Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 27/4/2020

10:11 27/04/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 27/4/2020:

Vì sao mưa đá bất ngờ xuất hiện ở quận 12?

Trao đổi phóng viên Báo Người Lao Động, Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (Chuyên gia dự báo Khí tượng) lý giải: "Đây là thời tiết chuyển mùa".

Mưa đá xuất hiện ở quận 12, TP HCM vào chiều 25-4- Ảnh: Thu Hồng
Mưa đá xuất hiện ở quận 12, TP HCM vào chiều 25-4- Ảnh: Thu Hồng

Cụ thể, ngay thời điểm này nắng gắt đang bao trùm toàn bộ khu vực Nam Bộ, biên độ nhiệt từ 37-38 độ C. Từ việc khô hạn này sẽ tạo điều kiện để những đám mây ở độ cao 7.000-8.000m đối lưu và tạo thành tinh thể băng. Nhiệt lực mạnh khiến chúng rơi xuống đất gây ra mưa đá.

Đây không phải là lần đầu tiên TP. Hồ Chí Minh đón nhận hiện tượng này. Trong vòng 10 năm qua tình trạng này thường xuyên xuất hiện, có đợt mưa đá to gần 2cm. Việc xảy ra mưa đá vào thời điểm này không phải là hiện tượng lạ. Bởi Nam Bộ đang chuẩn bị chuyển từ mùa khô sang mùa mưa. Thời gian này thời tiết sẽ thay đổi liên tục và thất thường.

Theo Đài khí tượng Thuỷ văn Khu vực Nam Bộ việc dự báo chính xác về vũ lượng cũng như hiện tượng mưa hiện nay gặp nhiều khó khăn. Các nước trên thế giới cũng chưa có thiết bị nào dự báo chính xác và tất cả dựa hệ thống radar đo được khi thấy những đám mây xuất hiện. 

Báo động nguy cơ sạt lở ở TP. Hồ Chí Minh

Theo báo Người Lao Động, từ đầu tháng 4, TP. Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn mực nước chân triều cường rút thấp nhất trong năm và sẽ kéo dài đến tháng 9. Đây là thời điểm có nguy cơ sạt lở cao nhất trong năm.

Nhiều căn nhà, hàng quán xây dựng sát mép sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi về phía thượng lưu thuộc địa bàn quận Thủ Đức
Nhiều căn nhà, hàng quán xây dựng sát mép sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi về phía thượng lưu thuộc địa bàn quận Thủ Đức

Trong khi các địa phương và nhiều đơn vị liên quan đang gấp rút kiểm tra, rà soát toàn bộ vị trí có nguy cơ sạt lở trên địa bàn TP nhằm phân loại, lên phương án giải quyết thì tại nhiều nơi, không ít hộ dân vẫn bất chấp những cảnh báo.

Ven sông Sài Gòn đoạn qua các quận 2, Thủ Đức, Bình Thạnh… nhiều nơi dù đã có những bảng cảnh báo khu vực sạt lở nhưng quanh đó, việc sinh hoạt, thậm chí kinh doanh vẫn diễn ra bình thường.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, vào khoảng giữa năm, triều cường lên đỉnh và rút rất nhanh, cộng với thời điểm mùa mưa khiến nguy cơ sạt lở càng lớn. Ở những đoạn bờ sông gấp khúc, mật độ phương tiện thủy cao nên khi thủy văn biến động mạnh thì gây ra những hố xoáy xói mòn vào đất liền.

Một nguyên nhân cũng tác động không nhỏ là tình trạng lấn chiếm bờ sông, kênh rạch, khai thác cát trái phép… làm biến đổi dòng chảy. Thực trạng trên không được giải quyết triệt để, dẫn đến hiện tượng sạt lở vẫn luôn phức tạp.

Khó xử với… học trực tuyến

Thông tin trên báo Tuổi Trẻ cho biết, Sở GD&ĐT TP vừa có văn bản gửi UBND TP báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 với ngành giáo dục TP.

Trong báo cáo này, Sở GD&ĐT đề cập đến những khó khăn khi dạy học hình thức trực tuyến, truyền hình. “Dịch bệnh đã khiến cho tất cả giáo viên, cán bộ quản lý các trường phải áp dụng hình thức dạy trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong tình trạng chưa sẵn sàng, thiếu chuẩn bị các điều kiện để triển khai tốt nhất việc dạy học theo hình thức này” - báo cáo nêu.

Học sinh học trực tuyến cần có sự hỗ trợ của phụ huynh - Ảnh: NHƯ HÙNG/TTO
Học sinh học trực tuyến cần có sự hỗ trợ của phụ huynh - Ảnh: NHƯ HÙNG/TTO

Còn với học sinh, ở bậc tiểu học “độ tuổi còn nhỏ nên chưa thật sự phù hợp với học trực tuyến khi không có sự hỗ trợ của phụ huynh”. Ở bậc phổ thông, tỉ lệ học trực tuyến đạt từ trên 50% đến 80% tăng theo số lớp từ lớp 6 đến lớp 12.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, trong thời gian chờ ngày học sinh quay lại trường, giáo viên TP vẫn tiếp tục triển khai dạy - học trực tuyến. Tuy nhiên, khi học sinh đi học lại, các trường sẽ có thời gian 1-2 tuần để ôn tập, củng cố kiến thức đã dạy trực tuyến, rồi sau đó mới dạy tiếp bài mới.

Riêng đối với những học sinh chưa học trực tuyến, nhà trường sẽ dành thời gian nhiều hơn để phụ đạo, hướng dẫn học sinh tự học, bảo đảm các em nắm được kiến thức chuẩn của chương trình.

Buýt trường học: Chưa phát triển ở khu vực nội thành

Gần 19 năm loại hình đưa rước học sinh bằng xe buýt được triển khai trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đến nay đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của một bộ phận đối tượng học sinh khu vực ngoại thành. Hiện tại, ngành GTVT đang nỗ lực tìm giải pháp thu hút học sinh khu vực nội thành lựa chọn phương tiện đưa rước này. Nội dung thông tin trên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Học sinh Trường THCS Minh Đức, quận 1 đi xe buýt. Ảnh: CAO THĂNG
Học sinh Trường THCS Minh Đức, quận 1 đi xe buýt. Ảnh: CAO THĂNG

Số liệu thống kê từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (TTQLGTCC), chỉ có 10/24 quận huyện có trường học tham gia đưa rước học sinh bằng xe buýt, tập trung nhiều hơn tại khu vực ngoại thành thuộc quận 9 và các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè... Nguyên do là hầu hết gia đình sống ở khu vực này điều kiện kinh tế còn khó khăn, học sinh không có phương tiện đi lại hoặc phụ huynh không có điều kiện đưa rước.

Ở chiều ngược lại, năm học 2019-2020, toàn bộ các quận khu vực nội thành đều không có trường đăng ký tham gia đưa rước học sinh bằng xe buýt.

Với mong muốn thu hút sự tham gia chương trình đưa rước học sinh bằng xe buýt hợp đồng từ các trường học và đối tượng học sinh, TTQLGTCC đã tìm kiếm nhiều phương cách để nâng cao tiện ích, tiện nghi phục vụ.

Trước khi bắt đầu năm học 2019-2020, ngành GTVT TP đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt tỷ lệ 15% khối lượng học sinh tham gia đi học bằng xe buýt. Đây là mục tiêu không dễ đạt được, nếu chỉ đặt hết trách nhiệm vào một mình ngành GTVT, mà cần có sự tham gia, hưởng ứng của các sở ban ngành chức năng thành phố, như Sở GD-ĐT, Sở Tài chính, Thành đoàn TP, chính quyền các quận huyện…

Lặng thầm những chuyến xe vận chuyển bệnh nhân trong đợt dịch COVID-19

Là một mắt xích không thể thiếu trong toàn bộ quy trình chống dịch Covid-19, ngoài nhiệm vụ vận chuyển cấp cứu người bệnh, trong mùa dịch Covid -19, Trung tâm Cấp cứu 115 TP. Hồ Chí Minh kiêm luôn nhiệm vụ vận chuyển người mắc bệnh và người nghi ngờ mắc bệnh đến các khu điều trị.

Cường độ làm việc dày đặc không kể ngày đêm, di chuyển liên tục giữa nắng nóng suốt quãng đường dài, không được dừng lại để ăn uống, vệ sinh cá nhân…, do đó, nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 được gọi là những “người vận chuyển” âm thầm trong đại dịch. Báo điện tử Vietnamplus đăng tải.

Nhân viên y tế theo dõi tình hình sức khỏe người cách ly tại khu cách ly Trung tâm quận 2. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Nhân viên y tế theo dõi tình hình sức khỏe người cách ly tại khu cách ly Trung tâm quận 2. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Bác sỹ Đỗ Ngọc Chánh - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết: "Là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam lên kế hoạch ứng phó, chúng tôi nhận thức được rằng địa bàn TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ cao và chúng tôi sẽ là những người đầu tiên tiếp cận người bệnh nên phải chuẩn bị từ sớm”.

12 giờ, sau khi hoàn thành xong một chuyến xe chở người nghi mắc đến Khu cách ly Củ Chi trở về, anh Võ Lâm Khôi Nguyên vội khử khuẩn xe, vệ sinh cá nhân và trở về phòng dành riêng cho tài xế ăn. Hộp cơm nhờ đồng nghiệp mua giùm đã nguội ngắt, anh Nguyên nuốt vội. “Phải ăn nhanh để nếu lỡ có cuộc gọi khẩn còn kịp lên đường."

23 giờ, số điện thoại Tổng đài 115 vẫn reo vang liên tục không ngừng. Nhận lệnh, một êkíp gồm một tài xế, một điều dưỡng lại lên đường. Quá trình vận chuyển hoàn tất, quay trở về Trung tâm, khử khuẩn toàn bộ phương tiện, đồng hồ đã chỉ 5 giờ ngày hôm sau. Một ngày mới lại bắt đầu. Một đêm không ngủ.

Trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, hàng trăm chuyến xe như thế đã được đội ngũ cán bộ y tế, nhân viên lái xe của Trung tâm Cấp cứu 115 TP thực hiện với nhiệm vụ đưa người nhiễm, người nghi ngờ đến nơi điều trị an toàn bất kể ngày hay đêm. Chỉ cần một thông báo, họ lập tức lên đường.

Thầy giáo về hưu truyền cảm hứng chống dịch COVID-19 qua tranh vẽ

Những bức tranh cổ động chống dịch Covid-19 được thầy giáo về hưu Trần Minh Lý (62 tuổi, quận 2) trưng bày ngay tại phòng khách, gây ấn tượng cho người nhìn khi vừa bước vào nhà. 

Chia sẻ với phóng viên báo Lao Động về ý tưởng vẽ tranh cổ động, ông Trần Minh Lý nói: "Trong những ngày đầu thành phố thực hiện lệnh cách ly xã hội, tôi thường xem báo đài và nhìn thấy hình ảnh thành phố đang cùng nhau chống dịch.

"Chung tay chiến thắng bệnh dịch" (bên phải) là tác phẩm đầu tiên và tâm đắc nhất của ông Trần Minh Lý. Ảnh: Thanh Chân.
"Chung tay chiến thắng bệnh dịch" (bên phải) là tác phẩm đầu tiên và tâm đắc nhất của ông Trần Minh Lý. Ảnh: Thanh Chân.

Đặc biệt, những hình ảnh vội ngủ, vội ăn bữa cơm của các y bác sĩ cùng những giây phút căng mình chống dịch đã gây xúc động với tôi. Đó là một cảm xúc khó tả và tôi muốn đưa những hình ảnh y bác sĩ lên tác phẩm nghệ thuật của mình. Vẽ tranh cũng là sự góp sức nhỏ của tôi để tri ân đội ngũ y bác sĩ". 

Bức tranh tâm đắc nhất của ông với tên gọi "Chung tay chiến thắng bệnh dịch" được vẽ trên nền vải bằng màu acrylic và hoàn thiện trong khoảng 5-6 ngày, khắc họa hai bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.  

Mục đích vẽ tranh ban đầu chỉ để truyền cảm xúc của cá nhân đến cho người thân trong gia đình. Tuy nhiên, những bức tranh cùng thông điệp ý nghĩa đã lan tỏa khắp cộng đồng. 

Người tốt lúc nửa đêm

Đó là tiêu đề phóng sự được đăng tải trên chuyên mục Sống tử tế của báo Tuổi Trẻ.

23h55, ở quốc lộ 13 gần cầu vượt ngã tư Bình Phước (quận Thủ Đức), một người đàn ông mặc áo xe ôm công nghệ thất thểu dắt xe máy đi bộ. Người đàn ông khác chạy xe Dream chở thùng đồ nghề có ghi chữ “Vá xe, đổ xăng miễn phí” ghé lại hỏi thăm.

Sau khi biết người chạy xe ôm công nghệ bị cán đinh, dắt bộ hơn 1km mà không có tiệm sửa xe nào, người đàn ông chở thùng đồ nghề đề nghị hỗ trợ.

Sau một hồi loay hoay, một chiếc đinh được tìm thấy trong ruột xe. Vì cái ruột xe đã quá mòn nên người này thay luôn cái ruột xe mới miễn phí cho người xe ôm.

Chưa kịp cất đồ nghề, một người thanh niên lững thững dắt xe tới nhờ tăng sên, người đàn ông lại mang đồ nghề ra để “hành nghề” miễn phí.

Ông chia sẻ “Khoảng 2 giờ sáng tui mới về nhà, cứ chạy lòng vòng vậy đó. Gặp ai thì giúp”. Ông nói thêm: “Gặp được, giúp được người ta tui mừng lắm. Chủ ý của mình đi là giúp người ta mau sớm về với gia đình. Đêm hôm khuya khoắt mà phải đẩy bộ ngoài đường cực lắm. Bữa nào đi mà không gặp ai, tui buồn chứ không vui vì biết ngày nào cũng có người hư xe, chứ không phải không có”.

Người đàn ông tốt bụng ấy tên Lê Thanh Tùng, 43 tuổi, làm nghề lái xe tải. Gần hai năm nay, tối nào cũng vậy, cứ sau 20h ông lại xách xe máy chạy quanh những tuyến đường huyết mạch trong thành phố, gặp ai hết xăng, thủng lốp… thì giúp, không lấy tiền.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục