Luôn cảnh giác dù dịch Covid-19 tạm lắng
Trao đổi với PV Báo Sài Gòn Giải Phóng về những thành quả bước đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và những việc cần làm trong thời gian tới, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết, dịch bệnh tại TP đang được kiểm soát tốt nhưng nguy cơ dịch xâm nhập còn rất cao và người dân vẫn cần phải giữ vững tâm thế cảnh giác.
Đã hơn 40 ngày, TP. Hồ Chí Minh không phát hiện thêm trường hợp mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Đó là thành quả của nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị trong suốt thời gian qua.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hữu Hưng cho biết thêm: Ngành y tế TP luôn quán triệt phương châm 5 tại chỗ và kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch là: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch; đồng thời làm tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong.
Mặc dù TP. Hồ Chí Minh đang kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhưng chúng ta vẫn phải giữ tâm thế hết sức cảnh giác. Bởi tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ xuất hiện ca mắc mới trên địa bàn TP vẫn còn rất cao.
Vì vậy, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, người dân cần tiếp tục tuân thủ các quy định về mang khẩu trang khi đến nơi công cộng và trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng; thường xuyên rửa tay đảm bảo vệ sinh cá nhân. Đề cao cảnh giác trước các triệu chứng cảm cúm, chủ động phát hiện và đến ngay các cơ sở y tế để sàng lọc.
Tại cộng đồng dân cư, đặc biệt khu chung cư vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Cùng với đó, thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kết hợp hàng loạt dự án để chống ngập
Trong năm 2020, TP.Hồ Chí Minh sẽ có nhiều dự án ngăn triều được hoàn thành. Những dự án ngăn triều này sẽ kết hợp với hàng loạt dự án chống ngập do mưa đang đồng loạt được triển khai, giúp TP giải bài toán ngập tồn tại nhiều năm nay. Nội dung trên báo Pháp Luật TP.
Đầu tiên phải nói đến dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, do Trungnam Group làm chủ đầu tư).
Dự án chống ngập quy mô lớn này sẽ xây sáu cống kiểm soát triều ở các sông, kênh lớn và nhiều đoạn đê nhằm phần nào khống chế con nước triều cường. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong tháng 10 năm nay.
Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ chống nước tràn do lũ từ thượng nguồn cũng như ngăn triều cường và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, dự án sẽ bảo vệ 1.600 ha đất đô thị với dân số khoảng 25.000 người thuộc phía bờ tả sông Sài gòn (đoạn từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị mới Thủ Thiêm).
Bên cạnh đó, việc gia cố các đoạn đê xung yếu cũng đang được gấp rút triển khai. Cụ thể, việc gia cố bốn đoạn đê bao xung yếu trên nhiều địa bàn quận vùng ven đã hoàn thành 67% khối lượng và dự kiến hoàn thành trong năm 2020.
Công tác nạo vét, khơi thông dòng chảy, kiên cố hóa rạch Cung - Lồng Đèn (rạch Cung nối dài, quận 8) cũng đạt 49% khối lượng và sẽ hoàn thành năm 2020.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, trong buổi thị sát dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, nhận định: “Ngoài dự án này, còn nhiều dự án khác nữa thì ngập mới giảm vì có nhiều yếu tố tác động đến tình hình ngập, như ngập do mưa và triều cường”.
Với các dự án giảm ngập do mưa, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP cho biết sẽ khởi công nhiều dự án trong năm nay.
Giới thiệu việc làm mới cho hơn 2.200 công nhân
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 24/5, Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Lê Minh Tấn cho biết, Công ty cổ phần Giày da Huê Phong (gọi tắt là Công ty Huê Phong, quận Gò Vấp) cắt giảm gần 50% số lao động đang làm việc tại công ty, tương đương với hơn 2.200 người.
Nguyên nhân cắt giảm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều khách hàng của công ty ở thị trường châu Âu và Mỹ đã hủy đơn hàng, không xuất được hàng vào các thị trường trên. Vì thế, việc sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, buộc phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động. Các chế độ, chính sách đối với người lao động bị cắt giảm được thực hiện đầy đủ.
Ngay sau khi Công ty Huê Phong cắt giảm lao động, Sở LĐTB-XH TP đã giới thiệu toàn bộ hơn 2.200 người lao động này tới làm việc tại 8 công ty trên địa bàn quận Gò Vấp, gồm: Công ty Gilimex (cần tuyển 2.000 người); Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn; Công ty cổ phần May Phương Đông; Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi; Công ty cổ phần 28 Hưng Phú; Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hồng Ngọc; Doanh nghiệp tư nhân thương mại - dịch vụ - sản xuất Bảo Huy và Công ty TNHH May mặc Bảo Cửu.
Tuyển sinh lớp 10 tại TP. Hồ Chí Minh: Đăng ký trực tuyến, tăng tư vấn cho phụ huynh
Ngày 23 và 24/5, nhiều trường THCS trên địa bàn TP đã tiến hành họp phụ huynh học sinh lớp 9 để thông tin và hướng dẫn về việc tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2020-2021.
Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, năm nay khá nhiều trường THCS trên địa bàn tiến hành cho học sinh đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 theo hình thức trực tuyến, trong đó có các trường như trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Âu Lạc, Hoàng Hoa Thám … (quận Tân Bình); trường THCS Lạc Hồng (quận 10)…
Đây là một bước tiến mới của các trường THCS và phòng GD&ĐT bởi việc đăng ký dự tuyển vào lớp 10 phải trải qua nhiều giai đoạn khac nhau và được chỉnh sửa nhiều lần: thí sinh được đăng ký 3 nguyện vọng vào lớp 10 thường, 4 nguyện vọng vào lớp 10 chuyên và lớp 10 không chuyên trong trường chuyên, 2 nguyện vọng vào lớp 10 tích hợp. Vì vậy, việc đăng ký trực tuyến tiết kiệm được về mặt thời gian, công sức rất nhiều.
Theo Sở GD&ĐT, Sở đã có văn bản yêu cầu các trường THCS tư vấn thật kỹ cho phụ huynh và học sinh trong việc chọn nguyện vọng thi tuyển vào lớp 10. Đối với các trường hợp học sinh đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 ở quá xa nơi cư trú, Sở đề nghị trường THCS tư vấn riêng với phụ huynh, đề nghị phụ huynh chứng minh điều kiện đảm bảo cho học sinh có thể học tập tại trường THPT đã đăng ký, tránh việc xin chuyển trường hoặc xin đổi nguyện vọng sau này.
Không lắp đặt thiết bị giám sát sẽ không được sát hạch lái xe
Theo thông tin trên báo Pháp Luật TP, ngày 24/5, Sở GTVT đã có báo cáo về việc triển khai thực hiện giám sát thời gian học lý thuyết môn pháp luật giao thông đường bộ (GTĐB) tại các cơ sở đào tạo sát hạch lái ô tô trên địa bàn TP.
Theo đó, Sở GTVT cho biết tại TP, lộ trình ứng dụng công nghệ trong quản lý đào tạo, nhận dạng và đảm bảo theo dõi thời gian học lý thuyết môn pháp luật GTĐB đối với học viên học lái ô tô vẫn đang thực hiện đúng quy định. Trên cơ sở báo cáo của các cơ sở đào tạo lái xe tại TP, sở đã tiến hành kiểm tra 55 cơ sở đào tạo đang hoạt động. Kết quả, có 47/55 cơ sở đã lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát; tám cơ sở chưa lắp đặt hoàn chỉnh.
Đối với 8 cơ sở đào tạo chưa lắp đặt hoàn chỉnh thiết bị giám sát, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị này tiếp tục hoàn thiện và có báo cáo bằng văn bản về sở qua Phòng quản lý sát hạch trước ngày 25/5. Ngoài ra, Sở GTVT sẽ không tiếp nhận báo cáo đăng ký sát hạch của 8 cơ sở này cho đến khi việc lắp đặt thiết bị hoàn thiện và được sở kiểm tra nghiệm thu.
Trước đó, Sở GTVT TP đã kiến nghị lùi thời điểm áp dụng giám sát thời gian học lý thuyết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các trung tâm sát hạch không thể lắp đặt thiết bị, tuy nhiên Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn quyết định áp dụng theo quy định.
Theo khảo sát của phóng viên, từ ngày 11/5, các trung tâm đào tạo giấy phép lái xe (GPLX) trên địa bàn TP bắt đầu thực hiện giám sát thời gian học lý thuyết môn pháp luật GTĐB bằng hình thức điểm danh bằng vân tay.
Đường Sách TP. Hồ Chí Minh nhộn nhịp trở lại
Trang tin Điện tử Đảng bộ TP thông tin: Sau thời gian tạm ngừng hoạt động vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, Đường Sách TP. Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1) đã mở cửa trở lại trong tháng 5. Lượng khách vẫn chưa thể trở lại như trước nhưng cũng dần ổn định với các hoạt động được tổ chức nhộn nhịp thu hút độc giả và quan khách.
Trong đó, triển lãm ảnh tư liệu và sách về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới thiệu nhiều tư liệu quý hiếm từ các nguồn lưu trữ trong và ngoài nước cùng các đầu sách nổi bật viết về Bác của các NXB uy tín trên cả nước, nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020) vẫn tiếp tục diễn ra đến hết tháng 5.
Bên cạnh đó, một triển lãm mới cũng thu hút sự chú ý là triển lãm ảnh chủ đề “Cám ơn những chiến binh thầm lặng”. Triển lãm giới thiệu 8 bức ảnh về những khoảnh khắc làm việc hàng ngày của những y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Các bức ảnh được phóng viên ảnh Giang Huy ghi nhận lại trong lần tác nghiệp tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Đông Anh - Hà Nội) và chỉ là bộ ảnh đầu tiên trong nhiều bộ ảnh tri ân những chiến binh thầm lặng sẽ được ra mắt trong thời gian tới.
NXB Văn hóa - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh cũng là một trong những đơn vị đầu tiên tổ chức hoạt động giao lưu tác giả - tác phẩm trở lại với chương trình giao lưu ra mắt sách “Những chuyến tàu mùa hè” - tác phẩm đầu tay của tác giả sinh năm 1992 Bỉnh Khôi. Quyển sách gồm 20 truyện ngắn, tản văn về những gì diễn ra xung quanh cuộc sống đời thường của một người trẻ tuổi.
Tác giả Bỉnh Khôi cho rằng tác phẩm như một “quyển sổ ghi chép” của mình về cuộc sống, về tuổi trẻ với các nhân vật đều hướng đến những điều tích cực sau những tổn thương, va vấp giữa cuộc đời, hy vọng sẽ nhận được nhiều sự đồng cảm từ những người trẻ vẫn đang nỗ lực sống tốt hàng ngày.