Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 26/12/2019

10:34 26/12/2019

Trung tâm Báo chí TP tổng hợp một số thông tin nổi bật liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 26/12/2019:

Giải trình tự các gen HLA với hệ thống giải trình tự thế hệ mới tại BV Truyền máu Huyết học TP HCM/ Báo Nhân dân điện tử
Giải trình tự các gen HLA với hệ thống giải trình tự thế hệ mới tại BV Truyền máu Huyết học TP HCM/ Báo Nhân dân điện tử

Triển khai thành công 10 kỹ thuật điều trị chuyên sâu

Trên chuyên mục Y tế của báo Nhân dân điện tử đưa tin: Trong lộ trình xây dựng một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á, theo định hướng phát triển của lãnh đạo thành phố, trong năm 2019, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nỗ lực phát triển các kỹ thuật điều trị chuyên khoa sâu, trong đó có 10 kỹ thuật tiêu biểu. Bao gồm:

 “Sử dụng trí tuệ nhân tạo của Robot Modus V Synaptive trong phẫu thuật thần kinh” tại Bệnh viện Nhân dân 115

 “Phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu điều trị bệnh Parkinson” tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

“Oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể trong điều trị suy hô hấp tuần hoàn ở trẻ em” tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 1

“Tiêm nội nhãn chất ức chế yếu tố tăng trưởng nội mạch (VEGF inhibitors) trong điều trị bệnh lý võng mạc ở trẻ sanh non (ROP)” tại Bệnh viện Nhi đồng 1

“Phẫu thuật Hybrid chuyển vị các nhánh động mạch tạng và não – đặt ống ghép nội mạch điều trị phình động mạch chủ bụng trên thận và quai động mạch chủ” tại Bệnh viện Bình Dân

“Phẫu thuật nội soi điều trị ung thư họng miệng thanh quản bằng laser” tại Bệnh viện Tai Mũi Họng

 “Phẫu thuật vi phẫu nối mạch chi bằng bộ nối mạch máu nhỏ Anastomotic Coupler” tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình

“Ứng dụng các thuật toán tiên tiến giúp xạ trị trúng đích” tại Bệnh viện Ung Bướu

“Xác định HLA độ phân giải cao bằng kỹ thuật NGS” tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học

“Sử dụng Laser Fotona Ebrium Yag trong hỗ trợ điều trị tiểu không kiểm soát khi gắng sức” tại Bệnh viện Hùng Vương.

Hôm nay, xét xử ông Nguyễn Hữu Tín

Cơ quan điều tra không tìm thấy chứng cứ chứng minh nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Hữu Tín có động cơ vụ lợi khi quyết định giao đất “vàng” vào tay Vũ “nhôm”. Đó là thông tin được đăng tải trên báo Người Lao Động.

Hôm nay, TAND Thành phố khai mạc phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm trong vụ án liên quan đến khu đất “vàng” ở địa chỉ số 15 Thi Sách, quận 1. Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Hữu Tín cùng 4 cấp dưới (bị cáo Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố; bị cáo Trương Văn Út, nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố; bị cáo Lê Văn Thanh, nguyên Phó chánh Văn phòng UBND Thành phố và bị cáo Nguyễn Thanh Chương, nguyên Trưởng Phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND Thành phố) đều hầu tòa về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Khu đất “vàng” ở địa chỉ số 15 Thi Sách, quận 1, TP HCM - Ảnh: báo Người Lao Động
Khu đất “vàng” ở địa chỉ số 15 Thi Sách, quận 1, TP HCM - Ảnh: báo Người Lao Động

Bị cáo Nguyễn Hữu Tín với cương vị phó chủ tịch UBND TP đã ký nhiều văn bản với mục đích giao khu đất ở địa chỉ số 15 Thi Sách cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (do Phan Văn Anh Vũ - Vũ "nhôm" làm tổng giám đốc). Nhận đất dưới danh nghĩa doanh nghiệp "bình phong" phục vụ công tác nghiệp vụ ngành công an nhưng Vũ "nhôm" cùng đối tác thành lập Công ty Novahome Madison, xây dựng tòa nhà cao ốc Madison cao 18 tầng. Doanh nghiệp ký hợp đồng đặt cọc mua bán, cho thuê bất động sản với 114 khách hàng, thu lợi 1.033 tỉ đồng.

Những bị cáo là cấp dưới của bị cáo Tín thời điểm đó phạm tội do tham mưu thông qua việc cho thuê đất, bán chỉ định nhà và khấu trừ tiền thuê đất trái quy định. VKSND Tối cao kết luận sai phạm của bị cáo Nguyễn Hữu Tín và thuộc cấp gây ra khiến nhà nước thất thoát gần 807 tỉ đồng. Trong vụ án, bị cáo Tín đóng vai trò chủ mưu, quyết định.

Yêu cầu bàn giao ranh mốc dự án Khu Công nghiệp Phong Phú

Liên quan đến việc giải quyết vướng mắc, “thúc” tiến độ các dự án chậm tiến độ trên địa bàn, trong đó, có dự án Khu Công nghiệp Phong Phú, UBND huyện Bình Chánh, vừa kiến nghị UBND Thành phố giao cho Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Phong Phú (chủ đầu tư) sớm tổ chức bàn giao lại ranh mốc.

Đồng thời, có văn bản cam kết năng lực tài chính để tiếp tục thực hiện dự án và kế hoạch bàn giao nền đất tái định cư còn lại để tái định cư và hoán đổi cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo UBND huyện Bình Chánh, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Khu Công nghiệp Phong Phú trên địa bàn huyện Bình Chánh được triển khai từ năm 2004 nhưng đến nay chưa hoàn tất do chủ đầu tư chưa lập thủ tục điều chỉnh và bàn giao ranh mốc ngoài thực địa, chưa hoàn tất bàn giao nền tái định cư và hoán đổi cho các hộ dân…

Diện tích thu hồi của dự án hơn 140ha; trong đó diện tích phải thu hồi của người dân hơn 132ha, diện tích còn lại là đường, rạch Nhà nước quản lý.

Trong hơn 430 hộ bị ảnh hưởng đã có 365 hộ được lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ. Đến nay, diện tích đã thu hồi đạt 125,5ha. Như vậy hơn 17 năm qua, dự án Khu Công nghiệp Phong Phú vẫn đang trong tình trạng "giẫm chân tại chỗ."

(Theo báo điện tử Vietnamplus.vn)

Bộ Y tế yêu cầu xác minh thông tin bài báo về thẩm mỹ viện tại TP. Hồ Chí Minh

Cũng theo báo điện tử Vietnamplus, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh yêu cầu khẩn trương xem xét, xác minh những thông tin được nêu trong nội dung bài báo “Thâm nhập thế giới làm đẹp - đủ chuyện 'trời ơi'” và “Thâm nhập thế giới làm đẹp: Cuộc phẫu thuật kinh hoàng của những 'bác sĩ' tay ngang.” Được đăng tải trên báo Người Lao động trong 2 ngày 23 – 24/12.

(Nguồn: Ảnh chụp màn hình từ Báo Người lao động)
(Nguồn: Ảnh chụp màn hình từ Báo Người lao động)

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh tham mưu cho UBND Thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra hoạt động của các thẩm mỹ viện, các cơ sở làm đẹp trên địa bàn thành phố để phát hiện kịp thời các cơ sở thực hiện hoạt động làm đẹp, đào tạo thẩm mỹ không đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn. 

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục cho các thẩm mỹ viện, các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Thành phố lên kế hoạch ứng phó ô nhiễm không khí

Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh đưa tin, trước thực trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, Sở Giao thông vận tải đang rốt ráo đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này. Theo đó, Sở này sẽ tiếp tục xịt rửa hàng chục tuyến đường, thí điểm kiểm tra khí thải đối với xe máy nhằm ứng phó ô nhiễm không khí đang ngày một nghiêm trọng.

Xe máy cũ có nguy cơ gây ô nhiễm cao còn di chuyển nhiều trên đường - Ảnh: báo Pháp Luật TPHCM
Xe máy cũ có nguy cơ gây ô nhiễm cao còn di chuyển nhiều trên đường - Ảnh: báo Pháp Luật TPHCM

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên địa bàn Thành phố chủ yếu từ ba yếu tố: Do hoạt động giao thông; các hoạt động công nghiệp; các hoạt động xây dựng. Đồng thời Sở Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định các hoạt động giao thông là nguồn phát thải lớn nhất, chiếm khoảng 50% tổng lượng phát thải tại Thành phố. Trước thực trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Sở Giao thông vận tải kiểm tra, giám sát nồng độ khí thải của các phương tiện giao thông. Thống kê của Sở Giao thông vận tải tính đến giữa năm 2019, toàn Thành phố có hơn 8,1 triệu xe máy đang lưu hành. Số lượng xe máy gấp gần 10 lần ô tô.

Cam kết đủ xe đi từ TP. Hồ Chí Minh trong dịp Tết

Ngày 25/12, Sở Giao thông vận tải Thành phố cho biết hiện các bến xe liên tỉnh lớn như bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, bến xe An Sương, bến xe Ngã Tư Ga còn nhiều vé xe phục vụ người dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Cụ thể, tại bến xe Miền Đông, vé xe giường nằm của một số hãng xe thương hiệu chạy tuyến từ bến xe này đi các tỉnh miền Trung mở bán sớm nên đã “cháy vé” giường nằm từ 25 đến 29 tháng Chạp. Các đơn vị này đang xem xét nhu cầu thực tế để thuê thêm xe giường nằm đưa vào phục vụ. Tuy nhiên, vé xe ghế ngồi của các tuyến từ bến xe này đến các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên còn tồn số lượng lớn, khoảng 123.800 vé ghế ngồi.

Hiện bến xe Miền Tây vẫn còn đến 368.370 vé xe, trong đó giường nằm còn 276.000 vé, ghế ngồi còn 92.370 vé. Ngoài ra, Thành phố cũng dự phòng 2.400 phù hiệu xe chạy tuyến cố định cho các phương tiện tăng cường giải tỏa khách tại các bến xe liên tỉnh, đồng thời điều động xe buýt hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

(Thông tin trên báo Tuổi Trẻ).

Thưởng Tết cao nhất ở TP.Hồ Chí Minh 3,5 tỷ đồng

Ngày 25/12, Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội TP Lê Minh Tấn cho biết, năm nay mức thưởng Tết của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh.

Theo đó, mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 3,5 tỷ đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bảo hiểm. Mức thưởng bình quân Tết dương lịch năm nay trên địa bàn TP là 10 triệu đồng, tăng so với 2019, và mức thấp nhất là 4,4 triệu đồng.

Với Tết Nguyên đán 2020, mức thưởng ở TP. Hồ Chí Minh cao nhất là 800 triệu đồng, trung bình là 11 triệu đồng và thấp nhất 4 triệu đồng. Mức thưởng Tết đồng đều và cao nhất thuộc về các doanh nghiệp bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Năm nay, ngoài thưởng Tết bằng tiền, nhiều doanh nghiệp còn tặng vé tàu, vé xe, bánh kẹo, bao lì xì nhằm giữ chân công nhân để họ quay trở lại sau Tết.

(Theo Thanhuytphcm.vn).

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục