 4) và Lâm Hoàng Tùng (nguyên giảng viên Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TPHCM) ra xét xử vào ngày 3/9.

Vụ án do Tòa gia đình và người chưa thành niên-Tòa án nhân dân thành phố giải quyết.

Cả hai bị cáo bị truy tố theo khoản 2, Điều 158-Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác.”

Được biết, bị cáo Tùng có 7 luật sư và bị cáo Nam có 5 luật sư bào chữa. Phía bị hại cũng mời 2 luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây là vụ án được sự quan tâm của dư luận, xuất phát từ việc tranh chấp căn nhà 29 ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) giữa H.T.A.C (SN 1982) và H.T.T.T (SN 1983).

Chiều 19/9/2019, khi bà H.T.T.T không ở nhà, ông Lâm Hoàng Tùng (là người được H.T.A.C ủy quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến nhà số 29 ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm), ông Nguyễn Hải Nam (bạn ông Tùng), bà Nguyễn Thị Hương Tâm cùng nhiều người khác xông vào nhà dùng vũ lực gây sức ép, buộc những người trong nhà phải đi ra rồi chiếm giữ đến ngày 28/9/2019.

Sau đó, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại sự việc nhóm Lâm Hoàng Tùng, Nguyễn Hải Nam, Nguyễn Thị Hương Tâm gây sức ép tại căn nhà 29 ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, có hành vi bế các con của bà H.T.T.T đi ra khỏi căn nhà này, gây bức xúc dư luận.

Để chuẩn bị cho phiên tòa, Viện Kiểm sát nhân dân TP đã số hóa các chứng cứ của vụ án để phục vụ việc công bố chứng cứ bằng hình ảnh tại tòa. Cáo trạng khẳng định, hành vi của các bị can là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm vào quyền tự do của người khác, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội.

Trong vụ án này, bị can Nguyễn Thị Hương Tâm đã rời khỏi nơi cư trú. Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã Tâm và sẽ xử lý sau.

Trả lại tiền và quyền cho cư dân

Quản lý chặt chẽ, không để chủ đầu tư tùy tiện sử dụng phí bảo trì chung cư. Đây là một trong những nội dung chính yếu của dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở đang được Bộ Xây dựng thực hiện. Báo Người Lao Động đưa tin.

Vào giữa năm 2019, qua kiểm tra trên địa bàn TPHCM, Bộ Xây dựng cho biết địa phương này có 1.341 nhà chung cư với khoảng 1,3 triệu căn hộ, trong đó 106 nhà chung cư đã xảy ra tranh chấp, khiếu nại. Nguyên nhân tranh chấp liên quan tới chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư, diện tích sử dụng chung - riêng tại các tòa nhà chung cư... Quỹ này rất lớn, ở những dự án có tầm ngàn căn hộ đã lên đến cả trăm tỉ đồng.

Phí bảo trì chung cư cần được sử dụng đúng mục đích. Ảnh: TẤN THẠNH
Phí bảo trì chung cư cần được sử dụng đúng mục đích. Ảnh: TẤN THẠNH

Theo quy định hiện hành, sau khi thu quỹ này, chủ đầu tư phải bàn giao cho ban quản trị chung cư do cư dân bầu ra. Thế nhưng, nguồn quỹ này đã bị một số nhà đầu tư chi tiêu vô tội vạ mà không ai kiểm soát được. Thậm chí, có nơi còn bị chiếm dụng và chủ đầu tư lần lữa, cố kéo dài thời gian bàn giao cho ban quản trị hoặc ngăn cản luôn việc thành lập ban quản trị. Những vấn đề này đã gây mất trật tự địa phương và khiến cho nhiều người có cái nhìn méo mó về thị trường căn hộ chung cư hiện hành.

Trước đây không lâu, nhận ra những bất cập của vấn đề này, Sở Xây dựng TPHCM đã kiến nghị Bộ Xây dựng bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư. Việc hình thành quỹ bảo trì sẽ do ban quản trị chung cư thu của cư dân trong quá trình quản lý, sử dụng theo tỉ lệ phần trăm do hội nghị nhà chung cư quyết định. 

Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định.

Dự án cộng đồng “Chuyện nhỏ thôi”

Báo Đại Đoàn Kết cho biết, với mục đích góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân TPHCM, Nhà văn hóa Thanh niên TP đã bắt tay thực hiện dự án cộng đồng với tên gọi “Chuyện nhỏ thôi”.

Dự án được tập thể cán bộ, công nhân viên Nhà văn hóa Thanh niên thực hiện, từ việc lên ý tưởng, lập kế hoạch, tổ chức dàn dựng, ghi hình, mời các nghệ sĩ, ca sĩ… cùng tham gia vào 45 video clip ngắn. Mỗi clip có nội dung khác nhau, là những câu chuyện ý nghĩa về văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp nơi công cộng, ở khu dân cư, trong công viên, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí, trường học, siêu thị, khách sạn, bến xe buýt…

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 21/8/2020 - Ảnh 2

Những câu chuyện có nội dung súc tích, ý nghĩa, mang tính tuyên truyền, được ê kíp thu hình bằng điện thoại di động, thể hiện những tình huống văn hóa giao tiếp xã hội đời thường, gần gũi, quen thuộc với mỗi người dân. Các clip được triển khai ghi hình trong vòng 2 tháng, với sự tham gia diễn xuất của NSND Kim Xuân, NSƯT Trịnh Kim Chi, Tuyết Thu, Vân Khánh, Hạnh Thúy, các nghệ sĩ Ngọc Lan, Hiền Mai, Đào Vân Anh, Tiết Cương, Đại Nghĩa, Quý Bình, Đình Toàn, Vân Trang...

Dự án cộng đồng “Chuyện nhỏ thôi” được Nhà văn hóa Thanh niên tích cực thực hiện nhằm nhắc nhở nhẹ nhàng về cách giao tiếp, ứng xử phù hợp nơi công cộng, hướng đến mục đích tuyên truyền và định hướng hành vi cho mọi người, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn hóa, nhân văn và nghĩa tình.

Để các video clip đến được với mọi người, Nhà văn hóa Thanh niên TP đã và đang liên tục trình chiếu trên các màn hình lớn của nhà văn hóa, qua các pano, biển hiệu… để người dân có thể nhìn thấy, cùng nhau ứng xử văn minh. Các tập phim kéo dài đến ngày 4/9 và trên trang Fanpage, kênh YouTube chính thức của Nhà văn hóa Thanh niên.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục