Viện trưởng Viện Pasteur: Học sinh đến trường sẽ an toàn hơn
Theo hệ thống giám sát dịch bệnh trên thế giới, trong các trường hợp lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 ngoài Trung Quốc, chỉ có 2 học sinh ở Nhật Bản được ghi nhận nhiễm dịch bệnh này. Điểm đáng lưu ý, hai trường hợp này nhiễm bệnh không phải từ môi trường trường học. Ngoài ra, cho đến nay, chưa ghi nhận báo cáo trường hợp trẻ em nào nhiễm COVID-19 tại trường học. Tỉ lệ trẻ em mắc dịch bệnh dưới 2% nhưng tất cả đều nhẹ
Thông tin trên được PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh nêu ra tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra tại UBND Thành phố vào tối 25/2.
Bày tỏ quan điểm cá nhân về việc có nên cho học sinh đi học lại trong thời điểm này, PGS-TS Phan Trọng Lân nêu: “Đánh giá về mặt dịch tễ học, theo cá nhân tôi, các em đến trường khả năng sẽ an toàn hơn...Muốn nghỉ hay không nghỉ học phải đánh giá tình hình dịch tễ”.
Lý giải quan điểm này, PGS Phan Trọng Lân phân tích, môi trường trường học dù đông đúc học sinh nhưng với hệ thống giám sát và các biện pháp tập huấn, phòng ngừa dịch bệnh trong trường học khá bài bản và đầy đủ như hiện nay ở TP.Hồ Chí Minh thì khả năng các em đến trường sẽ an toàn hơn.
Theo ông Lân, sở dĩ đa số người lớn được phát hiện nhiễm dịch bệnh này là do họ có sự giao lưu đi lại nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Tác nhân lây bệnh có khả năng từ các cuộc hội nghị, đi lại tàu xe...Các em học sinh nếu có đến trường thì sẽ chịu sự giám sát của các thầy cô nên khả năng sẽ an toàn hơn.
(Theo báo Pháp Luật TPHCM)
Thành phố kiểm soát chặt cửa khẩu
Thành phố đang triển khai hàng loạt biện pháp kiểm dịch ở các cửa khẩu nhằm kịp thời đưa những người từ vùng dịch về bệnh viện dã chiến để cách ly.
Ngày 25/2, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn đón hàng chục chuyến bay từ nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc. Tuy nhiên, hành khách sẽ được phân luồng đi qua khu vực kiểm tra thân nhiệt. Riêng hành khách từ Hàn Quốc về sẽ được hướng dẫn đến khu vực dành riêng của lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế để viết tờ trình khai báo y tế, kiểm tra lâm sàng. Hành khách có dấu hiệu sốt, thân nhiệt cao sẽ được yêu cầu khai báo cụ thể lịch trình, khi chưa có biểu hiện nhiễm Covid-19 sẽ được nhắc
nhở tự theo dõi tình trạng sức khỏe. Còn những người sốt cao, trở về từ ổ dịch tại TP. Daegu (Hàn Quốc) lập tức được đưa ra khu vực riêng làm khai báo y tế và làm thủ tục để thực hiện cách ly 14 ngày tại bệnh viện dã chiến huyện Củ Chi.
Ghi nhận trong buổi sáng 25/2, có hơn 10 người trở về từ TP. Daegu sau khi nhập cảnh đã được đưa đi cách ly.
Lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, những ngày qua đã có nhiều trường hợp từ vùng dịch trở về được đưa đến bệnh viện dã chiến cách ly 14 ngày. Đa số người dân khi được yêu cầu cách ly hợp tác với cơ quan chức năng, nhưng cũng có một số trường hợp chống đối, buộc lực lượng an ninh hàng không phải mang quần áo bảo hộ cưỡng chế đưa đi.
(Theo báo Tiền Phong).
Giám sát chặt người đến từ Hàn Quốc
Báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhất là ở Hàn Quốc và Nhật Bản gần đây, đã ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của người Hàn Quốc và Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 25/2, Ban Quản lý chung cư The Eastern (phường Phú Hữu, quận 9) tiếp tục kiểm tra thân nhiệt cùng “dấu hiệu bất thường” của một cư dân Hàn Quốc vừa từ quê nhà quay lại đây. Qua điều tra dịch tễ của các lực lượng chức năng sau đó, người này không đến từ vùng dịch và thân nhiệt chỉ 36,5°C.
Ở một số chung cư khác có nhiều người Hàn Quốc sinh sống, mọi hoạt động vẫn bình thường. Nhiều chung cư, trong đó có The Sun Avenue (phường An Phú, quận 2), đã tổ chức kiểm tra thân nhiệt cư dân. Ban quản lý một số chung cư đã thông báo các biện pháp phòng dịch; đề nghị cư dân không có sự kỳ thị đối với người Hàn Quốc hay phát tán thông tin chưa được kiểm chứng.
Quận Tân Bình cũng có hàng trăm người Hàn Quốc sinh sống, làm việc, tập trung nhiều tại các phường 2, 4, 7… Ở phường 2, nơi có 71 người Hàn Quốc cư trú, UBND phường cho biết đang rà soát thông tin 2 nữ tiếp viên Hãng hàng không Quốc gia Hàn Quốc, đăng ký lưu trú tại khách sạn B.M. (đường Bạch Đằng) từ ngày 14/2 đến ngày 5/5. Phường 7 có 4 người Hàn Quốc cư trú, 13 người tạm trú, làm việc tại Công ty KaZan. Họ đều tích cực hợp tác với cán bộ phòng chống dịch của địa phương.
Quận 7 có khoảng 11.000 người Hàn Quốc sinh sống (trong tổng số 70.000 người nước ngoài trên địa bàn TP), chủ yếu ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (thuộc 2 phường Tân Phong, Tân Phú). Những chung cư, tòa nhà có nhiều người Hàn Quốc sinh sống, làm việc đều thực hiện việc ghi nhận người ra vào lưu trú, trang bị thiết bị đo thân nhiệt, trong khi đội ngũ phục vụ đeo khẩu trang và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế.
TP. Hồ Chí Minh hiện có 4.626 lao động người Hàn Quốc đang làm việc tại 2.030 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đều áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng dịch Covid-19.
Giá chung cư ở TP. Hồ Chí Minh tăng nhanh hơn Hà Nội 7 lần
Bộ Xây dựng ghi nhận giá bất động sản tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có biến động vào cuối năm ngoái. Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,54% so với năm 2018. Đối với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 3,01%. Trong khi đó, giá căn hộ chung cư tại TP. Hồ Chí Minh tăng khoảng 3,52%, giá nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 8,99% so với năm 2018. Như vậy, tốc độ tăng giá chung cư tại TP. Hồ Chí Minh nhanh hơn Hà Nội 7 lần.
Cũng theo Bộ Xây dựng, trong năm 2019, giá bất động sản tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có biến động, tuy nhiên mức độ biến động không lớn. Tại TP. Hồ Chí Minh, đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 3,00% so với cùng kỳ năm 2018, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,66% so với cùng kỳ năm 2018, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 3,75% so với cùng kỳ năm 2018.
(Theo báo Lao Động)
Giá nhà đất tăng trước tin huyện Nhà Bè lên quận
Chỉ mới là chủ trương, đề xuất huyện Nhà Bè được quy hoạch từ huyện lên quận nhưng giá nhà đất, căn hộ tại khu Nam TP. Hồ Chí Minh đã rục rịch nhích lên. Ông Minh, một nhà đầu tư bất động sản (BĐS) tại quận 7 và huyện Nhà Bè, cho biết sau thông tin Nhà Bè được đề xuất lên quận hồi cuối năm 2019, BĐS các loại ở khu vực giáp ranh giữa quận 7 và Nhà Bè đã bắt đầu nóng dần lên.
Cụ thể là giá nhà đất, căn hộ xung quanh tuyến đường Phạm Hữu Lầu, đường 15B (Nguyễn Lương Bằng nối dài), Huỳnh Tấn Phát… tăng 10%-15% so với thời điểm cuối năm 2019. Giá nhà phố mặt tiền đường Phạm Hữu Lầu (huyện Nhà Bè) đã lên tới hơn 80 triệu đồng/m2, nhà trong hẻm thì khoảng 40-45 triệu đồng/m2, tăng khoảng 5-10 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá nhà mặt tiền đường Phạm Hữu Lầu phía quận 7 còn tăng nhiều hơn, cụ thể là khoảng 20-30 triệu đồng/m2 so với thời điểm cuối năm 2019, hiện rao bán ở mức 140-150 triệu đồng/m2.
Không chỉ đất nền, nhà phố mà những căn nhà đồng sở hữu - loại BĐS có rất nhiều ở huyện Nhà Bè cũng tăng giá. Được biết giá những căn nhà này đã tăng hơn 100 triệu đồng/căn so với thời điểm đầu năm.
Theo đại diện một sàn giao dịch tại huyện này, hiện giao dịch khá chậm nhưng giá nhà đất vẫn liên tục thay đổi. Một số dự án nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ hiện giá chào bán 65-85 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tại trục đường Nguyễn Lương Bằng, các dự án căn hộ đang được rao với giá 45-60 triệu đồng/m2, biệt thự và nhà phố có giá 7-12 tỉ đồng/căn.
Ngoài thông tin đề xuất huyện lên quận thì huyện Nhà Bè còn có sự thay đổi lớn về hạ tầng giao thông. Hơn nữa, khu vực này giáp ranh đô thị mới quận 7, giá nhà đất vẫn còn ở mức thấp nên được kỳ vọng biên độ tăng sẽ nới rộng lâu dài.
(Theo báo Pháp Luật TPHCM)
Đảm bảo cấp đủ điện vào mùa khô
Thông tin trên báo Pháp Luật TP, theo tính toán của Trung tâm Điều độ TP, dự báo nhu cầu phụ tải trong năm 2020 của TP tiếp tục gia tăng. Cụ thể, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 27,731 tỉ kWh, tăng khoảng 6,25% so với năm 2019. Công suất cực đại ước đạt 4.900 MW, tăng 7,26% và sản lượng ngày cao nhất ước đạt 94,74 triệu kWh, tăng 5,22% so với cùng kỳ. Trước thực trạng trên, Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVN HCMC) đã đưa ra nhiều phương án nhằm đảm bảo cung cấp điện vào mùa khô.
Cụ thể, EVN HCMC đưa ra các kịch bản vận hành lưới điện ở mức tăng trưởng phụ tải đạt 10%, cao hơn dự báo, tương đương với mức tăng trưởng của năm 2019 và dự phòng kiểm tra ở mức tăng trưởng 15%.
Trong đó, EVN HCMC ưu tiên thực hiện các giải pháp điều hòa lưới điện để cân đối phụ tải. Đồng thời, tập trung triển khai đưa vào các công trình xây dựng mới, cải tạo hoàn thiện lưới điện phân phối có tính chất cấp bách phục vụ cấp điện giai đoạn mùa khô năm 2020. Trong trường hợp cần thiết, EVN HCMC yêu cầu các đơn vị sử dụng máy phát, máy biến thế lưu động để khôi phục điện ngay cho khách hàng.
Song song đó, để giảm thiểu ảnh hưởng mất điện của khách hàng khi lưới điện có sự cố, EVN HCMC yêu cầu các đơn vị vận hành lưới điện tuân thủ nghiêm ngặt chủ trương “Chuyển tải trước, xử lý sự cố sau” với thời gian xử lý phấn đấu bình quân dưới 5 phút.
Để làm được điều này, EVN HCMC đã và đang tiếp tục hoàn thiện kết cấu lưới điện theo định hướng hiện đại hóa, tự động hóa, vận hành hiệu quả mô hình trung tâm điều khiển từ xa trong việc giám sát, điều hành lưới điện; khai thác dữ liệu các hệ thống đo đếm xa từ các trạm biến áp 220/110 kV và trạm phân phối để kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường và có biện pháp xử lý nhanh chóng cũng như không ngừng nâng cao chất lượng điện năng cung cấp.
Tạo động lực cho công nhân
Những tháng đầu năm, không khí làm việc tại Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh) hết sức khẩn trương. Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thép xây dựng nên Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ cùng ngành nghề. Để giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao sức cạnh tranh và khẳng định chỗ đứng trên thị trường, hằng năm, Công đoàn (CĐ) cơ sở triển khai phong trào thi đua gắn liền với đặc thù sản xuất và vận động tập thể lao động tham gia.
Tại Công ty CP Thực phẩm CJ Cầu Tre (thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn), phong trào "Sáng kiến nhỏ - Lợi ích to" do CĐ cơ sở phát động cũng nhận được sự ủng hộ của tập thể lao động. Để phong trào đi vào thực chất, ngoài Ban Sáng kiến do CĐ cơ sở thành lập, ban giám đốc còn lập thêm Ủy ban Sáng kiến cải tiến kỹ thuật do phó tổng giám đốc phụ trách. Thông qua "hộp thư sáng kiến", người lao động (NLĐ) có thể trình bày ý tưởng với CĐ và DN. Mỗi ý tưởng đóng góp của NLĐ dù được áp dụng hay không đều được thưởng khuyến khích với mức 50.000 đồng/lần. Những ý tưởng hay, có tính khả thi sẽ được Ủy ban Sáng kiến cải tiến kỹ thuật tạo điều kiện về thời gian lẫn kinh phí để thực hiện.
Gần 2 tháng qua, hàng trăm CN Công ty TNHH Toàn Thắng (100% vốn nước ngoài; KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM) tham gia rất hăng hái vào phong trào thi đua "Vượt khoán có thưởng" do CĐ cơ sở và ban giám đốc phát động. Được ghi nhận công sức xứng đáng nên 100% CN ủng hộ phong trào.
Có thể thấy được hiệu quả của phong trào này khi sản lượng tăng từ 25 lên 30 tấn sản phẩm/ngày; năng suất lao động tăng bình quân 10%, có ngày tăng 20%. Điều có ý nghĩa hơn là thu nhập của NLĐ cũng tăng từ 8%-15%.
(Theo báo Người Lao Động).