Tuyển sinh lớp 10: Điểm chuẩn có thể biến động
Điểm chuẩn lớp 10 THPT công lập tại TP.Hồ Chí Minh năm 2020 sẽ có biến động, nhất là ở các trường top trên và top giữa... là dự đoán được nhiều giáo viên đưa ra sau kỳ thi tuyển sinh 10 vừa qua. Nội dung đăng tải trên báo Giáo dục TP.
Theo thầy Võ Kim Bảo - giáo viên ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, đề văn năm nay có sự đổi mới rõ rệt. Đề rất “mở” cho học sinh (HS) tự chọn nên phần bài làm của HS cũng hay hơn, điểm văn khả năng cao hơn mọi năm.
Sau khi thống nhất đáp án trong môn ngữ văn, thầy Bảo cho biết, cách chấm của giáo viên cũng sẽ “thoáng hơn”, không quá gò bó, gắt gao. Điểm cao sẽ phụ thuộc nhiều vào kỹ năng và sự sáng tạo của HS trong cách thể hiện quan điểm, bài làm của mình.
Từ phân tích đó, thầy Bảo cho rằng, điểm chuẩn vào các trường THPT công lập năm nay sẽ tăng nhẹ, nhất là những trường top 2, top 3 sẽ có nhiều biến động.
Cô Hứa Thị Diễm Trâm - Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh - đánh giá, so với đề năm ngoái, đề năm nay khá “dễ thở” về lượng kiến thức, trong khi đó cấu trúc đề vẫn có sự quen thuộc nên không gây tâm lý hoang mang, xáo trộn cho HS trong phòng thi.
Môn văn sẽ là môn HS dễ lấy điểm nhất trong 3 môn. Môn toán thì điểm trên trung bình, điểm khá cũng nhiều bởi chỉ có 2 câu phân loại. Môn tiếng Anh cũng nhẹ nhàng hơn năm trước. Với mức điểm này, điểm chuẩn năm nay sẽ có nhiều trường tăng mạnh. Đơn cử như Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền phải ở mức 40 điểm, các trường top 1 sẽ từ 35-38 điểm, trường top 2 dao động từ 30-33 điểm…
Từ ngày 19/7, sau khi thảo luận đáp án, hội đồng chấm thi tuyển sinh lớp 10 bắt tay vào chấm thi. Năm nay, để tránh cập rập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào tháng 8 cũng như để các trường sắp xếp công tác tuyển sinh, điểm thi dự kiến được công bố vào ngày 27/7. Ngày 29/7 là thời gian công bố kết quả điểm số và điểm chuẩn tuyển sinh THPT chuyên, tích hợp, diện tuyển thẳng. Ngày 21/8 sẽ công bố điểm chuẩn tuyển sinh 10 và danh sách trúng tuyển sinh 10.
Quận 9 dùng “mắt thần” kiểm soát an ninh trật tự
Báo Lao Động cho hay, sau 7 tháng thi công lắp đặt, chiều 21/7, tại trụ sở Công an quận, UBND Quận 9 tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Giám sát hình ảnh camera.
Trung tâm được xây dựng nhằm kiểm soát an ninh trật tự ở các khu vực công cộng, địa bàn trọng điểm các trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước, giám sát tình hình giao thông các tuyến đường. Từ đó nâng cao khả năng đảm bảo an ninh trật tự phòng chống tệ nạn xã hội, xử lý các tình huống về giao thông, trật tự trên địa bàn.
Hiện nay trên địa bàn Quận 9 đã lắp đặt 479 camera tích hợp trên bản đồ số xác định vị trí tại các khu vực trọng điểm về an ninh trật tự. Trong đó lắp đặt mới bổ sung là 89 camera, 390 camera còn lại được tích hợp từ hệ thống camera xã hội hóa của 13 phường trên địa bàn vào hệ thống chung của trung tâm giám sát.
Với hệ thống máy tính xử lý hình ảnh cùng đường truyền internet tốc độ cao, Trung tâm sớm nhận diện các đối tượng tình nghi và dự báo tình huống như: tụ tập đông người, đua xe, cướp giật, ùn tắc giao thông,... Từ đó phân tích và phát cảnh báo cho cán bộ chiến sĩ trực ban theo dõi để kịp thời báo cáo cho Ban Chỉ huy công an Quận có hướng xử lý phù hợp.
Đại tá Trang Viết Thanh, Trưởng Công an Quận 9 cho biết: Quận 9 là cửa ngõ phía Đông của thành phố, có địa bàn rộng, tiếp giáp với các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Do đó tình hình an ninh trật tự khá phức tạp, công tác phòng chống tội phạm gặp nhiều khó khăn. Vì thế, việc ra mắt Trung tâm Giám sát hình ảnh camera Quận 9 sẽ giúp cho việc phòng ngừa, ngặn chặn tội phạm ngay từ đầu.
Đi “Chợ osin” thời dịch giã
Theo phản ánh của báo Tuổi Trẻ, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang len lõi vào từng ngõ ngách, từng ngành nghề tại TP. Hồ Chí Minh, đến cả thành phần người giúp việc, vốn xưa nay được “săn đón” thì nay bỗng “ế ẩm”. Các osin phải ra đường và tiếp cận các khu “chợ osin” để tìm một cơ hội việc làm để có thu nhập.
Qua rồi cái thời khó tìm người giúp việc và phải chiều chuộng osin như... mẹ vợ, lúc nào cũng nơm nớp sợ osin giận 'tôi nghỉ đây, ông bà tự làm đi nhé'. Thời dịch giã, khó khăn, nhiều 'chợ osin 24/24h' tấp nập người mòn mỏi chờ được gọi đi làm.
Tại một Trung tâm giới thiệu việc làm ở TP. Hồ Chí Minh, bà Thảo – Giám đốc Trung tâm cho biết nhu cầu xin việc tăng mạnh trong thời điểm này. Dịch bệnh đã khiến chủ nhà cho người giúp việc nghỉ hàng loạt. Trong một buổi sáng Trung tâm của bà Thảo tiếp nhận gần 30 osin đến tìm việc nhưng chỉ có 4 người được chủ nhà thuê.
Tại “chợ osin” trên đường Tô Hiệu, quận Tân Phú, có hẳn cả một khu được ngăn ra và trải chiếu đơn kín chỗ cho các osin ngồi chờ xin việc. Ở một số trung tâm việc làm khác cũng tình cảnh tương tự “người cần việc làm” xếp dài chờ đợi. Khi đến trung tâm, họ được ở miễn phí, tắm rửa, ngủ nghỉ, chỉ lo ăn ba bữa trong những ngày chờ việc. Bất kể khi nào có khách kêu là đi liền.
Cần hơn 950.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông
Theo Vietnamplus, Sở Giao thông Vận tải TP vừa có tờ trình gửi UBND TP về việc phê duyệt Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2030; trong đó, tổng kinh phí dự kiến đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông khoảng 952.547 tỷ đồng.
Cụ thể, giai đoạn 2020-2025 dự kiến đầu tư 428.976 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là 523.571 tỷ đồng.
Theo đó, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn này gồm 639km đường bộ; 78 dự án cầu; 18 dự án nút giao thông; 32 dự án giao thông tĩnh; 5 dự án thuộc Chương trình đô thị thông minh; 211,9km đường sắt đô thị, xe buýt nhanh (BRT); 379km đường thủy nội địa.
Dự kiến kinh phí đầu tư từ nguồn vốn ngân sách TP là 457.704 tỷ đồng, nguồn vốn khác (vốn Trung ương, ODA, đầu tư theo hình thức đối tác công tư…) khoảng 494.843 tỷ đồng.
Sở Giao thông Vận tải TP cho biết, nguồn vốn từ ngân sách TP dự kiến đầu tư các dự án chuyển tiếp thuộc Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 và các dự án trọng điểm, cấp bách ngành giao thông vận tải năm 2020. Đồng thời, chi trả giải phóng mặt bằng các dự án sử dụng vốn vay ODA…
Trong khi đó, các nguồn vốn khác dự kiến sẽ dành để đầu tư cho các dự án đường bộ gồm vành đai 3, vành đai 4, các dự án cao tốc, cầu Cát Lái, cầu Cần Giờ…; các dự án đường sắt đô thị, BRT; các cảng đường thủy nội địa và cảng cạn; cải tạo, mở rộng và xây dựng mới các bến xe liên tỉnh, bến xe hàng và bến hàng hóa.
Đề xuất kéo dài đường Võ Văn Kiệt từ TP.HCM về tới Long An
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Hồ Chí Minh và Sở GTVT tỉnh Long An đã có buổi họp về việc thống nhất có 23 tuyến đường kết nối hai địa phương quan trọng cần được ưu tiên đầu tư. Trong đó 12 đường hiện hữu cần được đầu tư mở rộng, kết nối đồng bộ; 8 đường triển khai theo quy hoạch được duyệt và 3 tuyến đường cần nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch.
Cụ thể, với đường Võ Văn Kiệt, TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện dự án nối dài đường từ nút giao quốc lộ 1 tới nút giao Tân Tạo - Chợ Đệm (Bình Chánh). Sở GTVT TP và Long An thống nhất sắp tới đường Võ Văn Kiệt sẽ được nghiên cứu nối dài từ TP đến Khu công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô (huyện Đức Hòa).
Với quốc lộ 50 từ Bình Chánh (TP.HCM) được mở rộng kết nối với Cần Giuộc (Long An). Cùng với việc mở rộng, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư làm đường song song quốc lộ 50 từ đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh) đến Long An từ giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, TP.Hồ Chí Minh và Long An cũng sẽ nghiên cứu đường mở mới phía tây bắc dài khoảng 19,8km có điểm đầu tại quốc lộ 1 (Bình Tân) và điểm cuối tại Vành đai 4 gần thị trấn Hậu Nghĩa (Long An) với quy mô 6 làn xe.
Đây là đường trục giao thông rất quan trọng kết nối TP đi tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây. Khi tuyến này hình thành sẽ chia sẻ lượng xe trên tỉnh lộ 9 và 10 hiện hữu , cải thiện giao thông tạo tiền đề phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngoài các tuyến nêu trên, nhiều tuyến đường khác cũng được đề cập sẽ mở rộng, đầu tư nối dài như đường Lê Văn Lương, đường Nguyễn Văn Bứa (Hóc Môn) kết nối đường tỉnh 824 (huyện Đức Hòa), làm đường Long Hậu (nối từ huyện Nhà Bè với đường tỉnh 826E huyện Cần Giuộc)...
Thúc đẩy khơi thông các cửa ngõ TP. Hồ Chí Minh
Báo Pháp Luật TP khởi đăng loạt bài viết về thúc đẩy khơi thông giao thông tại các cửa ngõ vào TP. Hồ Chí Minh. Với bài 1 nói lên các kỳ vọng nhiều dự án giao thông lớn sẽ thay đổi tình hình giao thông và diện mạo đô thị tại cửa ngõ phía Đông của Thành phố.
Vấn đề này được đặt ra sau chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ nhằm đốc thúc việc giải ngân vốn đầu tư công tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải TP, trong 04 cửa ngõ vào TP thì cửa ngõ phía Đông được kỳ vọng nhiều nhất với các dự án giao thông trọng điểm tập trung về hướng này. Trong đó, có các dự án lớn như Metro số 1, Bến xe miền Đông mới, mở rộng Xa lộ Hà Nội, nút giao thông Mỹ Thủy, nút giao thông An Phú, các cầu Thủ Thiêm…
Tuy nhiên, ông Bằng cũng chia sẻ, nhiều dự án ở khu vực này đang gặp vướng mắc khiến tiến độ thi công chậm. Một trong số đó là vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Mặc dù chủ đầu tư và cơ quan chức năng đã nỗ lực giải tỏa mặt bằng nhưng hiệu quả chưa đạt như kế hoạch đề ra, từ đó kéo dài thời gian dự án. Bên cạnh đó, vấn đề về nguồn vốn dự án bị ách tắc cũng là một nguyên nhân khiến nhiều dự án đình trệ làm chậm cơ hội phát triển của TP.
Như dự án nút giao thông An Phú, theo ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP (Ban Quản lý dự án giao thông), cho biết với tình hình thực tế hiện nay, việc đầu tư dự án nút giao thông An Phú là rất cần thiết và cấp bách.
Sở dĩ công trình này chậm triển khai là do trước đây chủ đầu tư (Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam - VEC) dự kiến thực hiện bằng vốn dư ODA từ dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, Bộ GTVT và VEC có thông báo không thực hiện dự án và UBND TP đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án bằng nguồn vốn ngân sách TP.
Ban quản lý dự án giao thông được giao nhiệm vụ lập chủ trương đầu tư dự án bằng nguồn vốn ngân sách tập trung. Hiện nay, Sở GTVT đang trình Sở KH&ĐT xem xét, trình HĐND TP thông qua.
Biểu diễn hát bội miễn phí tại Bảo tàng Lịch sử
Báo Giáo dục TP thông tin, sắp tới đây, tại sân trước Đền thờ Vua Hùng (khuôn viên Thảo Cầm Viên, số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1) sẽ diễn ra chương trình biểu diễn hát bội miễn phí thường vào 2 ngày chủ nhật trong tháng.
Theo đó chương trình sẽ diễn ra từ 8 giờ - 10 giờ gồm nhiều hoạt động hấp dẫn để phục vụ khán giả như: Khán giả trải nghiệm vẽ mặt nạ hát bội, trưng bày phục trang và một số mặt nạ tiêu biểu; giao lưu, trải nghiệm các hình thức độc đáo của nghệ thuật hát bội; chương trình biểu diễn nhiều trích đoạn nổi tiếng liên quan đến văn hóa, lịch sử: “Ôn Đình chém Tá”, “Trần Bình Trọng tuẫn tiết”…
Chương trình nghệ thuật này do Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử TP tổ chức nhằm giới thiệu đến công chúng và du khách những nét độc đáo của hát bội - một loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống lâu đời, vừa tạo dựng một điểm hẹn sinh hoạt văn hóa cộng đồng có ý nghĩa, vừa góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, đậm bản sắc dân tộc.