Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được thực hiện xét nghiệm Covid-19
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Chiều 26/2, Bộ Y tế đã ra Quyết định cho phép thực hiện xét nghiệm chủng mới của virus Corona (Covid-19) đối với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, 2 đơn vị này có nhiệm vụ làm xét nghiệm sàng lọc và khẳng định Covid-19 theo các quy định hiện hành.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, đây là tin vui không chỉ của riêng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP mà của cả các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP.
Quyết định này không những góp phần giảm tải cho Khoa xét nghiệm của Viện Pasteur TP mà còn rút ngắn thời gian trả lời kết quả cho các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP.
Sở Y tế sẽ ban hành văn bản hướng dẫn các bệnh viện trực thuộc Sở về chỉ định và gửi mẫu bệnh phẩm đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP để thực hiện xét nghiệm Covid-19 trong thời gian sớm nhất.
Lập báo cáo về giải pháp khơi thông điểm nghẽn tăng trưởng của Thành phố
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Theo đó, Thủ tướng giao ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế và các ông: Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT; Trần Du Lịch; Trần Hoàng Ngân sớm chuẩn bị và có báo cáo về các giải pháp khơi thông các điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế của TPHCM và chủ trương, đường lối phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính của khu vực; trình Thủ tướng trước ngày 30/4/2020.
Thủ tướng cũng yêu cầu tổ tư vấn và các thành viên tập trung thực hiện theo dõi sát diễn biến tình hình trong và ngoài nước, phát hiện những vấn đề mới phát sinh để kịp thời tư vấn với Thủ tướng những giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, những điều chỉnh chính sách trước tình hình mới.
(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng)
Đồng bộ nhiều giải pháp để giảm ùn tắc
Thông tin trên báo điện tử Vietnamplus: Dù đã cải thiện trong thời gian qua nhưng tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Nhiều giải pháp được triển khai nhưng một số khu vực gần như không chuyển biến do nhiều nguyên nhân như mật độ xây dựng nhà ở tăng cao, mật độ phương tiện giao thông tăng, áp lực tăng dân số cơ học, hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu; trong đó, nguồn lực đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020 chỉ ước chỉ đạt khoảng 24% so với mục tiêu, đặt ra cho ngành giao thông thành phố phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện tình hình.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết Thành phố sẽ triển khai các giải pháp, đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, kết nối các phương thức vận tải, nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng.
Đồng thời, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt chẽ điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, nhất là khu vực nội thành; quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng, bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện… phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.
Mặt khác, Sở Giao thông Vận tải cũng có kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận cơ bản khung giải pháp của Đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh."
Về lâu dài, sau khi Đề án được thông qua, Sở Giao thông Vận tải sẽ khẩn trương triển khai các nhóm giải pháp theo từng giai đoạn để từng bước tăng khối lượng vận tải hành khách công cộng, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải cũng tập trung tổ chức phân luồng khu vực trung tâm Thành phố theo hướng hạn chế xe tải lưu thông ban ngày, cấm xe khách lưu thông một số tuyến đường; cấm xe sơmi rơmóoc lưu thông vào một số tuyến đường vào ban đêm.
Đây là những giải pháp kết hợp nhằm giải quyết bài toán giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế.
Nguồn cung căn hộ mới tiếp tục khan hiếm
Mặc dù chính quyền đang có những động thái tích cực nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án nhưng thực tế, những tháng đầu năm 2020 vẫn chưa có nhiều dự án mới được giới thiệu ra thị trường. Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoRE), trong năm 2019 tại Thành phố, nguồn cung dự án sụt giảm mạnh ở tất cả các phân khúc, riêng phân khúc căn hộ chỉ có 47 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Báo cáo cũng cho thấy trong năm qua, giá nhà tăng cao, trong đó giá của căn hộ chung cư tăng từ 15%-20%, cá biệt có những dự án tăng đến gần 40%.
Không nằm ngoài dư chấn đó, khu Đông Bắc Thành phố vốn là thị trường sôi động cũng trở nên trầm lắng suốt thời gian dài. Thời điểm 2-3 năm trước, các dự án căn hộ được chào bán mới liên tục, đặc biệt “điểm nóng” đổ dồn về dọc theo trục đại lộ Phạm Văn Đồng tạo nên một thị trường vô cùng sôi động. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giao dịch căn hộ trên trục đường này chủ yếu diễn ra ở thị trường thứ cấp. Dự án mới “vắng bóng”, một số dự án nằm trên trục đường này mở bán một vài năm trước 2019 đến nay đều đã tăng giá trị.
Năm 2020 tiếp tục được dự báo là một năm nhiều thách thức đối với thị trường bất động sản Thành phố. Nguồn cung mới có thể vẫn ở trong tình trạng khan hiếm không chỉ khiến doanh nghiệp giảm cơ hội kinh doanh mà còn có thể kéo theo việc mặt bằng giá bất động sản khó có thể điều chỉnh giảm. Theo đó, người mua nhà có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, không chỉ do vấn đề tài chính mà còn do không có nhiều sản phẩm tốt để lựa chọn. Đặc biệt, người mua nhà trong thời điểm này tỏ ra hết sức cẩn trọng, chỉ “chọn mặt gửi vàng” những dự án có pháp lý hoàn chỉnh, dù để an cư hay đầu tư.
(Theo báo Người Lao Động).
Nghiên cứu làm nhà trọ cho công nhân, sinh viên
Cũng trên báo Người Lao Động, ngày 26/2, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đã làm việc tại Sở Xây dựng TP để khảo sát về tình hình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết nguyên nhân do tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh, trung bình 5 năm TP đón nhận thêm 1 triệu người. Để hạn chế tối đa người dân nhập cư xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, đất đang quy hoạch, Sở Xây dựng TP đang thực hiện đề án hướng dẫn các hộ gia đình phát triển nhà trọ cho công nhân và sinh viên.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ qua nhiều lần tiếp xúc với người dân mới thấu hiểu được nỗi lòng và lý do tại sao biết xây nhà không phép, sai phép vẫn nhắm mắt làm liều. "Nhưng rồi làm liều đối mặt cảnh đập bỏ. Nhìn xót xa lắm. Gây lãng phí xã hội ghê gớm. Nói một cách dễ hiểu, xây dựng không phép thiệt hại cho người nghèo và làm giàu cho đầu nậu và giới cò nhà đất" - bà Tâm bày tỏ và đề nghị TP ngăn chặn xây dựng không phép ngay từ đầu, nghiên cứu tạo chỗ ở ổn định cho người có thu nhập thấp một cách căn cơ, bài bản.
Chợ “cóc” tràn xuống Quốc lộ 1A
Thời gian gần đây, trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn chạy qua địa bàn quận Bình Tân xuất hiện các khu chợ “cóc” bày hàng hoá tràn xuống cả lòng đường, khiến các phương tiện phải lách ra làn đường ôtô đang di chuyển tốc độ cao.’
Theo ghi nhận của phóng viên báo Lao Động, chiều ngày 25.2, trên đoạn đường từ vòng xoay An Lạc đến khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), có khá nhiều người dân buôn bán thực phẩm tràn xuống lòng đường dành cho phương tiện tham gia giao thông.
Hàng hoá được bày bán chủ yếu là thịt, cá, tôm, rau quả,... Đáng chú ý, người bán hàng ngang nhiên ngồi giữa lòng đường. Do đó, nguy cơ xảy ra va chạm giữa người bán hàng với các phương tiện tham gia giao thông là rất lớn.
Ngay cạnh đó, hầm chui dân sinh QL1A dành cho các phương tiện có chiều cao dưới 2m cũng bị người dân bán hàng rong lấn chiếm bán hàng
Ông Nguyễn Văn Tuấn (45 tuổi, ở số 103 Hồ Ngọc Lãm, quận Bình Tân) bức xúc nói: "Đây là hầm dân sinh dành cho người đi đường chứ không phải cái chợ "cóc". Mỗi lần tôi lái ôtô chui qua hầm để về nhà đều phải bấm còi, chờ đợi họ di chuyển. Hơn nữa, họ còn dùng loa bật to để rao bán hàng rong, gây mất trật tự kinh khủng.
Món ăn thời “giải cứu”: Bún dưa hấu và bánh tráng thanh long
Theo ông Lê Duy Toàn - Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Duy Anh (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi), từ suy nghĩ đơn thuần giúp "giải cứu" dưa hấu và thanh long do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đơn vị đã nghiên cứu thành công loại bún dưa hấu và bánh tráng thanh long mới lạ và bất ngờ được khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc "ghiền" ngay sau khi chào hàng.
Theo ông Toàn, công ty có kinh nghiệm kết hợp nhiều loại nguyên liệu như khoai lang, củ dền, cải bó xôi để sản xuất bánh tráng, bún, phở, riêng dưa hấu và thanh long thì chưa. Do vậy, phải qua hơn 10 ngày nghiên cứu và 8 lần chỉnh sửa mới ra sản phẩm hoàn thiện.
"Dưa hấu có màu sắc, độ ngọt không đồng đều, làm sao để xác định được tỉ lệ dưa với gạo phù hợp, cho ra sợi bún có chất lượng tốt, đồng đều. Ngoài ra, phải đảm bảo sợi bún, bánh tráng không bị cứng khi luộc", ông Duy Toàn chia sẻ.
Theo đó, dưa hấu từ Long An và Gia Lai, thanh long từ Bình Thuận sau khi nhập về được lột sạch vỏ, tách hạt, xay nhuyễn rồi trộn chung với bột gạo và gia vị với liều lượng phù hợp để chế biến. Riêng bún dưa hấu có công thức: 40% nước ép dưa hấu (thay cho nước lọc trước đây) và 60% còn lại là bột gạo và các gia vị phù hợp để trộn chung.
Theo đơn vị này, dự kiến giá bán cho thị trường nội địa sẽ ở mức chia sẻ: bún dưa hấu 10.000-12.000 đồng/gói 200g và bánh tráng thanh long là 15.000 đồng/gói 200g, cao hơn loại bình thường (chỉ dùng bột gạo) 5.000 đồng/gói.
Riêng thị trường xuất khẩu khá ưa chuộng sản phẩm này, đặc biệt khách Hàn Quốc và Nhật Bản thích dùng bánh tráng, bún này nhờ vị khác lạ để cuốn thịt nướng, ăn với sushi.
Thời gian tới đơn vị này sẽ tiếp tục nghiên cứu áp dụng thêm các sản phẩm tương tự. Riêng mì, phở, bánh tráng sử dụng nguyên liệu dưa hấu, thanh long sẽ đưa vào thành sản phẩm chính của công ty, thay vì chỉ làm để "giải cứu". Đây cũng chính là một hướng đi mới tạo thêm đầu ra cho nông sản Việt Nam.
(Theo báo Tuổi Trẻ).
"Lòng tử tế đã cứu chúng tôi...!"
Đó là nội dung bài viết được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ số ra sáng nay. Giữa lúc nóng bỏng bởi Covid-19, có một dòng suối mát lành chảy vào tâm hồn những người bác sĩ. Đó chính là những cánh thư từ người bệnh, nó giản dị mộc mạc nhưng quý giá hơn cả tiền bạc, cao lương mỹ vị…
Một tuần trước ngày Thầy thuốc Việt Nam, có một bức thư khiến nhiều người xúc động. Ấy là bức thư được viết lên từ sâu thẳm đáy lòng của hai cha con người Trung Quốc nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam gửi lời cảm ơn đến các nhân viên y tế cứu sống mình.
“Chúng tôi đã rời bệnh viện được ba ngày rồi nhưng tâm trí dường như vẫn còn ở lại bệnh viện, nơi cha con tôi không thể nào quên được những ấn tượng tươi đẹp và sâu sắc mà các y, bác sĩ của Chợ rẫy đã để lại. Chúng tôi cảm nhận được chính lòng tử tế của các bạn đã cứu chúng tôi và chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi. Chúng tôi muốn hét lên từ tận đáy lòng mình rằng: Cảm ơn Việt Nam”, bức thư viết.
Không chỉ một, hai thư mà nhiều thư. Tập thể các y bác sĩ Việt Nam từng nhận được nhiều thư chứa chan tình cảm biết ơn. Đến bây giờ bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu (Bệnh viện Chợ Rẫy) vẫn còn lưu giữ những bức thư nay đã ngã màu ố vàng theo thời gian từ người bệnh. Trong ký ức chắp vá của một người đau bệnh, bác sĩ Thu không chỉ là “ân nhân cứu mạng”, hình ảnh vị bác sĩ được người bệnh khắc nhớ qua những việc làm thật giản dị. “BS Thu đêm nào cũng lên lầu 10 chăm sóc cho Tý, nhất là lúc Tý bị tiêu chảy. Nhớ có lần Tý được BS Thu buộc tóc, và còn nói gội đầu cho Tý nữa. Cuộc đời Tý sẽ không bao giờ quên”.
Bệnh tật bám riết nhưng khi được điều trị khỏi, bệnh nhân N.H.P. (44 tuổi) như trút bỏ được gánh nặng bấy lâu nay. Ngày xuất viện chính là ngày ông cảm thấy “rất vui sướng” và bảo cần phải viết lá thư gửi lại các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân để tỏ lòng cảm ơn. “Không có các bác sĩ chắc chắn đã không có ca mổ này” – ông viết.
Rồi khi quyết định viết lá thư cảm ơn các y bác sĩ Bệnh viện ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh, điều mà bà H.T. (Vũng Tàu) nhắc đến nhiều nhất không chỉ là tài năng mà từ các cử chỉ, lời ăn tiếng nói của nhân viên y tế. Đó là hành động vỗ vỗ vào bàn tay, kéo chăn cho mỗi người bệnh hay lời động viên “cố gắng lên nhé”. Chính nhờ những lời nói ân tình ấy, mà bà T. cũng như bao bệnh nhân khác đã có thêm điểm tựa tinh thần, có thêm niềm tin chiến thắng bệnh hiểm nghèo.