Giáo dục học sinh thích ứng với đô thị thông minh và hội nhập quốc tế
Ngày 20/9, Văn phòng UBND TP.HCM đã có thông báo về việc TP.HCM xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương. Báo Thanh Niên đưa tin.
Theo đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2020-2021, UBND TP.HCM yêu cầu các Sở - ban - ngành, UBND các quận - huyện quán triệt và triển khai các giải pháp nhằm thực hiện tốt sứ mệnh của ngành giáo dục: Học để làm người công dân tốt, có đầy đủ kỹ năng thích ứng với đô thị thông minh và quá trình hội nhập quốc tế; Học để làm con hiếu thảo, có trách nhiệm, xây dựng gia đình hạnh phúc; Học để có nghề nghiệp hiệu quả, nuôi mình và gia đình, đóng góp cho TP và đất nước.
Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, tiếp tục triển khai hiệu quả các Nghị quyết của HĐND TP về hỗ trợ giáo dục mầm non, tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ và nâng cao đạo đức nhà giáo cho đội ngũ.
Đối với giáo dục phổ thông, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả theo lộ trình chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa mới. Đẩy mạnh tập huấn, đào tạo bồi dưỡng chuẩn bị cho các năm tiếp theo, tiếp tục đổi mới kiểm tra- đánh giá, tăng cường hiệu quả hoạt động giáo dục STEM, đẩy mạnh hoạt động học sinh tham gia nghiên cứu khoa học.
Đồng thời đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông. Tiếp tục đổi mới công tác quản trị, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục phổ thông.
Đối với giáo dục thường xuyên, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên; chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, tăng cường công tác kiểm tra sau cấp phép; tiếp tục thực hiện các công tác xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
11 học sinh được kết nạp Đảng
Theo báo Người Lao Động, ngày 20/9, Thành Đoàn TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh niên khu vực trường học trực thuộc quận đoàn, huyện đoàn năm học 2019 - 2020; triển khai chương trình công tác năm học 2020-2021.
Trong năm học 2019 -2020, có 673 tập thể, 5.712 cá nhân được tuyên dương gương điển hình "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”. Cũng trong năm học này, có 11 học sinh được kết nạp Đảng.
Trên cơ sở kết quả đó, năm học 2020-2021, Thành Đoàn TPHCM tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các phong trào “Học sinh 3 rèn luyện”, “Học sinh 3 tốt”, “Nhà giáo trẻ tiêu biểu”; khuyến khích các đề xuất, sáng kiến trong việc đổi mới phương pháp dạy và học; giới thiệu các sản phẩm, đề tài, sáng kiến có tính ứng dụng cao của học sinh vào thực tế...
Lần đầu tiên Việt Nam có Học viện máy bay không người lái
Theo báo Pháp Luật TP, vừa qua, tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong ĐH Quốc gia TP.HCM và Công ty máy bay không người lái AgriDrone Việt Nam đã ký kết hợp tác về việc thành lập tại Học viện Drone. Đây là học viện đào tạo máy bay không người lái (Drone) đầu tiên được thành lập tại Việt Nam, chuyên đào tạo sử dụng các loại máy bay không người lái và cấp chứng chỉ bay.
Sau ký kết, dự kiến đầu tháng 10/2020, hai đơn vị sẽ mở các khóa đào tạo và nghiên cứu ứng dụng Drone và cấp chứng chỉ vận hành thiết bị bay theo tiêu chuẩn quốc tế UTC của DJI; nghiên cứu ứng dụng thiết bị bay không người lái cho mục đích dân sự; chế tạo thiết bị bay không người lái, cũng như cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về giải pháp drone tại Việt Nam.
Tùy theo mức độ ứng dụng, Học viện sẽ gồm các khóa đào tạo như: bản đồ và khảo sát, chụp hình trên không, an toàn cộng đồng, kiểm tra công nghiệp, đào tạo vận hành LV1, vận hành máy bay nông nghiệp... với mức học phí từ 4-7 triệu đồng (có ưu đãi dành cho sinh viên).
