Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 25/2/2020

12:00 25/02/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 25/2/2020:

Lãnh đạo Thành phố thăm, chúc mừng thầy thuốc tiêu biểu

Chiều 24/2, Đoàn cán bộ Thành ủy do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang, làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc mừng PGS-TS-BS Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2020). Đồng chí Trần Lưu Quang bày tỏ sự trân trọng với những đóng góp của PGS-TS-BS Trần Thị Trung Chiến đối với ngành y tế Việt Nam. Sau khi trao đổi một số thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, đồng chí Trần Lưu Quang chúc nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến luôn dồi dào sức khỏe, tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự phát triển cho ngành y tế Thành phố và đất nước.

Đồng chí Trần Lưu Quang thăm nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến. Ảnh: TẤN BA
Đồng chí Trần Lưu Quang thăm nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến. Ảnh: TẤN BA

Đến thăm, chúc mừng BS Đoàn Thúy Ba, Anh hùng Lao động, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, đồng chí Trần Lưu Quang ân cần thăm hỏi và bày tỏ cảm ơn về những cống hiến của bà cho ngành y tế đất nước. Đồng chí Trần Lưu Quang chúc nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Đoàn Thúy Ba luôn mạnh khỏe và tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Trước đó, đồng chí Trần Lưu Quang cùng đoàn cán bộ Thành phố đã thăm gia đình VS-TS-BS Dương Quang Trung, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân, nguyên Giám đốc Sở Y tế.

Sáng cùng ngày, Đoàn lãnh đạo Thành ủy do Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung làm trưởng đoàn đã đi thăm, chúc mừng gia đình BS Trương Xuân Liễu, nguyên Giám đốc Sở Y tế. Ân cần thăm hỏi và ghi nhận những đóng góp của BS Trương Xuân Liễu đối với ngành y tế Thành phố, đồng chí Võ Thị Dung chúc bà cùng gia đình luôn mạnh khỏe và tiếp tục dành tâm huyết, gắn bó với ngành y tế; góp phần cùng Thành phố nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tiếp đó, đoàn đã đến thăm PGS-BS Trần Văn Bé, Thầy thuốc nhân dân, nguyên Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học Thành phố. Đồng chí Võ Thị Dung nhấn mạnh, PGS Trần Văn Bé đã có nhiều công lao đóng góp cho ngành y tế Thành phố cũng như cả nước. Với những nhiệt huyết của mình, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục tham gia đóng góp cho ngành y tế.

Chiều 24/2, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố cùng đoàn cán bộ đi thăm, chúc mừng TS-DS Nguyễn Duy Cương, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế. Đoàn cũng đến thắp hương và thăm hỏi gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; thắp hương và thăm hỏi gia đình BS Dương Quỳnh Hoa, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Chính phủ lâm thời Cách mạng Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nước CHXHCN Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến những thế hệ thầy thuốc, nhà khoa học, người công tác trong ngành y đã cống hiến trí tuệ, tâm sức chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu do đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, làm trưởng đoàn đã đến thăm và chúc mừng BS Tạ Thị Chung, Anh hùng Lao động, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ và BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Anh hùng Lao động, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê bày tỏ sự xúc động trước tấm lòng tận tụy của các bác sĩ đối với bệnh nhân, mong BS Tạ Thị Chung và BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng luôn giữ tâm huyết với nghề để phục vụ nhân dân. Cùng ngày, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê cùng đoàn cũng đến thăm gia đình BS Trần Hữu Nghiệp, Nhà giáo Nhân dân, nhà văn, nhà báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Y tế Trung ương.

(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng).

Giá thuê mặt bằng bắt đầu hạ

Nghị định 100/2019/NĐ-CP phạt nặng hành vi uống rượu - bia lái xe và dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của nhiều hàng quán, cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh gặp khó khăn đã gián tiếp tác động lớn đến lĩnh vực cho thuê mặt bằng.

Một cửa hàng trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP HCM) treo bảng cho thuê nhiều ngày qua nhưng rất ít người hỏi. Ảnh: TẤN THẠNH
Một cửa hàng trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP HCM) treo bảng cho thuê nhiều ngày qua nhưng rất ít người hỏi.
Ảnh: TẤN THẠNH

Theo ghi nhận của phóng viên báo Người Lao Động, thời gian gần đây, nhiều quận ở TP. Hồ Chí Minh đều có tình trạng người kinh doanh trả mặt bằng vì kinh doanh khó khăn nhưng giá thuê lại quá cao. Ngay cả những tuyến đường trung tâm quận 1, quận 3 như đường Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu..., tình trạng đóng cửa, treo bảng cho thuê mặt bằng cũng khá phổ biến. Nhiều cửa hàng treo bảng cho thuê mặt bằng từ trước Tết nguyên đán nhưng không mấy ai đến hỏi.

Một số mặt bằng sau thời gian treo bảng, người hỏi nhiều nhưng không thuê buộc chủ nhà phải tự hạ giá. Như một căn nhà 4 tầng, chiều ngang tới hơn 10 m trên đường Hồ Xuân Hương (quận 3), trước đây chủ nhà cho thuê đến 11.000 USD/tháng nhưng nay phải hạ xuống 10.000 USD/tháng, đồng thời chia thành 2 phần cho khách dễ thuê.

Thậm chí, các tuyến đường Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu (quận 1) từng được xem là khu phố trà sữa với giá thuê mặt bằng cao ngất ngưởng nhưng cũng không dễ thuê. Nếu như vài tháng trước có giá thuê đến 20.000 USD/tháng (khoảng 450 triệu đồng) nhưng từ Tết đến nay đã giảm vài ngàn USD mà vẫn rất ít người hỏi.

Ông Phan Công Chánh - chuyên gia bất động sản, Giám đốc Phú Vinh Group - nhìn nhận chưa bao giờ mặt bằng cho thuê trống nhiều như giai đoạn hiện nay. "Giai đoạn này có thể nói là lĩnh vực mặt bằng cho thuê đang thiệt kép vì vừa khó khăn do thị trường chung vừa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy vậy, đây cũng là cơ hội để những người kinh doanh lựa chọn địa điểm tốt, vừa ý mà giá lại giảm. Mặt bằng giá mới sẽ thiết lập theo hướng có lợi cho người thuê, chứ không bị làm khó, chỉ được quyền chọn thuê hay không chứ không trả giá như trước đây" - ông Chánh nhận xét.

Rà soát giáo viên, học sinh đi qua vùng dịch COVID-19

Ngày 24/2, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố khẩn trương rà soát danh sách giáo viên và học sinh có đi qua Trung Quốc, Hàn Quốc và vùng có dịch COVID-19.

TP Hồ Chí Minh rà soát giáo viên, học sinh đi qua các vùng có dịch để giám sát và có biện pháp kịp thời.  
TP Hồ Chí Minh rà soát giáo viên, học sinh đi qua các vùng có dịch để giám sát và có biện pháp kịp thời.  

Theo đó, qua căn cứ tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và thực hiện chỉ đạo của Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ sở giáo dục thống kê danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên, học viên đi qua hoặc có người thân đi qua Trung Quốc, Hàn Quốc và các vùng (tỉnh, thành hoặc quốc gia) có dịch COVID-19 trong vòng 14 ngày (trước ngày 24/2) về Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện.

Các trường hợp trong danh sách phải được các trường tổ chức giám sát, rà soát, cập nhật thường xuyên (về các vùng, các quốc gia có dịch và những trường hợp đã hết thời gian theo dõi, cách ly); tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp cách ly, phòng ngừa dịch bệnh COVID-19. Hàng ngày, các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện cập nhật số liệu mới bằng hình thức trực tuyến trước 9 giờ mỗi ngày.

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc tạm ngưng xét duyệt hồ sơ đi nước ngoài đến những vùng, quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch COVID-19. Chỉ xét duyệt hồ sơ đi nước ngoài cho những trường hợp khẩn cấp cần thiết.

(Theo báo Tin Tức)

Giám sát phòng chống dịch tại khu lưu trú, nhà trọ công nhân

Ngày 24/2, Liên đoàn Lao động Thành phố cho biết sẽ tăng cường giám sát công tác triển khai tuyên truyền phòng chống, ứng phó với dịch bệnh Covid-19 tại các cấp Công đoàn.

Cán bộ Công đoàn TP HCM phát khẩu trang cho con công nhân nhà trọ
Cán bộ Công đoàn TP HCM phát khẩu trang cho con công nhân nhà trọ

Nội dung giám sát gồm: Phối hợp với chính quyền cùng cấp trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; thống kê, giám sát đoàn viên, CNVC-LĐ quay trở lại làm việc, nhất là các trường hợp đến từ vùng có dịch; công tác phối hợp với người sử dụng lao động rà soát số lao động, chuyên gia nước ngoài, lao động Việt Nam đến từ vùng có dịch hoặc đi du lịch tại vùng có dịch trở lại làm việc tại đơn vị...

Liên đoàn Lao động Thành phố sẽ tổ chức kiểm tra hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các khu lưu trú, khu nhà trọ công nhân ở các quận 11, Thủ Đức, KCX-KCN và Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân).

(Theo báo Người Lao Động)

Chuẩn bị nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài 9 km

Trao đổi với báo chí, đại diện Trung tâm Quản lý đường thủy, Sở GTVT Thành phố mới đây cho biết dự án thi công nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn từ ngã ba sông Sài Gòn đến đường Út Tịch, qua địa bàn các quận Bình Thạnh, 1, 3, Phú Nhuận và Tân Bình) sẽ được khởi công trong tháng 2.

Dự án thi công nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ được khởi công trong tháng 2
Dự án thi công nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ được khởi công trong tháng 2

Đây là đoạn kênh dài 9 km, tổng kinh phí thực hiện dự án là 36,5 tỉ đồng. Quá trình nạo vét sẽ chia làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn dự kiến thực hiện trong 75 ngày với khoảng 122.000 m3 bùn được nạo vét.

Theo đó, giai đoạn một, cơ quan chức năng tiến hành thi công từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu số 6, chiều dài khoảng 1,4 km. Sẽ khởi công trong vài ngày tới và thực hiện đến tháng 6. Bề rộng thi công của kênh là 25 m và chiều sâu khoảng 0,9 m.

Giai đoạn hai, cơ quan chức năng tiến hành nạo vét từ cầu số 6 đến đường Út Tịch, chiều dài cũng khoảng 1,4 km với bề rộng kênh từ 24,1 m đến 42,2 m, độ sâu là 1,1 m. Đoạn này dự kiến thực hiện từ tháng 4 đến tháng 7.

Giai đoạn ba, cơ quan chức năng thực hiện nạo vét từ cầu Lê Văn Sỹ đến ngã ba sông Sài Gòn với tổng chiều dài nạo vét kênh là 5,8 km. Đoạn này thi công trên bề rộng 25 m và chiều sâu là 1 m, dự kiến thực hiện từ tháng 9 đến tháng 12.

(Theo báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh).

Bao giờ sân bay Tân Sơn Nhất được sửa chữa?

Đường băng xuống cấp nghiêm trọng, nhưng gần 2 năm chưa thông qua được phương án sửa chữa, dự án mở rộng sân bay từ cấp bách chuyển qua ì ạch. Đó là thực trạng đáng buồn tại sân bay Tân Sơn Nhất - cảng hàng không tấp nập nhất Việt Nam. Thông tin trên báo Thanh Niên.

Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất vừa có văn bản gửi Cục Hàng không đề xuất tạm ngừng khai thác đường cất hạ cánh (CHC) 25R/07L vào ban đêm để tiến hành sửa chữa tạm thời. Qua kiểm tra, Cảng HKQT phát hiện đường băng 25R/07L ngày càng xuất hiện nhiều vết rạn nứt, mặt đường bê tông nhựa bị biến dạng, hằn vệt bánh xe theo vệt lăn của càng máy bay. Khu vực đầu đường CHC có tình trạng lún bề mặt bê tông nhựa với diện tích lớn, đọng nước sau khi trời mưa tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay.

Cần cấp bách sửa chữa, nâng cấp các hạng mục hư hỏng và mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Cần cấp bách sửa chữa, nâng cấp các hạng mục hư hỏng và mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Theo đó, đơn vị này đề nghị Cục Hàng không xem xét chấp thuận phương án tạm ngừng khai thác đường CHC 25R/07L để tiến hành sửa chữa, tẩy vệt cao su, sơn bảo trì tín hiệu, đo ma sát, seo cỏ. Đồng thời, kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị phục vụ bay. Thời gian sửa chữa sẽ tiến hành vào buổi đêm từ sau 00 giờ cho tới 7 giờ sáng hôm sau, hoạt động khai thác ban ngày vẫn diễn ra bình thường. Công tác sửa chữa dự kiến kéo dài từ 27/2 – 9/3.

“Đây chỉ là công tác sửa chữa, bảo dưỡng tạm thời trong thời gian chờ dự án cải tạo lớn, hoàn toàn không ảnh hưởng tới hoạt động khai thác bay. Chi phí do Cảng HKQT Tân Sơn Nhất thực hiện”, đại diện cảng thông tin.

Không chỉ đường băng hư hỏng nặng nhưng chưa thể sửa chữa, dự án xây dựng nhà ga T3, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất dù được đánh giá là vô cùng cấp bách cũng đã ì ạch 2 năm chưa thể nhúc nhích.

Tháng 10/2018, trong buổi lễ công bố Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng HKQT Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã nhấn mạnh việc triển khai thực hiện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là nhiệm vụ vô cùng cấp bách, các đơn vị liên quan cần sớm lập kế hoạch đầu tư các hạng mục trong quy hoạch với các hình thức đầu tư, huy động vốn phù hợp, cố gắng để năm 2022 có thể đưa vào khai thác sân bay theo quy hoạch mới. Trong đó, việc quan trọng nhất cần phải làm ngay là xây dựng nhà ga hành khách T3.

Thế nhưng, đã gần 1 năm rưỡi trôi qua, chủ trương xây dựng T3 như thế nào vẫn chưa ngã ngũ. Sau một thời gian tranh cãi về đề xuất giao ACV làm chủ đầu tư dự án, tại phiên họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc giao ACV đầu tư nhà ga hành khách T3. Tuy nhiên, do không đồng bộ giữa luật Hàng không dân dụng Việt Nam và luật Đầu tư, thời gian xem xét quyết định chủ trương đầu tư đã kéo quá dài. Các thủ tục để ra quyết định chính thức vẫn chưa hoàn thành.

Tình quân dân nơi biên giới biển

Hình ảnh những người lính mang quân hàm xanh tận tâm giúp đỡ người dân trên địa bàn biên giới biển Cần Giờ đã viết nên những câu chuyện đẹp về tình quân dân máu thịt, với bao ấm áp sẻ chia… 

Báo Sài Gòn Giải Phóng viết, cả đời gắn chặt với xã đảo, làm quần quật từ sáng sớm tới tối mịt, ông Lê Văn Bốn (tổ 7, ấp Thạch Hòa, xã đảo Thạnh An, Cần Giờ) đến tuổi xế chiều vẫn ở ngôi nhà cũ nát. Bộ đội biên phòng về, ông được hỗ trợ xây nhà tình thương, 2 người con cũng có việc làm ổn định.

Thiếu tá Lê Đình Luyến (Đồn biên phòng Thạnh An) phụ giúp gia đình ông Lê Văn Bốn làm công việc
Thiếu tá Lê Đình Luyến (Đồn biên phòng Thạnh An) phụ giúp gia đình ông Lê Văn Bốn làm công việc

Với bà Lý Thị Hương (khu phố Hưng Thạnh, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ), được đón Tết Canh Tý 2020 trong ngôi nhà tình thương, rộng hơn 30m2 với kinh phí xây dựng 60 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ biên phòng là điều trong mơ cũng không bao giờ tin đó là sự thật.

Gắn bó với xã đảo hơn 20 năm tuổi quân, từng người dân, ngóc ngách trên đảo, Thiếu tá Lê Đình Luyến nắm chắc như trong lòng bàn tay. Nói về nhiệm vụ của mình, anh cho biết mình là 1/15 đảng viên của đồn được chi bộ, Ban chỉ huy Đồn biên phòng Thạnh An giao phụ trách 63 hộ gia đình.

Vài ngày một lần trong tuần, anh và các đảng viên của đồn đến với các hộ được phân công, không nề hà việc nặng hay nhẹ đều xắn tay phụ giúp, rồi khéo léo vận động người dân giữ gìn an ninh trật tự; chấp hành, thực hiện chính sách pháp luật và hỗ trợ thông tin cho lực lượng biên phòng nắm bắt tình hình địa bàn, góp phần thực hiện tốt công tác biên phòng.

Triển khai Chỉ thị 681 của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Việt Nam về việc “phân công đảng viên của đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”, các đồn biên phòng trú đóng trên địa bàn huyện Cần Giờ như Cần Thạnh, Long Hòa và Thạnh An đã phân công 46 đảng viên có kinh nghiệm công tác, nhiều năm gắn bó với địa bàn phụ trách trực tiếp, giúp đỡ 210 hộ gia đình.

Đây là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, gia đình neo đơn, gia đình chính sách và hộ gia đình có người mắc tệ nạn xã hội trên địa bàn biên giới biển. Sau khi được giúp đỡ, vươn lên thoát nghèo bền vững, tệ nạn xã hội được xử lý cơ bản, đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục