Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 24/2/2020

10:18 24/02/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 24/2/2020:

Không tiếp khách ngày 27/2 để chống COVID-19

Báo Pháp Luật Thành phố đưa tin: Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành công văn có nội dung không tổ chức tiếp khách, nhận hoa, quà chúc mừng nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.

Nhân viên y tế bệnh viện dã chiến TP.HCM tiếp nhận một người cách ly. Ảnh: TRẦN NGỌC/PLO
Nhân viên y tế bệnh viện dã chiến TP.HCM tiếp nhận một người cách ly. Ảnh: TRẦN NGỌC/PLO

Công văn nêu: “Hiện nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ngành y tế TP chủ động phối hợp cùng các sở, ban ngành, đoàn thể và UBND quận, huyện tập trung công tác phòng chống dịch bệnh.

Do vậy, Sở Y tế TP sẽ không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa, quà chúc mừng nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam tại trụ sở cơ quan". 

Đưa hai ngư dân gặp nạn ở Trường Sa cấp cứu ngay trong đêm

Thông tin từ Bệnh viện Quân y 175 - Bộ Quốc phòng, Tổ cấp cứu hàng không của đơn vị này vừa thực hiện chuyến bay ngay trong đêm đưa 2 ngư dân gặp nạn trên quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) về đất liền cấp cứu.

Theo đó, nhận được thông tin có 2 ngư dân gặp nạn khi đang khai thác hải sản trên ngư trường Trường Sa, bị suy đa cơ quan cần trợ giúp y tế khẩn cấp. Ngay lập tức, một êkíp cấp cứu cùng với đội bay của Binh đoàn 18, do Thiếu tá Đinh Hoàng Long chỉ huy đã lên trực thăng EC225 mang số hiệu 8619 bay thẳng ra Trường Sa.

Đến 23 giờ ngày 22/2, êkíp cấp cứu đến đảo Trường Sa và tiếp cận bệnh nhân đầu tiên là Nguyễn Kim Phi, ngư dân đang khai thác hải sản trên ngư trường Trường Sa.

Bệnh nhân được vận chuyển lên trực thăng đưa về đất liền cấp cứu. (Nguồn: TTXVN)
Bệnh nhân được vận chuyển lên trực thăng đưa về đất liền cấp cứu. (Nguồn: TTXVN)

Bệnh nhân Nguyễn Kim Phi có dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc ăn uống. Dù được các bác sỹ trên đảo Trường Sa tích cực cứu chữa nhưng bệnh nhân có nguy cơ sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan. Sau khi sơ cứu tại chỗ, êkíp cấp cứu quyết định vận chuyển bệnh nhân về đất liền điều trị.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên, trực thăng EC225 bay tiếp đến đảo Sinh tồn và đến 2 giờ ngày 23/2 tiếp cận bệnh nhân Nguyễn Chàm (sinh 1986, làm nghề lặn biển). Trước đó, bệnh nhân này lặn sâu hơn 25m trong thời gian hơn 1 tiếng đồng hồ và đột ngột nổi lên, mắc hội chứng giảm áp mức độ nặng.

Bệnh nhân được thủy thủ đoàn đưa vào Bệnh xá đảo Sinh Tồn sáng 22/2 nhưng tình trạng ngày càng xấu, diễn tiến sốc giảm thể tích (giảm thể tích tuần hoàn đột ngột), suy đa cơ quan kèm biểu hiện liệt tứ chi. Bệnh nhân này cũng được chỉ định đưa về đất liền để điều trị.

Đến sáng 23/2, hai bệnh nhân được đưa về đất liền an toàn và chuyển ngay đến Bệnh viện Quân y 175.

Hiện 2 bệnh nhân đang được các bác sỹ Bệnh viện Quân y 175 hội chẩn và lên phương án điều trị tích cực.

(Theo Vietnamplus)

‘Quái xế’ kéo nhau 'đi bão' ban ngày

Theo báo Tuổi Trẻ, Chiều 23/2, nhiều ‘quái xế’ kéo nhau 'càn quét’ một số tuyến đường thuộc quận Bình Thạnh. Đoàn xe liên tục nẹt pô, so kè tốc độ khiến người đi đường khiếp vía.

Ghi nhận của phóng viên, khoảng 15 giờ 45, hàng chục xe máy do các thanh niên nam, nữ cầm lái kéo nhau tập trung về vòng xoay Điện Biên Phủ (P.Đa Kao, Q.1) để chuẩn bị "xuất phát".

Một tay "nài" liên tục biểu diễn bốc đầu trước đoàn "bão" - Ảnh: MINH HÒA/TTO
Một tay "nài" liên tục biểu diễn bốc đầu trước đoàn "bão" - Ảnh: MINH HÒA/TTO

Đến 16h, các tay "nài" trên những chiếc xe "độ" nẹt pô inh ỏi xuất hiện giơ tay ra hiệu chạy về hướng đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh). Vừa chạy tốc độ cao, các "quái xế" vừa dàn hàng ngang rồ ga lao vun vút trên đường trước sự chứng kiến, cổ vũ của hàng chục xe máy chạy phía sau.

Sau khi "quậy" chớp nhoáng tại đoạn đường này, các tay "nài" rú ga phóng về hướng đường Nguyễn Hữu Cảnh chạy ra cầu Thủ Thiêm rồi về khu đô thị Sala (quận 2) tiếp tục thi thố. Sau đó, nhóm trên xé lẻ thành từng tốp rẽ về nhiều hướng giải tán.

Một số người "đi bão" tiết lộ tại các địa điểm "quậy", các tay "nài" chỉ dừng lại so kè trong thời gian 2 - 5 phút rồi di chuyển chỗ mới, sau đó quay lại chỗ cũ so kè rồi cứ thế lặp đi lặp lại để tránh gặp lực lượng chức năng.

Do thường xuyên có CSGT cũng như lực lượng mật phục kiểm tra, một số "tín đồ" tốc độ đường phố thường xuyên thay đổi giờ giấc cũng như nơi "quậy".

Xích lô “chặt chém” giữa trung tâm Thành phố

Các nhóm xích lô “chặt chém” túc trực ở khu vực chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố (quận 1) luôn chèo kéo, gạ gẫm du khách nước ngoài với giá cước mềm nhưng khi kết thúc chuyến đi thì “chém đẹp”, buộc phải trả cao gấp nhiều lần.

Thực trạng trên gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch Thành phố cũng như hình ảnh con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Anh “hộ bô” (trái) và Huệ sau khi “chặt chém” du khách người Úc 100 AUD cho cuốc xe ngắn/Báo Thanh Niên
Anh “hộ bô” (trái) và Huệ sau khi “chặt chém” du khách người Úc 100 AUD cho cuốc xe ngắn/Báo Thanh Niên

Phóng viên báo Thanh Niên đã theo chân các “đối tượng” như vậy và phát hiện nhiều trường hợp. Trong đó, có cặp vợ chồng quốc tịch Úc, khi thương lượng giá cả tài xế xích lô đưa xem bảng giá 150.000 đồng/ giờ, nhưng khi tính tiền thì bị “chém” tới 100 AUD (hơn 1,5 triệu đồng) cho 2 xe, nghĩa là đến 50 AUD/ giờ/ người.

Trước đó, đôi vợ chồng đến từ Malaysia cũng bị “sập bẫy” của xích lô “dù”, bị “chém đẹp” 500.000 đồng/ người chỉ sau 15 phút đi xích lô. Đáng nói là trước khi lên xe, họ được báo giá là 5.000 đồng/ người.

Còn nhiều trường hợp khác được phóng viên ghi nhận và chuyển chứng cứ cho công an. Nhưng những câu chuyện không vui như thế này đã góp phần làm ảnh hưởng đến hình ảnh con người, đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Nhiều du khách trải lòng rằng, họ cảm thấy con người Việt Nam rất dễ thương, và cũng rất thích đất nước Việt Nam. Việc trải nghiệm xích lô cũng rất thú vị nhưng khi bị lừa tiền thì không còn thấy vui nữa dù biết đây là cá biệt. Mặc dù rất bức xúc nhưng hầu hết du khách không báo cảnh sát vì họ không biết số điện thoại và không có nhiều thời gian ở Việt Nam.

Người tiêu dùng tăng mua thực phẩm sạch

Các loại thực phẩm sạch , an toàn, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh và tốt cho sức khỏe được các bà nội trợ ở Thành phố quan tâm nhiều hơn. Từ khi dịch Covid-19 lan rộng đến nay, nhiều gia đình hạn chế tối đa các hoạt động vui chơi, ăn uống bên ngoài. Thực đơn ăn uống cũng lành mạnh hơn hẳn, tủ lạnh lúc nào cũng có sẵn nước chanh, sả, gừng pha với mật ong để tăng đề kháng. Rau xanh, trái cây thì ưu tiên hàng VietGAP hoặc organic.

Người tiêu dùng quan tâm hơn đến các thực phẩm hữu cơ - Ảnh: báo Người Lao Động
Người tiêu dùng quan tâm hơn đến các thực phẩm hữu cơ - Ảnh: báo Người Lao Động

Thông thường các tháng sau Tết doanh thu của các cửa hàng thực phẩm sẽ chậm hơn so với trước Tết. Lý do là nhiều người đã tập trung mua sắm trước đó nên đồ dùng còn; nhiều gia đình vẫn còn ở quê hoặc đi du lịch, chưa trở lại Thành phố. Nhưng năm nay, sau Tết, tình hình kinh doanh của các cửa hàng organic vẫn khá ổn định, thậm chí tốt hơn bình thường. Có lẽ cũng do một phần tác động của dịch Covid-19 nên người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến các thực phẩm sạch, an toàn, không dư lượng các chất hóa học và tốt cho sức khỏe.

Về nguồn hàng, do nguồn rau hữu cơ của của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng organic được lấy từ trang trại tự đầu tư hoặc liên kết đầu tư nên nguồn cung vẫn bảo đảm, không tăng giá bán so với trước. Các sản phẩm nhập khẩu phần lớn từ châu Âu, Mỹ, New Zealand, Malaysia… là các nơi không hoặc ít bị tác động của dịch Covid-19 nên vẫn dồi dào. Hơn nữa, hàng nhập khẩu đều lên kế hoạch từ trước nên chưa biến động về giá do dịch bệnh. Một vài mặt hàng tăng giá bởi các nhà cung cấp đã thông báo từ trước chứ không phải vì dịch bệnh.

(Theo báo Người Lao Động).

Tình người đong đầy thời dịch Covid-19

Đó là nội dung trên báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh. Những ngày nửa cuối tháng 2, cái nắng càng thêm oi bức trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến còn phức tạp. Người người ra đường với khẩu trang kín mít. Thế nhưng đã xuất hiện nhiều câu chuyện nhỏ mà đầy tình nghĩa…

Những thùng khẩu trang miễn phí cho người đi đường như vầy luôn xuất hiện ở nhiều góc đường của Sài Gòn/Báo Thanh Niên
Những thùng khẩu trang miễn phí cho người đi đường như vầy luôn xuất hiện ở nhiều góc đường của Sài Gòn/Báo Thanh Niên

Nhiều nhóm bạn trẻ quyết định mua khẩu trang để phát tặng những người dưng. Những bạn trẻ của nhóm thiện nguyện “Đêm Sài Gòn” chính là một ví dụ. Nhóm có khoảng 20 thành viên chính thức và hơn 50 tình nguyện viên tham gia. Đa số nhóm bạn trẻ này là sinh viên, mới ra trường vài năm. Tính tới thời điểm hiện tại, nhóm này đã gom được hơn 15.000 khẩu trang gửi tới các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Riêng ở Thành phố, số lượng khẩu trang được nhóm phát ra khoảng 3.000 đến 4.000 cái.

Rảo xung quang các cung đường Đỗ Xuân Hợp, Phạm Văn Đồng, Trần Phú… khắp Thành phố, không khó bắt gặp những điểm giải cứu dưa hấu giúp bà con Gia Lai. Có nơi bán với giá 5.000 đồng, nơi bán giá 6.000 đồng, thậm chí có nhiều người tự bỏ tiền ra mua dưa hấu giúp bà con rồi vận chuyển về lại Thành phố phát tặng miễn phí. Nhiều bà con từ Gia Lai thuê xe tải chở dưa xuống Thành phố bán, đều xúc động kể lại “Người Sài Gòn đi mua dưa, mình nói nhiêu họ trả vậy, chẳng kỳ kèo mặc cả gì, có người còn cho thêm tiền, bảo là hỗ trợ bà con”.

Nhiều bạn trẻ đã có mặt tại các buổi hiến máu nhân đạo trong đợt cao điểm vừa qua, ngay từ sáng sớm. Không ca nhạc ầm ĩ, không cờ hoa, băng rôn, mỗi người đến hiến máu được phát tặng một chiếc khẩu trang ngay từ cổng vào. Từng người lặng lẽ làm các thủ tục rồi hiến máu. Có những người vượt hơn 20 cây số để đến hiến máu, khi biết tin lượng máu thiếu nghiêm trọng trong mùa dịch bệnh Covid-19 này.

Ông Minh 'cô đơn': 'Cho đi là còn mãi'

Từ 7 giờ sáng, chiếc xe ba gác của ông Minh (tự Minh 'cô đơn') đã chạy tới lui để vận chuyển xe đạp, gạo, nhu yếu phẩm về điểm tập kết ngay ngã tư Quốc phòng (nơi ông sửa xe miễn phí cho sinh viên).

Bạn Thảo Nguyên (phải) là một trong những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được ông Minh tặng xe đạp - Ảnh: HOÀNG AN
Bạn Thảo Nguyên (phải) là một trong những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được ông Minh tặng xe đạp - Ảnh: HOÀNG AN

Với mong muốn 'cho đi là còn mãi', chiều 23/2, tại khu đô thị Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Minh đã trao tặng 500 ký gạo, xe đạp cùng 40 phần quà đến sinh viên và người lao động nghèo có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Phần quà này được ông Minh "cô đơn" trích từ phần kinh phí được người dân hỗ trợ trong lúc ông gặp khó khăn do bị đốt xe, đốt lều ở trước đó.

Biết được hoạt động này, nhiều người quen của ông cũng phụ thêm ít quà. Người chở thêm gạo đến, người phụ thêm dầu ăn, nước tương, muối và đường.

Nhận được chiếc xe đạp, bạn Trần Thị Thảo Nguyên (sinh viên năm 2 khoa Lưu trữ học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) bày tỏ: "Thật sự mình rất cảm kích tấm lòng vì người khác của chú, nhờ có chiếc xe này mình sẽ tiết kiệm được thời gian và một khoản tiền đi xe buýt mỗi ngày. 

Mình cũng mong muốn trong tương lai có thể quay lại giúp đỡ chú để chú tiếp tục làm công việc thiện nguyện này". 

Dù đã gần 60 tuổi nhưng ông Minh luôn mong muốn cho đi và làm việc thiện nguyện nhiều hơn - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Dù đã gần 60 tuổi nhưng ông Minh luôn mong muốn cho đi và làm việc thiện nguyện nhiều hơn - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ông Nguyễn Văn Minh không nhà cửa, không gia đình, không giấy tờ tùy thân, không biết mặt chữ, ngay cả số tuổi 56 cũng chỉ là ước chừng nhưng ông thường phối hợp với lực lượng chức năng để bắt nhiều vụ trộm, cướp, ngăn chặn bọn biến thái làm hại sinh viên. Trên đường, gặp sinh viên bị thủng lốp, ông Minh còn vá xe miễn phí.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục