Xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ
Đó là nội dung của bài viết trên báo Sài Gòn Giải Phóng. Theo bài viết, xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ Nhân dân là đòi hỏi cấp bách trong giai đoạn hiện nay đối với TP. Hồ Chí Minh, góp phần phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn trên các lĩnh vực và phát huy hơn nữa vai trò trong phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo đó, chính quyền cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ luôn gần dân, lắng nghe ý kiến của người dân, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống của người dân. Một trong những chức năng cơ bản nhất của chính quyền nhà nước là cung ứng “hàng hóa công” - những hàng hóa và dịch vụ mà thị trường không cung ứng hay cung ứng không đầy đủ, nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của nền kinh tế.
TP đã và đang thực hiện xã hội hóa trên nhiều lĩnh vực, là một bước đi cụ thể theo hướng này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều dịch vụ công mà chính quyền đang trực tiếp đảm nhận cung cấp. Vì thế, TP nên rộng cửa hơn nữa cho khu vực tư nhân trong những lĩnh vực mà khu vực ngoài nhà nước có thể làm được và làm tốt. Khi đó, chính quyền TP thay vì là “người chèo đò” sẽ chuyển sang “người lái đò”.
Để trở thành chính quyền kiến tạo, phục vụ thì biện pháp hữu hiệu nhất là cải cách hành chính (CCHC) mà lâu nay, TP đã và đang tập trung thực hiện. Trong nhiệm vụ này cũng cần thực hiện tốt việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở các cấp.
Và để trở thành chính quyền kiến tạo, TP cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, có phẩm chất, đạo đức và năng lực công tác, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.
Đặc biệt, cái gốc để nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước là hình thành, chuẩn hóa, công khai hóa các quy trình giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị đối với tổ chức, công dân cũng như trong điều hành, quản lý cơ quan. Do đó, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử được xem như là một cuộc cách mạng thật sự trong đổi mới CCHC. Việc xây dựng chính quyền điện tử các cấp nhằm hiện đại hóa nền hành chính, đẩy nhanh tiến độ CCHC, qua đó chuyển dịch dần từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ, kiến tạo”.
Cấm các loại xe lưu thông vào đường Nguyễn Huệ
Sở Giao thông vận tải TP cho biết: Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ sự kiện đếm ngược trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới (Countdown) năm 2020 tại đường Nguyễn Huệ, từ 18 giờ 30 ngày 31/12/2019 đến 0 giờ 30 ngày 1/1/2020, cấm tất cả các loại xe lưu thông vào đường Nguyễn Huệ (đoạn từ Lê Thánh Tôn đến Tôn Đức Thắng), Quận 1.
Theo đó, lộ trình thay thế đối với hướng từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Tôn Đức Thắng bao gồm:
Lộ trình 1: Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi - Tôn Đức Thắng.
Lộ trình 2: Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng.
Đối với hướng từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Lê Thánh Tôn, lộ trình 1: Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Pasteur - Lê Thánh Tôn.
Lộ trình 2: Tôn Đức Thắng - Công trường Mê Linh - Hai Bà Trưng - Lê Thánh Tôn.
(Theo Thanhuytphcm.vn)
Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn gặp nhiều khó khăn
Cũng theo Trang thông tin điện tử Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh: Thời gian qua, Thành phố xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Tuy nhiên, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là vào các dịp cuối năm gần đến Tết Nguyên đán... Đó là nhận định của các đại biểu tại chương trình Đối thoại cùng chính quyền TP. Hồ Chí Minh tháng 12/2019 với chủ đề “Chống hàng gian, hàng giả, buôn lậu tại TP. Hồ Chí Minh - Thực trạng và giải pháp” do HĐND TP phối hợp Đài Tiếng nói Nhân dân TP thực hiện.
Tại chương trình, đa số các đại biểu cho rằng TP càng về cuối năm càng xuất hiện nhiều loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồng hồ, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm… Những loại hàng này thường xuất hiện ở chợ truyền thống, trung tâm thương mại, vỉa hè với muôn hình vạn trạng hành vi vi phạm và thủ đoạn ngày càng tinh vi, phương thức hoạt động luôn thay đổi, gây nhiều khó khăn cho việc kiểm tra xử lý của các cơ quan chức năng.
Nhất là xuất hiện thêm hình thức gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả trên không gian mạng cũng đang đặt ra nhiều thách thức trong việc kiểm soát, xử lý cho các cơ quan chức năng.
Theo nhiều đại biểu, chính quyền TP cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn gặp nhiều khó khăn…
Chủ động cung cấp thông tin cho báo chí
Khánh thành Trung tâm báo chí là một trong 10 sự kiện nổi bật năm 2019 của TP. Hồ Chí Minh. Báo Tuổi Trẻ có bài phỏng vấn ông Từ Lương, Giám đốc Trung tâm Báo chí Thành phố.
Theo nội dung bài phỏng vấn, ông Từ Lương cho biết, qua hơn 7 tháng hoạt động (từ ngày 5/5/2019), Trung tâm Báo chí đã tập hợp cơ sở dữ liệu thông tin của các phóng viên tác nghiệp trên địa bàn Thành phố và cấp gần 1.300 thẻ tác nghiệp tại trung tâm cho phóng viên báo đài. Hơn 80 sự kiện diễn ra, trên 10.000 lượt phóng viên, đại biểu đến tham dự, đưa tin. Trong đó có phóng viên quốc tế.
Trung tâm đã nỗ lực phát huy vai trò đầu mối cung cấp thông tin cho báo chí. Ngoài ra, trung tâm cũng đã mở một lớp đào tạo bồi dưỡng cho 200 cán bộ quận Thủ Đức về truyền thông, cung cấp thông tin cho báo chí. Sắp tới, trung tâm cũng sẽ mở các lớp khác cho các quận huyện, doanh nghiệp trực thuộc UBND Thành phố.
Trung tâm báo chí đã phối hợp rất chặt chẽ với các sở ngành, quận huyện cung cấp thông tin báo chí. Ngược lại, các cơ quan báo chí thông qua Trung tâm báo chí được hỗ trợ tiếp cận thông tin mà báo chí quan tâm. Qua đó, thúc đẩy việc thực hiện quy chế cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn được kịp thời, hiệu quả.
Tái diễn nạn tận diệt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Theo thông tin trên báo Thanh Niên, hàng ngày nhóm “cá tặc” vẫn ngang nhiên chích điện, bắt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giữa ban ngày như thách thức cơ quan chức năng. Thay vì lén lút, hiện nhóm người này dùng vỏ lãi dàn hàng ngang, chích điện tận diệt cá như chốn không người! Dù cá lớn hay bé, những người này cũng chẳng tha. Những chiếc vợt được thiết kế hình tròn, miệng bao lưới, cá bị dính điện cứ thế trôi thẳng vào vợt. “Cá tặc” đều tay khua chèo, vớt cá bỏ vào khoang vỏ lãi. Công việc cứ thế lặp đi lặp lại thì “cá tặc” này đột nhiên dừng tay, rồi tiến về chỗ bình ắc quy chỉnh sửa, kẹp lại các đường dây điện. Xong đâu vào đấy, người này xuôi vỏ lãi hướng về Q.Phú Nhuận để tiếp tục hành trình tận diệt cá dưới kênh mà không hề có lực lượng chức năng nào can thiệp.
Bà Võ Thị Mộng Thu, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Thành phố), khẳng định: “Chi cục sẽ phối hợp với lực lượng Công an phường để đảm bảo không tái diễn đánh bắt cá trái phép. Vừa qua Chi cục cũng phối hợp với Công an P.13 (Q.Bình Thạnh) xử lý nhưng các đối tượng rất manh động. Đặc biệt, mùa cao điểm sắp Tết, những đối tượng này sẽ đánh bắt ráo riết nhằm tăng thu nhập”.
Dân bức xúc việc tái lập mặt đường cẩu thả
Báo Phát Luật TP. Hồ Chí Minh thông tin: Hàng loạt tuyến đường tại Thành phố vẫn xảy ra tình trạng tái lập mặt đường không đảm bảo chất lượng gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Cụ thể, nhiều tuyến đường không được các đơn vị thi công hoàn trả đúng như hiện trạng ban đầu, thay vào đó là những con đường nham nhở, chắp vá.
Một trong những con đường bị người dân phản ánh nhiều nhất là Lạc Long Quân (quận Tân Bình). Theo ghi nhận của phóng viên, tuyến đường Lạc Long Quân đoạn từ cây xăng Lý Thường Kiệt đến ngã tư Âu Cơ được chắp vá nhiều chỗ, mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà và thảm nhựa lồi lõm. Đường Lạc Long Quân được tái lập sau thi công đã biến thành “manh áo rách” được chắp vá nham nhở. Nhiều đoạn đường có chiều rộng khoảng 7 m nhưng có đến ba lớp thảm nhựa với độ lồi lõm khác nhau. Lớp thảm mới được chồng lên cao hơn lớp thảm cũ tạo nên độ chênh kéo dài, dẫn đến những đường rãnh cao thấp.
Tương tự, mặt đường Phổ Quang (quận Tân Bình) cũng lồi lõm, gồ ghề do việc tái lập mặt bằng cẩu thả của các đơn vị thi công. Trước đó đơn vị thi công cáp ngầm cho biết sau khi kéo cáp ngầm trên đường Phổ Quang hoàn thành (6/2019) sẽ trả lại hiện trạng mặt đường như ban đầu nhưng đến nay mặt đường này vẫn chưa được làm lại bằng phẳng.
Ông Trần Quốc Khánh - Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thành phố - cho biết, khi xác định giải pháp xử lý cần kiểm tra mức độ sai của đơn vị, chủ đầu tư thi công. Phải xem kỹ đó là tái lập tạm thời hay là làm xong nhưng không đảm bảo chất lượng. Hiện nay Thanh tra Sở Giao thông vận tải cũng đang kiểm tra các công trình tương tự trên địa bàn Thành phố, tùy mức độ vi phạm để xử lý.
Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải - cũng cho hay: “Sở Giao thông vận tải sẽ kiểm tra nội dung lập biên bản xử phạt về lỗi gì để có giải pháp xử lý phù hợp. Tùy vào thực tế để xử lý, công tác tái lập không đảm bảo cũng phải tìm hiểu rõ nguyên nhân chưa hoàn trả mặt bằng là vì đâu”.
Cách đối phó với tội phạm cướp giật cuối năm
Những ngày gần đây, đoạn clip ghi lại cảnh bọn cướp dùng bình xịt hơi cay tấn công người đi đường lúc 3 giờ sáng 14/12 ở đường Nguyễn Sỹ Sách, P.15, Q.Tân Bình được chia sẻ trên mạng xã hội, khiến nhiều người vừa phẫn nộ vừa lo lắng trước nạn cướp giật, nhất là vào khoảng thời gian cuối năm. Ngay sau đó, công an Q.12 và Q.Tân Bình đã tập trung lực lượng truy xét, bắt nhanh nhóm cướp. Và để đề phòng, đối phó tình huống nguy hiểm khi bị cướp tấn công, nhiều bạn trẻ cũng như các chuyên gia đã đưa ra một số cách thức.
Các tình huống được đưa ra bao gồm: Thứ nhất là đối tượng theo dõi từ trước và đến vị trí thuận tiện sẽ đột ngột tấn công từ phía sau, ép xe, xịt hơi cay hoặc đạp xe cho nạn nhân té. Tình huống thứ hai là dàn cảnh hoặc giả dạng cảnh sát hay hỏi đường để tiếp cận. Và tình huống thứ ba là bọn cướp chờ sẵn ở một đoạn đường vắng, khi thấy có xe đến là lập tức chạy ra chặn lại. Thường ở những tình huống này bọn cướp hành động rất nhanh, gây hoang mang tâm lý khiến nạn nhân mất bình tĩnh.
Bàn về giải pháp, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng đầu tiên là mỗi người phải tự cảnh giác và phòng tránh. Như khi lưu thông ngoài đường thì bỏ những vật dụng quan trọng vào cốp xe hoặc có người đi cùng. Không đeo trang sức quý khi đi xe máy, hoặc nếu có đeo thì nên che chắn kĩ bằng áo khoác để các đối tượng không chú ý và cũng cản trở hành vi cướp giật. Hạn chế đi một mình vào ban đêm ở những đoạn đường vắng. Khi đi đường vắng phải quan sát kính chiếu hậu để xem có đối tượng khả nghi bám theo không. Mỗi người nên trang bị kỹ năng phòng hộ và kỹ năng học nhanh biển số xe.
(Theo báo Thanh Niên).
Người chết thay đổi cuộc đời nhiều người sống
Đoàn công tác gồm Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, BV Chợ Rẫy và Ngân hàng Mắt TP. Hồ Chí Minh vừa đến thăm những gia đình có người thân hiến tạng để trao kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân của Bộ Y tế…
Theo đó, đoàn đã đến thăm gia đình anh Nguyễn Đặng Tuấn (P.15, Q.8). Trước đó, vợ của anh là chị Nguyễn Thị Mai Thy đã hiến giác mạc mang lại ánh sáng cho hai người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn. Anh Tuấn nhớ lại, sinh thời chị Thy luôn có lòng hướng thiện, giúp đỡ người nghèo khó. Biết đến nghĩa cử hiến tạng cứu người từ trên mạng, không một chút do dự chị đã chia sẻ ý nguyện với chồng và đã đến BV Chợ Rẫy đăng ký. Đầu năm 2016, cơ thể có biểu hiện không khỏe, chị đi khám rồi phát hiện mắc ung thư buồng trứng, sau đó dù tích cực điều trị nhưng không thể qua khỏi…
Đoàn cũng đã thăm các trường hợp khác. Để những người bất hạnh mở ra được trang mới của cuộc đời, không chỉ là nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng, mà còn là tấm lòng cao cả của gia đình người hiến. Trong đó, có không ít gia đình đã từng phải chịu hàm oan bán tạng người thân.
Gần đây, thành công của những lần chuyển tạng xuyên Việt, kết quả ghép tạng mang lại sức khỏe cho những người suy tạng đã tác động rất lớn đến ý thức của người dân. Từ đó hoạt động đăng ký hiến tạng tại BV Chợ Rẫy ngày càng nhiều hơn. BV Chợ Rẫy đã ghép thận thành công cho 862 trường hợp, trong đó nhận thận từ người cho sống 811 trường hợp; 51 ca được ghép từ người cho chết não và ngừng tim. Hiện tại, BV Chợ Rẫy cũng đã tiếp nhận hơn 13.000 đơn đăng ký hiến tạng. Đặc biệt có những trường học đã tổ chức các buổi lễ đăng ký hiến tạng long trọng, qua đó đã lan tỏa tới mọi tầng lớp từ học sinh, sinh viên đến cán bộ công chức, người dân.
(Theo báo Giáo Dục TP. Hồ Chí Minh).