Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 29/5/2020

10:56 29/05/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 29/5/2020:

TP. Hồ Chí Minh phấn đấu trong năm 2020 hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công

Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng vẫn chưa ký hợp đồng BT. Nguồn: Báo Vietnamnet
Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng vẫn chưa ký hợp đồng BT. Nguồn: Báo Vietnamnet

Trang tin điện tử Thanhuytphcm.vn đưa tin: Ngày 28/5, UBND Thành phố (TP) ban hành Kế hoạch số 1985/KH-UBND sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Mục tiêu là trong năm 2020 hoàn thành việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất do các tổng công ty, công ty 100% vốn nhà nước thuộc thành phố đang quản lý, sử dụng theo phương án đã được UBND TP phê duyệt; kiểm tra, rà soát và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn, đồng thời theo dõi thực hiện phương án phê duyệt của các đơn vị đã tiến hành hậu kiểm nhưng đang hoặc chưa thực hiện đúng phương án phê duyệt.

UBND TP giao Thường trực Ban Chỉ đạo 167 phối hợp với Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên địa bàn thành phố đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Ngoài ra, UBND TP cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tập trung hoàn tất công tác thu hồi, đề xuất phương án xử lý đối với các nhà, đất đã thu hồi nhưng chưa đề xuất phương án xử lý (14 khu), đồng thời đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá đối với các nhà, đất đã được UBND TP phê duyệt phương án bán đấu giá nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu cho ngân sách TP.

Kỳ tích robot mổ não ở Việt Nam

Một số bệnh viện chuyên sâu tuyến cuối của TP đang tạo đột phá về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặt những nền móng vững chắc để xây dựng "Trung tâm Y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á" theo định hướng của UBND TP.

Theo thông tin trên báo Người Lao Động, ngày 28/5, Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 vinh dự đón nhận 3 bằng xác lập kỷ lục châu Á mới do Tổ chức Kỷ lục châu Á trao. Trong số này có 2 kỷ lục tập thể, gồm: BV đầu tiên của Việt Nam phẫu thuật u não cho bệnh nhân 67 tuổi bằng hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo robot Modus V Synaptive và BV đầu tiên đạt chuẩn chất lượng điều trị Vàng của Hội Đột quỵ châu Âu về điều trị đột quỵ.

Bác sĩ Chu Tấn Sĩ trong ca mổ não bằng kỹ thuật robot
Bác sĩ Chu Tấn Sĩ trong ca mổ não bằng kỹ thuật robot

Kỷ lục cá nhân được trao cho BSCKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng Khoa Ngoại thần kinh BV Nhân dân 115, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại thần kinh Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ông là chuyên gia được mệnh danh "Bàn tay vàng phẫu thuật thần kinh", người đầu tiên phẫu thuật u não bằng hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) robot Modus V Synaptive, dưới sự hỗ trợ của GS Amin Kassam, Phó Chủ tịch Viện Phát triển thần kinh Aurora (Mỹ). Sự thành công của ca phẫu thuật u não bằng hệ thống robot là dấu ấn quan trọng trên bản đồ y khoa thế giới. BV Nhân dân 115 là cơ sở khám chữa bệnh đầu tiên ở châu Á triển khai hệ thống robot vào phẫu thuật thần kinh, sọ não.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết đây là một những bước đột phá trong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, góp phần đặt nền móng vững chắc để xây dựng "Trung tâm Y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á" theo định hướng của UBND TP HCM. Công trình nói trên cũng được bình chọn là Giải thưởng Y tế thông minh của TP vừa qua.

Người dân hào hứng với trang Facebook của quận

Thời gian qua, trang Facebook Ủy ban Nhân dân Quận 12 đã tiếp nhận rất nhiều phản ánh của người dân. Từ đó, UBND quận 12 đã xử lý các thông tin phản ánh và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phía người dân. Đó là thông tin thú vị được đăng tải trên báo Pháp Luật TP.

Cán bộ phụ trách trang Facebook UBND quận 12 đang tương tác với người dân. Ảnh: LÊ THOA
Cán bộ phụ trách trang Facebook UBND quận 12 đang tương tác với người dân. Ảnh: LÊ THOA

Khi hỏi về trang Facebook “khủng” của UBND quận 12, hầu hết những người có sử dụng Facebook đang cư trú ở quận đều biết. Anh Minh Hiền (ngụ phường Thạnh Lộc, quận 12) cho biết, mỗi khi có phát hiện hay bức xúc với những vấn đề ở địa phương như ô nhiễm rác, tiếng ồn…, anh đều nhắn tin cho trang Facebook của UBND quận.

Vào tháng 2/2020, một người ở phường An Phú Đông nhắn báo tình trạng sử dụng loa công suất lớn hát karaoke khuya, ảnh hưởng đến sinh hoạt của khu phố. Tin nhắn gửi đi lúc hơn 22 giờ đêm thì 7 giờ sáng hôm sau, người dân đã nhận được phản hồi của người quản lý trang cho biết sẽ sớm chuyển tới đơn vị liên quan. Khi nhận được kết quả xử lý của UBND phường, đội ngũ quản lý trang Facebook đã nhanh chóng báo lại cho người phản ánh.

Hay khi trang Facebook đăng thông tin tuyên truyền về việc khai báo y tế toàn dân phòng, chống dịch Covid-19, có người vào hỏi đường link khai báo trên mạng. Cán bộ quản lý ngay lập tức trả lời cho người dân hay.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận 12, cho biết trang Facebook UBND quận 12 được lập ra từ tháng 11/2015. Trang đã giúp tăng cường tương tác giữa chính quyền quận với người dân, doanh nghiệp (DN) và các tổ chức.

Trang Facebook này được một bộ phận thuộc Văn phòng UBND quận quản lý. Trang đăng tải các nội dung về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự của quận. Các dự án đang triển khai, quy hoạch, các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quận cũng được công khai đầy đủ trên trang. Ngoài ra, trang còn tuyên truyền các quy định mới về pháp luật, vấn đề dịch bệnh, y tế…

Đặc biệt, thông qua trang Facebook, UBND quận 12 tiếp nhận những phản ánh, góp ý của người dân, DN, tổ chức và phản hồi kết quả xử lý đến từng người một cách nhanh nhất. 

Trang Facebook của UBND quận 12 hiện có hơn 31.500 người theo dõi. Trung bình mỗi tháng có hơn 614.000 lượt tiếp cận bài viết, gần 75.000 lượt tương tác. 1.317 là số lượt phản ánh qua trang Facebook mà quận 12 đã xử lý được trong thời gian qua. Các nội dung phản ánh chủ yếu tập trung vào vấn đề ô nhiễm môi trường, sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị, trật tự xã hội, quy hoạch đô thị, thủ tục hành chính…

Thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch liên vùng

Liên quan đến việc hợp tác phát triển du lịch vùng TP. Hồ Chí Minh (TP) và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, báo Pháp Luật TP cho hay, UBND TP đã giao Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV (Saigontourist) phối hợp với các cơ quan chức năng của TP và 13 tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức khảo sát các điểm đến, tiềm năng tài nguyên của các địa phương.

Mục đích của việc khảo sát là tìm hiểu, thúc đẩy và hình thành các sản phẩm mới. Trong đó, các đơn vị liên quan sẽ xây dựng ít nhất ba sản phẩm du lịch mới.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao tham mưu kế hoạch tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư du lịch vào TP cùng 13 tỉnh, thành ĐBSCL và sáu tỉnh miền Đông Nam bộ.

Sở Du lịch phối hợp với 13 tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện gian hàng xúc tiến chung của 13 tỉnh, thành và quảng bá thương hiệu du lịch vùng tại “Ngày hội du lịch TP.HCM lần thứ 16” năm 2020.

Sáng tạo làm sạch đẹp trung tâm Thành phố

Các bé Trường Mầm non Tân Định (quận 1, TPHCM) đạp xe hưởng ứng việc giữ vệ sinh môi trường
Các bé Trường Mầm non Tân Định (quận 1, TPHCM) đạp xe hưởng ứng việc giữ vệ sinh môi trường

Là địa bàn trung tâm TP. Hồ Chí Minh, việc giữ môi trường xanh, sạch, đẹp ở quận 1 không chỉ làm cho đời sống người dân nơi đây tốt hơn, mà còn mang ý nghĩa rất lớn, thể hiện bộ mặt của Thành phố khi địa bàn quận hàng ngày đón một lượng lớn khách du lịch, làm việc trong và ngoài nước. Từ nhận thức này, quận 1 có nhiều cách làm sáng tạo thực hiện tốt Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Ghi nhận trên báo Sài Gòn Giải Phóng, để giữ khu trung tâm ngày một xanh sạch đẹp, không thể bỏ qua những hoạt động thiết thực của Trưởng ban Công tác mặt trận các khu phố, cũng như Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 1. Nhiều hoạt động thiết thực như vận động người dân kinh doanh gọn gàng, không xả rác; chương trình hướng dẫn chăm sóc vườn rau dinh dưỡng gia đình, tạo mảng xanh tại gia; những ngày hội thu gom rác thải nhựa, ngày hội nói không với rác thải nhựa, hướng dẫn phân loại rác... Từ những bọc chai nhựa được bán đi, đã có 33 phụ nữ, trẻ em nghèo, người mắc bệnh nan y trong quận được trao tặng thẻ bảo hiểm y tế.

Với người dân địa phương thì cán bộ “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, lâu dần sẽ có chuyển biến. Nhưng với khách vãng lai thì cũng còn những cái khó. Để xử lý một hành vi xả rác nhiều khi không đơn giản, ngay cả khi có camera, bởi vậy càng phải nâng cao ý thức giữ gìn môi trường, phát huy vai trò tự quản của người dân. Do đó, hoạt động tuyên truyền giữ vệ sinh môi trường, phát triển mảng xanh cần phải làm thường xuyên, liên tục như mưa dầm thấm lâu, đòi hỏi sự kiên trì và sáng tạo của cán bộ đoàn thể.

Sở Tư pháp quyết trị nạn giấy tờ giả

Tình trạng làm giả giấy tờ trong hoạt động công chứng, đặc biệt là giấy tờ nhà, đất thời gian qua diễn biến phức tạp, thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi. Với tư cách là cơ quan quản lý, Sở Tư pháp TP đã chỉ đạo, phối hợp chặt và thông suốt giữa các tổ chức hành nghề công chứng và các cơ quan tiến hành tố tụng. Từ đó, việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm khá chặt chẽ, góp phần đẩy lùi nạn giả mạo giấy tờ. Đó là nội dung bài viết trên báo Pháp Luật TP.

Mới đây nhất, ngày 18/1/2020, công chứng viên (CCV) thuộc văn phòng công chứng (VPCC) Nhà Rồng, quận 12 tiếp nhận hồ sơ của bà TTTNg công chứng hợp đồng đặt cọc 1,5 tỉ đồng để đảm bảo việc chuyển nhượng một thửa đất tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi.

Bà Ng. bán thửa đất trên cho bên mua với giá ghi trong hợp đồng là 5 tỉ đồng, hai bên đã bàn giao tiền cọc cho nhau. Nhưng qua kiểm tra giấy hồng, CCV nghi ngờ giấy giả nên đã báo Công an phường Thới An, quận 12 đến làm rõ. Sau đó, VPCC Nhà Rồng đã bàn giao đầy đủ giấy tờ mà hai bên xuất trình gồm: CMND, hộ khẩu và bản chính giấy hồng, giấy cam kết đã nhận tiền cọc… cho công an xử lý theo pháp luật.

Công chứng viên Phòng công chứng số 4 (TP.HCM) đang dùng máy soi để kiểm tra giấy tờ nhà, đất. Ảnh: YẾN CHÂU
Công chứng viên Phòng công chứng số 4 (TP.HCM) đang dùng máy soi để kiểm tra giấy tờ nhà, đất. Ảnh: YẾN CHÂU

Nhiều đơn vị cũng đã trang bị máy soi cá nhân cho từng CCV và một máy soi chuyên nghiệp dùng chung để kiểm tra giấy tờ. Khi phát hiện giấy tờ giả thì ngay lập tức báo công an và cùng nhau phối hợp xử lý.

Để chống nạn giấy tờ giả, theo các VPCC, vai trò của Sở Tư pháp là rất quan trọng. Sở thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban liên quan tổ chức buổi làm việc giữa các ngành như công an, VKS, tòa án để xây dựng cơ chế phối hợp trong việc phát hiện và xử lý giấy tờ giả. Sở cũng chỉ đạo sát sao các tổ chức hành nghề công chứng tổ chức các lớp, các buổi tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho CCV để có kỹ năng phát hiện giấy tờ giả.

Tuy nhiên, hiện nay hành vi làm giả trong công chứng diễn ra rất tinh vi từ việc chuẩn bị, dàn dựng kịch bản, giấy tờ giả, người giả đều khó phát hiện. Vì thế, ngoài sự quyết liệt của Sở Tư pháp, phải có sự chia sẻ dữ liệu, liên thông, kết nối giữa các chi nhánh văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất với các tổ chức hành nghề công chứng. Sự kết nối này sẽ xác định được lịch sử, đối tượng giao dịch mới kịp thời ngăn chặn được các hành vi làm giả tinh vi.

Để cây xanh trường học không còn là nguy cơ với học sinh

Vụ việc cây phượng bật gốc trong sân trường khiến học sinh tử vong rất đau lòng, nhưng không phải vì thế mà nói 'không' với cây xanh. Ngược lại, phải xem đây là dịp để có cách kiểm soát tốt hơn việc trồng cây xanh và những nguy cơ khác trong trường học. Trong trường học hay trong đô thị, cây xanh không có “lỗi”, nếu con người biết bảo vệ, chăm sóc cây đúng cách, đó là tài sản quý giá với môi trường sống.

Học sinh một trường THPT ở Q.1 (TP.HCM) học thể dục dưới bóng cây - ẢNH: THÚY HẰNG
Học sinh một trường THPT ở Q.1 (TP.HCM) học thể dục dưới bóng cây - ẢNH: THÚY HẰNG

Chia sẻ trên báo Thanh Niên, chị Đỗ Thị Thanh Huyền, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia (Q.2), đơn vị thường xuyên phối hợp với các nhà hảo tâm tổ chức chương trình trồng rừng, cho biết tùy từng trường học, địa hình từng nơi sẽ có danh mục những loại cây trồng phù hợp.

Theo đó, các giải pháp để duy trì mảng xanh trong trường học mà vẫn đảm bảo an toàn cho học sinh: Rà soát kiểm tra định kỳ cây xanh trong trường học hằng năm, đặc biệt là trước mùa mưa bão. Hướng dẫn học sinh các quy tắc an toàn trong mùa mưa bão, đề phòng cây đổ, điện giật... Học sinh nên tránh không sinh hoạt dưới gốc cây, đặc biệt vào những ngày trời gió to hoặc sau trận mưa bão. Học sinh cũng cần học cách quan sát xung quanh, khẩn trương chạy ra xa khi thấy cây bắt đầu có hiện tượng rung lắc mạnh.

Anh Ngọc Hồ, quản trị của diễn đàn “Thích trồng cây” với hơn 360.000 thành viên chia sẻ rằng việc trồng cây ở trường học, cần tuân thủ danh mục cây được phép trồng và điều quan trọng nhất, hãy tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên của cây.

Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục