Nhiều cam kết phát triển Cần Giờ
Thông tin từ báo Người Lao Động, ngày 22/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP đơn vị số 2 đã tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ. Tại buổi tiếp xúc, dự án cầu Cần Giờ và khu đô thị lấn biển được đa số cử tri quan tâm và mong chính quyền TP tạo điều kiện thuận lợi nhất để 2 dự án này được đẩy nhanh.
Trao đổi với cử tri, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết cách đây 10 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã duyệt quy hoạch dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Vì vậy, UBND TP cần phối hợp với huyện Cần Giờ tổ chức thông tin đến với người dân để bà con biết đây là việc chắc chắn sẽ làm.
Đồng thời, UBND TP phối hợp để nói rõ lộ trình tiếp theo. "Thủ tướng phê duyệt rồi là một tin vui. Đặc biệt, trong đề án đã xác định tuyến đường Rừng Sác sẽ được nâng cấp lại, bố trí lại để không ảnh hưởng đến môi trường" - Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nói. Riêng đối với dự án cầu Cần Giờ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các sở - ngành thông tin cụ thể dự án để người dân biết và thực hiện đúng với kế hoạch đã đề ra.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Bùi Hòa An cho biết năm 2018, UBND TP đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế cầu Cần Giờ. Năm 2019, UBND TP đã có quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ. Vì vậy, dự kiến tháng 6/2021 sẽ khởi công. Theo đó, cầu Cần Giờ kết nối khu Nam TP với huyện Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực, phá thế độc đạo của địa phương. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Cũng theo ông An, cầu Cần Giờ được thi công trong 3 năm.
Trong khi đó, dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ từ quy mô ban đầu là 821 ha, trong đó có 600 ha lấn biển (15,5 ha biển đã được san lấp bỏ hoang nhiều năm) thì hiện được mở rộng thành 2.870 ha với tên mới là Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, do Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư.
Trẻ em bị xâm hại phải được kiểm tra, xác minh trong vòng 2 tiếng
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, ngày 22/6, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở LĐTB-XH TP và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) tổ chức hội nghị chia sẻ thông tin và tham vấn báo chí về công tác truyền thông trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em - Bình đẳng giới, Sở LĐTB-XH TP nhận xét, chúng ta đang làm ngược, mới đi vào giải quyết hậu quả các vụ trẻ em bị xâm hại. Đáng lẽ việc can thiệp, hỗ trợ trẻ em cần được làm sớm để phòng ngừa, giúp trẻ em không bị xâm hại, xâm hại tình dục. Thực tế, công tác can thiệp, hỗ trợ lại là làm sau, khi trẻ đã bị xâm hại. Bà Trần Thị Kim Thanh cho rằng, cùng với giải quyết hậu quả, cần thúc đẩy các hoạt động can thiệp, hỗ trợ từ sớm cho trẻ em.
Để cụ thể hóa trách nhiệm và rút ngắn thời gian xử lý các vụ việc, UBND TP đã ban hành Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn TP.
Trong đó, quy định rõ trong vòng 2 giờ kể từ thời điểm nhận thông tin vụ việc, người làm công tác bảo vệ trẻ em phường, xã, thị trấn phải báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý tính xác thực của thông tin cho Chủ tịch UBND và Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em phường, xã, thị trấn; đồng thời báo cáo nhanh về Thường trực Ban Điều hành Bảo vệ chăm sóc trẻ em quận, huyện (Phòng LĐTB-XH quận, huyện) để phối hợp và triển khai các biện pháp hỗ trợ, can thiệp theo quy định.
Trong vòng 8 giờ kể từ thời điểm nhận thông báo và hồ sơ của bệnh viện, cơ sở y tế, Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có thẩm quyền gửi kiến nghị khởi tố bằng văn bản kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan đến cơ quan cảnh sát điều tra công an quận, huyện để xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn cho trẻ em trong các cơ sở bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH TP vừa có hướng dẫn thực hiện kiểm soát nội bộ trong phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em tại các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn TP. Theo đó, quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở bảo trợ xã hội không ở một mình với trẻ em mà không có người giám sát và chưa được sự chấp thuận của người quản lý trực tiếp hoặc lãnh đạo cơ sở; không kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em…
TPHCM có hơn 2 triệu trẻ em (trong tổng số gần 13 triệu người). Trong gần 11.400 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, có 2.400 trẻ em được chăm sóc tại các cơ sở xã hội và 9.000 trẻ đang ở cộng đồng. Bà Mai Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho biết, TPHCM quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Song, với một đô thị có quy mô dân số lớn, TPHCM cũng đang đối diện với nhiều thách thức về: trẻ em lang thang xin ăn, trẻ em có nguy cơ lao động sớm, trẻ em bị xâm hại, bị ngược đãi, trẻ em vi phạm pháp luật, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…
15 năm đề xuất nhà thương mại giá thấp ở TP. Hồ Chí Minh
Trong 15 năm qua, nhiều ý kiến đề xuất cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp ở TP. Hồ Chí Minh liên tục được gửi tới cơ quan chức năng. Trong động thái mới nhất, Bộ Xây dựng cho biết đang soạn thảo dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị quyết với các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) làm nhà ở thương mại giá thấp. Đó là nội dung trên báo Pháp Luật TP.
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), đây được xem là bước điều chỉnh thị trường của Nhà nước, cơ bản là tất cả vẫn theo cơ chế thị trường nhưng DN tham gia đầu tư vào nhà ở thương mại giá thấp thì có cơ chế khuyến khích, ưu đãi hơn.
Liên quan đến chương trình này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho biết việc đề xuất này nhằm để hình thành một số khu vực đô thị, khu dân cư bao gồm cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp, phù hợp với khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình thấp và người có thu nhập thấp đô thị. Đây là nhóm người chiếm số đông trong xã hội.
Dù đánh giá đây là động thái cần được ủng hộ từ cơ quan chức năng nhưng theo nhiều chuyên gia BĐS, nút thắt lớn nhất vẫn là bài toán pháp lý. Theo các chuyên gia, để tạo ra sản phẩm nhà ở có giá 20 triệu đồng/m2 rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để DN tối giản chi phí, tối ưu giá thành và quan trọng nhất vẫn là thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý.
Bến xe miền Đông mới sẽ khai thác từ ngày 15/8
Báo Người Lao Động đưa tin: Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP vừa thống nhất Bến xe Miền Đông mới (nằm trên địa bàn quận 9, TP.HCM và TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), đưa vào khai thác chính thức giai đoạn 1 từ ngày 15/8, sau đề xuất từ Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH một thành viên (Samco) – chủ đầu tư.
Tuy nhiên, để bến xe hoạt động hiệu quả và thuận lợi, Giám đốc Sở GTVT đề nghị phía Samco chủ động phối hợp các sở - ngành tại TP hoàn tất thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động của bến xe cùng việc cung cấp các dịch vụ tiện ích bên trong bến. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng phải bổ sung hoàn chỉnh cơ sở vật chất, các trang thiết bị bên trong nhà ga và các khu vực liên quan.
Riêng việc tổ chức giao thông xung quanh Bến xe Miền Đông mới, Giám đốc Sở GTVT giao đơn vị trực thuộc là Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ phối hợp các bên liên quan khảo sát thực tế, xử lý những bất cập tồn tại, phát sinh, đảm bảo khi công trình đưa vào hoạt động hiệu quả, thuận lợi và an toàn. Trong đó, việc tổ chức chức thi công công trình giao thông tại mặt trước bến xe cần có phương án phù hợp với điều kiện khai thác của bến và tiến độ thi công các dự án theo từng giai đoạn.
Điều chỉnh giao thông đường Phạm Văn Đồng và cầu Kênh A
Báo Người Lao Động cho hay, thông báo từ Sở Giao thông Vận tải, đường Phạm Văn Đồng - tuyến nội đô được xem đẹp nhất TP - chuẩn bị rào chắn đoạn qua đường ngang xe lửa (quận Gò Vấp).
Theo đó, việc tổ chức lại giao thông ở đoạn đường nêu trên sẽ áp dụng trong khung thời gian từ 9 giờ đến 16 giờ, trong các ngày từ 27/6 đến 2/7.
Tại khu vực trên, theo Sở Giao thông Vận tải, một phần lòng đường sẽ bị rào chắn để phục vụ công tác thi công bảo dưỡng đường sắt. Do đó, đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông cần hạn chế tốc độ khi lưu thông qua khu vực công trường.
Cũng theo Sở Giao thông Vận tải TP, cầu Kênh A trên đường Trần Đại Nghĩa (huyện Bình Chánh), cũng được điều chỉnh lại giao thông để phục vụ thi công công trình Xây dựng cầu Kênh A (nhánh 2) trên đường Trần Đại Nghĩa.
Cụ thể, từ ngày 25/6 sẽ cấm tất cả các loại xe lưu thông qua cầu Kênh A.
Lộ trình thay thế được đưa ra: Các phương tiện lưu thông theo hướng từ Vòng xoay An Lạc đi đường Mai Bá Hương: đường Trần Đại Nghĩa -> rẽ trái vào đường Kênh A -> qua cầu tạm -> đường Lê Đình Chi -> đường Trần Đại Nghĩa.
Các phương tiện lưu thông theo hướng từ đường Mai Bá Hương đi Vòng xoay An Lạc: đường Trần Đại Nghĩa -> rẽ phải vào đường Lê Đình Chi -> qua cầu tạm -> đường Kênh A -> đường Trần Đại Nghĩa.
Lưu ý, cầu tạm hạn chế tải trọng toàn bộ xe 13 tấn.
Lan tỏa nghĩa tình
Góp phần vào phong trào thi đua yêu nước của TP. Hồ Chí Minh thời gian qua, những tấm lòng thiện nguyện, thơm thảo của người dân đã tạo được sự gắn kết, lan tỏa trong cộng đồng. Nội dung được phản ánh trên báo Sài Gòn Giải Phóng.
Nhắc lại khoảng thời gian hơn một năm trước, chị Vòng Thị Thu (ngụ phường Phước Bình, quận 9) không thể quên chuyện ập xuống gia đình mình. Nhà có 6 nhân khẩu thì tới 3 người bệnh, 2 con nhỏ đang tuổi ăn học, vì vậy đôi vai chị Thu phải cố gồng lên gánh vác. Nỗ lực là vậy nhưng kinh tế gia đình chị luôn thiếu trước hụt sau. Biết hoàn cảnh của gia đình chị Thu, Câu lạc bộ (CLB) “Thắp sáng niềm tin” đã đến thăm hỏi, động viên và tìm hiểu nguyện vọng để giúp chị thoát nghèo.
Sau hơn 7 năm hoạt động, CLB “Thắp sáng niềm tin” đã trở thành chỗ dựa cho nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn phường. Ngoài hỗ trợ các em học sinh trả nợ học phí cho nhà trường, trao học bổng, tặng xe đạp… để các em tiếp tục được đến lớp, CLB còn chú trọng thăm hỏi, hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, trẻ em bị bệnh nan y, gia đình nữ tù chính trị bằng cách trao tặng sổ tiết kiệm để họ có khoản tiền xoay xở chữa bệnh.
Bà Trần Thị Hạnh (Phó Trưởng ban điều hành khu phố 3, phường 14, quận 6) chia sẻ, nơi bà sinh sống phần nhiều là người Hoa, nhận thấy trẻ em người Hoa không rành nói và viết tiếng Việt nên việc học ở trường đuối hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Trong khi đó, các gia đình người Hoa cũng không mấy quan tâm đến chuyện học hành của con nên các bé có nguy cơ chán nản dẫn đến nghỉ học giữa chừng.
Thương đám nhỏ, khoảng năm 2000, bà Hạnh mở lớp dạy kèm môn Toán, tiếng Việt cho các bé trong độ tuổi cấp 1. Gần 20 năm qua, đều đặn mỗi ngày 2 ca (sáng và chiều), bà Hạnh miệt mài rèn chữ, rèn phát âm cho hàng chục em nhỏ.
Luôn nghĩ đến cộng đồng, nên dù tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm sút, nhưng thương binh hạng 2/4, tỷ lệ thương tật 61% Trang Hồng Châu (Chủ tịch Hội Đông y quận 8) vẫn tận tụy với nghề, với những chuyến đi khám bệnh cho bà con nghèo ở vùng miền xa của Tổ quốc.
Và còn rất nhiều những tấm gương, cá nhân điển hình khác với những việc làm ý nghĩa, thiết thực. Hơn bao giờ hết, sức mạnh đoàn kết cùng tinh thần nhân ái đã giúp Thành phố thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm cùng các vấn đề an sinh xã hội khác.