Saigontourist cần “đổi mới toàn diện” thay vì “củng cố toàn diện”
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV ngày 27/8, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong bối cảnh khách nước ngoài chưa thể trở lại bình thường như trước, Saigontourist cần chuyển hướng để đón khách du lịch trong nước.
Theo Bí thư Thành ủy, Saigontourist là sản phẩm 45 năm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP, một biểu tượng kinh tế TP. Nhưng xét về doanh thu tăng trưởng 3,4%/năm thì tăng trưởng của Saigontourist chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng du lịch của TPHCM. Còn nếu xét về số khách, thị phần khách của Saigontourist trong tổng số khách du lịch đến TP cũng giảm dần.
Nếu vẫn tiếp tục làm như thời gian qua thì các tỷ lệ này sẽ còn giảm xuống. Và vị trí “đầu đàn” sẽ không còn giữ được.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân gợi mở, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới. Dự báo trong hai năm tới, khách quốc tế không thể trở lại như trước. Vậy nên chiến lược của Saigontourist cần tạm thời chuyển hướng, tìm cách thu hút khách trong nước, chấp nhận có thể lợi nhuận thấp hơn nhưng giữ được khách.
Đặc biệt, cần xác định “đổi mới toàn diện”, thay vì “củng cố toàn diện”. Nếu không đổi mới thì thị phần về doanh thu, lượng khách, từ chỗ đi ngang sẽ đi xuống. Không chỉ phải “đổi mới toàn diện”, theo Bí thư Thành ủy, Saigontourist cần xác định nâng cao vị thế của mình.
Bí thư Thành ủy dành nhiều thời gian chia sẻ về phương châm, định hướng phát triển Saigontourist thời gian tới và bày tỏ tin tưởng đại hội này sẽ đánh dấu bước chuyển giai đoạn phát triển của Saigontourist từ chỗ phát triển chậm lại, thành phát triển có chiều sâu, phát triển đi lên. Đồng thời mong muốn Đảng bộ Saigontourist nhiệm kỳ tới nỗ lực, tự tin đổi mới với tinh thần trách nhiệm cao.
Luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động hiệu quả
Cũng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, chiều 27/8, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã tiếp ông Choi Joo-ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đánh giá cao nỗ lực của Samsung tại TPHCM giữ vững sản xuất đảm bảo kim ngạch xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19. TP luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động, kinh doanh hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Chủ tịch UBND TP bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Tổng giám đốc Choi Joo-ho, Samsung Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư, làm ăn lâu dài, ổn định tại TPHCM và Việt Nam nói chung.
Cảm ơn sự hỗ trợ của chính quyền TPHCM giúp Samsung Việt Nam hoạt động liên tục bất chấp dịch bệnh, đồng thời đánh giá cao công tác phòng chống dịch Covid-19 của TPHCM. Ông Choi Joo-ho khẳng định, Samsung Việt Nam sẽ sớm xúc tiến mở rộng sản xuất và đầu tư tại TPHCM.
Chiều cùng ngày, tại buổi tiếp và làm việc với ông Kim Hoat Ooi - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Intel Việt Nam, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định những hoạt động của Intel sẽ góp phần tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ cao, phù hợp với định hướng xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Trung tâm Tài chính của cả nước và khu vực.
Cùng ngày, tại buổi làm việc trực tuyến với bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Nguyễn Thành Phong trân trọng và đánh giá cao các chương trình tài trợ của WB tại Việt Nam, trong đó có TPHCM, thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bà Victoria Kwakwa chúc mừng TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung đã thành công bước đầu trong việc kiểm soát dịch Covid-19, đặc biệt TPHCM vẫn duy trì đà tăng trưởng với vị thế là đầu tàu kinh tế của cả nước. Bà Victoria Kwakwa đánh giá cao các nỗ lực cải cách hành chính của TPHCM nhằm rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn của WB và đề nghị chính quyền TP tiếp tục phối hợp với các cơ quan trung ương sớm hoàn tất các thủ tục để WB giải ngân các chương trình cho vay tiếp theo tại TPHCM.
Phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu tiếp tục hoãn khai trương để tránh dịch
Đại diện Sở GTVT TP cho biết lễ khai trương tuyến vận tải hành khách, hàng hóa bằng phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu dự kiến tổ chức vào ngày 2/9 tới sẽ không thể diễn ra theo đúng kế hoạch. Báo Thanh Niên đưa tin.
Nguyên nhân do diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, khai trương trong mùa dịch sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả khai thác của chủ đầu tư. Đồng thời, tiến độ xây dựng đầu bến phía Vũng Tàu hiện triển khai còn chậm do khó khăn liên quan thủ tục, khả năng khó hoàn thành trong tháng này để đồng bộ với đầu bến Cần Giờ. Do đó, tuyến phà biển đầu tiên của TP.HCM đi Vũng Tàu dự kiến sẽ lùi lịch khai trương tới tháng 10 hoặc điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế của dịch bệnh.
Tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu. ẢNH: SỞ GTVT TP.HCM
Tuyến vận tải hành khách, hàng hóa bằng phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu có cự ly vận chuyển khoảng 15 km (1 chiều) do Công ty TNHH MTV Quốc Chánh khai thác. Theo đó, tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu có cự ly khoảng 15km (1 chiều), thời gian hành trình khoảng 30 phút, phương tiện có sức chở hơn 250 hành khách, 100 xe máy và 15 xe ô tô/xe tải, tần suất khai thác dự kiến là 24 lượt/ngày.
Ở chiều ngược lại, trước đây, người dân và du khách từ thành phố Vũng Tàu đi đến huyện Cần Giờ bằng ô tô phải mất hơn 3 giờ 30 phút, nhưng bây giờ chỉ tốn khoảng 30 phút đi ô tô qua phà biển để đến tham quan huyện Cần Giờ.
Bổ sung 128 tỉ đồng trợ giá xe buýt năm 2020
Báo Người Lao Động cho hay, Sở GTVT vừa trình UBND TP về phê duyệt giá, mức trợ giá đặt hàng cung ứng các sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe đưa rước học sinh trên địa bàn TP.
Theo đó, trong 128 tỉ đồng trợ giá xe buýt bổ sung có 22,5 tỉ đồng hỗ trợ đơn vị vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với phần còn lại, 51 tỉ đồng sẽ dự phòng việc phát sinh khối lượng, nhiên liệu, điều động phương tiện phục vụ nhiệm vụ chính trị; 54,4 tỉ đồng chênh lệch chi phí do thay đổi mức lương.
Với khoảng bổ sung trên, dự toán chi ngân sách trợ giá cho xe buýt năm 2020 là 1.278 tỉ đồng, tăng 128 tỉ đồng so với năm 2019.
22,5 tỉ đồng sẽ hỗ trợ đơn vị vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Theo các doanh nghiệp xe buýt, việc bổ sung tiền trợ giá, nhất là chi phí hỗ trợ dịch Covid-19 sẽ giúp họ phần nào vượt qua khó khăn, trang trải nợ nần trong thời gian qua. Ngân sách trợ giá cho hoạt động xe buýt trung bình 1.000 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, do đơn giá trợ giá chưa tính đúng, tính đủ nên hầu hết doanh nghiệp xe buýt đầu tư phương tiện mới đều rơi vào tình trạng lỗ, thu không đủ bù chi và nhiều lần yêu cầu ngừng chạy.
54.000 thí sinh thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM
Thông tin trên báo Giáo dục TP, ngày 27/8, Đại học Quốc Gia TPHCM cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực sẽ diễn ra trong ngày 30/8 sắp đến tại 30 điểm thi của 4 cụm thi là TPHCM, Bến Tre, An Giang và Khánh Hòa.
Kỳ thi năm nay có khoảng 54.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó chỉ tính riêng TPHCM sẽ có khoảng 44.000 em.
Tập huấn cán bộ tham gia kỳ thi đánh giá năng lực (ảnh: Đại học Công nghiệp TPHCM)
Đại học Quốc Gia TPHCM yêu cầu, tất cả các cán bộ, nhân viên tham gia làm công tác thi cần phải được khai báo y tế, đo thân nhiệt trước khi bước vào làm nhiệm vụ. Những ai thuộc đối tượng F0,F1 và F2 sẽ không được tham gia vào tất cả các hoạt động của kỳ thi.
Cán bộ làm nhiệm vụ tại các điểm thi cần phải đeo khẩu trang suốt thời gian làm việc. Thí sinh cũng phải đeo khẩu trang trong khu vực thi, nhưng trong khi làm bài thì có thể bỏ khẩu trang ra.
Tại TPHCM sẽ có 21 điểm thi, chủ yếu là trụ sở của các trường đại học nằm trên địa bàn.
Hỗ trợ kỹ thuật Trung tâm điều hành đô thị thông minh
Thông tin từ báo Pháp Luật TP, UBND TP.HCM vừa duyệt Dự án hỗ trợ kỹ thuật Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP do Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) tài trợ. Dự án này sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật và đánh giá việc đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP một cách toàn diện.
Trong đó, mục tiêu ngắn hạn của dự án là đánh giá tổng thể về hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin, các hệ thống và hạ tầng kỹ thuật phục vụ chỉ huy điều hành đô thị thông minh của TP.
Đồng thời, dự án cũng đề xuất mô hình, thiết kế kỹ thuật, nguyên tắc vận hành, mô hình tổ chức khuyến nghị cho việc xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh.
Mặt khác, đơn vị tư vấn sẽ đánh giá và ước tính chi phí vòng đời của việc xây dựng và vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh, đánh giá các tác động về kinh tế - xã hội cho việc hình thành trung tâm này.
Doanh nghiệp bán lẻ chủ động và thích ứng nhanh
Thống kê của Sở Công Thương TP, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đầu năm 2020 đạt 530.246 tỉ đồng, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2019.
Sở Công Thương TP cũng đánh giá sự chủ động và thích ứng nhanh của các đơn vị bán lẻ đã và đang tạo hiệu ứng tốt cho thị trường bán lẻ, góp phần cải thiện doanh số, kéo người tiêu dùng trở lại. Trong đó, sự thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng đã góp phần giúp các doanh nghiệp cải thiện được doanh thu. Nội dung trên báo Người Lao Động.
Được biết, đến nay, hệ thống phân phối trên địa bàn TP có 238 chợ, 217 siêu thị, 45 trung tâm thương mại, 2.669 cửa hàng tiện lợi. So với thời điểm tháng 12/2019, các hệ thống phân phối hiện đại trong nước vẫn duy trì ưu thế tỉ trọng điểm bán, chi phối thị trường bán lẻ hiện đại trên địa bàn TP (siêu thị 80%, trung tâm thương mại 60%, cửa hàng 76%).
Sự chủ động và thích ứng nhanh của các đơn vị bán lẻ đã và đang tạo hiệu ứng tốt cho thị trường bán lẻ, góp phần cải thiện doanh số, kéo người tiêu dùng trở lại.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai