Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 23/9/2020

10:24 23/09/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 23/9/2020:

Hoàn thuế 9.103 tỷ đồng cho doanh nghiệp trong mùa dịch bệnh

Báo Tin Tức cho biết, 8 tháng đầu năm 2020 Cục thuế TP đã giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng cho 1.542 hồ sơ với tổng số tiền được hoàn là 9.103 tỷ đồng.

Trong đó, hồ sơ hoàn thuế đối với trường hợp xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 89% tổng số hồ sơ và 92% tổng số thuế được hoàn; trường hợp đầu tư chỉ chiếm 2,3% tổng số hồ sơ và 6,1% tổng số thuế được hoàn.

Các doanh nghiệp được hoàn thuế tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Các doanh nghiệp được hoàn thuế tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Hầu hết, hồ sơ hoàn thuế được giải quyết bằng phương thức điện tử. Trong đó, 100% trường hợp hoàn thuế xuất khẩu được giải quyết bằng phương thức điện tử, người nộp thuế có nhiều thuận lợi trong việc gửi hồ sơ hoàn thuế cũng như theo dõi tình hình xử lý hồ sơ giải quyết hoàn thuế.

Theo báo cáo của Cục thuế TP, tổng số doanh nghiệp (mã 10 số) đang hoạt động trên địa bàn Thành phố là khoảng 259.161 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp phát sinh mới là 27.136, số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động là 24.402 doanh nghiệp.

Từ nay đến cuối năm, Cục thuế TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục liên quan đến thuế để hàng hóa được thông quan nhanh chóng và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thuế thuận lợi hơn.

Chính thức thi công hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Báo Pháp Luật TP đưa tin, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông) cho biết, dự án xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (giai đoạn 1) vừa chính thức thi công hạng mục hầm chui và dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

Trước đó, từ tháng 4/2020 đến nay các nhà thầu đã tiến hành di dời cây xanh, trụ đèn chiếu sáng, thi công đường tạm và các hạng mục tổ chức giao thông trước khi chính thức triển khai thi công.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông, cho biết Ban giao thông đang yêu cầu các đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ hầm chui HC2, hướng từ KCX Tân Thuận về quốc lộ 1.

Kỹ sư công trường đang kiểm tra hiện trạng các mũi thi công hầm hở. Ảnh: ĐÀO TRANG
Kỹ sư công trường đang kiểm tra hiện trạng các mũi thi công hầm hở. Ảnh: ĐÀO TRANG

Đối với hầm chui HC2, các đơn vị thi công tập trung hai mũi thi công lớn. Trong đó, hướng KCX Tân Thuận đang tập trung đóng cọc khoan nhồi và đang ép cọc hầm hở. Sau khi ép cọc, đơn vị thi công sẽ tiến hành đóng cọc cừ ván thép và tiến hành đào hầm. Dự kiến trong tháng 9 công tác khoan cọc nhồi của mũi thi công này sẽ hoàn thành.

Theo ông Phúc, sau khi thi công xong hạng mục hầm chui, đơn vị thi công tiếp tục thi công trạm bơm có công suất 1.050 m3/giờ, đây là trạm bơm có công suất bơm lớn nhất. Trạm bơm này sẽ tự động bơm nước trong hầm chui nếu xuất hiện tình trạng ngập.

Ngoài ra, ông Phúc cũng cho biết hiện nay dự án không bị vướng mặt bằng song lại gặp khó khăn trong quá trình di dời hạ tầng kỹ thuật. Cụ thể, để thi công được hạng mục hầm kín thì phải di dời xong lưới điện cao thế ngầm 220 kV. Hiện chủ đầu tư đã thỏa thuận xong với các đơn vị di dời và đang tiến hành bước duyệt hồ sơ thiết kế.

Gỡ nút thắt kẹt xe lớn phía nam Thành phố

Giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ là một trong những nút thắt kẹt xe lớn ở cửa ngõ phía nam TP.HCM. Nguyên nhân nơi đây thường xuyên ùn tắc và tiềm ẩn tai nạn giao thông là bởi trục đường Nguyễn Văn Linh có lưu lượng lớn xe tải hạng nặng, xe container từ quốc lộ 1 đi về Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận và phía cầu Phú Mỹ để đi về cảng Cát Lái và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, trục đường Nguyễn Hữu Thọ cũng là một trong hai tuyến đường huyết mạch nối Nhà Bè, quận 7, Bình Chánh với trung tâm TP.

Đề xuất doanh nghiệp du lịch trên 200 lao động được vay vốn lãi suất 0%

Sở Du lịch TP.HCM vừa có đề xuất bổ sung các doanh nghiệp du lịch quy mô lao động từ 200 người trở lên gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vào danh sách hỗ trợ vay vốn lãi suất 0% để chi trả lương cho người lao động. Nội dung trên báo Tuổi Trẻ.

Trước đó, Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM đã có Tờ trình báo cáo UBND TP.HCM về việc xây dựng chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để trả lương cho người lao động. Cùng với đó, Sở Du lịch TP.HCM cũng cho biết đã đề xuất Sở Kế hoạch - đầu tư TP chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và thể thao, Sở Tài chính nghiên cứu tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP ban hành nghị quyết về việc triển khai một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch TP.HCM 2020.

Du lịch TP.HCM vẫn còn nhiều khó khăn dù dịch COVID-19 dần được kiểm soát - Ảnh: Quang Định
Du lịch TP.HCM vẫn còn nhiều khó khăn dù dịch COVID-19 dần được kiểm soát - Ảnh: Quang Định

Trước mắt, đề xuất miễn phí vào 4 điểm tham quan cho khách du lịch gồm: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Bảo tàng TP, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. Đồng thời có phương án hỗ trợ kinh phí chi trả lương cho những người có liên quan và công tác hành chính tại 4 đơn vị này trong 2 tháng cuối năm 2020.

Khám chữa bệnh truyền nhiễm từ xa ở 31 tỉnh phía Nam

Ngày 22/9, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã đưa vào hoạt động hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (telehealth) thuộc đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025 của Bộ Y tế. Thông tin trên báo Thanh Niên.

Với hệ thống này, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sẽ tiến hành hội chẩn, hội nghị, hội thảo trực tuyến từ xa cho mạng lưới y tế thuộc 31 tỉnh phía Nam. Nhờ đó nhiều ca bệnh sẽ được điều trị tại tuyến dưới, hạn chế di chuyển lên tuyến trên.

Bệnh nhân đi khám bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Duy Tính
Bệnh nhân đi khám bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Duy Tính

Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng đã thiết lập một mạng lưới kết nối với tất cả các khoa Nhiễm của 31 bệnh viện đa khoa phía Nam. Như vậy, hiện nay, với việc thiết lập hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sẽ có thêm công cụ để tiếp cận bệnh nhân, cũng như chuyển giao kỹ thuật một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Trước đó, trên địa bàn TP.HCM cũng đã có 3 bệnh viện đưa vào hoạt động hệ thống khám bệnh từ xa, gồm: Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Răng hàm mặt T.Ư.

Phát hiện phòng khám thuê chứng chỉ hành nghề bác sĩ

Theo báo Thanh Niên, Thanh tra Sở Y tế TP đã có quyết định xử phạt Phòng khám đa khoa Âu Á (Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Âu Á, 425 Nguyễn Văn Luông, P.12, Q.6) tổng số tiền 221 triệu đồng.

Phòng khám trên vi phạm 9 hành vi, trong đó có hành vi thuê chứng chỉ hành nghề (CCHN) để hành nghề; không bảo đảm các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; sửa chữa hồ sơ làm sai lệch thông tin về khám chữa bệnh; quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám chữa bệnh… Phòng khám này bị buộc tháo gỡ quảng cáo sai quy định.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Phòng khám đa khoa Hồng Phong (Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Hồng Phong, 160 - 162 Lê Hồng Phong, P.3, Q.5) cũng bị phạt tổng số tiền 91 triệu đồng và buộc tháo gỡ quảng cáo sai quy định.

Phòng khám này bị xử phạt 6 hành vi, trong đó có hành vi lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ; thu giá dịch vụ khám chữa bệnh cao hơn giá niêm yết; quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn…

Hơn 80% người lao động thuê trọ theo hình thức thuê phòng

Báo Người Lao Động cho hay, Liên đoàn Lao động TPHCM ngày 22/9 đã phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM công bố khảo sát thực tế đời sống công nhân (CN) nhà trọ, nhà lưu trú trên địa bàn Thành phố.

Qua khảo sát 1.000 CN, chủ doanh nghiệp, chủ nhà trọ, kết quả cho thấy phần lớn người lao động (NLĐ) thuê trọ theo hình thức thuê phòng (chiếm tỉ lệ 83,3%) so với các hình thức như khu lưu trú (15%) hoặc thuê nhà ở (1,7%).

Công nhân ngoại tỉnh mong muốn có nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở
Công nhân ngoại tỉnh mong muốn có nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở

Kết quả khảo sát cũng cho thấy phần lớn CN, NLĐ thuê các nhà trọ tự phát xung quanh vị trí làm việc, số lượng CN được tiếp cận với nhà lưu trú do nhà nước đầu tư còn khá thấp và mới chỉ tập trung vào các KCX, chưa mở rộng ra các khu vực có đông CN, NLĐ sinh sống như KCN, cụm công nghiệp...

Để giảm chi phí thuê trọ và các loại chi phí khác như điện, nước, truyền hình hoặc internet, các CN chưa lập gia đình thường có xu hướng ở ghép. Tỉ lệ chi tiêu dành cho nhà ở của CN dao động trong khoảng 10%-15% so với tổng thu nhập.

Khảo sát còn ghi nhận nhiều ý kiến của CN đề xuất thêm chính sách phát triển nhà ở xã hội phù hợp nhu cầu của CN hoặc bình ổn giá thuê nhà trọ như: giảm giá tiền thuê trọ, điện và nước sinh hoạt (chiếm trên 63%); tăng cường nhiều hoạt động văn hóa cho người thuê trọ (chiếm 42,3%).hỗ trợ ổn định trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông (chiếm 8,2%);..

Vận động lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện

Theo báo Người Lao Động, UBND TP vừa có chỉ đạo về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn TP. Theo số liệu của BHXH TP, đến ngày 31/7, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn TP là 23.253 người (giảm 311 người so với năm 2019); số người tham gia BHYT cũng giảm 195.727 người so với năm 2019.

Để phát triển các đối tượng tham gia BHXH và BHYT trên địa bàn, UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện tăng cường chỉ đạo, đôn đốc việc tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình.

Lao động tự do là đối tượng cần được vận động tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Lao động tự do là đối tượng cần được vận động tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bên cạnh đó, UBND các phường, xã, thị trấn tiếp tục phối hợp với BHXH quận, huyện tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn nhóm tại các khu dân cư để vận động người dân, lao động tự do trên địa bàn tham gia BHXH tự nguyện, BHYT, trong đó đặc biệt quan tâm vận động các trường hợp người dân đã tham gia BHYT nhưng chưa tham gia BHXH tự nguyện.

Ngoài ra, UBND các quận, huyện cần tiếp tục vận động mạnh thường quân hỗ trợ khoản 30% chi phí mua thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn, hỗ trợ BHXH tự nguyện cho đối tượng dân quân tự vệ, bảo vệ tổ dân phố và người dân gặp hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đồng thời, UBND TP cũng giao BHXH TP chỉ đạo BHXH các quận, huyện tăng cường công tác phối hợp với UBND phường, xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tuyên truyền hằng tuần, lựa chọn những hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế, mời những đối tượng tiềm năng tham gia các buổi tuyên truyền, tư vấn để mang lại hiệu quả cao nhất.

Đảm bảo an toàn giao thông trước bệnh viện Nhi đồng TP

Thông tin từ báo Pháp Luật TP, hiện nay dự án xây dựng tuyến đường gom thuộc đường dẫn cao tốc TPHCM - Trung Lương do Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư đang trong giai đoạn kiểm tra nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Dự án này có lộ trình đi qua cổng Bệnh viên Nhi Đồng TP (huyện Bình Chánh). Đồng thời, dự án tăng cường mảng xanh khu đất phía ngoài BV Nhi đồng TP do Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP làm chủ đầu tư cũng đang được tiến hành thi công.

Nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị đoạn đường trước BV Nhi đồng TP, Sở GTVT đề nghị Ban giao thông phối hợp với Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP tiến hành kiểm tra, nếu có hư hỏng, đọng nước trên mặt đường thì cần xác định rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm phải sửa chữa đúng yêu cầu kỹ thuật.

Sở GTVT TP.HCM yêu cầu các đơn vị đảm bảo vệ sinh, an toàn giao thông trước BV Nhi đồng (huyện Bình Chánh). Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Sở GTVT TP.HCM yêu cầu các đơn vị đảm bảo vệ sinh, an toàn giao thông trước BV Nhi đồng (huyện Bình Chánh). Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Ngoài ra, Sở này yêu cầu các đơn vị thi công dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ đoạn đường gom trong thời gian chưa bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước.

Theo thiết kế được duyệt, đoạn đường gom trước BV Nhi đồng TP không có hệ thống thoát nước, chỉ thoát nước mặt đường theo tự nhiên. Trong khi đó, dự án tăng cường mảng xanh khu đất phía ngoài BV Nhi đồng TP do Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố làm chủ đầu tư sẽ ngăn việc thoát nước tự nhiên phần đường phía bệnh viện gây đọng nước và hư hỏng kết cấu áo đường.

Vì vậy, Sở GTVT đề nghị Sở Xây dựng kiểm tra và yêu cầu Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP có giải pháp thoát nước đối với công trình tăng cường mảng xanh phía ngoài BV Nhi đồng TP. Đồng thời, đơn vị này không để đọng nước tại vị trí tiếp giáp giữa phần đường gom và công trình tăng cường mảng xanh.

Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục