Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 23/3/2020

10:50 23/03/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 23/3/2020

Hoàn thiện Bệnh viện điều trị Covid-19 tại Cần Giờ

Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Tất cả các công tác tại Bệnh viện điều trị Covid-19 huyện Cần Giờ đang được hoàn thiện, phấn đấu đưa bệnh viện đi vào hoạt động hiệu quả.

Lắp đặt trang thiết bị y tế hiện đại tại Bệnh viện điều trị Covid-19 (Cần Giờ, TPHCM). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Lắp đặt trang thiết bị y tế hiện đại tại Bệnh viện điều trị Covid-19 (Cần Giờ, TPHCM). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trong đó, bệnh viện với quy mô 300 giường bệnh được chia thành 3 khu vực: khu cách ly tạm để chờ kết quả xét nghiệm, khu cách ly theo dõi đối với người có kết quả xét nghiệm âm tính và khu cách ly điều trị đối với người có kết quả xét nghiệm dương tính. Hiện bệnh viện đã tiếp nhận cách ly điều trị và cách ly theo dõi hơn 70 người, trong đó có 4 trường hợp dương tính.

Về nhân lực của bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Quận Thủ Đức và Bệnh viện Quận 2 hỗ trợ luân phiên cho đủ số lượng, bao gồm: 9 bác sĩ và 20 điều dưỡng, 6 hộ lý cho Bệnh viện điều trị Covid-19. 

Về trang thiết bị, bệnh viện sử dụng các trang thiết bị sẵn có của Trung tâm Y tế Cần Giờ (vừa được đầu tư mới khi Bệnh viện Cần Giờ mới đi vào hoạt động). Ngoài ra, 20 phòng áp lực âm đang được lắp đặt và đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Trước mắt sẽ đưa 4 phòng cách ly áp lực âm đi vào hoạt động ngay trong ngày 23-3. Các chỉ định X-quang, siêu âm, xét nghiệm sẽ được thực hiện tại chỗ nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, bệnh viện sẽ báo cáo tình hình mỗi ngày bằng phần mềm “Quản lý người cách ly Covid-19” của Sở Y tế. Các phòng áp lực âm và các phòng cách ly khu vực có xét nghiệm dương tính được lắp đủ camera cho mỗi phòng. Đặc biệt, Sở Y tế sẽ chuyển giao 2 robot khử khuẩn phòng cách ly cho bệnh viện sau khi nghiệm thu sản phẩm tại Bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi. 

Khẩn trương cấp điện cho khu cách ly Bệnh viện dã chiến Củ Chi

Báo Người Lao Động cho hay: Dưới trời nắng nóng, hàng chục cán bộ, công nhân Công ty Điện lực Củ Chi khẩn trương thi công công trình cấp điện cho khu cách ly phòng dịch Covid-19 tại Trường Thiếu sinh quân trên địa bàn huyện Củ Chi.

Công nhân điện lực kéo cáp điện tại công trình cấp điện cho khu cách ly phòng dịch Covid-19 tại Trường Thiếu sinh quân, huyện Củ Chi
Công nhân điện lực kéo cáp điện tại công trình cấp điện cho khu cách ly phòng dịch Covid-19 tại Trường Thiếu sinh quân, huyện Củ Chi

Đây là giai đoạn 3 (khu cách ly) của công trình cấp điện cho Bệnh viện dã chiến Củ Chi, được hoàn thành trong hai ngày 21 và 22/3 để kịp thời bàn giao cho ngành y tế. Trước đó, Công ty Điện lực Củ Chi đã hoàn thành giai đoạn 1 vào ngày 9/2 và giai đoạn 2 vào ngày 23/2 cho các khu điều trị và cách ly tại đây.

Công trình gồm các hạng mục chính như bảo đảm cấp điện từ 2 nguồn điện lưới, đồng thời lắp đặt trạm biến áp lưu động 400 kVA và máy phát dự phòng 250 kVA, trồng 9 trụ, cùng các thiết bị đóng cắt, để cấp cho 3 khu nhà làm nơi cách ly phòng dịch. Công ty Điện lực Củ Chi cũng hoàn thành các phương án cấp điện và xử lý sự cố ...

Quy định mới về bồi thường trong khu quy hoạch

Thông tin từ báo Pháp Luật TP, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2018 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP và lấy mốc năm 2006 để thực hiện việc này.

Cụ thể, đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ sẽ được tính bồi thường, hỗ trợ bằng 100% giá trị xây dựng.

Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ xây dựng trước ngày 1/7/2006 trên đất đủ điều kiện bồi thường về đất ở và tại thời điểm xây dựng chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố hoặc phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố; đồng thời không vi phạm hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật đã được cắm mốc thì được tính bồi thường, hỗ trợ bằng 100% giá trị xây dựng. Ngược lại, nếu không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở thì chỉ được hỗ trợ bằng 80% giá trị xây dựng.

Nhà xây trên kênh rạch sẽ được hỗ trợ khi bị thu hồi đất tùy từng thời điểm xây dựng. Ảnh minh họa: KIÊN CƯỜNG
Nhà xây trên kênh rạch sẽ được hỗ trợ khi bị thu hồi đất tùy từng thời điểm xây dựng. Ảnh minh họa: KIÊN CƯỜNG

Nếu công trình xây dựng trên đất được hỗ trợ về đất, xây dựng trên đất nông nghiệp hoặc xây dựng trên kênh, sông, rạch (kể cả xây dựng một phần trên đất, một phần trên rạch) thì tính hỗ trợ theo thời điểm xây dựng như sau: Xây dựng trước ngày 15/10/1993 hỗ trợ bằng 70% giá trị xây dựng; từ ngày 15/10/1993 đến trước 1/7/2004 bằng 50% giá trị xây dựng; từ ngày 1/7/2004 đến trước 1/7/2006 bằng 30% giá trị xây dựng.

Trường hợp xây dựng trước ngày 1/7/2006 trên đất không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở và tại thời điểm xây dựng đã vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố hoặc vi phạm hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật đã được cắm mốc thì tính hỗ trợ bằng 80% mức bồi thường, hỗ trợ của trường hợp không vi phạm tương ứng.

Với trường hợp xây dựng từ ngày 1/7/2006 trở về sau, không được bồi thường, không được hỗ trợ; người có công trình xây dựng trái phép tự tháo dỡ hoặc phải chịu chi phí khi cơ quan chức năng của Nhà nước thực hiện tháo dỡ.

Đối với nhà ở được cấp giấy phép xây dựng tạm trên nền đất cũ (như hiện trạng cũ) hoặc đất có mục đích sử dụng là đất ở (đã được công nhận trước đó) thì hỗ trợ bằng 80% giá trị xây dựng.

Trường hợp trong giấy phép xây dựng hoặc quy hoạch sử dụng đất không có thời hạn thực hiện quy hoạch thì được hỗ trợ bằng 80% giá trị xây dựng. Đối với nhà được cấp giấy phép xây dựng tạm trên các loại đất khác thì hỗ trợ bằng 60% giá trị xây dựng.

Liên quan việc bồi thường, hỗ trợ người dân, từ năm 2010 đến nay, UBND TP.Hồ Chí Minh có sáu quyết định liên quan (các quyết định trước đây gồm: Quyết định 68/2010, 21/2013, 27/2014, 26/2017 và 28/1018).

Các quyết định trước đây, UBND TP.Hồ Chí Minh vẫn lấy mốc xây dựng trước và sau 1/7/2006 làm thời điểm để xét bồi thường, hỗ trợ. Quyết định mới vẫn giữ nguyên là trường hợp xây dựng trái phép từ ngày 1/7/2006 trở về sau thì Nhà nước không bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. 

Khai báo y tế ở ga, bến xe ra sao?

Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu triển khai việc khai báo y tế điện tử với hành khách đi các phương tiện công cộng từ 12h ngày 21/3/2020. Theo ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng Phòng quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT Thành phố, từ nay trở đi, các bến xe liên tỉnh lưu ý lưu lại thông tin hành khách đi lại thông qua bến, hướng dẫn khai báo y tế bắt buộc.

Báo Tuổi Trẻ đã có ghi nhận về việc khai báo y tế tại các khu vực bến xe, nhà ga trên địa bàn Thành phố. Theo đó, tại một số khu vực quầy vé của các bến xe, có trang bị máy tính bảng để hành khách khai báo y tế. Người dân khi đến quầy vé sẽ được nhân viên hướng dẫn cách thực hiện khai báo y tế nhanh chóng.

Nhân viên Hãng xe Phương Trang hướng dẫn hành khách khai báo y tế điện tử trước khi lên xe - Ảnh: báo Tuổi Trẻ
Nhân viên Hãng xe Phương Trang hướng dẫn hành khách khai báo y tế điện tử trước khi lên xe - Ảnh: báo Tuổi Trẻ

Đại diện bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây cho biết đã thông báo yêu cầu các doanh nghiệp vận tải triển khai nhanh chóng việc ghi nhận thông tin hành khách, hướng dẫn khai báo y tế tại các quầy vé. Có nhiều cách khai báo y tế điện tử tại bến xe như hướng dẫn hành khách tải ứng dụng “Vietnam Health Declaration” rồi điền đầy đủ thông tin hoặc khai báo trực tiếp trên website tokhaiyte.vn.

Nếu hành khách chưa kịp khai báo khi lên xe chuẩn bị di chuyển thì nhân viên trên xe hướng dẫn lại. Trường hợp hành khách không sử dụng điện thoại thông minh, nhân viên trên xe có thể hỗ trợ hành khách khai báo.

Tương tự, tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và ga Sài Gòn, việc khai báo y tế cũng đã được triển khai khẩn trương, đúng theo quy định.

Nơi nào áp dụng cách ly trả phí?

Cũng trên báo Tuổi Trẻ, TP. Hồ Chí Minh tạm thời chỉ cho 10 khách sạn, resort tại huyện Cần Giờ được áp dụng mô hình cách ly tập trung có thu phí những người có nguy cơ nhiễm Covid-19. Thông tin này được ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Thành phố cho biết trong ngày 22/3.

Theo ông Lương, hiện có rất nhiều cơ sở lưu trú, khách sạn tự nguyện tham gia chương trình cách ly của Thành phố. Tuy nhiên, qua đánh giá tình hình thực tế, Sở Y tế TP chỉ cho phép 10 khách sạn, resort ở khu vực Cần Giờ được tổ chức cách ly tập trung để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong nội ô.

Khách cách ly tại một resort ở huyện Cần Giờ - Ảnh: báo Tuổi Trẻ
Khách cách ly tại một resort ở huyện Cần Giờ - Ảnh: báo Tuổi Trẻ

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-9 TP đã thống nhất về tiêu chí, vị trí cho phép các cơ sở lưu trú được phép tiếp nhận khách, đặc biệt khách nước ngoài, đến cách ly có thu phí.  Cụ thể, các tiêu chí của TP đặt ra là “các cơ sở lưu trú phải gần biển, xa khu dân cư và có hàng rào bảo vệ kiểm soát được”.

Chiếu theo tiêu chí đó thì chỉ có 10 khách sạn, resort ở Cần Giờ, với tổng số 486 chỗ đáp ứng được, bởi Cần Giờ là huyện có diện tích lớn nhất TP nhưng dân cư lại ít, mật độ dân cư thưa thớt.  Nhiều cơ sở lưu trú ở quận 1, quận 3, quận 5… cũng đề xuất đưa cả khách sạn cho ngành y tế làm khu cách ly nhưng Sở Y tế cân nhắc rất kĩ việc có nên cho cách ly tập trung ở khu vực trung tâm hay không, bởi nguy cơ lây nhiễm chéo trong những khu vực mật độ dân cư dày đặc là rất cao, rất nguy hiểm. Mặt khác, nếu cho đăng ký rải rác ở các quận huyện, nhân viên y tế sẽ không đủ để dàn trải phục vụ.

Theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, chi phí cách ly tập trung tại khách sạn do người được cách ly tự nguyện chi trả. Theo đó, ưu tiên người nước ngoài như chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân, lao động tay nghề cao đăng ký vào các cơ sở này. Ngoài ra, TP còn ưu tiên thêm đối tượng du học sinh cấp II, III và đại học trở về nước. Việc phân loại khách được về khu cách ly có trả phí do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP sàng lọc và bố trí xe đặc chủng có nhân viên y tế đi cùng về Cần Giờ. Giá dịch vụ ở các cơ sở cách ly trên tinh thần hỗ trợ người dân là chính. Vì vậy, giá cao nhất chỉ có 8,4 triệu cho cả 14 ngày bao gồm ăn và nghỉ.

Những “chiến binh” blouse trắng

Lo âu, mệt mỏi là những gì có thể cảm nhận được, nhất là khi số người nhiễm Covid-19 mỗi ngày lại tăng thêm vài ca. Nhưng lo lắng không có nghĩa là mất đi niềm tin. Từ nhân viên y tế, lực lượng tại chỗ, tình nguyện viên và cả những người tại các khu cách ly tập trung ở TP. Hồ Chí Minh, đều có niềm tin sẽ vượt qua dịch bệnh này.

Đó là nội dung của bài viết “Những “chiến binh” blouse trắng” trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 23/3/2020.

Chuẩn bị bữa ăn cho người được cách ly tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi 
Chuẩn bị bữa ăn cho người được cách ly tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi 

Tại khu 2 Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi - khu vực hành chính và sinh hoạt, phía dưới là các bộ phận hành chính, chuyên môn, phía trên là khu vực những người sắp hoàn thành thời gian cách ly. 

Gặp chị, người phụ nữ ngoài 50 tuổi dáng cao gầy đã có mặt ngay từ ngày đầu thành lập bệnh viện, nhiệm vụ của một điều dưỡng trưởng tại đây khiến chị nhiều trăn trở, nhất là tâm lý của mọi người . Chị Lê Thị Thu Hương (53 tuổi, điều dưỡng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP) kể: Mấy ngày đầu cảm giác như chăm sóc khách hàng vậy đó. Có người không hiểu rồi bức xúc. Tụi chị phải dán thông báo hướng dẫn, giải thích rồi trao đổi qua điện thoại lẫn trực tiếp. Từ từ nhiều người hiểu vấn đề và cũng nhờ báo đài tuyên truyền thêm, nên về sau những người mới chuyển đến khu cách ly, tâm lý của họ thấu hiểu và chia sẻ hơn với đội ngũ y bác sĩ.

Giọng chị Lê Thị Thu Hương - điều dưỡng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP - chợt xúc động khi nói về các hộ lý. Chị đã chứng kiến nhiều hộ lý tình nguyện ở lại nơi tuyến đầu, thậm chí có người gia đình buộc họ chọn lựa đến với tuyến đầu chống dịch hay ở lại với gia đình, nhưng họ vẫn quyết định kề vai cùng đội ngũ y bác sĩ nơi đây.

Trong cuộc trao đổi vội vàng, có phút giây lắng đọng lại, chúng tôi đoán phía sau lớp khẩu trang của người điều dưỡng trưởng ở bệnh viện nơi tuyến đầu này, có lẽ chị đang cười, bởi chị nói với giọng tự hào lắm: “Ông xã còn chở chị đi làm mà, ổng cũng làm trong bệnh viện đó, dù bộ phận khác không phải chuyên môn về y tế nhưng ổng cũng hiểu và ủng hộ chị lắm. Gia đình có lo lắng nhưng hiểu cho công việc và con cái đã lớn nên càng hiểu và ủng hộ mẹ”.

Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi tiếp nhận hồ sơ bệnh án. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi tiếp nhận hồ sơ bệnh án. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Về nơi tuyến đầu trong những ngày này là nhiệm vụ cao cả và cấp bách của các y bác sĩ TP. Hồ Chí Minh, nhưng không có gì để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho những người nơi tuyến đầu ấy.

Đằng sau lớp khẩu trang y tế, chúng tôi không rõ gương mặt chị thế nào nhưng ánh mắt luôn ánh lên một sự vững tin - Bác sĩ Lư Lan Vi (39 tuổi, bác sĩ chuyên khoa II Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP) nói: “Ngay từ đầu, khi chọn làm công việc của một bác sĩ khoa nhiễm, chúng tôi phải hiểu mình có nguy cơ bị lây nhiễm. Vì thế, tâm thế luôn sẵn sàng từ lâu, không có gì phải sợ vì mình đã có kỹ năng ứng phó và luôn luôn cẩn thận trong từng việc lớn nhỏ”.

Lương tâm của một bác sĩ, không ai muốn những người đang cách ly sẽ trở thành bệnh nhân, nhưng việc thăm khám, theo dõi mỗi ngày, bác sĩ Lư Lan Vi luôn xem đó như với người đang bệnh. Chị nói: “Phải tự đặt trong lòng nguyên tắc như vậy, để mình luôn luôn giữ tinh thần, đảm bảo các biện pháp phòng hộ, kiểm soát nhiễm khuẩn, chống nhiễm khuẩn cao nhất. Tâm thế luôn sẵn sàng rằng mình đang tiếp xúc với bệnh nhân, không ỷ y và nghĩ họ chỉ mới cách ly, chưa có dấu hiệu gì. Vì nếu một chút lơ là hay một chút sơ suất nhỏ rất dễ xảy ra lây nhiễm cho nhân viên y tế”.

Giấc ngủ những 'người thầm lặng' tại khu cách ly chống dịch Covid-19

Báo Thanh Niên có bài viết về hình ảnh giấc ngủ tạm trên những tấm bìa cát-tông lót xuống sàn, manh chiếu rải ngay lối đi, thậm chí nằm ngay trên bậc thang của những người thầm lặng tại KTX ĐHQG TP. Hồ Chí Minh khi trở thành khu cách ly chống dịch Covid-19, khiến dân mạng xót lòng đầy xúc động.

Khi quá mệt, họ đành ngủ tạm ngay ở bậc cầu thang. Đây là bức ảnh lấy nhiều cảm xúc của cộng đồng mạng - Ảnh chụp màn hình
Khi quá mệt, họ đành ngủ tạm ngay ở bậc cầu thang. Đây là bức ảnh lấy nhiều cảm xúc của cộng đồng mạng - Ảnh chụp màn hình

Theo bài viết, ngày 22/3, mạng xã hội tiếp tục chia sẻ hình ảnh về những người hùng thầm lặng đang làm công tác tại KTX ĐHQG Thành phố. Nhiều người trong số họ vẫn còn đang mặc bộ đồ bảo hộ hoặc đồ dân quân nằm tạm trên miếng bìa cát-tông lót trên sàn, rải manh chiếu ở ngay lối đi ngoài trời, thậm chí có những người còn ngả lưng tạm ngay trên các bậc thang.

Cư dân mạng gọi đó là "người hùng" - những người tình nguyện viên đang gấp rút thực hiện các công tác để sắp xếp chỗ ở trong khu cách ly cho những người vừa từ nước ngoài trở về.

Những hình ảnh này nhận được "mưa tim" từ cộng đồng mạng, nhiều tài khoản đã bày tỏ không thể kìm được nước mắt và xót lòng khi lướt xem thấy những hình ảnh chân thực đến như vậy. Bên cạnh đó, nhiều người cũng khuyên ai đang ở khu cách ly, hãy nhìn những hình ảnh này mà quý trọng những gì mình đang nhận được.

Một số tài khoản khác kêu gọi những người đang ở khu cách ly nên xem những hình ảnh này để biết được những hi sinh thầm lặng của những người tình nguyện  và những điều tốt đẹp đất nước đang dành cho mình.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục