Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 24/7/2020

11:00 24/07/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 24/7/2020:

Xây dựng quận 1 an toàn, văn minh, phát triển, nghĩa tình

Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, ngày 23/7, Đảng bộ Quận 1 tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã dự và chỉ đạo Đại hội.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quận 1 đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua. Trong đó, bí thư nhấn mạnh đến kết quả đáng trân trọng về kinh tế, khi giá trị sản xuất trong thời gian 2016-2019 tăng hơn 15%/năm, tăng trưởng thương mại dịch vụ hơn 17%/năm. Qua đó, tổng thu ngân sách thời gian này cũng tăng từ hơn 8.000 tỷ đồng lên hơn 19.000 tỷ đồng.

Bí Thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Đại hội Đảng bộ quận 1. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí Thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Đại hội Đảng bộ quận 1. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, những thành quả trên có được là do Đảng bộ quận luôn coi trọng công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị, đặc biệt quan tâm xây dựng, phát huy đoàn kết trong nội bộ lãnh đạo, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ đúng quy chế làm việc. Những kết quả này là nền tảng rất quan trọng cho sự phát triển của quận những năm tới, đóng góp xứng đáng vào kết quả chung của TP.

Khi bàn về nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhận định thời gian tới những thách thức - về biến đổi khí hậu, tình hình chủ quyền biển Đông, cuộc đối đầu và cạnh tranh của các nước lớn - vẫn sẽ tiếp tục. Đặc biệt là dịch Covid-19, ở Việt Nam cơ bản đã yên, nhưng tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. 

Bí Thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ quận 1. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí Thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ quận 1. Ảnh: VIỆT DŨNG

Từ dự báo này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi: Quận 1 sống bằng dịch vụ thì bây giờ phục vụ ai? Khách nước ngoài hay trong nước? Câu trả lời bí thư đưa ra: “Phục vụ khách hàng trong nước là chính!”. Đồng thời, gợi ý Quận 1 sử dụng phương thức tiếp thị qua mạng, tiếp thị từ xa, dịch vụ phải là dịch vụ thông minh trên cơ sở số hóa để giảm chi phí, tăng chất lượng.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với các chương trình, kế hoạch phát triển của Quận 1 và lưu ý Quận 1 cần phát huy 3 động lực phát triển, gồm kinh tế, văn hóa và chính trị; thực hiện tốt các nhiệm vụ, để Quận 1 trở thành quận thông minh, an toàn, văn minh, phát triển, nghĩa tình, xứng đáng là quận trung tâm số 1 của thành phố mang tên Bác.

Tặng bằng khen cho bệnh viện và các y bác sĩ trong ca mổ Trúc Nhi - Diệu Nhi

Theo báo Tuổi Trẻ, 10 tập thể và 35 cá nhân có thành tích xuất sắc trong ca mổ tách rời hai bé song sinh dính vùng bụng chậu Trúc Nhi - Diệu Nhi tại Bệnh viện Nhi đồng TP vào ngày 17/5 vừa qua đã được Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm ký quyết định tặng bằng khen.

Theo đó, 10 tập thể được UBND TP tặng bằng khen gồm: Bệnh viện Nhi đồng TP; Khoa Ngoại tổng hợp, Hồi sức sơ sinh, Hồi sức ngoại khoa, Phẫu thuật - gây mê hồi sức và chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Nhi đồng TP; Khoa phẫu thuật gây mê và ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2; Khoa chẩn đoán tiền sản và sản bệnh Bệnh viện Hùng Vương.

Các y bác sĩ tham gia ca mổ tách dính hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi tại Bệnh viện Nhi đồng TP vào ngày 17-5 vừa qua - Ảnh: DUYÊN PHAN
Các y bác sĩ tham gia ca mổ tách dính hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi tại Bệnh viện Nhi đồng TP vào ngày 17-5 vừa qua - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bên cạnh đó, UBND TP tặng bằng khen 35 cá nhân là cố vấn chuyên môn, bác sĩ, điều dưỡng, dụng cụ viên tham gia ca mổ tách dính song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi.

Trước đó, vào ngày 15/7, tại Bệnh viện Nhi đồng TP, ca mổ tách 2 bé Trúc Nhi - Diệu Nhi kéo dài hơn 13 giờ với 93 y, bác sĩ từ nhiều bệnh viện lớn trên cả nước tham gia. Sau cuộc mổ, hai bé được chuyển đến phòng hồi sức ngoại điều trị tích cực. Hiện sức khỏe hai bé ổn định, tỉnh táo, phản xạ tốt. Riêng bé Diệu Nhi đã cai máy thở.

Phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất ở 5 dự án

Báo Pháp Luật TP cho hay, UBND TP vừa phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất ở để tính bồi thường, hỗ trợ của một số dự án trên địa bàn TP.

Cụ thể, hệ số điều chỉnh giá đất ở trong dự án đầu tư xây dựng mới Trường THCS Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4 là 4,4708. Dự án đầu tư xây dựng đường số 1 (từ đầu hẻm 78 đường Tôn Thất Thuyết đến hẻm 326 đường Đoàn Văn Bơ), phường 16, quận 4 điều chỉnh từ 5,336 đến 8,017.

UBND TP.HCM vừa phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất ở để tính bồi thường, hỗ trợ của một số dự án trên địa bàn TP.
UBND TP.HCM vừa phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất ở để tính bồi thường, hỗ trợ của một số dự án trên địa bàn TP.

Trong dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường Tôn Thất Thuyết và công viên cây xanh bờ kênh Tẻ kết hợp giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch, hệ số điều chỉnh giá đất ở từ 5,0905 đến 9,3318. Dự án đầu tư xây dựng công viên hồ Khánh Hội (giai đoạn 4), quận 4 từ 7,563 đến 8,150.

Tại dự án xây dựng cầu bắc qua kênh Cây Khô, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, hệ số điều chỉnh giá đất ở từ 9,710 đến 14,316; đất nông nghiệp từ 8,425 đến 9,831 và đất tái định cư từ 6,521 đến 8,496.

Đối với mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, hệ số điều chỉnh là 3,5 lần.

Tỷ lệ tiêm chủng không đạt yêu cầu do dịch Covid-19

Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ sinh từ tháng 1 đến tháng 9/2019 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt 54,5% trong 6 tháng đầu năm 2020.

Đây là lỗ hổng lớn cần được lấp đầy trong 6 tháng cuối năm, nhằm đảm bảo tỷ lệ trẻ em trên địa bàn được tiêm chủng đầy đủ các vắc-xin phòng bệnh cần thiết.

Nhân viên y tế khám sàng lọc trước khi tiêm chủng cho trẻ. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Nhân viên y tế khám sàng lọc trước khi tiêm chủng cho trẻ. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Vấn đề này được bác sỹ Lê Hồng Nga, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm-Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh chia sẻ trong Hội thảo sơ kết tình hình tiêm chủng 6 tháng đầu năm 2020, diễn ra ngày 23/7 – Vietnamplus thông tin.

Theo bác sỹ Lê Hồng Nga, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều phụ huynh có tâm lý e ngại khi đưa trẻ nhỏ đến nơi đông người. Hơn nữa, từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4/2020, Thành phố tạm ngừng tiêm chủng mở rộng theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Trong 6 tháng cuối năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP yêu cầu các quận, huyện rà soát, lập danh sách tất cả trẻ cần tiêm (bao gồm trẻ tiêm trễ lịch và đúng lịch) để lên kế hoạch tổ chức mời trẻ đi tiêm chủng bằng nhiều hình thức như gọi điện thoại, nhắn tin, vận động trực tiếp…; đồng thời thêm buổi tiêm trong từng tháng để tăng cơ hội cho trẻ tiếp cận với chương trình tiêm chủng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cũng triển khai ứng dụng đặt lịch hẹn tiêm chủng cho 24 trung tâm y tế quận, huyện và các bệnh viện có dịch vụ tiêm chủng nhằm giảm sự tập trung đông người trong cùng một thời điểm, giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác lây truyền qua đường tiếp xúc.

Bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ: Gìn giữ 'bức tường xanh'

Cũng trên Vietnamplus, chung sức bảo tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ trước các tác động của đô thị hóa và biến đổi khí hậu, qua đó thiết lập một “bức tường xanh” vững chắc để bảo vệ môi trường TP. Hồ Chí Minh là nội dung được đưa ra tại Hội thảo kỷ niệm 20 năm quản lý và phát triển Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (2000-2020), do UBND TP tổ chức ngày 23/7.

Ông Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ cho biết rừng ngập mặn Cần Giờ có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn.

Sau gần 20 năm khôi phục và phát triển, từ những cánh rừng hoang sơ ban đầu, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đã trở thành “lá phổi xanh” của TP, có chức năng điều hòa không khí, giảm ô nhiễm môi trường.

Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Ngoài ra, rừng ngập mặn Cần Giờ còn có vai trò quan trọng trong việc hạn chế thiệt hại do bão lũ, giảm thiểu đến 50% năng lượng tác động từ sóng biển; ngăn ngừa nước biển dâng cao cũng như góp phần bảo vệ dân cư và cơ sở hạ tầng ven biển.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP, hiện nay, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ được TP quy hoạch, phát triển thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn du khách.

Nhờ có sự đầu tư và phát triển của TP mà hệ thống cầu, đường bộ, kênh, mương, lối đi trong rừng đã được hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tới tham quan và nghỉ dưỡng tại đây.

Rừng ngập mặn Cần Giờ. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Rừng ngập mặn Cần Giờ. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Liên quan đến Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, nằm kế cận vùng chuyển tiếp Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, GS-TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình "Con người và Sinh quyển" Việt Nam cho biết trên lý thuyết, việc thực hiện Dự án là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và khung pháp lý của UNESCO vì chỉ sử dụng phần bãi và biển, cách xa các tuyến đường thủy hiện tại và dài hạn; không ảnh hưởng đến đất rừng và các di tích khảo cổ.

Dự án cũng không gây ra tình trạng mất đất ở, không có di dân, tái định cư; không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, thủy, hải sản của địa phương mà chỉ ảnh hưởng đến vùng bãi nuôi nghêu cho năng suất thấp tại khu vực bãi biển. Như vậy, có thể yên tâm về tác động môi trường và xã hội của dự án.

TP.Hồ Chí Minh đề nghị nạo vét đoạn cạn kênh Tẻ

UBND TP vừa có văn bản gửi Bộ GTVT và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về việc nạo vét, đảm bảo giao thông đoạn cạn kênh Tẻ (đoạn từ cầu Tân Thuận đến cầu Nguyễn Văn Cừ). Thông tin từ báo Pháp luật TP.

UBND TP.HCM đề nghị nạo vét đoạn cạn kênh Tẻ (đoạn từ cầu Tân Thuận đến cầu Nguyễn Văn Cừ). Ảnh: THU TRINH
UBND TP.HCM đề nghị nạo vét đoạn cạn kênh Tẻ (đoạn từ cầu Tân Thuận đến cầu Nguyễn Văn Cừ). Ảnh: THU TRINH

Theo UBND TP, việc tiếp tục đầu tư nạo vét bảo đảm tiêu chuẩn kênh cấp III trên kênh Tẻ đoạn từ cầu Tân Thuận đến cầu Nguyễn Văn Cừ (phường 15, quận 4 và phường Tân Kiểng, quận 7) là cần thiết phục vụ việc lưu thông của phương tiện thủy an toàn, thuận tiện trên toàn tuyến hành lang đường thủy số 2.

Vì vậy, UBND TP thống nhất đề xuất Bộ GTVT bố trí ngân sách nhà nước năm 2020 - 2021 để nạo vét đoạn cạn nêu trên đảm bảo giao thông đường thủy nội địa trên tuyến kênh Tẻ.

Trong quá trình thực hiện dự án, đảm bảo các quy định về đánh giá tác động môi trường của dự án và đảm bảo ổn định, không gây sạt lở bờ kênh. Đồng thời, phối hợp nhà đầu tư thực hiện dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Các đơn vị đề xuất quy mô đầu tư phù hợp, tránh trùng lắp các hạng mục của công trình cống kiểm soát triều Tân Thuận nhằm đảm bảo hiệu quả, mục tiêu của dự án.

Tuyến hành lang đường thủy số 2 quan trọng

Kênh Tẻ thuộc tuyến hành lang đường thủy số 2, đóng vai trò quan trọng trong việc vận tải hàng hóa, hành khách, kết nối giao thông bằng đường thủy từ TP.Hồ Chí Minh đi qua kênh Tẻ, kênh Đôi nối với sông Chợ Đệm - Bến Lức ra sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây,… Ngoài ra, tuyến này còn góp phần vận tải đi qua Đồng Tháp Mười đến các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang…) và ngược lại.

Tuyến hành lang đường thủy số 2 giúp giảm thiểu tắc nghẽn trên các tuyến đường bộ, đường thủy then chốt và các chi phí vận chuyển từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, còn tăng năng lực vận tải hàng hóa từ TP.Hồ Chí Minh đi các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.

44 người nước ngoài trúng tuyển vào trường ĐH tại TP.Hồ Chí Minh

Thông tin trên báo Pháp Luật TP, Hội đồng tuyển sinh của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa công bố quyết định về việc công nhận thí sinh là người nước ngoài trúng tuyển đại học năm 2020.

Theo đó, danh sách có 44 thí sinh trúng tuyển ngành Việt Nam học. Đây là những thí sinh trúng tuyển đầu tiên trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2020 của nhà trường. Các thí sinh trúng tuyển đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Triều Tiên.

Sinh viên người nước ngoài đang theo học tại Khoa Việt Nam học của Trường ĐH KHXH&NV. Ảnh: PHẠM ANH
Sinh viên người nước ngoài đang theo học tại Khoa Việt Nam học của Trường ĐH KHXH&NV. Ảnh: PHẠM ANH

Theo nhà trường, các tân sinh viên quốc tế sẽ học toàn thời gian tại khoa Việt Nam học, là đơn vị có truyền thống, chất lượng trong việc đào tạo ngành Việt Nam học bậc đại học, thạc sĩ. Đơn vị cũng thu hút sinh viên, học viên quốc tế đến học tập và nghiên cứu.

Đây cũng là cơ sở giáo dục đại học tiên phong trong việc giảng dạy và đưa tiếng Việt, văn hóa Việt Nam đến với đông đảo bạn bè thế giới từ sau ngày đất nước thống nhất cho đến nay.

Vân Anh - Khang Minh

Tin cùng chuyên mục