Giảm giá và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng Việt
Ghi nhận tại thị trường TPHCM trong những ngày cuối tháng 8 này, nhiều nhà bán lẻ, doanh nghiệp đã tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.
Các đơn vị kinh doanh cho rằng song song với chung tay phòng chống Covid-19, đây cũng là thời điểm thuận lợi để mang hàng Việt đến với người tiêu dùng cả nước, nhất là góp phần tạo đầu ra cho nông sản nội địa. Phản ánh trên báo điện tử Vietnamplus.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), hai mục tiêu quan trọng mà hiện nay Saigon Co.op tập trung nguồn lực thực hiện là đảm bảo nguồn cung hàng hóa với giá tốt và môi trường mua sắm an toàn cho người dân.
Bên cạnh kích hoạt những phương án đảm bảo môi trường mua sắm tại các điểm bán, Saigon Co.op khuyến khích khách hàng mua sắm trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại với nhiều chương trình giảm giá trực tiếp đa dạng nhu yếu phẩm trong 3 tuần liên tiếp và tính từ ngày 20/8 vừa qua. Điển hình, vào 3 ngày đầu tuần hàng chục mặt hàng được áp dụng "Mua 2 tính tiền 1," còn 3 ngày cuối tuần có chương trình "Siêu ưu đãi" áp dụng mức giảm giá trung bình hơn 80%.
Tương tự Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan triển khai giảm giá với mức 20% dành cho mặt hàng thịt lợn VietGAP và thịt bò Australia tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op và Aeon Citimart. Chương trình áp dụng từ nay đến ngày 2/9 tới, tùy sản phẩm.
Đồng thời, giảm giá lên đến 15% thực phẩm chế biến áp dụng từ nay đến ngày 27/8 tới cho tất cả khách hàng mua trực tiếp tại chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan trên địa bàn Thành phố hoặc đặt hàng qua hotline 19001960, fanpage www.fb.com/CuaHangVissan và trên sàn thương mại điện tử SENDO, NOW.
Tại LOTTE Mart, khách hàng thành viên mua sắm vào 3 ngày cuối tuần với hóa đơn từ 400.000 đồng được mua hàng với giá ưu đãi đặc biệt, tùy theo ngành hàng. Hay khi khách hàng mua sắm sản phẩm mang thương hiệu Speed L của LOTTE Mart trong khung giờ vàng có thể nhận được giá ưu đãi lên đến 50%. Chương trình này còn áp dụng tặng quà cho khách hàng có hóa đơn từ 500.000 đồng.
Phó giám đốc Sở Công Thương TP Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, đơn vị này đang tăng cường theo dõi hoạt động kinh doanh tại các trung tâm thương mại, cửa hàng, chợ truyền thống... nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho người dân, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu. Theo đó, hầu hết đơn vị kinh doanh đều đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu đầy đủ và khách hàng mua sắm online, nhận giao hàng tại nhà cũng tăng lên đáng kể.
Quản lý người vô gia cư nhằm hạn chế lây lan Covid-19
Cũng trên Vietnamplus, nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid -19, đảm bảo trật tự an toàn xã hội nhất là trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM đã ban hành văn bản về việc tập trung thực hiện công tác quản lý người ăn xin , người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định.
Sở này đề nghị Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các quận - huyện tham mưu UBND quận - huyện tăng cường công tác kiểm tra, rà soát địa bàn để kịp thời phát hiện và giải quyết các trường hợp xin ăn, sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định.
Đặc biệt các đối tượng là người có tuổi cao nhằm bảo vệ tốt cho sức khỏe, tính mạng; đảm bảo giải quyết triệt để tình trạng người ăn xin, người sinh sống nơi công cộng, nhất là khu vực cửa ngõ, trước cổng các siêu thị, chợ, bệnh viện và tại các giao lộ lớn trên địa bàn.
Các quận - huyện chủ động xác định và lập danh sách các địa điểm thường xuyên có người ăn xin, sinh sống nơi công cộng nhằm đảm bảo giãn cách xã hội và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nhất là trước, trong và sau dịp lễ Quốc khánh 2/9. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị lưu ý đảm bảo trang bị khẩu trang để phát cho đối tượng, thực hiện khai báo y tế, phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu sốt, ho, khó thở để tổ chức cách ly y tế kịp thời.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác tuyển sinh lớp 1
Theo báo Người Lao Động, TP HCM sẽ tăng 54.645 học sinh (HS), trong đó bậc tiểu học tăng 8.989 em ở năm học 2020-2021. Năm nay, các trường tiểu học cũng sẽ thực hiện lộ trình đầu tiên trong chương trình phổ thông 2018 cho lớp 1.
Hầu hết các trường tại những quận trung tâm của TP đã hoàn thành công tác tuyển sinh, lên danh sách HS theo từng lớp. Đối với các quận, huyện ngoại thành cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở vật chất, xử lý hồ sơ những HS mới chuyển đến, bổ sung danh sách đến hết tháng 8.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 và công tác chuẩn bị năm học 2020-2021, số HS tăng nhiều, tập trung tại các quận - huyện như: 9, 12, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, do đang trong giai đoạn đô thị nhanh, dân số tăng cơ học mạnh. Một số trường ở các quận, huyện có 40-50 HS/lớp, phần nào gây hạn chế trong công tác quản lý, chất lượng giảng dạy.
Tại quận Gò Vấp, năm học 2020-2021 dự kiến có 7.727 trẻ vào lớp 1. Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, thông tin hầu hết các trường trên địa bàn quận đã hoàn thành công tác tuyển sinh. Nhưng có một số trường hợp phát sinh như mới nhập hộ khẩu, mới làm tạm trú, quận khác chuyển qua thì đến ngày 24/8, các trường hợp này sẽ được giải quyết xong; ưu tiên đáp ứng chỗ học cho HS.
Theo ông Thủy, để thực hiện những điều kiện trong chương trình phổ thông 2018, tại quận cũng gặp nhiều khó khăn. Các trường học 2 buổi/ngày chỉ đáp ứng khoảng 60%; sĩ số lớp học còn đông, có lớp 46 HS trở lên. Quận cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng trường lớp, còn một số dự án chưa thực hiện được do vướng bồi thường ở các phường 9 và 12.
Tại quận 3, các trường tiểu học đã đồng loạt công bố danh sách lớp vào ngày 31/7. Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng Phòng GD-ĐT quận, cho biết các trường tiểu học tại quận đều thực hiện được 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học, cơ sở hạ tầng bảo đảm, không khó khăn như các quận - huyện ngoại thành. Giáo viên đã sẵn sàng để dạy chương trình mới nhưng vẫn đợi hướng dẫn từ Sở GD-ĐT. Ông Khoa nhận định việc áp dụng phương án học trực tuyến cho HS tiểu học là rất khó.
Thi và xét tuyển điểm đánh giá năng lực thay đổi ra sao?
Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM đã có 4 lần dời ngày tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong bối cảnh một số địa phương còn thực hiện cách ly xã hội, Báo Thanh Niên giải thích về việc tổ chức thi và xét tuyển kết quả này.
Theo đó, đợt thi vào ngày 30/8 tới chỉ diễn ra tại 4 điểm: TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, An Giang và Khánh Hòa. Riêng cụm thi tại Đà Nẵng, kỳ thi phải lùi lại đợt sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và phù hợp với kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Ngoài khoảng 6.000 thí sinh dự thi tại Đà Nẵng, hội đồng thi cũng có thông báo yêu cầu thí sinh không tham gia kỳ thi nếu ở tại các địa phương đang phải thực hiện cách ly xã hội hoặc ở địa phương khác nhưng thuộc diện F1, F2.
Đến thời điểm này, mọi công tác tổ chức kỳ thi đã chuẩn bị xong. Diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, kỳ thi phải chuẩn bị nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Năm nay, theo đăng kí ban đầu, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM có 67 đơn vị trong và ngoài hệ thống ĐH này sử dụng để xét tuyển một phần chỉ tiêu.
Trước sự thay đổi thành 2 đợt của kỳ thi này, Bộ GD-ĐT đã có công văn hường dẫn các trường trong việc tuyển sinh phù hợp với tình hình thí sinh bị ảnh hưởng dịch bệnh, phải tham gia kỳ thi THPT đợt 2. Trên cơ sở này, các trường ĐH chủ động điều chỉnh phương án xét tuyển cho các thí sinh chưa tham dự kỳ thi tốt nghiệp cũng như các kỳ thi khác, trong đó có đánh giá năng lực.
Dự kiến, ngay sau khi có kết quả thi đợt 1, các trường sẽ thực hiện quy trình xét tuyển. Chỉ tiêu còn lại của phương thức này cho thí sinh xét tuyển đợt 2 các trường sẽ chủ động điều chỉnh và công bố dựa vào tỷ lệ thí sinh đăng kí cụ thể.
Đấu thầu xe buýt vẫn gặp khó
Báo Đại Đoàn Kết cho hay, do hệ thống xe buýt có trợ giá đang hoạt động thiếu hiệu quả, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở GTVT TP HCM) là đơn vị quản lý các hoạt động xe buýt cho biết sẽ tổ chức đấu thầu để khai thác các tuyến xe buýt.
Trung tâm này cũng cho hay, các tiêu chí cơ bản để doanh nghiệp có thể trúng thầu, nhận được tiền trợ giá là chất lượng xe, thời gian hoạt động (đúng giờ) và mức độ an toàn. Trước mắt, Trung tâm sẽ cho đấu thầu 4 tuyến trong tổng số 45 tuyến xe buýt được phép đấu thầu. Các doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động trong lĩnh vực xe buýt sẽ gửi hồ sơ tới cơ quan quản lý cũng như mức giá để tham gia. Thời gian trúng thầu cho các tuyến hoạt động là 5 năm.
Theo một doanh nghiệp vận tải, về cơ bản việc đấu thấu hoạt động các tuyến xe buýt cũng tương tự như cơ chế trợ giá hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và trung tâm quản lý hiện có. Cái khác duy nhất là thời gian trúng thầu là 5 năm, thay vì ký hợp đồng 1 năm/lần như hiện nay. Việc thời gian dài sẽ giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư hơn. Tuy nhiên, về cơ bản thì việc đấu thầu sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn hơn so với hiện tại, nhất là các tiêu chí mà Trung tâm đưa ra.
Trong đó, tiêu chí thời gian hoạt động gần như không phụ thuộc vào năng lực doanh nghiệp mà chủ yếu do hạ tầng đô thị ở TPHCM. Các tuyến xe buýt chạy giờ cao điểm, đi qua nhiều khu dân cư đông đúc, dừng/đỗ nhiều bến thường dễ gây tình trạng kẹt xe. Vì thế, việc đúng giờ là tiêu chí rất khó để đảm bảo.
Công trình chống ngập gần 10.000 tỷ chuẩn bị về đích
Theo báo Người Lao Động, sau nhiều lần trễ hẹn, dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức đầu tư PPP (áp dụng loại hợp đồng BT) cũng chốt được ngày hoàn thành.
Ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam, nhà đầu tư dự án cho biết, dự án đã đạt 88% tiến độ và sẽ hoàn thành vào tháng 12/2020.
Dự án có 7 hạng mục gồm 6 cống lớn khẩu độ 40-160 m (gồm cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định), 2 cống vừa và 12 cống nhỏ đặt trên 7,8 km đê kè. "Nhìn chung công việc đã hoàn tất, chỉ còn xây kè xung quanh các cống" - ông Tiến nói.
Mục tiêu của dự án hỗ trợ ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM.
Ngoài ra, dự án giúp điều tiết mực nước trong kênh rạch với khả năng tiêu thoát nước đô thị ra các sông lớn và hỗ trợ trữ nước mưa trong vùng bảo vệ của dự án khi triều cường xuống thấp.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết đây là dự án trọng điểm nên được Chính phủ hỗ trợ tạo điều kiện trong suốt quá trình thực hiện. "Dự án cũng nhiều lần trễ hẹn do vướng mặt bằng, vốn và tổ chức thi công khiến người dân lo lắng. Tuy nhiên, với nỗ lực của TP, các sở - ban ngành và nhà đầu tư đã tháo gỡ những khó khăn".
Metro số 2 'vượt ải' giải phóng mặt bằng
Dù chưa đạt tiến độ theo đúng kỳ vọng nhưng nhiều tín hiệu khả quan trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) hứa hẹn tuyến metro số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương) có thể khởi công đúng hẹn vào năm 2021. Báo Thanh Niên đưa tin.
Từ đầu năm đến nay, dù dịch bệnh Covid-19 liên tục gây khó khăn nhưng các quận - huyện cùng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh (MAUR) vẫn ráo riết thực hiện công tác vận động GPMB cho tuyến metro số 2. Giữa mùa dịch, nhiều công trình, hộ gia đình đã tự thuê công nhân, máy móc về tháo dỡ nhà để bàn giao mặt bằng cho địa phương.
Theo thông tin từ MAUR, tuyến số 2 đi qua địa bàn 6 quận gồm 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Tổng diện tích thu hồi mặt bằng là 251.136 m2, với 603 trường hợp bị ảnh hưởng.
Đến nay, các quận đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường 590/603 trường hợp (đạt 97,84%), trong đó, Q.1, Q.Tân Bình, Q.Tân Phú đạt 100%. Tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 43,95% (265/603 trường hợp). Tại Q.12 có 11 trường hợp bị ảnh hưởng và hiện các hộ dân này đã đồng thuận và nhận quyết định bồi thường đã ban hành.
Là địa phương có số hộ dân “dính” GPMB nhiều nhất, UBND Q.Tân Bình đã giao mặt bằng 2/6 nhà ga, gồm nhà ga S10 (Phạm Văn Bạch) và S11 (Tân Bình) cho MAUR.
Đại diện UBND Q.Tân Bình cho biết để có được sự đồng thuận của người dân, yếu tố quyết định là chính sách của nhà nước. Ngoài chi phí đền bù hợp lý, cần giải thích rõ cho người dân về ý nghĩa của dự án và những lợi ích mà bản thân các hộ dân sẽ được hưởng sau khi tuyến metro số 2 hình thành. Hiện UBND quận đang gấp rút hoàn thành các thủ tục để tiếp tục bàn giao thêm một mặt bằng nhà ga nữa cho MAUR trong tháng này.
Độc đáo ngôi chợ bắp lớn nhất TPHCM
Bài viết trên báo Lao Động, tại TPHCM có một ngôi chợ được xem là độc nhất vô nhị, bởi nơi đây chỉ bán một mặt hàng duy nhất là trái bắp (ngô). Đấy chính là chợ bắp ngã 3 Bầu nằm trên truyến đường Trịnh Thị Miếng (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, cách trung tâm quận 1 hơn 20km).
Tại ngôi chợ này, có khoảng 50 vựa bắp của tiểu thương, hoạt động nhộp nhịp cả ngày lẫn đêm để cung cấp đủ lượng bắp cho thị trường TPHCM và các tỉnh lân cận. Hằng ngày, có nhiều xe tải hạng nặng 10 tấn, chở bắp từ các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Lâm Đồng và các tỉnh, thành miền Tây nhập về chợ bắp này. Sau đó, bắp được phân phối đi khắp nơi với hàng nghìn tấn bắp được tiêu thụ/ngày.
Bắp trồng phải ít nhất 90 ngày mới cho thu hoạch, trong khi chợ bắp ngã 3 Bầu lại hoạt động quanh năm, buôn bán 24/24. Do vậy, để có được nguồn hàng đảm bảo cung cấp hằng ngày cho chợ, các tiểu thương ở đây phải tìm nguồn hàng cung cấp tại khắp các tỉnh, thành miền nam.
"Chúng tôi phải bắt mối ở nhiều tỉnh khác nhau, mặt khác đặt hàng nông dân trồng trái vụ hoặc trồng theo cách cuốn chiếu để nối tiếp trong suốt chu kỳ theo 3 tháng thu hoạch. Vì vậy, sản lượng bắp cung cấp luôn ổn định quanh năm, chứ không chỉ vào mùa vụ thì mới có bắp." - chủ vựa bắp Hằng cho biết.
Cũng tại ngôi chợ này, bắp được phân loại và bán sĩ theo từng bao loại 100 kg, chủ yếu là bắp nếp và bắp mỹ, người dân mua lẻ vài kg thì chủ vựa vẫn bán. Bắp được xe tải chở đến từ các đầu mối, sau đó được phân loại, loại to và ngón nhất có giá 4.000 đồng/trái. Trong khi, các loạt còn lại lần lượt giảm xuống và giá thấp nhất là 1.000 đồng/trái (nếu bán theo kg thì được tính giá từ 7.000 đồng/kg).
Nở rộ những đường hoa chống xả rác
Những ngày gần đây, trên địa bàn hai xã Đa Phước và Quy Đức (huyện Bình Chánh) nở rộ những con đường hoa mười giờ đẹp mắt.
Theo ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP, ngoài hai con đường chính là 4B và 4C được trồng hoa thì tại các con hẻm nhỏ và nhiều tuyến đường khác cũng trồng hoa mười giờ. Gần đó là xã Quy Đức cũng có nhiều con đường hoa trải dài đẹp ngút ngàn.
Chị Huỳnh Thị Thu Hương, trú ấp 2, xã Quy Đức, là chủ của một trong những đường hoa đẹp nhất trên địa bàn. Với chiều dài hơn 100 m, con đường dẫn vào nhà chị đúng nghĩa là con đường hoa mười giờ “đẹp rụng tim” như nhiều người đang chia sẻ trên mạng.
Được hỏi về lý do trồng nhiều hoa xung quanh nhà, chị Hương cho biết trước hết là do sở thích trồng hoa để tạo cảnh đẹp quanh nhà. Tiếp nữa là ngăn ngừa việc xả rác tại khu vực mình ở. Trước đây, xung quanh nhà có nhiều rác do người đi đường vô tư xả bậy đến nỗi gia đình chị phải dựng bảng cấm xả rác.
“Trồng hoa đẹp như vậy thì ai cũng thích, mọi người sẽ ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường và không cần phải đặt biển báo cấm xả rác nữa” - chị Hương nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Bí thư chi bộ ấp 3, xã Quy Đức, cho biết tính đến nay tại ấp 3 và các ấp khác, các tổ đã đăng ký những công trình trồng hoa. Các đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên cũng đăng ký làm một tuyến đường hoa.
Tại xã Đa Phước, theo đại diện UBND xã, ý tưởng trồng hoa mười giờ trên các tuyến đường xuất phát từ việc một cựu chiến binh trồng một vườn hoa mười giờ ở địa phương.
Vườn hoa này đã tạo cảnh quan đẹp, giống hoa cũng rất dễ trồng nên địa phương quyết định cho nhân rộng mô hình trên địa bàn. Việc này cũng nhằm thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy vận động người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước.
“Cho đến nay nhiều hộ dân đã hưởng ứng phong trào trồng hoa mười giờ xung quanh nhà và đã tạo được hiệu ứng rất tốt. Qua đó nạn xả rác bậy ở địa phương đã được cải thiện rất nhiều” - đại diện UBND xã Đa Phước chia sẻ.
Việc làm thiết thực này đã thực sự thay đổi bộ mặt cảnh quan trên địa bàn, đồng thời giảm thiểu rất nhiều tình trạng xả rác không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai