TP. Hồ Chí Minh không thiếu xăng dầu
Trước thông tin TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ thiếu xăng dầu, cũng như những ngày qua xuất hiện một số cửa hàng phải đóng cửa vài giờ trong ngày do không nhập được hàng, chiều 26/5, đại diện Sở Công thương TP khẳng định nguồn cung xăng dầu trên địa bàn vẫn dồi dào - Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin.
Cụ thể, hiện nay trên địa bàn TP có 545 cửa hàng kinh doanh xăng dầu; 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu; 43 thương nhân phân phối; 1 thương nhân làm tổng đại lý và 16 đại lý bán lẻ. Các đơn vị này hiện vẫn hoạt động bình thường với sản lượng tiêu thụ ở mức 200.000m³/tháng (6.500m³/ngày).
Bên cạnh đó, tổng sản lượng sản xuất của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong quý 2/2020 dự kiến khoảng 3.033.807 tấn, cao hơn khoảng 200.000 tấn so với quý 1/2020. Đây cũng là cơ sở để khẳng định nguồn xăng dầu không khan hiếm.
Liên quan vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông vừa ký 04 văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị liên quan đề nghị bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường và kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, Vụ Thị trường trong nước đề nghị Sở công thương các tỉnh, thành phố giám sát chặt việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp…; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm.
Theo quy định hiện hành, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, vì vậy nếu cửa hàng muốn đóng cửa nghỉ bán phải xin phép trước 30 ngày và phải được sự đồng ý của cơ quan chức năng, nếu không chấp hành sẽ bị phạt tiền và phạt bổ sung tước giấy phép 03 tháng.
Mối nguy từ cây đổ do bật gốc trong mùa mưa
Mùa mưa đã tới, người dân TP. Hồ Chí Minh tỏ ra lo ngại về nguy cơ cây xanh hai bên đường phố, trường học, công viên… có thể bật rễ đổ xuống bất cứ lúc nào. Nhất là những năm gần đây, không ít vụ tai nạn dẫn đến thương vong mà nguyên nhân chính là từ thực trạng trên. Đó là nội dung bài viết trên báo Pháp Luật TP.
Theo ghi nhận, các tuyến đường ở quận 1, quận 3 như Trần Hưng Đạo, Huyền Trân Công Chúa, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch… hàng cây xanh hai bên đường chủ yếu là cây cổ thụ. Đáng chú ý, một số cây rễ đã trồi lên khỏi mặt đất, có cây rễ bung ra khiến khối bê tông gần cây có dấu hiệu nứt, vỡ.
Theo ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP, hiện nay cây xanh ở TP do nhiều đơn vị tham gia duy tu, chăm sóc. Trước mùa mưa bão, công ty xử lý những cây thuộc công ty quản lý như lấy nhánh… để hạn chế cây bật gốc, đồng thời đánh giá luôn tình trạng cây có nguy hiểm không, sau đó làm báo cáo đề xuất qua đơn vị quản lý để cùng phối hợp xử lý, nếu cây nào nguy hiểm sẽ đốn hạ.
Ông Phương khuyến cáo khi mưa to kèm theo giông lốc, người dân cần hạn chế ra đường nếu không có công việc thật sự cần thiết. Trong trường hợp người dân đang đi trên đường, nếu thấy có tình trạng giông lốc thì nên tìm nơi trú ẩn.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, TP cần có những chính sách phù hợp để hạn chế thấp nhất mức độ rủi ro khi trồng cây xanh trên đường phố cũng như các công viên, trường học trên địa bàn. Đồng thời, TP cũng cần có nguồn ngân sách riêng để các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra.
Theo ông Sơn, về luật pháp, TP nên tham khảo chính sách của nước ngoài về việc cây cối gãy, đổ ngoài đường, nếu cành gãy rơi trúng xe hoặc người thì sẽ bồi thường cho người bị nạn như thế nào. Đồng thời, đơn vị quản lý cần có đội ngũ chuyên gia đánh giá cây xanh có nguy cơ gãy, đổ, sau đó có biện pháp xử lý kịp thời, đặc biệt trước mùa mưa bão.
1022 là tổng đài để người dân gọi khi có sự cố về cây xanh. Khi có bất kỳ sự cố gì về cây xanh đô thị như ngã, đổ, trốc gốc, nghiêng, gãy cành… thì người dân có thể gọi ngay tổng đài nói trên để được xử lý kịp thời.
Ông VŨ VĂN ĐIỆP, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP
Sau 10 ngày tổng kiểm soát: Hơn 11.000 xe bị xử phạt!
Theo báo Người Lao Động, chiều 26/5, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TP. Hồ Chí Minh thống kê cho thấy sau 10 ngày thực hiện tổng kiểm soát các loại xe, CSGT TP xử lý hơn 11.000 trường hợp, tạm giữ hàng ngàn xe, với tổng số tiền xử phạt gần 6 tỉ đồng.
Trong tổng số 22.686 phương tiện được kiểm soát, có đến 11.433 xe vi phạm. Nhiều nhất là xe máy, với 9.426 trường hợp; kế đến là ôtô con (874 xe), xe tải(404), xe khách (115)...
Đáng chú ý, các lỗi bị xử phạt nhiều nhất là vi phạm nồng độ cồn, với 1.115 trường hợp; chạy sai phần đường, làn đường (1.515 xe); vượt quá tốc độ (765 xe); vi phạm dừng xe, đỗ xe (1.179 trường hợp); chở quá khổ, quá tải (215 trường hợp)...
PC08 Công an TP cho biết đã ra quyết định xử phạt hơn 5,7 tỉ đồng, tạm giữ 2.040 phương tiện, tước quyền sử dùng giấy phép lái xe hơn 1.100 tài xế...
Theo kế hoạch chung của cả nước, PC08 Công an TP bắt đầu thực hiện tổng kiểm soát các loại xe trên địa bàn TP từ hôm 15/5. CSGT được phép dừng xe kiểm soát giấy tờ của người và phương tiện mà không cần có lỗi ban đầu. Đợt tổng kiểm soát này sẽ thực hiện đến hết ngày 14/6.
Y tế số hóa – Cuộc chuyển mình của các bệnh viện
Trong đợt cao điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, nhiều bệnh viện (BV) công lập và tư nhân tại TP đã tiên phong ứng dụng các kỹ thuật số hóa. Đây cũng là tiền đề để ngành y tế nỗ lực mang lại nhiều tiện ích hơn nữa cho người bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh (KCB)… Ghi nhận của phóng viên báo Giáo Dục TP.
Mùa dịch bệnh, ở nhà đăng ký khám bệnh online - Đó là tiện ích của ứng dụng “UMC - Đăng ký khám bệnh online” mà Bệnh viện ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã mang lại cho người bệnh. Ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh, iPad, máy tính bảng, tablet, cho phép người dùng đăng ký lấy số khám bệnh, đặt trước lịch khám mọi lúc mọi nơi, lựa chọn BS thăm khám.
Tại BV quận Thủ Đức, nơi mỗi ngày tiếp nhận trung bình 6.000 lượt KCB. Thời gian vừa qua, song song với nhiệm vụ chủ động phòng chống dịch bệnh, BV đã đồng loạt triển khai nhiều phương thức số hóa, bước đầu đã thay đổi thói quen KCB của người dân so với trước đây. Ghi nhận tại BV, nhiều ngày nay dù tình hình dịch bệnh đã có những khả quan tuy nhiên người dân vẫn thực hiện nghiêm ngặt quy trình khai báo y tế ngay tại cổng chính của BV thông qua 2 ki-ốt khai báo y tế tự động, quá trình khai báo chỉ mất khoảng vài giây. Đối với nhân viên y tế tại BV cũng nghiêm túc thực hiện khai báo y tế thường ngày ngay trên chiếc điện thoại nhỏ.
BV Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn từ năm 2018 đã triển khai nhiều phương thức số hóa, điển hình là phương thức “Tra cứu kết quả xét nghiệm online”, nhằm giúp người bệnh thuận tiện xem kết quả xét nghiệm mà không cần phải quay lại điểm hẹn để nhận kết quả bằng giấy và xem lại bất cứ khi nào bằng cách truy cập vào tài khoản riêng của mình, hoặc gửi cho người nhà cùng xem. Kết quả đó sẽ được lưu trữ trong lịch sử KCB, người bệnh sử dụng kết quả online để BS khám, kết luận và chỉ định điều trị. Đồng thời, tại BV cũng đã số hóa hồ sơ bệnh án, mọi quá trình KCB của người bệnh được lưu trữ trên hệ thống máy chủ của BV.
Tại BV Quốc tế City, người dân khi tham gia KCB đang tiếp cận với nhiều tiện ích từ công nghệ số. Bên cạnh đăng ký lịch trước khi đến khám đã được thực hiện từ nhiều năm nay giúp tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian chờ đợi, chủ động thời gian KCB; gần đây người dân đã được tư vấn bệnh từ xa, kết nối với BS nhanh chóng, hiệu quả thông qua điện thoại và các ứng dụng như Zalo, Facebook, Viber…
Vì sao xe buýt năm 2020 cần đến hơn 1.300 tỉ đồng từ ngân sách?
Đó là vấn đề được đặt ra trên báo Người Lao Động. Theo báo này, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Sở Tài chính TP đề xuất điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 thêm 161 tỉ đồng so với mức dự toán được thẩm định trước đó, nâng lên 1.311 tỉ đồng (làm tròn).
Sở GTVT TP cho biết số chuyến hoạt động trên các tuyến xe buýt năm 2020 được cân đối, cập nhật phù hợp với tình hình dịch Covid-19 và giai đoạn phục hồi đến cuối năm. Việc này nhằm hạn chế tối đa những phát sinh làm ảnh hưởng đến 4,5 triệu chuyến xe tối thiểu để đảm bảo hoạt động ổn định.
Vì vậy với xe buýt phổ thông, sau khi cập nhật giá nhiên liệu và tính toán sản lượng, doanh thu (với tỉ lệ tăng trưởng kỳ vọng bình quân 10% so với năm ngoái), tổng dự toán chi trợ giá cho xe buýt phổ thông năm nay là 1.178 tỉ đồng (làm tròn).
Trong khi với dự toán chi ngân sách trợ giá cho hoạt động đưa rước học sinh, sinh viên, phí dự phòng do phát sinh biến động giá nhiên liệu, tiền lương..., mức dự toán mới mà Sở GTVT đưa ra giảm 83 tỉ đồng so với thẩm định của Sở Tài chính trước đó, còn lại là 110 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT, dịch Covid-19 vừa qua đã tác động lớn đến hệ thống xe buýt, khiến khối lượng vận chuyển hành khách không thể thực hiện đủ theo kế hoạch. Vì vậy trong giai đoạn bị ảnh hưởng, Sở GTVT đề xuất hỗ trợ cho các đơn vị vận tải xe buýt tổng cộng hơn 22,5 tỉ đồng.
Sau khi rà soát toàn bộ các vấn đề nêu trên, có những mục giảm và mục tăng, Sở GTVT cập nhật lại tổng dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt tại TP năm 2020 và kiến nghị Sở Tài chính thẩm định thống nhất dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 theo mức mới cập nhật, qua đó báo cáo UBND TP xem xét bổ sung dự toán chi ngân sách thêm 161 tỉ đồng cho trợ giá xe buýt năm nay.
Sở này cũng nêu vấn đề nếu dự toán ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 vẫn ở mức 1.150 tỉ đồng như giao dự toán trước đó thì hệ thống xe buýt chỉ hoạt động đến khoảng giữa tháng 11, hoặc phải giảm xuống còn 85% số chuyến theo kế hoạch giai đoạn từ ngày 1/7 đến 31/12 năm nay (trong đó phải ngưng một số tuyến).
Vấn đề này được nhận định sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đi lại của người dân, nguy cơ phá vỡ tính liên thông và mạng lưới tuyến, tác động đến hoạt động của những tuyến xe buýt còn lại...