TP. Hồ Chí Minh xây dựng quy chế quản lý cây xanh ở trường học
Báo Người Lao Động đưa tin: Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức vừa có chỉ đạo liên quan đến việc quản lý cây xanh trong trường học. Theo đó, Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp cùng Sở Xây dựng, Sở Tài chính tham mưu UBND Thành phố ban hành quy chế quản lý, chăm sóc cây xanh trong trường học, nhằm duy trì mảng xanh nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho học sinh, nhất là trong mùa mưa. Các đơn vị thực hiện trước ngày 25/6.
Hiện nay, trách nhiệm quản lý cây xanh trong trường học chưa được quy định cụ thể. Đơn vị chuyên ngành cho rằng cây trồng trong các công sở, trong đó có trường học, thì do các công sở quản lý.
Thế nhưng trên thực tế, hiệu trưởng các trường không dễ đánh giá vấn đề an toàn của cây xanh, nhất là cây xanh lâu năm, cũng không có thẩm quyền chặt bỏ cây trong khuôn viên.
Cần bảo vệ chủ nhà hợp pháp
Đó là nội dung phản ánh, đồng thời là cảnh báo trên báo Pháp Luật TP. Theo báo này, các vụ chiếm nhà của người khác xảy ra tại quận 6 và tại TP Phan Thiết mà báo chí đã phản ánh đều có đặc điểm chung là: Chủ nhà mua nhà thông qua giao dịch hợp pháp, đã được đăng ký quyền sở hữu hợp pháp; lợi dụng chủ nhà không có mặt, những người chiếm nhà phá khóa cửa nhà, vào ở, chiếm giữ nhà và chủ nhà mất quyền chiếm hữu, sử dụng thực tế nhà của mình.
Hành vi của những người chiếm giữ nhà của người khác với các vụ việc nêu trên đã có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm xâm phạm chỗ ở của người khác được quy định tại Điều 158 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Những người chiếm nhà có hành vi phá khóa cửa nhà, dọn vào ở, chiếm giữ nhà ngoài ý chí của chủ nhà, không được sự đồng ý của chủ nhà. Hành vi này làm cho chủ nhà mất quyền được cư trú theo ý chí của mình trong căn nhà đó, mất quyền quản lý, kiểm soát nhà. Đó là hành vi chiếm giữ chỗ ở của người khác và xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác được quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 158 BLHS.
Báo này cũng trích lời Luật sư Nguyễn Văn Dũ, cho rằng: Các hành vi phạm tội kể trên còn có thể xem xét theo điểm đ khoản 2 Điều 158 BLHS (có khung hình phạt 1-5 năm tù), thuộc loại tội phạm nghiêm trọng do cố ý đó là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Do vậy, sẽ là sai lầm khi cho là những vụ việc trên không đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác vì chủ nhà chưa vào ở ngày nào.
Nếu các vụ việc trên không xử lý hình sự thì sẽ tạo tiền lệ vô cùng nguy hiểm, trật tự an toàn xã hội trong thời gian tới liên quan đến việc chiếm nhà sẽ diễn biến phức tạp.
Thu ngân sách từ các nhóm hàng chủ lực giảm mạnh
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay số thu ngân sách nhà nước (NSNN) giảm sâu mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm các mặt hàng chủ lực đã giảm mạnh 15%-50%, riêng nhóm hàng như ô tô nguyên chiếc, xe gắn máy, sắt thép, xăng dầu đã kéo giảm thu khoảng 7.500 tỷ đồng.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP, phân tích, các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng đều có thuế suất thấp (0%-5% do ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do) nên số thuế tăng không bù đắp được cho số thuế nhập khẩu đã giảm.
Mặt khác, tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa có dấu hiệu lắng dịu, các nhà máy sản xuất ô tô đã ngừng hoạt động ở một số thị trường… cũng đã tác động đáng kể đến nguồn thu ngân sách.
Tại TP. Hồ Chí Minh, số thu ngân sách nhà nước lũy kế đến ngày 15/6 vừa qua đạt khoảng 43.000 tỷ đồng (dự toán pháp lệnh năm 2020 là 115.000 tỷ đồng). Ước tính thu ngân sách trong tháng 6/2020 đạt 8.200 tỷ đồng.
Nhiều dự án bất động sản “trỗi dậy” theo cầu Thủ Thiêm 2
Câu chuyện bất động sản (BĐS) hưởng lợi nhờ dự án cầu đường luôn được giới đầu tư BĐS quan tâm nhất. Hiện nay, một trong những dự án cầu “hot” nhất là cầu Thủ Thiêm 2 nối khu vực trung tâm quận 1 (đường Tôn Đức Thắng và khu đất vàng Ba Son) với khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2. Thông tin trên được đăng tải trên báo Pháp Luật TP.
Ngoài thông tin dự án sẽ được thông xe kỹ thuật vào tháng 12 năm nay, theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, hiện Sở này cũng đã có văn bản kiến nghị gửi UBND Thành phố xem xét đặt tên cho công trình cầu, đường trục chính trong khu đô thị Thủ Thiêm, trong đó có cầu Thủ Thiêm 2.
Với những thông tin tích cực đó, một loạt dự án BĐS cũng chuyển mình theo. Phía đầu cầu quận 1 và phía đầu cầu bên Thủ Thiêm của cầu Thủ Thiêm 2, các dự án đua nhau mọc lên với các loại hình như: khu phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ chung cư cao cấp…
Theo các chuyên gia BĐS, ngoài hạ tầng, điều Thủ Thiêm đang thực sự cần là những tiện ích thiết thực như nhà trẻ, trường học, bệnh viện, trung tâm mua sắm, khu giải trí, khu nghỉ dưỡng... Những yếu tố này sẽ giúp thu hút dân cư đến sinh sống, thu hút khách đến tham quan, vui chơi và tạo ra luồng lưu thông đến các dự án BĐS đang hiện hữu nơi đây.
Hơn 700 tấn xoài mini Trung Quốc đổ bộ chợ TP. Hồ Chí Minh
Thông tin từ báo Người Lao Động, những ngày gần đây, TP. Hồ Chí Minh xuất hiện loại xoài quả nhỏ, chín vàng, được tiểu thương gọi là "xoài mút" hay xoài hạt lép. Loại xoài này cũng được các xe bán rong chở đi bán khắp nơi và tiêu thụ khá mạnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, loại xoài này đang có giá bán lẻ từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, tùy chất lượng. Do quả nhỏ nên mỗi ký xoài được từ 10-20 quả, xoài có mùi thơm đậm, vị ngọt, hạt lép. Trong khi đó, các loại xoài chín của Việt Nam bán trên thị trường như cát Chu, cát Hòa Lộc mỗi ký chỉ từ 2-4 quả, hạt to.
Khi hỏi về nguồn gốc, hầu hết các tiểu thương cho biết xoài được lấy từ chợ đầu mối và xoài được trồng ở Châu Đốc (An Giang) hoặc xoài núi An Giang. Ngoài ra, một số điểm bán khác lại nói là xoài Campuchia và khuyên khách hàng tranh thủ mua vì mỗi năm chỉ có một mùa chứ không có quanh năm.
Trong khi đó, đại diện Công ty Quản lý chợ đầu mối Thủ Đức - nơi bán sỉ trái cây lớn nhất TP. Hồ Chí Minh - cho hay hiện tại chợ không có xoài cỡ nhỏ đến từ An Giang. "Xoài cỡ nhỏ đang bán tại chợ đầu mối là xoài Trung Quốc nhập về chợ từ ngày 1/6, đến nay đã lên tới 733,92 tấn.
Giá sỉ xoài Trung Quốc tại chợ từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Tại chợ cũng có xoài Campuchia nhưng là xoài xanh, không có xoài chín với giá sỉ từ 12.000 - 14.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX xoài Suối Lớn (Đồng Nai), mùa thu hoạch xoài chính của Việt Nam đã kết thúc cách đây hơn 1 tháng, hiện tại chỉ còn xoài Trung Quốc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ở một số vùng núi thuộc An Giang vẫn còn giống xoài thanh ca, còn gọi là xoài núi có quả nhỏ, hạt lép nhưng sản lượng rất hạn chế nên phần lớn được tiêu thụ tại chỗ và một số khu du lịch lân cận.
Tương lai nào cho tòa nhà Trụ sở hỏa xa?
Tòa nhà Trụ sở hỏa xa – vết tích còn lại về thời kỳ hỏa xa Sài Gòn – đang là mối quan tâm của nhiều người trước những thông tin về một tương lai “sẽ được bảo tồn như thế nào”. Khi mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có văn bản phúc đáp nêu nhiều lý do không thể chuyển giao tòa nhà ở số 136 đường Hàm Nghi này cho UBND Thành phố (TP).
Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, trước đó, UBND TP đã có văn bản đề nghị đến Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rằng TP muốn tiếp nhận công trình số 136 đường Hàm Nghi để bảo tồn, kết hợp bố trí chức năng phù hợp quy hoạch. Tòa nhà nằm trong khu trung tâm lịch sử của TP, bên cạnh nhà ga metro ngầm Bến Thành, là điểm nhấn kiến trúc của trung tâm TP.
UBND TP sẽ bảo tồn và sử dụng làm nơi lưu giữ, trưng bày các kỷ vật của ngành đường sắt nói chung, đường sắt đô thị TP nói riêng.
Trong khi đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết tòa nhà đang là văn phòng làm việc của các đơn vị trực thuộc. Nếu chuyển giao cho TP. HCM sẽ gây khó khăn về trụ sở làm việc cho các đơn vị, ảnh hưởng tới công tác điều hành giao thông vận tải đường sắt và quản lý, khai thác, kinh doanh, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt. Đồng thời phá vỡ kế hoạch đầu tư phát triển của tổng công ty.
Tòa nhà Trụ sở hỏa xa tọa lạc trước chợ Bến Thành, một mặt nhìn ra vòng xoay Quách Thị Trang, một mặt là mặt tiền đường Hàm Nghi. Trước đây là tòa nhà Bureau du Chemin de Fer của Công ty Hỏa xa Đông Dương. Tòa nhà được khánh thành vào năm 1914 cùng thời điểm với chợ Bến Thành. Đây được xem là vết tích duy nhất còn lại về thời kỳ hỏa xa Sài Gòn.
Hai phường ở quận 1, 3 sẽ bị cắt nước vào ban đêm trong 2 ngày
Báo Lao Động cho hay, Xí nghiệp truyền dẫn nước sạch thuộc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên sẽ thực hiện công tác thay đồng hồ tổng tại giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Võ Thị Sáu (phường Đa Kao, quận 1) và tại địa chỉ 243 Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3).
Theo đó, các cơ quan, hộ gia đình thuộc 2 khu vực trên sẽ bị gián đoạn cung cấp nước trong thời gian như sau:
Từ 22 giờ ngày 23/6 đến 5 giờ ngày 24/6, các hộ gia đình và cơ quan thuộc khu vực phường Đa Kao, quận 1 và phường 10, quận 3 sẽ bị cắt nước.
Công ty cổ phần cấp nước Bến Thành lưu ý các cơ quan, hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng gián đoạn cung cấp nước nên có kế hoạch dự trữ nước phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Trường hợp có sự cố, đề nghị thông báo cho công ty để có hướng xử lý kịp thời.