Được biết, Drone (UAV - Unmanned Aerial Vehicle) là các loại máy bay không người lái gồm nhiều kích thước, hình dạng và đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau. Ngày nay, Drone trở nên phổ biến rộng rãi trong các lĩnh vực đời sống và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp (máy bay phun thuốc), công nghiệp, điện gió, năng lượng mặt trời... để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của xã hội.
Tạo nét văn hóa riêng cho phố đi bộ
Tháng 10/2020 tới đây, phố đi bộ tại quận 10 chính thức đi vào hoạt động tại khu vực trước chợ Nguyễn Tri Phương. Đây là phố đi bộ thứ 3 tại TPHCM đi vào hoạt động.
Trao đổi với PV Sài Gòn Giải Phóng, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP cho biết, các tuyến phố đi bộ tạo thuận lợi cho các hoạt động dịch vụ phục vụ du lịch và tạo nên nét văn hóa độc đáo riêng của một TPHCM năng động, sáng tạo.
Mô hình phố đi bộ tại TPHCM thời gian tới rất cần sự phối hợp của nhiều ngành để công tác triển khai điều chỉnh, tổ chức hoạt động được bài bản hơn, đảm bảo các tiêu chí an toàn, hiệu quả, thu hút du lịch, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội TP.
Theo bà Thúy, dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, mô hình trên trong thời gian qua thật sự còn những vấn đề cần quan tâm về không gian, bối cảnh, vệ sinh môi trường và ý thức của một bộ phận người dân và du khách…
Xu hướng lập thêm các tuyến phố đi bộ là nhu cầu thực tiễn của xã hội. Tuy nhiên, điều này cần được cân nhắc cẩn trọng để công tác duy trì hoạt động, tạo ra nét văn hóa riêng là công việc lâu dài, cần được quan tâm đầu tư đúng mức.
Trong đó, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị, cơ quan liên quan thuộc các lĩnh vực môi trường, đô thị, văn hóa, nghệ thuật… để gắn kết các hoạt động văn hóa tại các phố đi bộ.
Bên cạnh đó, hoạt động tại các tuyến phố đi bộ cần tạo ra không gian an toàn, vệ sinh, môi trường lành mạnh và cần kết hợp nhiều loại hình dịch vụ, vui chơi, giải trí phù hợp như âm nhạc, hội họa, sân khấu, ẩm thực, văn hóa đọc…
Cũng cần quan tâm công tác tham khảo, học tập kinh nghiệm các mô hình hoạt động phố đi bộ các các địa phương trong nước và một số nơi trên thế giới để việc hình thành các tuyến phố đi bộ thật sự đạt yêu cầu, thiết thực phục vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP.
Biến tướng xe hợp đồng
Sau nhiều đợt ra quân xử lý của các cơ quan chức năng, tình trạng xe dừng - đậu - đón - trả khách không đúng nơi quy định tạm lắng xuống. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng này đang “bùng phát” trở lại. Nội dung phản ánh trên báo Sài Gòn Giải Phóng.
Hiện hàng chục nhà xe với hàng trăm lượt xe ra vào các quận trung tâm TPHCM đón - trả khách trên nhiều tuyến đường dưới dạng “xe hợp đồng” nhưng thực chất là chạy tuyến cố định, ảnh hưởng tiêu cực tới trật tự an toàn giao thông.
Hành khách đi về các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ hay các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc đến khu vực đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Chí Thanh, Sư Vạn Hạnh, Hùng Vương, Nguyễn Duy Dương… trên địa bàn các quận 1,5,10… là có hàng chục văn phòng của các hãng xe phục vụ “tận răng” với rất nhiều loại xe từ 16, 25 đến 30 chỗ, thậm chí xe 45 chỗ, hoạt động liên tục hàng ngày từ mờ sáng đến khuya. Cùng với đó, hàng loạt taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ cũng liên tục tới khu vực này dừng đậu chở khách, giao nhận hàng, bát nháo không khác gì một bến xe thu nhỏ.
Quan sát của phóng viên cho thấy, quanh các tuyến đường trên trong phạm vi bán kính chưa đến 1km có tới hơn chục địa điểm “xe hợp đồng vận chuyển hành khách, hàng hóa” đi các tỉnh miền Tây Nam bộ, miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, miền Trung.
Tất cả các nhà xe này đều có điểm chung là tập trung khách tại một điểm rồi đúng giờ, đưa xe đến rước. Quy trình đón khách diễn ra không quá 5 phút khi xe dừng. Tần suất hoạt động của xe khách thuộc những hãng này dày đặc. Nhiều xe dùng chiêu bật xi-nhan khẩn cấp nhằm qua mặt ngành chức năng để dừng dưới lòng đường đón khách và xếp dỡ hàng hóa.
Theo nhiều người dân, lượng xe chạy đón khách ngang nhiên như vậy ngày càng nhiều, hoạt động đưa đón khách nhiều nơi trong khu vực ngày càng rầm rộ.
Trước bức xúc của người dân, Sở GTVT TP đã cắm biển cấm dừng, đậu trên một số khu vực, thậm chí dùng biện pháp kỹ thuật như xây bít các khoảng trống trên vỉa hè ở đường Trần Phú, quận 5 để xe không thể tấp vào đón trả khách như trước đây.
Rất nhiều lần lực lượng thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông tổ chức rà soát, xử lý nghiêm các điểm dừng, đón xe trái phép, sai phép, những xe đón khách không đúng quy định. Thậm chí, ngành giao thông còn đặt vấn đề “sống chung với xe dù, bến cóc” bằng việc cho mở một số điểm đón, trả khách trong nội đô. Tất nhiên, những điểm này phải được ngành chức năng thẩm định, không ảnh hưởng tới trật tự an toàn giao thông chung mới được cấp phép.
Thế nhưng, mọi việc chỉ lắng xuống khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt gắt gao và khi ngành chức năng có phần “nới lỏng” là tình trạng này xuất hiện trở lại.
Gần 10.000 vụ vi phạm giao thông trên đường Phạm Văn Đồng
Báo Pháp Luật TP đưa tin, trong 9 tháng đầu năm 2020, lực lượng CSGT Đội Tuần tra - Dẫn đoàn, Công an TP đã lập biên bản xử lý gần 10.000 trường hợp vi phạm giao thông trên tuyến đường Phạm Văn Đồng nối các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp.
Trong đó, 711 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 10 trường hợp tụ tập thành đoàn. Đặc biệt, chỉ riêng tại khu vực hình thành các quán nhậu ồn ào, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường tại địa bàn quận Gò Vấp mà báo chí phản ánh, lực lượng chức năng đã lập biên bản gần 300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, số trường hợp vi phạm nồng độ tại khu vực này được ghi nhận nhiều và tại khu vực Gò Vấp chiếm 2/3 số trường hợp vi phạm. Trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ thường xuyên thực hiện các chuyên đề kiểm tra tại khu vực này.
Buộc tái xuất gần 1.100 container phế liệu tồn đọng
Báo Người Lao Động cho hay, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 vừa gửi văn bản yêu cầu 30 hãng tàu tái xuất gần 1.100 container phế liệu nhập khẩu không đạt chất lượng, tồn đọng ở cảng Cát Lái (quận 2) từ 2 năm trước.
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan của khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, cho biết các hãng tàu buộc phải tái xuất số hàng tồn nói trên trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo. Mọi chi phí phát sinh liên quan đến việc tái xuất đều do hãng tàu chịu trách nhiệm.
Ảnh minh họa
Trước đó, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng tồn đọng là phế liệu tại các cảng biển. Cụ thể, cục hải quan các tỉnh, thành phố phải yêu cầu các hãng tàu, đại lý hãng tàu cam kết thực hiện tái xuất toàn bộ các lô hàng tồn đọng xác định là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; tránh việc lợi dụng chỉ tái xuất lượng hàng hóa còn khả năng tái chế và để lại cảng biển Việt Nam những loại hàng hóa không còn khả năng tái chế, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đối với những lô hàng đã hoàn thành việc phân loại, giám định và xác định chính xác hàng phế liệu và đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện tổ chức bán đấu giá theo quy định cho các doanh nghiệp theo danh sách của Tổng cục Môi trường.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai