Thí sinh được quyền chọn thi hoặc xét đặc cách tốt nghiệp
Theo báo Tiền Phong, tối 27/7, Sở GD&ĐT TP có văn bản gửi thủ trưởng các đơn vị có học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 về việc hướng dẫn phúc khảo bài thi đợt 1 và tổ chức thi hoặc đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2021. Theo đó, thí sinh có thể đăng ký dự thi đợt 2 hoặc xét đặc cách tốt nghiệp THPT.
Về việc xét đặc cách tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2021, Sở GD&ĐT quy định, đối tượng là thí sinh đủ diều kiện thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng không dự thi được do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và có nguyện vọng xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Việc xét đặc cách chỉ áp dụng cho thí sinh đăng ký dự thi tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Các thí sinh chuyển hội đồng từ các tỉnh về TPHCM dự thi do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì phải dự thi đợt 2.
Điều kiện để được xét đặc cách tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2021 là thí sinh đã đăng ký và đủ điều kiện thi đợt 2 theo danh sách Sở GD&ĐT TP phê duyệt; không bị kỷ luật đình chỉ thi tại đợt 1; không sử dụng quyền đặc cách tốt nghiệp THPT đợt 1; thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 hoặc đang ở nơi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và ở nơi bị phong toả, cách ly phòng chống dịch bệnh theo yêu cầu của ngành y tế; đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo Điều 37 của Quy chế thi.
Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục thông báo đến tất cả các học sinh trong danh sách thi đợt 2 về việc tham gia thi hoặc xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Học sinh có nguyện vọng xét đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT năm 2021 nộp đơn về cơ sở giáo dục mình theo học trước 16g30 ngày 30/7.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, toàn TP có 3.234 thí sinh đủ diều kiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2021 theo quy định của Bộ GD-ĐT sẽ được tổ chức vào ngày 6, 7/8.
Các quận thiết lập 'vùng xanh' hạn chế người lạ, shipper
Hiện nay, nhiều khu vực tại TPHCM đã bắt đầu triển khai các “vùng xanh không dịch”. Các khu vực này được xem là những khu an toàn, chưa có ca nhiễm hoặc không còn nguy cơ lây nhiễm. Các vùng xanh được thiết lập nhằm hạn chế người lạ ra vào, các shipper phải giao hàng từ bên ngoài qua một quy trình nghiêm ngặt.
Theo ghi nhận của báo Pháp Luật TP, tại các hẻm 502, 524 đường Nguyễn Đình Chiểu và cổng vào khu cư xá Đô Thành, lực lượng chức năng phường 4 (quận 3) đã lập chốt chặn, ngăn không cho shipper vào khu vực bên trong. Các chốt này treo biển thông báo “Chốt bảo vệ vùng xanh - vùng không có dịch” và được bố trí ngay đầu hẻm. Mỗi chốt có nhiều tình nguyện viên túc trực canh gác, hỗ trợ người dân nhận giao hàng hóa và khử trùng. Tại đây, các tài xế giao hàng đều phải giao hàng cho tình nguyện viên trực chốt, sau đó hàng sẽ được khử khuẩn và chuyển vào trong cho người dân. Ngay cả việc đưa tiền và thối tiền cũng được khử khuẩn kỹ lưỡng.
Tương tự, tại phường 5 (quận Phú Nhuận), nhiều khu vực cũng được giăng dây, rào chắn với thông báo đề nghị hạn chế người lạ ra vào, shipper phải giao hàng tại trước chốt. Ông Nguyễn Minh Chi, Phó Chủ tịch UBND phường 5, cho biết phường có 10 con hẻm đã thực hiện hình thức “vùng xanh” hạn chế người lạ và shipper ra vào và được triển khai từ ngày 11/7. Việc này nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân vì giúp bảo đảm an toàn cũng như hạn chế người lạ ra vào khu vực.
100% lao động tự do tại TPHCM đã nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 68
Báo Chính phủ cho hay, sau hơn nửa tháng triển khai Nghị quyết số 68, Quyết định số 23 và Nghị quyết số 09/NQ-HĐND của HĐND TP, tính đến hết ngày 24/7, 100% lao động tự do tại TPHCM (tương ứng với 284.465 người) đã được hỗ trợ, với số tiền 426 tỷ đồng.
Trong đó, 31.295 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ trên 62,49 tỷ đồng. 121 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ 252,8 triệu đồng. 5.375 hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động được hỗ trợ 10,75 tỷ đồng. 10.190 thương nhân tại các chợ truyền thống được hỗ trợ trên 15,344 tỷ đồng.
Cùng với chi trả gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 09/NQ-HĐND, TPHCM cũng trích ngân sách để thực hiện hỗ trợ theo gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Nguyên tắc là trường hợp mà gói hỗ trợ bằng ngân sách của TPHCM không có thì sẽ bổ sung, trường hợp nào trùng nhau thì sẽ thực hiện theo chính sách nào có chế độ hỗ trợ cao hơn. TPHCM cũng là một trong 4 địa phương (gồm TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lâm Đồng) xác định thêm đối tượng đặc thù so với Nghị quyết số 68.
TP cũng đang thống kê lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng nằm ngoài 6 nhóm hỗ trợ đã nêu trong Nghị quyết số 09/NQ-HĐND, gồm bảo mẫu, thợ hồ, sửa xe, xe ôm công nghệ, bán báo dạo… Sau khi có thống kê từ các quận, huyện và TP. Thủ Đức, Sở LĐTB&XH sẽ đề xuất TP bổ sung hỗ trợ những lao động này từ nguồn Quỹ phòng chống dịch COVID-19.
Nhiều shipper được tiêm vắc xin COVID-19, cấp mã QR Code
Tin từ báo Tuổi Trẻ, chiều 27/7, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giao hàng tại TPHCM cho biết đã triển khai cấp mã QR Code nhận diện shipper, in thẻ đeo cứng... đảm bảo theo yêu cầu của UBND TP.
Trong đó, Grab Việt Nam tổ chức đợt tiêm vắc xin đầu tiên cho shipper tại các điểm tiêm ở quận 7 vào hai ngày 27 và 28/7. Ngoài ra, một số shipper khác cũng đã được tiêm qua đăng ký ở địa phương cư trú. Đại diện Grab Việt Nam cũng cho biết từ chiều 26/7, khi TP siết chặt quản lý hoạt động shipper, Grab Việt Nam đã cấp gấp cho shipper mã QR Code kèm thẻ tên mẫu để tài xế có thể tự hoàn thiện thông tin và in ra. Băng tay đang được cố gắng làm sớm để kịp trang bị đủ cho shipper.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khác như Gojek, Baemin... cũng lập tức chuẩn bị các loại giấy tờ, thủ tục để tạo điều kiện cho shipper làm việc. Tuy nhiên, các đơn vị này chia sẻ chưa thể chuẩn bị kịp băng tay, giấy tờ do một số cơ sở kinh doanh mặt hàng này đã đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội. Cùng với đó, vì số lượng shipper khá đông nên quá trình làm có thể chậm.
Hơn 6.000 nhân lực y tế chi viện TPHCM chống dịch
Theo báo SGGP, chiều 27/7, Bộ Y tế cho biết, đến nay, TPHCM đã nhận hơn 6.000 nhân lực hỗ trợ công tác chống dịch cho toàn địa bàn.
Trong đó, TPHCM đã tổ chức tiếp nhận 2 đợt chi viện nhân lực với tổng số 3.969 người (700 bác sĩ, 1.553 điều dưỡng, 78 kỹ thuật viên, 9 nhân viên y tế khác và 1.629 sinh viên). Số nhân lực này đã được phân bổ về các cơ sở y tế tùy theo cấp độ chuyên môn phù hợp với tính chất công việc như điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, các bệnh viện thu dung dã chiến và các địa phương phục vụ công tác truy quét, xét nghiệm nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Đối với 2.154 đối tượng đăng ký tham gia tình nguyện hưởng ứng lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (số liệu tính đến ngày 27/7), lực lượng này đang được Sở Y tế sắp xếp, phân bổ về các địa phương có nhu cầu để cấp tốc hỗ trợ các quận, huyện trong hoạt động phòng, chống dịch.
Ngoài lực lượng chi viện trên, vẫn còn nhiều đoàn đã đăng ký và đang chờ lệnh, sẵn sàng có mặt tại TPHCM sớm nhất có thể.
Cần khoảng 147.000 việc làm từ nay đến cuối năm 2021
Ngày 27/7, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP cho biết, trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, dự báo nhu cầu nhân lực trên địa bàn TP từ nay đến cuối năm 2021 cần khoảng 127.000-147.000 chỗ làm việc. Thông tin trên Vietnamplus.
Đại diện Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP cho biết, trên cơ sở dữ liệu khảo sát nhu cầu nhân lực của Trung tâm, ứng dụng phương pháp dự báo chuỗi thời gian ARIMA (phương pháp dự báo yếu tố nghiên cứu một cách độc lập) trên phần mềm thống kê SPSS (phần mềm hỗ trợ xử lý và phân tích dữ liệu sơ cấp) để xác định mô hình, ước lượng các tham số của mô hình, kiểm định phần dư và dự báo dựa vào mô hình lựa chọn cho thấy có 2 kịch bản cụ thể.
Theo đó, kịch bản thứ nhất, khi tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực tác động đến tăng trưởng kinh tế-xã hội, các khu vực kinh tế chịu tác động lớn là khu vực dịch vụ như ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải… khu vực công nghiệp-xây dựng gồm ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, xây dựng,… dự kiến nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2021 cần khoảng 127.000 chỗ làm việc.
Ở kịch bản thứ hai, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực tác động đến tăng trưởng kinh tế-xã hội, cộng thêm việc triển khai tiêm chủng vaccine và kiểm soát tốt dịch tễ, tình hình doanh nghiệp khởi sắc trong những tháng cuối năm 2021, hơn nữa là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu dịp lễ Tết dẫn đến nhu cầu nguồn nhân lực tăng ở khoảng 147.000 chỗ làm việc.
Tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo ứng phó COVID-19
Một thông tin khác trên báo Tuổi Trẻ, Sở Khoa học và công nghệ TP vừa triển khai chương trình "Tìm kiếm và kết nối các giải pháp đổi mới sáng tạo ứng phó dịch COVID-19 tại TPHCM năm 2021" (HIS - COVID 2021).
Theo đó, HIS-COVID 2021 kêu gọi sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ hoàn thiện thuộc nhiều lĩnh vực, hỗ trợ TP ứng phó đại dịch. Đó có thể là những ứng dụng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, kiểm soát, truy vết, điều tiết nguồn lực xã hội hoặc các công nghệ cho doanh nghiệp để duy trì và phát triển trong tình hình dịch diễn biến phức tạp,…
Sở Khoa học và công nghệ sẽ chọn ra 20 công nghệ tốt nhất được tham gia huấn luyện và tư vấn hoàn thiện kỹ năng trình bày trước hội đồng. 10 công trình xuất sắc được vinh danh trong Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM năm 2021.
Ngoài ra, các sáng kiến phù hợp sẽ được giới thiệu cho các sở ban ngành, quận, huyện và hiệp hội doanh nghiệp triển khai đến các đối tác có nhu cầu. Doanh nghiệp có giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc sẽ được ưu tiên xem xét công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ để được nhận chính sách ưu đãi từ TP.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)