Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 28/2/2020

10:55 28/02/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 28/2/2020:

Kiểm tra chủ động, sai phạm sẽ ít đi

Phát biểu tại hội nghị Tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao việc tập trung kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với các tập thể (trong đó có kiểm tra ở huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và quận Thủ Đức) đã giúp xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy hơn. Qua kiểm tra cho thấy, nếu việc kiểm tra các cấp ủy được thực hiện sớm hơn sẽ giúp hạn chế sai phạm và số tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật sẽ ít đi.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí cũng chỉ ra rằng, một số cấp ủy còn chưa quyết liệt trong kiểm tra, giám sát cũng như chấn chỉnh sai phạm vì có nể nang. Do đó, đồng chí yêu cầu cần thực hiện nghiêm túc quy chế của ban chấp hành, ban thường vụ và thường trực quận - huyện ủy theo quy định.

Liên quan đến nhiệm vụ trong năm 2020, Bí thư Thành ủy Thành phố Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến các công tác phục vụ đại hội Đảng các cấp. Trong công tác này, ngành kiểm tra Đảng của TP phải nghiêm túc tổ chức quán triệt các văn bản của Trung ương về công tác kiểm tra trong năm 2020, nhất là các nội dung liên quan đến chuẩn bị đại hội Đảng các cấp.

Cùng với đó là việc tập trung kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng các cấp; giám sát quá trình xây dựng dự thảo nội dung của 44 dự án, chương trình này theo 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm trình Đại hội Đảng bộ TP. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ giám sát kết quả thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU; đồng thời kiểm tra 6 quận - huyện và 3 xã - phường.

(Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Cơ sở giáo dục chỉ được thu học phí theo số tháng thực học

Cũng theo báo Sài Gòn Giải Phóng, chiều ngày 27/2, Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi trưởng phòng GD-ĐT 24 quận, huyện, hiệu trưởng các trường THPT công lập và ngoài công lập và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về việc thực hiện thu học phí và các khoản thu khác trong thời gian học sinh tạm nghỉ học do dịch bệnh Covid-19. 

Trường học chỉ thu học phí theo số tháng thực học
Trường học chỉ thu học phí theo số tháng thực học

Theo đó, Điều 13, chương IV của Nghị định 86/2015/NĐ-CP (ngày 2-10-2015) của Chính phủ có quy định: "Học phí được thu định kỳ hàng tháng. Nếu học sinh, sinh viên tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học. Đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên và các khóa đào tạo ngắn hạn, học phí được thu theo số tháng thực học.

Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu 9 tháng/năm. Đối với cơ sở giáo dục đại học, học phí được thu 10 tháng/năm. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy, học tập theo tín chỉ, cơ sở giáo dục có thể quy đổi để thu học phí theo tín chỉ, song tổng số học phí thu theo tín chỉ của cả khóa học không được vượt quá mức học phí quy định cho khóa học nếu thu theo năm học".

Như vậy, về nguyên tắc chung, các đơn vị trường học chỉ được thu học phí và các khoản thu khác phát sinh theo số tháng thực học và không quá 9 tháng đối với các cơ sở giáo dục phổ thông.

Riêng đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập cần thỏa thuận với phụ huynh học sinh các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. 

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh lùi thời gian thi đánh giá năng lực

Ngày 27/2, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐHQG) cho biết sẽ điều chỉnh phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) 2020.

Sinh viên ĐHQG thực tập.
Sinh viên ĐHQG thực tập.

Theo đó, ĐHQG vẫn tổ chức hai đợt thi ĐGNL, chỉ thay đổi thời gian thi phù hợp với sự điều chỉnh kế hoạch năm học và kế hoạch thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT.

“Thời gian kết thúc đăng ký dự thi đợt một là ngày 24-4 (so với ban đầu là ngày 28-2). Kỳ thi sẽ được tổ chức vào ngày Chủ nhật, 31-5, địa điểm thi không có sự thay đổi. Ở đợt hai, ngày mở và kết thúc đăng ký dự thi sẽ từ ngày 1-6 đến 10-7. Kỳ thi đợt hai sẽ tổ chức vào ngày Chủ nhật, 9-8, địa điểm thi vẫn được giữ nguyên”, TS Nguyễn Quốc Chính cho biết.

TS Nguyễn Quốc Chính chia sẻ, riêng với các thí sinh, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, sự điều chỉnh này sẽ giúp các em có thời gian ôn tập tốt hơn và chuẩn bị tâm lý thoải mái nhất khi tham dự kỳ thi.

(Theo báo Nhân Dân)

Giá nhà đất tăng cao… vô lý

Chỉ trong thời gian ngắn, giá nhà đất tại TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh lân cận tăng cao một cách vô lý. Giá căn hộ ở Thành phố đang cao gấp 15 - 20 lần so với thu nhập khiến việc sở hữu nhà đất của người dân càng trở nên xa vời.

Giá nhà đất hiện quá cao
Giá nhà đất hiện quá cao

Cách đây chưa lâu, trên đường Tô Hiến Thành (Quận 10) dự án căn hộ Sunshine Continental của Tập đoàn Sunshine Group được tung ra thị trường với mức giá khoảng 120 triệu đồng/m2. Khi đó, thị trường bất động sản (BĐS) đã xôn xao bởi mức giá này cao quá sức tưởng tượng khi mà ngay cạnh đó một dự án khác đang chuẩn bị giao nhà, chất lượng cũng không hề thua kém nhưng giá chỉ khoảng 70 triệu đồng/m2.

Tương tự, cuối năm 2019, dự án HK Paris trên đường Lương Định Của (Quận 2) mở bán với giá bình quân khoảng 80 triệu đồng/m2, cao gần gấp đôi so với giá các dự án khác ở khu vực lân cận và ngang bằng với những căn hộ cao cấp ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Chẳng riêng gì các quận trung tâm, vùng ven giá căn hộ cũng bị đẩy lên trời. Gần đây thị trường lên cơn sốt với việc Công ty AG mở bán một dự án căn hộ ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh với giá từ 30 - 35 triệu đồng/m2. Nhưng đây cũng chỉ là mức giá để truyền thông, thực tế giá khi tới tay người mua giá còn cộng thêm thuế và phí, tức khoảng gần 40 triệu đồng/m2. Có lẽ không ai tưởng tượng nổi giá căn hộ tại vùng ven lại lên tới mức này.

Theo ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty DKRA Việt Nam, chỉ trong vòng 5 năm qua, giá nhà tăng dựng đứng. Như năm 2015 giá căn hộ hạng A khoảng 45 triệu đồng/m2, nhưng năm 2019 khoảng 70 - 80 triệu đồng/m2; căn hộ hạng B (căn hộ trung bình) giá khoảng 21 triệu đồng/m2 thì đến nay tăng lên bình quân khoảng 36 triệu đồng/m2 và căn hộ hạng C năm 2015 khoảng 16 triệu đồng/m2 thì nay đã lên 25 triệu đồng. Đối với phân khúc đất nền giá còn tăng mạnh hơn khi trong vòng 5 năm qua đã tăng hơn 100%, có chỗ tăng hơn 200%. Điều đáng nói, hiện nay phân khúc căn hộ hạng C gần như vắng bóng trên thị trường, năm 2016 phân khúc căn hộ hạng C chiếm khoảng 30% thì đến năm 2018 còn khoảng 17%, đến tháng 9.2019 gần như biến mất khỏi thị trường.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Thành phố, nhận định ở phân khúc căn hộ bình dân, mức giá nhà hiện nay gấp 15 - 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, trong khi các nước giá nhà chỉ gấp 5 - 7 lần thu nhập. Trong cơ cấu giá thành 1 m2 chung cư thì tiền đất chiếm khoảng 10%, nhà phố tiền đất khoảng 30%, biệt thự chi phí đất khoảng 50%. Trong khi đó, chi phí xây dựng đối với chung cư chiếm khoảng 65%, chi phí tài chính chiếm khoảng 10%.

(Theo báo Thanh Niên)

Gỡ vướng cho nhà xây nhỏ hơn giấy phép

Trước phản ánh của báo chí về việc các quận, huyện đang có cách xử lý khác nhau với trường hợp nhà xây nhỏ hơn giấy phép xây dựng, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng, đã xác nhận có tình trạng trên và cho biết sở này đã có những cuộc họp bàn về giải pháp để thực hiện thống nhất.

Theo đó, những trường hợp nhà ở riêng lẻ trong khu vực chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 mà xây nhỏ hơn so với giấy phép xây dựng được cấp nhưng không làm thay đổi quy mô, kiến trúc, quy hoạch, không làm thay đổi công năng và kết cấu chịu lực của công trình, theo Điều 89 Luật Xây dựng thì không phải xin phép xây dựng lại.

Điều này cũng có nghĩa những công trình đó không thuộc trường hợp xây dựng sai phép. Sở đã chia ra hai trường hợp nhà ở trong và ngoài quy hoạch 1/500.

Cụ thể, đối với những công trình ngoài khu vực quy hoạch tỉ lệ 1/500, nếu chủ đầu tư (CĐT) tự ý thay đổi thiết kế công trình nhưng không thuộc trường hợp phải điều chỉnh giấy phép xây dựng quy định tại Điều 98 Luật Xây dựng 2014 thì không xem là hành vi xây dựng sai phép.

Trường hợp xây nhà ở riêng lẻ ngoài khu vực quy hoạch tỉ lệ 1/500, không có yêu cầu về quản lý kiến trúc, nếu CĐT thay đổi thiết kế giảm quy mô, chiều cao, số tầng… nhưng không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình thì không xem là hành vi xây sai phép. Đối với trường hợp xây nhà ở tại khu tái định cư, người dân có nhu cầu xây dựng giảm quy mô so với quy hoạch thì hướng dẫn người dân có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Còn với những khu vực đã có quy hoạch tỉ lệ 1/500 thì CĐT không được thay đổi thiết kế công trình, nếu vi phạm sẽ bị đình chỉ thi công.

(Theo báo Pháp Luật TP)

Sẽ cách ly nếu sinh viên trở lại ký túc xã có dấu hiệu ho, sốt

Cũng trên báo Thanh Niên, trước thông tin nhiều trường cho sinh viên đi học trở lại vào ngày 2/3, một số ký túc xá ở Thành phố đã có sự chuẩn bị phòng dịch Covid-19 nhằm đảm bảo môi trường nội trú an toàn. Tại ký túc xá (KTX) Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (quận 11), các sinh viên vừa bước vào cổng sau kì nghỉ dài ngày ngay lập tức được đo thân nhiệt, kế tiếp được hướng dẫn đến khu vực cạnh đó rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn. 

Sinh viên nội trú tại KTX Trường ĐH Sư phạm TP.HCM được đo thân nhiệt ngay từ khi mới vào cổng
Sinh viên nội trú tại KTX Trường ĐH Sư phạm TP.HCM được đo thân nhiệt ngay từ khi mới vào cổng

“Tất cả SV từ quê trở lại đều được kiểm tra thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn ngay từ cổng. Đây là việc làm mang tính bắt buộc và phải làm xong thủ tục này mới được vào phòng ở”, ông Nguyễn Anh Đài, Giám đốc KTX Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khẳng định như thế.

Công tác phòng dịch Covid-19 được các KTX đặc biệt quan tâm và cảnh giác vì KTX là môi trường nội trú tập trung rất đông sinh viên ở mọi miền đất nước.

Tương tự, tại KTX Cỏ May (quận Thủ Đức), công tác phòng dịch Covid-19 cũng được thực hiện rất nghiêm ngặt. “100% SV vào cổng KTX đều được đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn ngay bàn trực cổng của bảo vệ. Tại khu vực công cộng và hành lang, nhân viên vệ sinh lau dọn mỗi ngày bằng nước sát khuẩn cũng như phun thuốc phòng dịch thường xuyên nhằm đảm bảo môi trường sinh sống sạch sẽ, an toàn trước khi đón SV trở lại”, chị Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc KTX Cỏ May, nói.

Theo ông Lê Quang Thành, Trưởng phòng Công tác SV của Trường ĐH Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, nhà trường đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt về vấn đề phong dịch để đảm bảo an toàn cho SV trở lại. “Nhà trường có 3 KTX dành cho sinh viên nội trú. Tại các KTX này, nhà trường đều có thiết kế phòng cách ly để khi SV nào có triệu chứng ho, sốt thì y tế của trường cho vào đây ở tạm thời”, ông Thành nói.

Để chuẩn bị đón SV trở lại nội trú đi học vào ngày 2/3, bà Phùng Thị Hương Lan, Phó giám đốc Trung tâm quản lý KTX ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Ban giám đốc đã có buổi làm việc với Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM và Trung tâm y tế Q.Thủ Đức về việc triển khai các hoạt động phòng chống Covid-19 nhằm đảm bảo cho SV có môi trường sống an toàn”. Với gần 35.000 sinh viên nội trú, đơn vị này sẽ phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức để đặt văn phòng của bệnh viện tại KTX, hằng ngày có đội ngũ y, bác sĩ đến khám sàng lọc cho những SV từng đến vùng dịch.

Sinh viên y khoa xung phong phòng chống dịch

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa gửi công văn đến Sở GD&ĐT Thành phố, Thành Đoàn Thành phố đề xuất phối hợp triển khai công tác truyền thông, phòng chống Covid-19 tại các trường học trên địa bàn.

Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong một chương trình truyền thông sức khỏe cho học sinh, sinh viên - Ảnh: N.THỊNH
Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong một chương trình truyền thông sức khỏe cho học sinh, sinh viên - Ảnh: N.THỊNH

Thời gian tổ chức dự kiến từ ngày 1/3 đến ngày 31/3 tại các điểm do Sở GD&ĐT và Thành Đoàn chỉ định. Nội dung là cập nhật tình hình dịch Covid-19, hướng dẫn phương pháp phòng chống dịch cho học sinh, giáo viên.

Câu lạc bộ truyền thông sức khỏe Cầu Vai Xanh (thuộc Hội sinh viên trường) với gần 100 thành viên là sinh viên và các bác sĩ đang tích cực chuẩn bị tham gia thực hiện chương trình này. Tranh thủ thời gian nghỉ học gần một tháng qua, nhóm đã tổng hợp lại tài liệu thông tin về dịch bệnh của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới, biên soạn lại ngắn gọn và dễ hiểu nhất để gửi đến mọi người.

Mục tiêu chính của chương trình là truyền thông giáo dục. Các chuyên gia sẽ tổ chức tư vấn cho các nhóm nhỏ giáo viên, học sinh. Bên cạnh đó, chương trình còn đẩy mạnh tư vấn online trên website của phòng khám. Đây là chương trình thiết thực, khi học sinh Thành phố sẽ đi học trở lại, nhưng trên thực tế, nhiều học sinh và phụ huynh vẫn chưa nắm rõ các thông tin về dịch Covid-19 cũng như cách phòng ngừa dịch bệnh sao cho đúng.

(Theo báo Tuổi Trẻ).

Ủng hộ 100.000 sản phẩm y tế phòng dịch COVID-19

Báo điện tử Vietnamplus đưa tin: Ngày 27/2, Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ thành phố tổ chức Hội thảo vận động hiến máu tình nguyện và truyền thông phòng chống dịch COVID-2019.

Doanh nghiệp công nghệ thông tin quyên góp ủng hộ sản phẩm y tế phòng chống dịch bệnh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Doanh nghiệp công nghệ thông tin quyên góp ủng hộ sản phẩm y tế phòng chống dịch bệnh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP, các doanh nghiệp thuộc HCA sẽ đồng hành cùng chương trình Chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Trước mắt, các doanh nghiệp, đơn vị công nghệ thông tin đã quyên góp, mua 100.000 sản phẩm y tế như khẩu trang, xà phòng diệt khuẩn, dung dịch sát khuẩn..., ủng hộ người dân.

Hội sẽ tiếp tục triển khai vận động đến hết tháng Ba tới để có thêm nhiều sản phẩm y tế ủng hộ người dân thành phố.

Theo Hội Chữ thập đỏ thành phố, từ ngày 4-25/2 vừa qua, các cấp Hội đã triển khai truyền thông phòng, chống dịch COVID-19, với 337 buổi; thực hiện phát 937.755 tờ rơi, tặng 174.030 khẩu trang, 26.652 chai dung dịch sát khuẩn, 3.190 cục xà phòng.

Tại hội thảo, Hội Chữ thập đỏ thành phố và các quận, huyện đã tiếp nhận một số sản phẩm y tế do Hội Tin học trao tặng.

Những tấm lòng thơm thảo

Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 sau Tết nên nhiều trường học, cơ sở giáo dục tại Thành phố tạm ngừng hoạt động, dẫn đến việc con công nhân phải nghỉ học dài ngày. Hiểu được nỗi khổ của các gia đình công nhân trong việc kiếm chỗ gửi con, nhiều chủ nhà trọ đã sẵn lòng hỗ trợ nhằm san sẻ một phần khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Thành phát khẩu trang cho con công nhân tại khu nhà trọ - Ảnh: báo Người Lao Động
Bà Nguyễn Thị Thành phát khẩu trang cho con công nhân tại khu nhà trọ - Ảnh: báo Người Lao Động

Bà Nguyễn Thị Thành (ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) là một trong những chủ nhà trọ có tấm lòng thơm thảo. Bà có hơn 100 phòng trọ, người thuê chủ yếu là công nhân ngoại tỉnh đang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn huyện. Để động viên họ an tâm làm việc, bà Thành tình nguyện trông giúp các cháu từ 1 đến 2 tuổi. Ccas cháu trên 8 tuổi thì tự học, ăn uống và chơi ở nhà, khi nào rảnh, bà chạy sang trông chừng, nhắc nhở. Việc làm thiết thực của bà Thành khiến công nhân ở trọ cảm kích, mọi người gọi bà bằng cái tên thân mật “Dì Tư”, còn trẻ con trìu mến gọi bà là “bà ngoại”.

Cũng nửa tháng qua, khu nhà trọ của bà Bùi Thị Bên (phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) lúc nào cũng rộn rã tiếng trẻ con cười đùa, ôn bài. Khu nhà trọ của bà Bên có 20 trẻ là con công nhân. Không chỉ trông giúp, bà còn dạy học và nấu ăn miễn phí cho trẻ, công nhân không phải trả một khoản chi phí nào. Nhiều công nhân ở đây lâu năm, gắn bó không muốn rời đi, vì chủ nhà trọ không chỉ giữ giá thuê phòng trong nhiều năm, mà còn hỗ trợ công nhân trong mọi việc để thuận tiện sinh hoạt.

(Theo báo Người Lao Động).

Mùa diều lộng gió

Báo Tuổi Trẻ số ra hôm nay có phóng sự về mùa diều ở Thành phố. Những chiều cuối tuần, trên cầu Thủ Thiêm hướng về quận 2, có thể dễ dàng trông thấy cảnh hàng chục cánh diều đủ màu sắc bay phấp phới. Mùa diều đã bắt đầu…

Những cánh diều muôn màu muôn vẻ với đủ các hình dáng như Doraemon, siêu nhân, cá mập, heo con, chó con… chở theo tiếng cười và niềm vui của trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, phụ huynh.

Vui chơi không quên bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch bệnh - Ảnh: BÌNH MINH
Vui chơi không quên bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch bệnh - Ảnh: BÌNH MINH

Ở cánh đồng diều, những bạn trẻ rất chịu khó…chạy đà cả chục lần để bắt gió cho diều bay lên. Trên tay cầm diều, người chơi chạy khoảng chục mét, vừa chạy vừa thi thoảng ngoái đầu xem diều đã lên chưa. Những cánh diều “ngoan ngoãn” bắt gió bay vụt lên như một phần thưởng dành cho sự kiên trì của người thả. Cũng có vài “bạn” diều khá “lười biếng” khi bay được chút xíu đã buông mình rơi xuống, khiến chủ nhân chỉ biết mỉm cười lắc đầu và lại lấy đà chạy tiếp.

Anh Sang, một người bán diều, cho biết khoảng 2 năm gần đây, khu vực dưới chân cầu Thủ Thiêm trở nên đông đúc hẳn với rất nhiều người mê diều mang diều đến đây thả. Giá bán của mỗi con diều tại đây dao động từ 70.000 đến 110.000 đồng kèm dây tùy theo chất liệu diều.

Ở những cánh đồng diều tại Thành phố, hầu hết các loại diều to hay nhỏ đều có thể bay được, nhưng ở các vùng biển nơi gió mạnh, người chơi cần phải biết lựa diều thích hợp. Loại diều bay tốt thường có bề ngang lớn, đuôi dài, trong khi những con diều nhỏ có thể bay khi gió yếu và dễ bị quật ngã khi gió lớn.

Thả diều được xem như trò chơi để nhiều người tìm về tuổi thơ, nhất là những bạn trẻ từng có ký ức về cánh đồng làng mênh mông bát ngát. Với một số khác, đây là thú chơi đòi hỏi sự đầu tư, mày mò tìm kiếm và đôi khi còn khá xa xỉ. Nhiều nghệ nhân diều tự tay may những con diều lớn, thiết kế độc đáo, họ sẵn sàng rao bán diều với mức giá lên tới vài triệu đồng một con.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục