Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 29/4/2020

11:33 29/04/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 29/4/2020:

Thăm hỏi, tri ân các đơn vị, cá nhân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Báo Vietnamplus đưa tin, nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020), chiều 28/4, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP đến thăm, chúc mừng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và thăm một số cá nhân có thành tích tiêu biểu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tặng hoa Bộ Tư lệnh Quân khu 7. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tặng hoa Bộ Tư lệnh Quân khu 7. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Tại Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố luôn ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sỹ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đóng góp to lớn của lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng vũ trang Quân khu 7 trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Đảng bộ, chính quyền Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 xây dựng Thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, tương xứng với tiềm năng, vị thế của Thành phố trong công cuộc xây dựng và phát triển Tổ quốc hiện nay .

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân thăm Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (giữa). (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân thăm Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (giữa). (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Chiều cùng ngày, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đã tới thăm gia đình cố Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tá Từ Đễ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, thành viên Phi đội Quyết thắng tham gia trận đánh ném bom sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975; Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Hiệu trưởng Trường Văn hóa Quân khu 7.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Từ Đễ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Từ Đễ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại các điểm đến thăm, thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự tri ân, cảm ơn sâu sắc đến các vị tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các cá nhân đã có những công lao đặc biệt xuất sắc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giành được thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trao Thư khen của Phó Chủ tịch nước đến người sáng tạo máy “ATM gạo”

Thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng, UBND TP tổ chức lễ trao Thư khen của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Bằng khen của UBND TP cho ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Vũ Trụ Xanh, người có sáng kiến chế tạo máy ATM phát gạo tự động cho người nghèo trong dịch Covid-19.

Đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đã trực tiếp trao Thư khen và Bằng khen đến ông Hoàng Tuấn Anh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm trao Bằng khen của UBND TPHCM cho ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Vũ Trụ Xanh. Ảnh: CAO THĂNG
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm trao Bằng khen của UBND TPHCM cho ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Vũ Trụ Xanh. Ảnh: CAO THĂNG

Trong thư khen, Phó Chủ tịch nước viết: Một trong những việc làm sáng tạo, có tính lan tỏa tích cực là “ATM gạo” của anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Vũ trụ xanh đã thu hút hàng trăm người tham gia với hàng chục tấn gạo, cứu giúp cho hàng ngàn người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. Hiện mô hình “ATM gạo” được nhân rộng ở Hà Nội, Hòa Bình, Đà Nẵng, Huế, Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Cần Thơ, Cà Mau và nhiều địa phương khác trên cả nước".

Phó Chủ tịch nước hoan nghênh và biểu dương hành động của ông Hoàng Tuấn Anh cũng như tất cả những việc làm nhân ái, quả cảm của người dân trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Triển lãm ảnh 45 năm xây dựng và phát triển

Vietnamplus cho hay, triển lãm ảnh "Thành phố Hồ Chí Minh 45 năm xây dựng và phát triển vì cả nước, cùng cả nước"  diễn ra từ nay đến ngày 5/5, tại ba điểm: Phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Đồng Khởi và khu vực đối diện Công viên Chi Lăng.

Triển lãm ảnh 'Thành phố Hồ Chí Minh 45 năm xây dựng và phát triển vì cả nước, cùng cả nước' trên tuyến đường Đồng Khởi. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Triển lãm ảnh 'Thành phố Hồ Chí Minh 45 năm xây dựng và phát triển vì cả nước, cùng cả nước' trên tuyến đường Đồng Khởi. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo ông Trà Đức Khang, Phó Giám đốc Trung tâm Triển lãm Thành phố, triển lãm gồm 200 ảnh màu và đen trắng giới thiệu về truyền thống lịch sử của quân và dân Việt Nam, nhất là giai cấp công nhân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Triển lãm nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc; nêu bật những thành tựu đạt được trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Công viên Lam Sơn sẽ là công viên văn hóa

Trước Nhà hát Thành phố (quận 1), công viên Lam Sơn, bùng binh cây liễu gắn liền với ký ức người TP. Hồ Chí Minh. Nơi đây giờ là khu vực xuống hầm nhà ga tuyến metro số 1. Như vậy, công viên Lam Sơn sẽ được xây dựng lại như thế nào? Đó là vấn đề được báo Tuổi Trẻ đặt ra.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP, công viên Lam Sơn trước Nhà hát TP sẽ được thiết kế thành công viên văn hóa kết nối với không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ và trục đường thương mại Lê Lợi kéo dài đến chợ Bến Thành.

Công viên Lam Sơn phía trên ga ngầm Nhà hát TP (tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên) ngày 25-4-2020 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Công viên Lam Sơn phía trên ga ngầm Nhà hát TP (tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên) ngày 25-4-2020 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo đó, công viên sẽ có những không gian trống, mở để sử dụng đa năng như triển lãm văn hóa, hình ảnh, đi dạo. Thiết kế sẽ giản đơn, mộc mạc, tránh tối đa những chi tiết rườm rà, rối mắt. Công viên sẽ không có những tượng đài cố định, chỉ có những phù điêu có thể di chuyển để tùy nghi bố trí không gian cho sự kiện. Cây trồng ở đây sẽ là loại cây bản địa của TP, có rễ cây ăn ngang để đảm bảo không ảnh hưởng đến hầm metro phía dưới.

Mặc dù là điểm khởi đầu trục đường thương mại (Lê Lợi) nhưng do vị trí tách biệt, nên công viên này sẽ mang chủ đề công viên văn hóa, phù hợp với vị trí trước Nhà hát TP và quy mô khiêm tốn của không gian nơi đây.

Trong khi đó, đài phun nước tại ngã ba hai tuyến đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi vừa được xây dựng lại là điểm giao thoa giữa ba chủ điểm của khu trung tâm TP: chính trị - văn hóa - thương mại.

TP. Hồ Chí Minh có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân cao nhất cả nước

Ngày 28/4, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê công bố Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam và Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020. Nội dung thông tin trên Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam, bình quân năm 2019, cả nước có 7,9 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân. Có 8/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân cao hơn bình quân cả nước. Cao nhất là TP. Hồ Chí Minh với 26,5 doanh nghiệp.

Nội dung Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2019, gồm 6 phần: Bối cảnh phát triển doanh nghiệp năm 2019; Tổng quan phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 và giai đoạn 2016-2019; Một số nét chủ yếu về doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; Đề xuất giải pháp phát triển doanh nghiệp; Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2019 và giai đoạn 2016-2019 toàn quốc; Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2019 và giai đoạn 2016-2019 các địa phương.

Phụ huynh gửi đơn phản ánh về học phí học online

Những ngày qua, phụ huynh nhiều trường phổ thông tư thục tại TP.Hồ Chí Minh gửi đơn phản ánh, khiếu nại lên các cơ quan quản lý về việc các trường thu học phí dạy trực tiếp nhưng học sinh phải học online mà chất lượng không đảm bảo.

Theo nội dung phản ánh trên báo Thanh Niên, trong đơn gửi Bộ GD-ĐT, UBND TP, Sở GD-ĐT TP, phụ huynh có con em đang theo học tại Trường Quốc tế Úc (AIS) đề nghị các cơ quan này vào cuộc giúp đỡ phụ huynh vì nhà trường yêu cầu đóng đầy đủ học phí trong thời gian học sinh (HS) không đến trường mà học online do dịch Covid-19. Phụ huynh cho rằng chất lượng và hiệu quả của việc học online không như mong đợi.

Phụ huynh Trường Sao Việt (VStar) đến trường để phản đối về học phí và đòi hỏi công khai thông tin sáng 28.4/ẢNH: ĐĂNG NGUYÊN
Phụ huynh Trường Sao Việt (VStar) đến trường để phản đối về học phí và đòi hỏi công khai thông tin sáng 28.4/ẢNH: ĐĂNG NGUYÊN

Theo phụ huynh, ngay từ đầu nhà trường đã không có chủ trương hoàn trả học phí và ra thông báo đóng học phí năm học 2020 - 2021 nhưng không hề đề cập đến việc hoàn trả học phí trong thời gian HS học online. Sau rất nhiều phản ánh của phụ huynh, ngày 17/4, nhà trường mới ra thông báo về mức hoàn trả học phí theo bậc học mầm non là 20%, tiểu học 12%, các lớp còn lại là 5% trên tổng số học phí tính theo ngày học online kèm theo điều kiện phụ huynh phải cho con tiếp tục học tại AIS.

Trong khi đó, phụ huynh đề nghị tính theo số ngày học online với mức từ 50 - 70%. Ngoài ra, trường phải hoàn trả 100% các khoản thu ngoài học phí như xe đưa đón, các lớp học ngoại khóa. Bên cạnh đó, do tác động của dịch Covid-19, phụ huynh cũng đề nghị trường giảm 20% theo mức học phí nhà trường đã công bố cho tất cả HS trong trường hợp dịch bệnh được khống chế và trường khai giảng theo đúng lịch trình. Mức học phí trung bình tại Trường AIS là trên 400 triệu đồng/năm/HS. Ngoài ra, mỗi năm học phí còn tăng vài phần trăm theo trượt giá.

Tương tự, Ban đại diện tập thể phụ huynh năm học 2019 - 2020 của Trường Sao Việt (VStar School) cũng gửi đơn kiến nghị đến UBND TP, Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT Q.7. Theo phụ huynh, Ban giám hiệu Trường VStar gửi thư thông báo đóng học phí + tiền ăn + tiền xe buýt cho năm học 2020 - 2021 trong khi HS chưa được học ngày nào học kì II năm học này.

Các phụ huynh Trường Quốc tế Saigon Star cũng gửi đơn đến Ban lãnh đạo trường này với kiến nghị: “Chúng tôi lo ngại việc học online có thể không đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, chúng tôi viết email này kính mong ban lãnh đạo nhà trường xem xét giúp đỡ giảm học phí 50% để chúng tôi có cơ hội cho con tiếp tục đến trường, những quyền lợi mà chúng tôi và con em chúng tôi đã mất đi trong thời gian nghỉ dài hạn do dịch Covid-19”.

Trước yêu cầu này, ngày 20/4, Ban lãnh đạo Trường Saigon Star đã có thông báo cho phụ huynh. Tuy nhiên, mức học phí năm học 2020 - 2021 vẫn được giữ nguyên, chỉ trừ tiền ăn, xe đưa rước.

Xe khách hoạt động lại: Trung bình mỗi xe chở 7 hành khách

Các tuyến xe khách liên tỉnh từ TP. Hồ Chí Minh hoạt động trở lại gần 1 tuần qua, dù trong điều kiện bị hạn chế nhưng lượng khách mỗi chuyến không nhiều. Nội dung được phản ánh trên báo Người Lao Động.

Nhằm phòng chống dịch Covid-19, các tuyến xe chỉ được hoạt động tối đa 30% theo biểu đồ với những tỉnh, thành thuộc nhóm nguy cơ và 50% với các địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp (tối thiểu không ít hơn 1 chuyến/tuyến). 

Sau gần 1 tháng tạm ngưng, xe khách hoạt động trở lại tại Bến xe Miền Đông ngày 23/4
Sau gần 1 tháng tạm ngưng, xe khách hoạt động trở lại tại Bến xe Miền Đông ngày 23/4

Tuy nhiên, theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP, từ ngày 24 đến 27/4, tổng sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh qua các bến xe tại TP đạt 69.610 khách, với 9.383 lượt xe phục vụ (bình quân 1 xe chở 7 hành khách).

Lượng khách như trên so với cùng kỳ năm 2019 giảm đến 87% tại Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây giảm 88%, Bến xe An Sương giảm 83% và Bến xe Ngã tư Ga giảm 67%.

Trong khi đó, ở một số lĩnh vực khác như đường thuỷ, hàng không, đường sắt tại TP. Hồ Chí Minh, thống kê sản lượng khách cũng giảm mạnh. 

Sở GTVT TP cho hay, việc tổ chức hoạt động cùng các yêu cầu phòng chống dịch trong các lĩnh vực giao thông vận tải tại TP đang kiểm soát chặt. 

Bảo tàng, di tích mở cửa trở lại vào ngày 30/4

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, ông Hoàng Nghị - Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hoá Thể Thao TP.Hồ Chí Minh) cho biết, sau thời gian tạm ngừng hoạt động để cách ly xã hội, Uỷ ban nhân dân Thành phố đã có quyết định cho phép các bảo tàng, di tích lịch sử trên địa bàn TP hoạt động trở lại, có thể sẵn sàng đón khách tham quan dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. 

Một số bảo tàng, di tích trên địa bàn thành phố đã mở cửa trở lại. Ảnh: Huân Cao.
Một số bảo tàng, di tích trên địa bàn thành phố đã mở cửa trở lại. Ảnh: Huân Cao.

Dù vậy, theo ông Nghị, việc mở cửa trở lại các điểm tham quan này phải đảm bảo chặt chẽ quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19.

"Các công trình bảo tàng, di tích khi hoạt động trở lại phải chấp hành nghiêm và phải đạt 80% tổng số điểm trở lên theo Bộ tiêu chí bảo đảm an toàn do UBND TP ban hành".

Ngoài ra, ông Hoàng Nghị cho biết thêm, nếu người dân không có điều kiện tham quan trực tiếp có thể tìm hiểu thông tin qua hệ thống website của các bảo tàng, di tích lịch sử. Công tác nghiên cứu, tăng cường bài vở trên các website này đã được Sở Văn hoá Thể thao chỉ đạo các đơn vị thực hiện trong thời điểm cách ly xã hội trước đó. 

Vị giáo sư và những con chip “made in Vietnam”

Năm nay đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng GS.TS Đặng Lương Mô (84 tuổi, Việt kiều Nhật Bản) vẫn nặng lòng với các nghiên cứu trong lĩnh vực điện tử vi mạch của nước nhà. Với hơn 300 công trình nghiên cứu và 13 phát minh sáng chế, GS Mô được coi là nhà khoa học hàng đầu về vi mạch tại Việt Nam, Nhật Bản, và có ảnh hưởng tại nhiều quốc gia. Đó là nhân vật trong phóng sự được đăng tải trên báo Đại Đoàn Kết.

Là nhà khoa học tiêu biểu được vinh danh trong chương trình “Ra biển lớn” của Đài Truyền hình TP HCM (HTV) vào ngày 26/4/2020, GS.TS Đặng Lương Mô có thể mãn nguyện sau hành trình 20 năm về nước cống hiến cho dân tộc. Cách đây 20 năm, GS Mô đã có quyết định dứt khoát rời Nhật Bản, năm đó nhà khoa học Việt kiều 66 tuổi (năm 2002) và có hơn 40 năm làm việc và sinh sống tại quốc gia phát triển của Đông Á. Ông về nước, ngoài hàm lượng khoa học trong lĩnh vực, còn là sự chứng kiến những thay đổi thần kỳ của Nhật Bản suốt hơn 40 năm, đã mang theo nhiều hoài bão để mong muốn Việt Nam có sự phát triển vượt bậc khi đất nước mở cửa.

GS.TS Đặng Lương Mô và đại diện chương trình “Ra biển lớn” của HTV. Ảnh: Hồng Phúc.
GS.TS Đặng Lương Mô và đại diện chương trình “Ra biển lớn” của HTV. Ảnh: Hồng Phúc.

Qua nhiều năm cống hiến trong lĩnh vực vi mạch, GS.TS Đặng Lương Mô đã được bầu làm Hội viên chính Viện Hàn lâm khoa học New York từ năm 1992; Hội viên thượng cấp của Hội Kỹ sư điện - Điện tử - Tin học (IEEE) của Hoa Kỳ. Năm 1984, GS Mô nhận bằng khen thành tích xuất sắc của Công ty Toshiba (Nhật Bản). Năm 1991, ông nhận bằng khen về sự đóng góp xuất sắc cho Hội nghị Quốc tế ICCAD.

Rất nhiều phát minh sáng chế của ông được quốc tế công nhận, không chỉ có ý nghĩa học thuật mà còn có tính ứng dụng cao trong sản xuất. Đặc biệt công trình khoa học mang tên ông “Mô hình Transistor Mosfet” (còn gọi là “Dang Model”) đăng trên tạp chí của Hội IEEE (Hội kỹ sư Điện - Điện tử - Tin học Hoa Kỳ) năm 1979 đã được Đại học California ở Berkeley (Mỹ) phát triển và được sử dụng trong công nghiệp và giáo dục trên khắp thế giới.

Đặc biệt, ông cũng đã đặt nền móng cho sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), sản xuất thành công nhiều con chip mang tên SIGMA-K3, VN8-01, TH-7150 và chip vi xử lý 32 bit đầu tiên tại Việt Nam VN1632. ICDREC, sau đó đã sử dụng con chip tạo ra trên 50 sản phẩm công nghiệp, từ hộp đen giám sát hành trình cho ôtô và xe gắn máy, đến điện kế thông minh.

Sự thành công những con chip made in Vietnam đầu tiên đã khiến Chính phủ đi đến quyết định đặt công nghệ vi mạch ở vị trí hàng đầu trong số 46 ngành công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại Việt Nam.

Dù có những cống hiến hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch, thế nhưng hiện nay GS Đặng Lương Mô rất khiêm tốn và chọn cuộc sống giản dị tại một căn nhà nhỏ thuộc phường 11, quận Gò Vấp TP. Hồ Chí Minh.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục