Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 28/9/2020

10:52 28/09/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 28/9/2020:

TP HCM dẫn đầu cả nước về số dự án mới đầu tư trong 9 tháng

Báo Người Lao Động cho hay, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,2 tỉ USD, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện ước đạt 13,76 tỉ USD, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, xét theo số lượng dự án mới, TPHCM dẫn đầu với 719 dự án, TP Hà Nội đứng thứ hai với 409 dự án, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ ba với 119 dự án.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 28/9/2020 - Ảnh 1

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 lĩnh vực tại 60 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9,9 tỉ USD, chiếm 46,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỉ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Về vốn đầu tư, tỉnh Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore) có vốn đầu tư 4 tỉ USD, chiếm 18,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. TPHCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt 3,25 tỉ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đúng thứ ba với 2,92 tỉ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng.

Sáp nhập phường, quận: Dân không mất tiền chuyển đổi giấy tờ

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại TPHCM giai đoạn 2019 - 2021, sẽ có 3 quận và 19 phường thuộc diện sáp nhập. Cụ thể, ở cấp huyện, TPHCM nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để hình thành một đơn vị hành chính mới – thành phố Thủ Đức. Ở cấp xã, TPHCM sắp xếp 19 phường thuộc các quận: 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận.

UBND TP đánh giá, việc sắp xếp, bố trí địa bàn dân cư bước đầu có ảnh hưởng đến nếp sống, điều kiện sinh hoạt của người dân khi nhập với đơn vị hành chính mới. Ngoài ra, ít nhiều gây xáo trộn đến đời sống người dân ở địa phương được sáp nhập trong việc thay đổi giấy tờ tùy thân.

Khi sáp nhập phường, quận, TPHCM không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi giấy tờ. Ảnh: Minh Quân
Khi sáp nhập phường, quận, TPHCM không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi giấy tờ. Ảnh: Minh Quân

Trong khi đó, một số công việc đang được triển khai thực hiện ở các địa phương trên địa bàn quận, phường sáp nhập sẽ chậm tiến độ vì bàn giao cho cơ quan quản lý mới, không liên tục và kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định.

Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công, báo Lao Động cho hay, UBND TP đã yêu cầu các quận, phường mới hình thành sau khi sắp xếp chủ động triển khai, hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ. Thành phố sẽ không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi và tạo thuận lợi trong việc chuyển đổi giấy tờ thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa chuyển đổi các loại giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ, nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn tiếp tục được sử dụng tại đơn vị hành chính mới.

Sở Xây dựng lập đề án thay thế các cây cổ thụ lâu năm trên đường phố

Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP, cho biết liên quan đến việc trồng thay mới nhiều cây xanh trên địa bàn TP để giảm thiểu nguy cơ tai nạn “từ trên trời rơi xuống”, Sở Xây dựng đã tổ chức hội thảo nghiên cứu về quản lý cây loại 2-3 (cây cổ thụ - PV) và đã lập đề án báo cáo UBND TP, đang trình Thành ủy TP phê duyệt.

Theo đó, đề án này đã tính toán tới việc thay thế các cây cổ thụ lâu năm trên đường phố và trồng mới các cây khác có bóng mát nhưng tán cây thấp hơn để đảm bảo an toàn đường phố.

 Hàng cổ thụ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 - Ảnh: DUYÊN PHAN
 Hàng cổ thụ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo ông Điệp, việc thay mới không thể thực hiện ồ ạt mà phải có lộ trình, đặc biệt là trước khi thực hiện thì thông tin tới người dân biết để tránh các luồng ý kiến phản ứng do chưa có đủ thông tin. Còn cụ thể lộ trình thay thế ra sao, cây nào được chọn đang được các chuyên gia Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Bách khoa hỗ trợ nghiên cứu.

Ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh TP.HCM, cũng cho rằng nếu đề án thay mới cây xanh được duyệt, nhìn ở góc độ chuyên môn những cây nào nguy hiểm sẽ cho thay thế dần chứ không nên cho thay hàng loạt.

Hàng cây dầu cổ thụ tại đường Trần Quang Khải, quận 1, TP.HCM mọc cao hơn tòa nhà 4-5 tầng - Ảnh: LÊ PHAN
Hàng cây dầu cổ thụ tại đường Trần Quang Khải, quận 1, TP.HCM mọc cao hơn tòa nhà 4-5 tầng - Ảnh: LÊ PHAN

Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Thi, Khoa Sinh học - Công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết thực tế nhiều cây lớn trên đường phố có thể sống hàng trăm năm. Tuổi thọ mỗi loài cây khác nhau, chưa có nghiên cứu cụ thể, không thể cho thay hàng loạt. Cây nào hư hại thì thay, cây nào khỏe mạnh phải bảo tồn. Cây xanh cùng loài trồng vị trí khác nhau nhưng sức sinh trưởng cũng khác nhau, do đó phải nghiên cứu từng trường hợp cụ thể.

Mỗi tuần Thành phố ghi nhận 500-600 ca sốt xuất huyết

Tin từ báo Người Lao Động, tại TPHCM từ đầu năm đến nay đã có hơn 12.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Thạc sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết hiện nay mỗi tuần Thành phố ghi nhận 500-600 ca SXH. Giai đoạn cao điểm của bệnh SXH tại Thành phố thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau với đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11 và 12.

Theo TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa SXH, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, SXH vẫn còn đang trong giai đoạn cao điểm. Số bệnh nhi trung bình hằng ngày ở khoa là khoảng 50-60 bé.

TS-BS Nguyễn Minh Tuấn đang kiểm tra cho một bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP HCM. (Ảnh: ANH THƯ)
TS-BS Nguyễn Minh Tuấn đang kiểm tra cho một bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP HCM. (Ảnh: ANH THƯ)

BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành Phố, cho biết thường mùa bệnh SXH sẽ kéo dài đến tận cuối năm. Khi mùa mưa hết hẳn thì số ca bệnh sẽ giảm, nhưng vẫn có các ca rải rác suốt mùa khô bởi đây là căn bệnh quanh năm, muỗi gây bệnh SXH vẫn sống và sinh sản trong các vật chứa nước, bình hoa, hòn non bộ…

BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến thông tin thêm, có khoảng 90% trẻ mắc bệnh này sẽ bị tương đối nhẹ, sau khi đi khám BS sẽ cho về chăm sóc tại nhà, bệnh khỏi sau vài ngày. Một số ít có nguy cơ bị biến chứng, trong đó nguy hiểm nhất là gặp phải cơn sốc.

Phụ huynh cần nhận biết các dấu hiệu bệnh trở nặng để cho trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời (thường vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh, ngay cả khi trẻ hết sốt): ói mửa nhiều; đau bụng; bứt rứt, quấy khóc; lừ đừ, li bì, tay chân lạnh - tím, vã mồ hôi; chảy máu mũi, chân răng, ói ra máu, đi tiêu phân đen; bỏ ăn, bỏ bú; nằm một chỗ, không chơi; than mệt.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP (HCDC) dự báo trong những tuần sắp tới số ca bệnh SXH hằng tuần tại Thành phố sẽ tiếp tục tăng. HCDC cảnh báo nếu cộng đồng không thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng thì nguy cơ xảy ra các ổ dịch SXH tại Thành phố là rất lớn. Hiện HCDC đang và sẽ tăng cường giám sát các hoạt động phòng chống SXH ở các điểm nguy cơ, trong đó có trường học, bệnh viện…

Phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch riêng biệt

Báo Pháp Luật TP cho hay, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch TP chuẩn bị triển khai chương trình kích cầu du lịch. Chương trình đề xuất miễn phí vé vào cổng các điểm tham quan do Nhà nước quản lý; các điểm do tư nhân quản lý giảm 50% giá vé vào cổng. Các cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch sẽ giảm từ 30% trở lên so với giá niêm yết…

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Võ Thị Ngọc Thúy cho hay, TP.HCM tiếp cận kích cầu theo hai hướng: Mức giá và nhu cầu của người dân. Hơn nữa, TP kích cầu bằng cách khuyến khích người dân đi du lịch trên địa bàn và người nơi khác đến TP.HCM.

Cùng đó là hướng ra ngoài bằng cách khuyến khích người dân từ TP.HCM đi ra các tỉnh, địa phương khác thông qua việc liên kết với 13 tỉnh ĐBSCL, 5 tỉnh Đông Nam Bộ, 8 tỉnh Đông Bắc và 5 tỉnh miền Trung.

Bà Thúy cũng cho biết thêm, TP sẽ phát huy thực chất nhất việc liên kết vùng để tạo ra sản phẩm hấp dẫn, có sự kết nối giữa các địa phương, trong đó TP.HCM chỉ là một mắt xích.

Khách du lịch tham quan tại Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: Hoàng Giang
Khách du lịch tham quan tại Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: Hoàng Giang

Ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP, nhận định sau khi dịch được kiểm soát, du lịch nội địa đã và sẽ phục hồi với tốc độ nhanh chóng, thậm chí khách còn nhiều hơn trước đây.

“Vấn đề ở đây là các doanh nghiệp du lịch, ngành hàng không và đặc biệt là cần sự đồng hành từ phía cơ quan báo chí để giúp kích cầu du lịch. Rất cần những thông tin về những điểm đến đẹp của Việt Nam, những điểm du lịch an toàn để kéo khách du lịch quay trở lại” - ông Việt nói.

Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở ứng dụng công nghệ sinh học

Theo báo Đại Đoàn Kết, diện tích đất nông nghiệp của Thành phố ngày càng bị thu hẹp do việc triển khai kém hiệu quả và do đô thị hóa nhanh. Thành phố định hướng phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở ứng dụng công nghệ sinh học.

Thời gian tới, khi thực hiện thí điểm ở 3 huyện khoảng 3-6 tháng, Thành phố sẽ có sơ kết đánh giá bước đầu, từ đó đề xuất nhân rộng mô hình để thu hút nhà đầu tư.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 28/9/2020 - Ảnh 2

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP, mục tiêu của Thành phố là phát triển ngành nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, trong đó có khả năng ứng dụng công nghệ sinh học, tăng năng suất và thu nhập cho bà con nông dân. Cũng theo ông Hiệp, hiện nay TPHCM đã cung cấp giống cho các tỉnh ở khu vực phía Nam và một số các nước trong khu vực, như Lào, Camuchia và Thái Lan.

Còn theo ông Dương Đức Trọng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP, theo định hướng phát triển ngành này thì Thành phố sẽ phát triển thêm 2-3 khu nông nghiệp công nghệ cao nữa. Quy hoạch ngành này được kỳ vọng sẽ tạo ra giá trị 900 triệu đồng/ha/năm. Từ đó, thu nhập của người dân nông thôn sẽ được nâng lên 100 triệu đồng/người/năm, cao gần gấp đôi so với hiện nay (hơn 60 triệu đồng/người/năm).

Ra mắt Liên chi hội nhà báo các cơ quan báo chí Trung ương tại TP.HCM

Theo báo Thanh Niên, Hội Nhà báo TP.HCM vừa tổ chức hội nghị đại biểu Liên chi hội (LCH) nhà báo các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương khác trên địa bàn TP.HCM (gọi tắt là LCH nhà báo T.Ư tại TP.HCM) lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2020 -2023.

Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân, Phó tổng biên tập Báo CAND, Trưởng Ban thư ký LCH nhà báo lâm thời cho biết TP.HCM có 161 cơ quan báo chí T.Ư và địa phương khác đặt văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú, 10 đơn vị hoạt động truyền hình trả tiền, 46 đơn vị hoạt động truyền hình thu qua vệ tinh.

Ban Thư ký Liên chi hội nhà báo các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương khác tại TP.HCM ra mắt sáng 26/9. Ảnh: Sỹ Đông
Ban Thư ký Liên chi hội nhà báo các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương khác tại TP.HCM ra mắt sáng 26/9. Ảnh: Sỹ Đông

Đội ngũ những người làm báo đã làm tốt chức năng phản biện xã hội, tích cực, chủ động kịp thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phản ánh chân thật đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Dù vậy vẫn còn tình trạng từ chối, né tránh báo chí, thậm chí có hành vi, thái độ cản trở, đe dọa, hành hung, xúc phạm các nhà báo hoạt động đúng pháp luật...

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất biểu quyết bầu Ban Thư ký LCH nhà báo các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương khác trên địa bàn TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2023 với 7 thành viên. Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Trung tâm truyền hình Việt Nam khu vực Nam bộ làm Trưởng Ban Thư ký, 6 thành viên khác đảm nhiệm các ban: Tổ chức hành chính, Nghiệp vụ, Phong trào, Cộng đồng, Đối ngoại và Kiểm tra.

Góp một ngày lương cho Quỹ Vì người nghèo

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, sáng 28/9, hưởng ứng phát động của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cán bộ, công chức, người lao động các cơ quan Thành ủy, HĐND, UBND đã đóng góp một ngày lương ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" TP.HCM năm 2020.

Hoạt động trên nhằm hưởng ứng tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2020; tạo nguồn lực tổ chức các hoạt động an sinh xã hội từ nay đến cuối đến năm 2021; chuẩn bị công tác chăm lo Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Phát biểu tại lễ phát động, ông Nguyễn Quốc Thái - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Văn phòng Thành ủy - cho biết hoạt động này thể hiện tình cảm, nhân ái, nghĩa tình của nhân dân TP. Qua phát động, cán bộ, công chức người lao động cơ quan các Ban Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra và Văn phòng Thành ủy tự nguyện đóng góp 495 triệu đồng.

Cán bộ, công chức người lao động cơ quan các Ban Thành ủy, Ủy ban kiểm tra và Văn phòng Thành ủy TP đóng góp một ngày lương cho Quỹ Vì người nghèo TP - Ảnh: THẢO LÊ
Cán bộ, công chức người lao động cơ quan các Ban Thành ủy, Ủy ban kiểm tra và Văn phòng Thành ủy TP đóng góp một ngày lương cho Quỹ Vì người nghèo TP - Ảnh: THẢO LÊ

Ông Thái hy vọng cán bộ, công chức, người lao động tiếp tục đóng góp, vận động các nhà hảo tâm phát huy truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách"; tích cực ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, giúp người nghèo giảm bớt khó khăn, dần ổn định cuộc sống. Việc làm này sẽ góp phần giúp TP.HCM thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng TP có cuộc sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Cùng ngày, cán bộ, công chức, người lao động cơ quan Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, Văn phòng UBND TP.HCM cũng hưởng ứng lễ phát động, đóng góp một ngày lương ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" TP.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục