Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 26/5/2020

10:45 26/05/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 26/5/2020:

Phấn đấu để 100% hộ nghèo tiếp cận vốn tín dụng chính sách

Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Để đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, UBND TP cho biết sẽ phấn đấu để 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP cung cấp; dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 10%-15%; tỷ lệ nợ quá hạn ở mức dưới 1%/tổng dư nợ; đơn giản hóa thủ tục, tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ theo lộ trình của Ngân hàng Chính sách xã hội.

TPHCM phấn đấu để 100% hộ nghèo tiếp cận vốn tín dụng chính sách/ Ảnh: HTV
TPHCM phấn đấu để 100% hộ nghèo tiếp cận vốn tín dụng chính sách/ Ảnh: HTV

Đồng thời, UBND TP cũng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động tại điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện tối đa để người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội một cách an toàn, thuận lợi; tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh để ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động, đảm bảo an toàn vốn. 

Ngoài ra, UBND TP cũng kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng của chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với đối tượng là hộ có mức sống trung bình và nâng mức cho vay từ 2,5 triệu đồng lên 3,5 triệu đồng/tháng để phù hợp với mức tăng học phí và biến động giá cả thị trường…

Bồi dưỡng giáo viên dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018

Cũng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, Sở GD-ĐT TP vừa có báo cáo gửi UBND TP về tình hình giáo dục và đào tạo trên địa bàn TP. 

Theo đó, các trường tiểu học trên địa bàn TP đã hoàn tất việc lựa chọn SGK lớp 1 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Thời điểm hiện tại, các trường đang thực hiện công khai kết quả lựa chọn SGK lớp 1. Theo đó, cả 5 bộ SGK lớp 1 do Bộ GD-ĐT phê duyệt đều được lựa chọn. 

100% giáo viên TPHCM phải hoàn thành lớp bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới/ Ảnh minh họa: VOH Online
100% giáo viên TPHCM phải hoàn thành lớp bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới/ Ảnh minh họa: VOH Online

Cụ thể, bộ sách “Chân trời sáng tạo” do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản dẫn đầu số lượng đăng ký với 121.195 bản ở môn Tiếng Việt, 118.161 bản với môn Toán, 119.919 bản môn Tự nhiên và Xã hội… Riêng ở môn tiếng Anh, sách “Family and Friends” (thuộc bộ “Chân trời sáng tạo”) được nhiều cơ sở giáo dục lựa chọn nhất với 86.942 bản.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết, giai đoạn 1 từ năm 2019 đến tháng 6/2020, Sở GD-ĐT TP phối hợp với các trường đại học tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo thực hiện chương trình phổ thông 2018, cơ bản hoàn thành các khóa đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 1.

Giai đoạn 2 từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2021, TP tiếp tục hoàn thành các khóa đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 2; từ tháng 6/2021 đến tháng 6/2022 hoàn thành các khóa đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 3; giai đoạn 4 từ tháng 6/2022 đến tháng 7/2023, sẽ tiếp tục thực hiện các khóa đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 4, 5.

Nhằm phục vụ chương trình mới, chỉ tính riêng năm học 2020-2021, cấp tiểu học dự kiến có 6.313 giáo viên/3.550 lớp học, đảm bảo tỷ lệ và đủ số lượng giáo viên dạy lớp 1, trong đó có 3.683 giáo viên dạy nhiều môn.  

Tuyển sinh 10: Giải pháp chọn đúng nguyện vọng

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, để học sinh lựa chọn đúng nguyện vọng, trường THCS đưa học sinh khối 9 đến tham quan trường THPT, trong khi đó trường THPT cũng chủ động đến các trường THCS để tư vấn. Đó là nội dung bài viết được đăng tải trên báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh.

Học sinh Trường THCS Minh Đức, quận 1 đến tham quan tại Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1.  Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Học sinh Trường THCS Minh Đức, quận 1 đến tham quan tại Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1.  Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Theo ghi nhận, vào thời điểm này, trên diễn đàn của học sinh TP, những dòng chia sẻ về việc chọn lựa nguyện vọng vào lớp 10 xuất hiện liên tục. Điều đó cho thấy học sinh đang rất thiếu thông tin về ngôi trường mà mình chọn lựa cũng như băn khoăn về những nguyện vọng của mình.

Hiểu rõ những lo lắng của học sinh, sáng 25/5, Trường THCS Minh Đức (quận 1) đã tổ chức đưa học sinh đến tìm hiểu mô hình học tập tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) và THPT Lương Thế Vinh (quận 1). Tham gia chuyến đi, các em được tham quan cơ sở vật chất của trường như phòng học, phòng chức năng, khu ăn bán trú; tham gia các hoạt động trải nghiệm tại các câu lạc bộ của trường. Hơn hết, các em đã được trải nghiệm môi trường học tập năng động, mới mẻ khác xa với trường mình.

Theo bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường, căn cứ vào việc đăng ký nguyện vọng ban đầu của các em vào hai trường, nhà trường đã tổ chức chuyến tham quan thực tế để các em có dịp tìm hiểu ngôi trường mà mình đã lựa chọn.

Bên cạnh đó, các trường THPT cũng bắt tay vào việc tư vấn cùng với trường THCS. Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), vào tháng 1 nhà trường đã đi đến các trường THCS trên địa bàn các quận 1, 3, 5, 8 để phát tờ rơi. Hiện nay, trường cũng đang liên hệ để đến tư vấn trực tiếp cho các em. Hoạt động tư vấn bao gồm chỉ tiêu tuyển sinh, chương trình học, các hoạt động học tập, trải nghiệm để từ đó giúp học sinh có cái nhìn rõ nét về môi trường học tập của trường.

Siết khí thải, nhiều ô tô “rớt” kiểm định

Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, từ đầu năm 2020 đến nay, số lượng ô tô bị rớt kiểm định nhiều vì ngành đăng kiểm áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới theo quyết định 16 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Ôtô vào dây chuyền kiểm định xe tại Trung tâm kiểm định 50-02S (quận 11) - Ảnh: N.ẨN
Ôtô vào dây chuyền kiểm định xe tại Trung tâm kiểm định 50-02S (quận 11) - Ảnh: N.ẨN

Ghi nhận tại một trung tâm đăng kiểm xe ở quận 12 vào giữa tháng 5, một xe tải bị rớt kiểm định vì không đạt tiêu chuẩn khí thải. Nhận lại hồ sơ chưa đạt kiểm định, chủ xe vội đưa xe đến gara sửa chữa ngay trong ngày nhằm kịp quay lại trạm kiểm định để không đóng thêm phí kiểm định.

Không chỉ ô tô con, ô tô tải, ô tô chở khách đã sử dụng hàng chục năm bị rớt, có ô tô con mới chạy vài năm vẫn bị rớt kiểm định vì không đạt tiêu chuẩn khí thải. Mặc dù theo chủ xe, thì xe chỉ sử dụng để chạy lòng vòng TP, có khi cả tháng mới chạy một lần.

Một cán bộ đăng kiểm nhận định có thể do chủ xe ít sử dụng, để xe lâu ngày khiến các bộ phận, thiết bị không được trơn tru. Cán bộ này cũng hướng dẫn chủ xe tìm nơi rồ ga thật mạnh để đẩy bụi bám trong ống pô xe ra ngoài, cũng như làm bộ phận phun xăng hoạt động trở lại bình thường. Sau khi làm theo hướng dẫn, xe đưa vào kiểm định đã đạt tiêu chuẩn khí thải.

Tiêu chuẩn khí thải (TCVN 6438: 2018)

Thực hiện theo quyết định 16/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28-3-2019 về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải:

Từ ngày 1-1-2020

* Xe có năm sản xuất từ 2008 trở về trước, áp dụng theo mức 1.

* Xe có năm sản xuất từ 2009 trở về sau, áp dụng theo mức 2.

Từ ngày 1-1-2021

* Xe có năm sản xuất từ 1998 trở về trước, áp dụng theo mức 1.

* Xe có năm sản xuất từ 1999 trở về sau, áp dụng theo mức 2.

Các trung tâm đăng kiểm cũng cho hay, xe chạy dầu bị rớt kiểm định nhiều hơn loại xe chạy xăng và xe sử dụng lâu năm bị rớt kiểm định nhiều hơn so với xe mới. Tỉ lệ rớt đăng kiểm vì tiêu chuẩn khí thải trước tháng 1/2020 là khoảng 8-10%, nay tăng lên khoảng 13-15%. Nhiều xe rớt đăng kiểm do ống pô xe và bộ lọc gió quá bẩn vì bụi đóng nhiều, hoặc trong động cơ xe có nhiều bộ phận đã xuống cấp (pittông, xilanh…). Vì vậy, chủ xe nên bảo dưỡng xe định kỳ để đảm bảo tiêu chuẩn khí thải trước khi đưa xe đến trung tâm kiểm định.

Điều chỉnh quy hoạch trong Khu đô thị sáng tạo

Báo Thanh Niên cho hay, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP đã đề xuất UBND TP chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đối với 3 khu vực gồm Linh Trung, Tam Đa và Trường Thọ để tăng hiệu quả khai thác, sử dụng đất đô thị, thu hút đầu tư, sớm triển khai các dự án trong Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông thành phố.

TP.HCM dự kiến điều chỉnh 3 khu vực phía Đông TP.HCM
TP.HCM dự kiến điều chỉnh 3 khu vực phía Đông TP.HCM

Cụ thể, khu Linh Trung kết nối Đại học Quốc gia và Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh điều chỉnh cục bộ 4 ô phố nằm trên địa phận P.Linh Trung (Q.Thủ Đức) với tổng diện tích gần 28 ha.

Đối với khu Tam Đa, Sở đề xuất điều chỉnh 1 ô phố có diện tích khoảng 25 ha thuộc P.Trường Thạnh (Q.9) thành trung tâm khu vực trọng điểm, có vị trí thuận lợi tiếp cận rạch, sông và đường Tam Đa hiện hữu. Riêng khu Trường Thọ có phạm vi điều chỉnh cục bộ 3 ô phố gồm A1, A2 và A5 (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức) với diện tích khoảng 8 ha.

Cảnh báo tai nạn đuối nước ở trẻ em

Ngày 25/5, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết gần đây bệnh viện liên tiếp nhận các trường hợp trẻ em bị tai nạn đuối nước. Cụ thể, tối 24/5, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu bé trai T.Đ.C (7 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân) vì tự ý trốn gia đình xuống hồ bơi ở chung cư dưới nhà và không may bị đuối nước.

Trước đó không lâu, Khoa Cấp cứu cũng tiếp nhận bé gái T.T.N.L. (3 tuổi, ngụ quận Tân Phú) bị đuối nước do ngã vào xô nước lớn trong nhà. Khi gia đình phát hiện, bé đã ngưng tim, ngưng thở, thao tác hồi sức tại chỗ không tốt khiến não bé không thể hồi phục.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bác sĩ Lê Thanh Tuyền, Khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng cho biết, trong 2 tuần đầu tháng 5, khoa này đã tiếp nhận 4 trường hợp đuối nước. Các bệnh nhi đều nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, may mắn chưa ghi nhận ca tử vong liên quan. Đáng ngại, có trường hợp 1 bé 17 tháng tuổi rơi xuống hồ bơi sau nhà.

Đây là thông tin cảnh báo được đăng tải trên báo Người Lao Động. Khi mà thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước.

Đuối nước thường xảy ra khi trẻ không biết bơi, trượt ngã xuống các ao, kênh rạch ở vùng quê. Hoặc có nhiều trẻ chủ động đi bơi tại các ao, kênh, rạch mà gia đình không quản lý được. Còn ở tại các thành phố lớn, những ngày cuối tuần, phụ huynh thường cho con đi hồ bơi. Dù tại các hồ bơi có cứu hộ viên nhưng không thể quan sát tỉ mỉ hết từng bé. Do đó, phụ huynh, người nhà cho trẻ đi bơi phải giám sát trẻ cẩn thận, đặc biệt các bé chưa biết bơi.

Ngoài ra, ở các thành phố lớn, trẻ em cũng thường xuyên bơi ở các hồ bơi công cộng của chung cư. Những nơi này không có cứu hộ viên mà thường chỉ có bảo vệ chung cư, phụ huynh nên lưu ý không cho trẻ xuống hồ bơi một mình, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Mùa mưa ở TP.HCM, Nam bộ năm nay sẽ có ‘hạn bà chằn’

Thông tin từ báo Thanh Niên, chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan dự báo vì biến đổi khí hậu, mùa mưa năm nay TP.Hồ Chí Minh, Nam bộ sẽ xuất hiện nhiều cơn mưa lớn, gây ngập mênh mông. Ngoài ra cũng có 2 đợt ‘hạn bà chằn’ xuất hiện trong mùa mưa.

Đã vào mùa mưa nhưng từ sáng đến trưa TP.Hồ Chí Minh, Nam bộ thường nắng nóng oi bức là hiện tượng bình thường. Theo bà Lan, đặc điểm mưa của miền Nam là mưa dông nhiệt. Có nghĩa là ban ngày, mặt đất nóng lên bởi bức xạ mặt trời, hơi nước bốc lên nhanh rồi lên các tầng cao của khí quyển hình thành mây. Do vậy, mưa thường xuất hiện vào buổi chiều.

Đường Phạm Văn Đồng ngập mênh mông sau mưa lớn/ ẢNH: PHẠM HỮU
Đường Phạm Văn Đồng ngập mênh mông sau mưa lớn/ ẢNH: PHẠM HỮU

Bà Lan giải thích, Nam bộ thường sáng nắng chiều mưa là do gió mùa Tây Nam đưa hơi ẩm từ các vùng biển Ấn Độ Dương, Vịnh Thái Lan, phía Nam của biển Đông. Đặc điểm của mùa mưa mà người dân dễ cảm nhận nhất là trước khi vào cơn mưa trời rất oi, nhiệt độ không quá cao nhưng oi bức khó chịu.

Năm nay Nam bộ bắt đầu vào mùa mưa rồi nhưng hơi trễ so với trung bình nhiều năm. Dù nhiệt độ không quá gay gắt nhưng người dân luôn cảm thấy khó chịu, bà Lan cho rằng đó là đặc điểm của Nam bộ, phải có giai đoạn này thì mới vào mùa mưa được.

Bà Lan cho biết thêm, mùa mưa năm nay người dân TP. Hồ Chí Minh và Nam bộ cần lưu ý sẽ có những cơn mưa to. Thông thường, mưa sẽ xuất hiện vào liên tiếp hai, ba buổi chiều sau đó giảm, nơi khác lại tăng. Đặc biệt, người dân cần lưu ý những hiện tượng thời tiết cực đoan như cơn mưa lớn, dông sét...

“Những hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra với cường độ mạnh. Hiện tượng này còn được xem là thiên tai cỡ nhỏ, cỡ vừa, rất bất chợt không dự báo được. Vì thế, người dân cần biết thấy trời dông gió phải tự bảo vệ lấy mình” – Bà Lan chia sẻ.

Theo đó, hiện tượng thời tiết này thường xảy ra trong giai đoạn đầu mùa mưa. Qua tháng 6 mưa sẽ giảm rồi lại sẽ có đợt khác. Dự báo 10 ngày đầu tháng 6 có những cơn mưa dông hoặc mưa lớn, giữa tháng 6 có thể xuất hiện “hạn bà chằn” – từ ngữ dân gian chỉ hiện tượng giữa mùa mưa bỗng nhiên mưa giảm hẳn đi rồi nắng, oi nóng trở lại, sau những ngày này thì có khả năng xuất hiện dông sét, lốc xoáy.

Dự báo năm nay sẽ có nhiều cơn mưa lớn xuất hiện gây ngập ở TP.HCM và Cần ThơẢNH: PHẠM HỮU
Dự báo năm nay sẽ có nhiều cơn mưa lớn xuất hiện gây ngập ở TP.HCM và Cần ThơẢNH: PHẠM HỮU

Dự báo mùa mưa năm nay sẽ xuất hiện 2 đợt là tháng 6 và tháng 8. Sau hai đợt hạn này, thường xuất hiện mưa to gây ngập.

Từ tháng 7 trở đi, triều cường dâng cao hơn, TP sẽ có tình trạng ngập mênh mông do mưa kết hợp triều cường. Mưa thường xuất hiện chiều tối - thời điểm trời nhá nhem.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục