Tạm dừng vận chuyển người Việt Nam từ nước ngoài về sân bay Tân Sơn Nhất
Theo Vietnamplus, Bộ GTVT vừa có công văn gửi Cục Hàng không Việt Nam thông báo tới các hãng hàng không tạm dừng vận chuyển công dân Việt Nam từ nước ngoài đến Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Thời điểm áp dụng kể từ 00 giờ 00 phút ngày 25/3 đến hết ngày 31/3/2020.
Đuợc biết, số lượng người Việt Nam từ vùng dịch nước ngoài về đã giảm mạnh trong ngày 23/3 khi chỉ có 884 người về tại 2 sân bay Nội Bài và Vân Đồn.
Hiện nay, các hãng hàng không của Việt Nam đã tạm dừng khai thác hầu hết các đường bay quốc tế. Cụ thể, từ ngày 23/3, Vietnam Airlines dừng khai thác đường bay giữa Việt Nam-Nhật Bản/Anh. Từ ngày 24/3, dừng đường bay Việt Nam-Đức. Từ ngày 25/3 dừng đường bay Việt Nam-Australia.
Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ghi nhận tại nhiều quận huyện cho thấy, lượng hồ sơ hành chính giải quyết trực tuyến đang tăng mạnh. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng thông báo hỗ trợ người dân nộp hồ sơ hành chính qua mạng để hạn chế tiếp xúc trực tiếp, từ đó giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus gây bệnh. Nội dung được báo Sài Gòn Giải Phóng đăng tải.
Ông Vũ Chung Sức, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố 26, phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân), chia sẻ, người dân ở khu phố rất thích với việc làm thủ tục trực tuyến ngay tại nhà. Nếu còn vấn đề gì chưa rành, người dân ra tổ dân phố là được hướng dẫn thực hiện. Đối với nhiều loại thủ tục, nếu đến phường thực hiện, phải chờ đợi và có thể mất một ngày mới làm xong, trong khi làm trực tuyến tiện lợi và nhanh có kết quả.
UBND TPHCM phát đi thông điệp, khuyến nghị người dân, tổ chức, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm hạn chế tiếp xúc, làm việc tại nơi công cộng, chủ động phòng chống dịch Covid-19 lây lan.
Người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến TPHCM tại địa chỉ: https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn.
Trong khi đó, tại phường Tân Tạo A (quận Bình Tân), từ đầu năm đến nay, tỷ lệ hướng dẫn và nộp hồ sơ trực tuyến tăng mạnh, đạt 91,5% (182/199 trường hợp), tăng 14% so với cùng kỳ; nhiều lĩnh vực đạt tỷ lệ 100% hồ sơ trực tuyến, như đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể, cấp số nhà ở riêng lẻ. Trên toàn quận Bình Tân, lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 3 chiếm 58%, mức độ 4 chiếm gần 27%.
Ở lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), Giám đốc BHXH TP Phan Văn Mến cho hay: “Người dân, doanh nghiệp đến trụ sở cơ quan BHXH rất ít. Hầu hết là làm thủ tục qua mạng và nhận kết quả phát tận nhà, tận doanh nghiệp qua đường bưu điện”.
Tại huyện Hóc Môn, từ việc sớm thực hiện ứng dụng “Hóc Môn trực tuyến”, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến tại huyện hiện đạt gần 52%. Trong khi đó, ở quận Thủ Đức, số lượng người dân thực hiện thủ tục hành chính qua mạng ở nhiều lĩnh vực tăng mạnh như tư pháp - hộ tịch, xây dựng - quy hoạch, lao động - tiền lương…, với tỷ lệ tăng bình quân hơn 30% so với cùng kỳ.
Cấm dừng, đậu xe hàng loạt tuyến đường
Thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 23/3, Sở GTVT TP thông báo điều chỉnh cấm dừng, đậu tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.
Cụ thể, cấm dừng, đậu xe đối với xe khách và cấm đậu đối với ô tô con, xe tải trên đường Tân Hưng đoạn từ Dương Tử Giang đến Thuận Kiều, quận 5 (mặt đường 7m).
Cấm đậu xe từ 6 giờ đến 22 giờ đối với ô tô con và xe tải trên đường Phạm Hữu Chí đoạn từ đường Thuận Kiều đến đường Triệu Quang Phục, quận 5.
Cấm dừng, đỗ xe đối với xe khách, cấm ô tô đậu theo ngày chẵn - lẻ trên đường Tân Thành đoạn từ đường Đỗ Ngọc Thạnh đến đường Thuận Kiều, quận 5
Cấm xe khách dừng, đậu trên đường Bàu Cát 4 đoạn từ đường Đồng Đen đến đường Nguyễn Hồng Đào và đường Ni Sư Huỳnh Liên đoạn từ đường Thái Thị Nhạn, quận Tân Bình.
Hiện nay, Sở GTVT đã lắp đặt đầy đủ biển báo hiệu giao thông trên những tuyến đường cấm, dừng đậu xe theo quy định, tuy nhiên tình trạng dừng, đậu xe sai quy định của các tổ chức cá nhân, đặc biệt trên các tuyến đường có các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn giao thông, tạo dư luận không tốt trong công tác quản lý.
Do đó, Sở GTVT đề nghị Công an thành phố, UBND các quận có các tuyến đường nói trên chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm.
Lên mạng “trị” vi phạm xây dựng
Người dân Thành phố chỉ mất vài phút lên mạng phản ánh tình trạng xây dựng không phép, sai phép là lực lượng chức năng lập tức có mặt. Đó là nội dung bài viết được đăng tải trên báo Người Lao Động.
Bài viết cho biết: Sau 4 tháng đưa vào sử dụng ứng dụng có tên "SXD247", hiện mỗi ngày, Sở Xây dựng TP tiếp nhận 3-4 phản ánh của người dân về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Theo Sở Xây dựng TP, tỉ lệ thông tin người dân cung cấp có độ chính xác rất cao.
Ròng rã nhiều tháng, ông Nguyễn Văn Hải (51 tuổi; ngụ quận 7) liên tục gọi điện thoại đến đường dây nóng UBND phường Tân Quy để phản ánh việc một căn nhà ở hẻm 45 đường số 10 có dấu hiệu vi phạm trong xây dựng. Đến khi tình cờ phát hiện Sở Xây dựng TP ra mắt phần mềm có tên "SXD247", ông Hải lập tức sử dụng điện thoại thông minh để tải về thử và phản ánh vụ việc trên.
"Khoảng 3 giờ sau, đã có đoàn cán bộ của Sở Xây dựng có mặt để ghi nhận. Bốn ngày sau đó, tôi nhận được thông báo từ phần mềm nói trên kèm theo văn bản nêu rõ "ghi nhận công trình xây dựng không phép với tổng diện tích 40 m2, trân trọng cảm ơn phản ánh của người dân" - ông Hải thông tin và cho biết thêm chưa đầy 1 tháng sau, công trình vi phạm đã được tháo dỡ, rạch nước lại được thông thoáng như trước.
Tương tự, phản ánh của ông Lê Tấn Trường (ngụ quận Bình Tân) thông qua ứng dụng "SXD247" cũng được giải quyết chỉ trong vòng 3 giờ. Sáng 10/3, ông Trường phát hiện cuối hẻm 103 đường số 16, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân xây dựng tường rào lấn chiếm hẻm. Nhận được phản ánh, đội thanh tra địa bàn của Sở Xây dựng đã có mặt và lập biên bản tại chỗ. Chỉ trong 3 giờ, chủ công trình buộc phải tháo dỡ tường gạch trả lại hiện trạng ban đầu.
Theo ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP, khi phản ánh của người dân gửi đến, hệ thống sẽ thông báo tức thì đến phòng chuyên môn của Sở Xây dựng, thông qua ứng dụng và kèm tin nhắn gửi đến điện thoại di động. Hình ảnh truyền tải mất khoảng từ 5 giây và yêu cầu các đơn vị phụ trách phải xử lý càng nhanh càng tốt.
Ngoài ra, ứng dụng còn là công cụ để người dân giám sát việc thực thi của cán bộ phụ trách địa bàn. Qua thời gian ngắn hoạt động đã có hàng chục lượt phản ánh góp phần giảm bớt tình trạng xây dựng không phép, sai phép. Đặc biệt, ứng dụng còn cập nhật dữ liệu về các dự án, theo đó, người dân, tổ chức, doanh nghiệp chỉ mất vài giây để tra cứu đầy đủ thông tin dự án nhà ở thương mại trên địa bàn TP, nhằm giúp người dân không mua phải dự án "ma".
Dạy trực tuyến cho tiểu học: không dễ đâu!
Đó là tiêu đề bài viết trên báo Tuổi Trẻ, liên quan đến việc Sở GD&ĐT Thành phố vừa yêu cầu các trường tiểu học xây dựng kế hoạch dạy trực tuyến đối với những môn Toán, Tiếng Việt, Ngoại Ngữ (khối lớp 1,2,3). Riêng khối lớp 4,5 thêm môn khoa học, lịch sử và địa lý.
Trước vấn đề này, đã có nhiều ý kiến băn khoăn của cả giáo viên lẫn phụ huynh. Trong khi các phụ huynh cho rằng việc này quá cập rập, thì hầu hết giáo viên tiểu học nhận định công tác này sẽ gặp khó khăn.
Một số phụ huynh cho biết, việc tải phần mềm theo dõi và học trên ứng dụng rất mệt, chưa kể giáo viên dặn 19h30 mỗi tối mở cho con học nhưng không phải gia đình nào cũng có thời gian như nhau. Có học sinh được về quê với ông bà, nên việc học online cũng gặp khó vì ông bà lớn tuổi không rành về ứng dụng, chưa kể không có internet.
Còn với các giáo viên, họ vừa gặp khó trong kỹ thuật khi loay hoay không biết quay, phát video ra sao cho hiệu quả. Không chỉ chưa có kinh nghiệm dạy học trực tuyến, mà còn vì phụ huynh không phải ai cũng có điều kiện 100% về máy móc, cơ sở vật chất để con kết nối học trực tuyến. Học sinh nhỏ tuổi cũng rất khó để tập trung như khi học trực tiếp trên lớp.