Quân đội nhân dân Việt Nam tự hào 75 năm xây dựng và trưởng thành
Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019) và 30 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019), nhiều tờ báo đều đăng tải thông tin phản ánh các hoạt động kỷ niệm sự kiện trọng đại này:
Báo điện tử Vietnamplus: Tối 21/12, trong khuôn viên Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh, Ban tổ chức các ngày lễ lớn của thành phố tổ chức Chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Sáng mãi truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.”
Chương trình nghệ thuật gồm ba phần “Vì Tổ quốc chúng tôi lên đường,” “Miền Nam thành đồng Tổ quốc” và “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân” giới thiệu đến khán giả nhiều tiết mục ca múa nhạc hoành tráng, đặc sắc, tái hiện những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc với ý chí sục sôi, tinh thần quyết chiến, quyết thắng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào vì độc lập, tự do của cả dân tộc. Tại chương trình nghệ thuật, khán giả cũng được xem và nghe lại lời kêu gọi của Bác Hồ “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước”; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng đứng lên kháng chiến cứu nước.
Báo Pháp luật TP: TP. Hồ Chí Minh mở triển lãm ảnh với chủ đề “Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng tự hào 75 năm xây dựng và trưởng thành”.
Hơn 100 bức ảnh được trưng bày nhằm giới thiệu khái quát những hình ảnh lịch sử quý giá thể hiện chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nội dung thể hiện vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ TP trong việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, góp phần làm cho thế trận lòng dân ngày càng vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho TP phát triển trong môi trường hội nhập.
Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 30/12, được thực hiện tại bốn điểm: Phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Đồng Khởi, Công viên Chi Lăng và Cung văn hóa Lao động TP.
Báo Người Lao động: Nằm trong hoạt động kỷ niệm 75 Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ TP (HYPA) phối hợp Hội Doanh nhân trẻ TP (YBA-HCM) vào ngày cuối tuần đã có chuyến "Hành trình vì sức khỏe cộng đồng" và giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 302, đóng trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai - một huyện miền núi thuần nông, có tỉ lệ hộ nghèo khá cao.
Ngoài ra, còn tổ chức ngày hội thiếu nhi cho học sinh Trường Tiểu học Hồng Bàng, huyện Cẩm Mỹ (nơi đang có 416 em học sinh dân tộc thiểu số theo học) với nhiều tiết mục vui tươi và tặng quà (thuốc sổ giun, nước rửa tay, kem đánh răng…) để giúp các em nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe.
Tại Sư đoàn 302, đoàn cũng đến đến thăm, giao lưu văn nghệ và tặng những phần quà mang nhiều giá trị tinh thần như đàn guitar, trái banh bóng đá, bóng chuyền, nhu yếu phẩm… cho cán bộ, chiến sĩ.
Công bố bệnh viện có chất lượng tốt nhất và kém nhất năm 2019
Thông tin trên báo Nhân dân: Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh công bố điểm đánh giá chất lượng năm 2019 đối với các bệnh viện trên địa bàn; danh sách 05 bệnh viện có chất lượng tốt nhất và 05 bệnh viện có chất lượng kém nhất.
Theo đó, 05 bệnh viện có điểm đánh giá chất lượng cao nhất gồm: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Hùng Vương. Tổng cộng có 20 bệnh viện đạt mức chất lượng tốt, trong đó có ba bệnh viện quận, huyện gồm: Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện Quận 11 và Bệnh viện Quận 2.
05 bệnh viện có điểm đánh giá thấp nhất gồm: Bệnh viện đa khoa Anh Minh, Bệnh viện Thân Dân, Bệnh viện Quận 3, Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc Kim hospital, Bệnh viện Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ AVA Văn Lang.
Năm 2019, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tiến hành đánh giá chất lượng 110 bệnh viện, trong đó có 32 bệnh viện TP, 23 bệnh viện quận, huyện, 53 bệnh viện tư nhân và 2 bệnh viện bộ, ngành.
Tăng số chuyến phà, buýt sông, tàu cao tốc dịp Tết Nguyên đán Canh Tý
Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết: Nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân TP, khách du lịch trong và ngoài nước trong Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, các đơn vị vận tải hành khách bằng đường thủy đã có kế hoạch tăng chuyến.
Theo đó, tại Bến phà Cát Lái bố trí 8 phương tiện (2 phà 200 tấn, 5 phà 100 tấn, 1 phà 60 tấn). Số chuyến phà phục vụ là 280 chuyến (ngày thường 210 chuyến). Cao điểm dự kiến khoảng 95.000 hành khách/ngày (ngày thường 50.000 hành khách/ngày).
Bến phà Bình Khánh bố trí 7 phương tiện (2 phà 200 tấn, 4 phà 100 tấn, 1 phà 60 tấn). Số chuyến phà phục vụ là 160 chuyến (ngày thường 88 chuyến). Cao điểm dự kiến khoảng 39.000 hành khách/ngày (ngày thường 21.000 hành khách/ngày).
Đối với buýt sông số 1 Bạch Đằng - Linh Đông, lịch vận hành tàu đón khách dịp Tết Nguyên đán 2020, chiều ngày 30 và mùng 1 Tết nghỉ. Từ ngày 2 đến ngày mùng 5 Tết là 30 lượt/ngày (hiện tại 20 lượt/ngày). Dự kiến số lượt hành khách tăng 5% với cùng kỳ năm 2019.
Đối với tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng đi Cần Giờ, Vũng Tàu, theo tình hình, nhu cầu của hành khách, doanh nghiệp vận tải sẽ tăng chuyến đến 16 lượt/ngày dịp Tết (hiện tại 10 lượt/ngày).
Ngoài ra, tại 29 bến khách ngang sông, Trung tâm Quản lý đường thủy phối hợp chính quyền địa phương, Phòng Cảnh sát đường thủy - Công an TP tăng cường công tác kiểm tra tình hình hoạt động, phục vụ trong dịp Tết, đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra tại các bến khách ngang sông qua đình, chùa như Miếu Nổi - quận Gò Vấp, Hội Sơn - Quận 9, Đình Bình Đông - Quận 8.
(Theo Thanhuytphcm.vn).
Chặn cơn bão giá thực phẩm mùa Tết
Còn khoảng một tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán nhưng giá thịt heo tiếp tục đà tăng giá mạnh, kéo theo “cơn bão” giá các mặt hàng tiêu dùng khác. Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đang lên nhiều phương án để đảm bảo ổn định thị trường ngày Tết.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay: Sở này đã phối hợp cùng các sở, ngành, các doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị hàng Tết từ sớm. Theo đó, nguồn vốn các doanh nghiệp sản xuất, dự trữ cung ứng cho hai tháng Tết là 19.000 tỉ đồng, tăng hơn 602 tỉ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị tết 2019. Sở Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp liên quan để chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Canh Tý 2020. Theo đó, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán một tháng trước Tết và một tháng sau Tết.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Công Thương cũng mong muốn người dân sử dụng sản phẩm thay thế thịt heo như thịt gà, bò, thủy hải sản…, những mặt hàng này Sở cam kết đầy đủ trên thị trường.
Cũng theo bà Trang, thay vì sử dụng thịt nóng, từ bây giờ bà con có thể sử dụng thịt heo đông lạnh. “Thịt heo đông lạnh chất lượng đảm bảo vì được các cơ quan chuyên môn kiểm định. Nguồn heo này được nhập khẩu từ các quốc gia không bị dịch nên người tiêu dùng hãy an tâm. Hệ thống phân phối của Thành phố sẽ cung cấp thịt heo đông lạnh cùng với thịt nóng” - bà Trang thông tin. Được biết, trong 10 tháng đầu năm 2019, Thành phố có lượng heo đông lạnh nhập khẩu tăng 50%, các doanh nghiệp đang được chỉ đạo nhập tiếp để phục vụ cho nhu cầu Tết.
(Theo báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh)
Vụ đưa xe về phường để mặc cả: Bắt giữ 2 người
Về vụ thiếu úy công an và bảo vệ dân phố phường 17, quận Bình Thạnh bắt xe rồi đưa về phường để mặc cả đòi tiền, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an Thành phố, thông tin: Cơ quan CSĐT Công an Thành phố đã ra lệnh bắt đối với Phạm Thái Vinh và Nguyễn Hoàng Minh để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Trước đó, ngày 20/12, Công an quận Bình Thạnh đã đình chỉ công tác đối với thiếu úy Vinh (chuyển công tác từ Công an tỉnh Nghệ An vào một năm). Giám đốc Công an Thành phố cũng đã ký quyết định tước danh hiệu CAND đối với thiếu úy Vinh. Cùng ngày, Cơ quan CSĐT ra lệnh bắt đối với Vinh và Nguyễn Hoàng Minh (bảo vệ dân phố phường 17). Các quyết định và lệnh của công an đã được Viện kiểm sát phê chuẩn.
Theo thông tin, tối 17/12, sinh viên CHĐ (đang theo học một trường nghiệp vụ về du lịch ở quận Tân Bình) bị một nhóm sáu người mặc thường phục chặn xe. Một người xuất trình thẻ công an và đưa anh Đ. về phường để kiểm tra hành chính (sau này xác định là thiếu úy Phạm Thái Vinh). Sau khi giữ giấy tờ, kiểm tra cốp xe của anh Đ. thấy có con dao khoảng 4 cm (anh Đ. giải thích đang là sinh viên trường nghiệp vụ du lịch, làm đầu bếp nên mua con dao để rạch các thùng hàng) thì những người này quy là “sắm dao để đi cướp”. Sau đó Vinh và bảo vệ dân phố Minh buộc Đ. mang 10 triệu đồng đến chuộc.
(Thông tin trên Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh)
Lên kế hoạch loại bỏ xe máy “hết đát”
Thông tin trên báo Thanh Niên cho biết, TP. Hồ Chí Minh đang rốt ráo xây dựng kế hoạch khảo sát, dự kiến đến tháng 1/2020 sẽ thí điểm kiểm tra khí thải mô tô, xe máy nhằm hạn chế xe “hết đát” xả thải gây ô nhiễm không khí.
Sở Tài nguyên - Môi trường khẳng định các hoạt động giao thông là nguồn phát thải lớn nhất, chiếm khoảng 50% tổng lượng phát thải tại Thành phố. Theo số liệu thống kê, tính đến giữa năm 2019, toàn Thành phố có hơn 8,1 triệu xe máy đang lưu hành, gấp gần 10 lần số lượng ô tô và chiếm tới khoảng 90% tổng lượng phương tiện giao thông cơ giới. Do đó, xe máy là tác nhân chính gây ra lượng phát thải của các phương tiện giao thông vận tải.
Thực tế, kiểm soát khí thải mô tô, xe máy là vấn đề lớn đối với xã hội, nhạy cảm, phức tạp vì liên quan đến đa số người dân. Trong khi đây vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu trong những năm tới, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong các Thành phố. Do đó rất nhiều dự thảo, đề án liên quan đến xe máy cứ “trình lên đặt xuống”, không ai dám quyết.
Trong bối cảnh hiện nay, hạn chế xe máy thì sẽ có số lượng không nhỏ người dân phải chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên với thực trạng ô nhiễm, ùn tắc ngày càng nghiêm trọng, việc áp dụng các lộ trình hạn chế là điều bắt buộc. Điều này không phải mang lại lợi ích cho nhà nước mà chính là cải thiện chất lượng cuộc sống của chính người dân.
Ông xe ôm 15 năm hút đinh không công
Đó là tiêu đề phóng sự chân dung được đăng tải trên báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh. Theo nội dung bài viết, thời gian qua, trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Tân Túc và xã Bình Chánh, thuộc địa bàn huyện Bình Chánh lại xảy ra tình trạng đinh tặc dù trước đó báo chí đã phản ánh nhiều lần. Mặt đường nhựa được trải một lớp mới, lượng xe đổ dồn về các tỉnh miền Tây ngày càng đông khi mà Tết Nguyên đán cận kề. Đó là những điều kiện thuận lợi để đinh tặc lộng hành.
Những người đi đường qua khu vực này đều không mấy xa lạ với hình ảnh ông Đinh Minh Cảnh, 48 tuổi, người chuyên đi nhặt đinh đã 4-5 năm nay. Ban đầu ông Cảnh nhặt đinh bằng tay, về sau, mặt đường có đinh liên tục, ông đã chế ra cây hút đinh từ những cục nam châm. Đến khi mặt đường bị rải đinh nhiều vô số kể, ông lại sáng kiến ra chếc xe hút đinh tự động gắn vào xe máy kéo đi cho tiện. Nhờ vậy mà bà con lưu thông qua đoạn đường này cũng đỡ bị cán đinh hẳn.
Ông Cảnh cho biết, thay vì trước đây các đối tượng rải đinh vào đêm khuya hoặc mờ sáng thì nay họ đã manh động hơn, có thể rải vào bất kỳ lúc nào. Do vậy, khi nào ông Cảnh phát hiện có đinh là ngay lập tức chạy xe đi hút. Những ngày giáp lễ,Tết, có khi ông nhặt được khoảng 2.000 cây đinh.
Ông chia sẻ, trước kia nhìn thấy người ta bị tai nạn, bị cán đinh phải dắt xe vào tiệm vá xe, bị hét giá trên trời, ông nghĩ mà xót. Rồi chính ông cũng là nạn nhân nên ông quyết tâm “đấu” với bọn giang hồ rải đinh. Và rồi ông bén duyên với công việc này.