Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 30/9/2020

11:10 30/09/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 30/9/2020:

Phương án sắp xếp nhân sự sau khi thành lập TP Thủ Đức

Theo báo Pháp Luật TP, Sở Nội vụ TP vừa có tờ trình về lộ trình, phương án sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi thực hiện đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn TP trong giai đoạn 2019-2021.

Theo tờ trình, dự kiến công chức, viên chức dôi dư sau khi lập TP Thủ Đức là gần 400 người.

Vì vậy trong năm 2021, căn cứ vào lộ trình sắp xếp để rà soát, lập danh sách những người sẽ tiếp tục công tác tại TP Thủ Đức trong tương lai và số lượng người dôi dư trong giai đoạn 2021 - 2025.

Một góc TP Thủ Đức tương lai
Một góc TP Thủ Đức tương lai

Cụ thể, trường hợp 1: Nếu không đủ điều kiện hoặc đến tuổi nghỉ hưu, hết tuổi lao động hoặc không đủ điều kiện tái cử thì thực hiện việc giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.

Trường hợp 2: Nếu đủ điều kiện nhưng không thể bố trí công tác thì lập danh sách và số lượng cụ thể. Từ đó, Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ TP sẽ tổng hợp số lượng, danh sách những trường hợp cần giải quyết dôi dư của quận 2, 9, Thủ Đức. Đồng thời rà soát nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Thành ủy, UBND TP, sở/ngành, quận/huyện để tham mưu thực hiện thủ tục điều động cán bộ, công chức, viên chức hoặc xét chuyển viên chức thành công chức và bố trí vị trí công tác.

Từ năm 2022 trở đi, sẽ thực hiện tương tự như năm 2021 cho đến khi đảm bảo số lượng theo quy định.

Trụ sở UBND quận 2 tại số 168 Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 - Ảnh: Website quận 2
Trụ sở UBND quận 2 tại số 168 Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 - Ảnh: Website quận 2

Sở Nội vụ TP nêu phương án bố trí các trụ sở làm việc sau khi thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sử dụng hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm các công trình trụ sở hiện hữu. Theo đó, Sở Nội vụ đề xuất chọn trụ sở UBND quận 2 (168 Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) là nơi đặt trụ sở Thành ủy TP Thủ Đức. Trụ sở UBND quận 9 (2/304 Xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú, quận 9) sẽ là trụ sở cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể TP Thủ Đức. Còn trụ sở UBND quận Thủ Đức (43 Nguyễn Văn Bá, quận Thủ Đức) sẽ là trụ sở HĐND và UBND TP Thủ Đức.

Từ ngày 2/10, cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM sẽ đi vào hoạt động

Tin từ báo Người Lao Động, chiều 29/9, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thông tin cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM sẽ đi vào hoạt động vào ngày 2/10.

Dự kiến, trong tháng 10 cơ sở 2 sẽ tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân mỗi ngày, chủ yếu là bệnh nhân ở tỉnh, tháng 11 là 600 bệnh nhân và tháng 12 là 1.000 bệnh nhân.

Bệnh nhân cần điều trị nội trú sẽ có xe của một công ty dịch vụ đưa về cơ sở 1 Bệnh viện Ung bướu để điều trị. Việc di chuyển bệnh nhân nội trú sẽ miễn phí trong 3 tháng đầu kể từ khi cơ sở 2 của bệnh viện đi vào hoạt động.

Toàn cảnh bệnh viện Ung Bướu (cơ sở 2, quận 9). Ảnh: TỰ TRUNG - TTO
Toàn cảnh bệnh viện Ung Bướu (cơ sở 2, quận 9). Ảnh: TỰ TRUNG - TTO

Thời gian đầu, người bệnh có thể lựa chọn khám chữa bệnh ở cả 2 cơ sở. Tuy nhiên, sau này Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cơ sở 1 sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân ở các quận, huyện trong TP trừ ba quận Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức. Cơ sở 1 của Bệnh viện Ung Bướu sẽ là Khu điều trị ban ngày và khám tầm soát bệnh nhân ung thư. Bệnh nhân nội trú vẫn tiếp tục điều trị tại cơ sở 1.

Từ nay đến quý 1/2021, khi cơ sở 2 của bệnh viện đủ điều kiện tiếp nhận bệnh nhân nội trú tất cả bệnh nhân điều trị nội trú sẽ chuyển sang cơ sở 2 của bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.

Cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM tọa lạc tại đường 400, ấp Cây Dầu, phường Tân Phú, quận 9, được khởi công xây dựng ngày 26/6/2016 với quy mô 1.000 giường.

Bệnh viện này được thiết kế theo mô hình bệnh viện Singapore
Bệnh viện này được thiết kế theo mô hình bệnh viện Singapore
Phòng bệnh 3 giường có máy lạnh sẽ được BHYT thanh toán một phần chi phí
Phòng bệnh 3 giường có máy lạnh sẽ được BHYT thanh toán một phần chi phí
Máy xạ trị thế hệ mới hiện đại nhất hiện nay
Máy xạ trị thế hệ mới hiện đại nhất hiện nay
Hệ thống chẩn đoán hình ảnh hội chẩn từ xa
Hệ thống chẩn đoán hình ảnh hội chẩn từ xa
Hệ thống cấp số tự động ngay cổng vào bệnh viện
Hệ thống cấp số tự động ngay cổng vào bệnh viện

Mạng tuyến metro đang từng bước hình thành

UBND TPHCM vừa trình Hội đồng thẩm định nhà nước xin chủ trương đầu tư tuyến metro số 5, giai đoạn 1. Đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ cập cảng và được chuyển về depot Long Bình trong tuần tới. Công tác bàn giao mặt bằng của tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đang được đẩy nhanh… Có thể nói, hình hài mạng lưới metro của TPHCM đang dần hình thành. Ghi nhận trên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Trả lời câu hỏi vì sao sau tuyến metro số 1, 2 ,TPHCM không đề xuất chủ trương đầu tư tuyến số 3, 4 mà lại là số 5, TS Nguyễn Quốc Hiển, Giám đốc Ban chuẩn bị đầu tư thuộc Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, tuyến metro số 5 có vai trò rất quan trọng trong tổng thể mạng lưới đường sắt đô thị TPHCM. Tuyến là một phần của tuyến bán vành khuyên, kết nối hầu hết với các tuyến còn lại trong quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị của TP. Trong giai đoạn 1, trước mắt, tuyến sẽ kết nối tuyến số 1 và số 2, chạy dọc hành lang đường Điện Biên Phủ, Bạch Đằng, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ - là một trong những hành lang nối khu vực nội đô đi sân bay Tân Sơn Nhất. 

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vừa được UBND TPHCM trình Hội đồng thẩm định nhà nước thì tuyến số 5 có chiều dài 8,9km, chủ yếu là đi ngầm, gồm 8 nhà ga, tổng mức đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD; dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2025, chạy thử vào năm 2029 và đưa vào vận hành chính thức năm 2030.

Metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua đường Điện Biên Phủ. Ảnh: CAO THĂNG
Metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua đường Điện Biên Phủ. Ảnh: CAO THĂNG

Có thể nói, các tuyến metro là những động mạch chủ trong việc đi lại trong tương lai. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Hiển, hiện nay hành lang pháp lý, các quy trình, quy phạm cho lĩnh vực đường sắt đô thị gần như chưa có. Bên cạnh đó, việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị cần một nguồn vốn rất lớn mà quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, từ vấn đề giải phóng mặt bằng cho đến kỹ thuật, công nghệ. Do đó, trước hết, nó đòi hỏi một quyết tâm rất lớn, cũng như sự tự tìm tòi học hỏi từ những người đang trực tiếp quản lý các dự án.

Chúng tôi cũng dự kiến kiến nghị UBND TPHCM đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT sớm xây dựng các luật, nghị định, các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến việc quy hoạch, xây dựng và khai thác vận hành đường sắt đô thị. Đồng thời, chủ động nghiên cứu đa dạng hóa các hình thức đầu tư để tạo thêm các dòng vốn khác nhau, ngoài vốn vay ODA, cũng như đề xuất các quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia và dần dần làm chủ công nghệ - TS Nguyễn Quốc Hiển cho biết thêm.

Ủng hộ 35 nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ

Báo Thanh Niên đưa tin, chiều 29/9, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP tổ chức lễ ra mắt trụ sở văn phòng Hội tại nhà khách T67 (số 26 Hoàng Diệu, P.10, Q.Phú Nhuận) và ký kết hỗ trợ gia đình liệt sĩ.

Tại buổi lễ, 10 mạnh thường quân đã ký kết hợp đồng ủng hộ 1 tỉ đồng tiền mặt và 35 căn nhà tình nghĩa (trị giá hơn 2,1 tỉ đồng) cho các gia đình liệt sĩ khó khăn.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 30/9/2020 - Ảnh 1

Đại tá Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP, cho biết: “Hội phối hợp Sở LĐ-TB-XH TP tiếp tục rà soát lại tình hình thực tế gia đình liệt sĩ TP.HCM để tiếp tục tìm kiếm hài cốt, xác định danh tính liệt sĩ, trao tặng hoặc hỗ trợ sửa chữa nhà tình nghĩa”.

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP được UBND TP ký quyết định thành lập ngày 29/4/2020 và chịu sự quản lý của Sở LĐ-TB-XH TP. Ngày 10/7, Hội đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất, bầu ra Ban chấp hành Hội. Sau 2 tháng hoạt động, Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP đã hoàn thành các thủ tục pháp lý, tổ chức thăm tặng quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, Mẹ liệt sĩ - thương binh, trao học bổng cho con em liệt sĩ với số tiền gần 300 triệu đồng.

Ra mắt Viện Đô thị thông minh và quản lý

Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, ngày 29/9, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã tổ chức sự kiện International Launching UEH-ISCM, ra mắt Viện Đô thị thông minh và quản lý - ISCM tại phường 7, quận 3.

ISCM được thành lập vào tháng 5/2020, đã triển khai nhiều hoạt động kết nối hơn 40 chuyên gia, giáo sư đầu ngành, nhà lãnh đạo, trường đại học, công ty, tổ chức nhà nước và phi chính phủ khắp thế giới với hàng loạt các sự kiện.

TS Trịnh Tú Anh giới thiệu về Viện Đô thị thông minh và quản lý - ISCM trong buổi ra mắt. Ảnh: TRẦN HUỲNH
TS Trịnh Tú Anh giới thiệu về Viện Đô thị thông minh và quản lý - ISCM trong buổi ra mắt. Ảnh: TRẦN HUỲNH

Theo TS Trịnh Tú Anh - Viện trưởng Viện Đô thị thông minh và quản lý, ISCM-UEH hướng tới phát triển giáo dục tích hợp với nghiên cứu và các dự án thực tế; đồng thời là nơi nối kết các trường đại học, cộng đồng, cùng sự sáng tạo của các bạn sinh viên trong tất cả các lĩnh vực thông qua ứng dụng công nghệ để đề xuất giải pháp góp phần giải quyết các vấn đề đô thị một cách hiệu quả.

Tại ISCM, mọi người sẽ được học, nghe, chia sẻ và cùng thảo luận thông qua các chương trình giáo dục đào tạo trong lĩnh vực đô thị thông minh, những dự án thực tiễn về đô thị, những nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực đô thị, tham gia các chương trình xã hội, trải nghiệm hệ thống phòng studio - lab đô thị thông minh và các ứng dụng tích hợp nhằm giải quyết các vấn đề xã hội.

Viện sẽ tập trung 5 lĩnh vực chuyên sâu: quản lý thông minh, quy hoạch thông minh, thiết kế thông minh, giao thông thông minh, ứng dụng tích hợp.

Đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng bộ TP.HCM

Báo Vietnamplus cho hay, chiều ngày 29/9, Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TP chủ trì lễ phát động ra quân triển khai cao điểm đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội địa bàn trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI và Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII.

Phát biểu tại lễ ra quân, Thiếu tướng Lê Hồng Nam cho rằng, việc bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội đại biểu Đảng bộ TP, Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương, cũng như đảm bảo môi trường xã hội ổn định, an toàn tạo không khí phấn khởi trong nhân dân TP là nhiệm vụ rất quan trọng và là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian này.

Hình ảnh lễ ra quân. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)
Hình ảnh lễ ra quân. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Theo đó, các đơn vị chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương phát hiện, xử lý những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự từ cơ sở; nâng cao hiệu quả phối hợp với lực lượng của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và các cục nghiệp vụ của Bộ Công an, lực lượng vũ trang trên địa bàn TP để phòng ngừa, phát hiện đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động phá hoại; xây dựng hình ảnh cán bộ Công an TP bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.

Quản lý học sinh đi xe điện đến trường

Bước vào năm học 2020-2021, tình trạng học sinh (HS) bậc THCS, THPT sử dụng xe đạp điện, xe máy điện (sau đây gọi tắt là xe điện) đến trường rầm rộ trở lại. Việc này góp phần giảm bớt gánh nặng đưa đón của các bậc phụ huynh, nhưng cũng đặt ra công tác quản lý và nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông cho các em học sinh. Thông tin trên báo SGGP.

Quan sát của PV báo Sài Gòn Giải Phóng tại một loạt trường THCS, THPT trên địa bàn các quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Gò Vấp…, số HS đi xe điện đến trường khá lớn. Nhờ vậy, thị trường xe điện cũng tăng mãi lực đáng kể. Mặc dù HS tự đi học bằng xe đạp điện ngày càng phổ biến nhưng ý thức tham gia giao thông rất hời hợt. Trong giờ cao điểm, nhiều em chạy xe điện rất nhanh nhưng không đội nón bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Nhiều em bất chấp tín hiệu giao thông, luồn lách lấn làn ô tô.

Học sinh chạy xe điện nhưng không đội nón bảo hiểm. Ảnh: ĐOÀN HIỆP
Học sinh chạy xe điện nhưng không đội nón bảo hiểm. Ảnh: ĐOÀN HIỆP

Để chấn chỉnh tình trạng này, theo ông Đinh Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp), các trường cần tăng cường giáo dục Luật Giao thông đường bộ để các em HS chấp hành đúng quy định khi lưu thông trên đường. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần hướng dẫn con em mình các quy định pháp luật về giao thông, kỹ năng chạy xe an toàn trước khi giao xe cho các em tự đến trường.

Theo Luật sư Lê Đức Thọ (Đoàn Luật sư TPHCM), quy định pháp luật hiện nay đối với đối tượng HS điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn bất cập. Những quy định trong luật hầu hết nhằm quản lý, kiểm soát phương tiện chứ chưa quan tâm nhiều đến người điều khiển.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định “xe máy điện là phương tiện cơ giới khi tham gia giao thông phải đăng ký và gắn biển số” nhưng cũng rất ít xe đăng ký gắn biển. Đối với người điều khiển phương tiện, Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 mà không cần giấy phép lái xe, nhưng thực tế HS dưới 16 tuổi vẫn vô tư chạy xe điện, xe gắn máy.

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, trong số các vụ TNGT những năm gần đây liên quan đến HS, có tới 90% số vụ liên quan tới độ tuổi 16 - 18. Qua khảo sát cho thấy, HS cấp THCS đi xe điện gây khoảng 70% số vụ TNGT có thương vong. Bậc THPT hiện có trên 50% học sinh đến trường bằng xe điện, xe máy nhưng các em lại không có giấy phép lái xe, đồng nghĩa các em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để tham gia giao thông an toàn.

Rác 'bủa vây' khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM

Cứ cách từ 3-5m lại có một bãi rác tự phát với đầy ly nhựa, túi nilông, xà bần, rác ứ chất đống gây mùi hôi vô cùng khó chịu nhưng nằm im ngày này qua ngày khác không được thu dọn. Đó là thực trạng mà Tuổi Trẻ Online ghi nhận được tại nhiều con đường thuộc Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM.

Trên đường T1 (đoạn gần Trường ĐH Khoa học tự nhiên) liên tục xuất hiện nhiều bãi rác mới, đoạn đường dài chưa tới 50m đã có đến 5 bãi rác lớn. Thậm chí có bãi rác còn nằm ngay trước cổng trường. Những bãi rác tự phát này không chỉ gây mất mỹ quan khu đô thị mà còn bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân và sinh viên trong khu vực.

Chị N. Hoài (chủ một tiệm làm tóc tại đây) cho biết bãi rác trước nhà mới hình thành từ sau tết. Bãi rác này thực chất là nơi tập kết rác của cả khu trọ, nhưng vì nằm sát mặt đường nên nhiều người ngang nhiên vứt rác tạo thành bãi rác lớn. Công nhân môi trường đến dọn rác chỉ dọn những rác đã được phân loại, được đựng trong thùng.

Rác không để vào thùng sẽ không được thu dọn, lâu ngày dồn ứ. Ảnh: KIM ÚT
Rác không để vào thùng sẽ không được thu dọn, lâu ngày dồn ứ. Ảnh: KIM ÚT

Tương tự, một người dân sinh sống trên đường T2 (gần Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) cho biết mỗi tháng gia đình đều đóng tiền thu gom rác. Rác thải sinh hoạt thường được gia đình gói gọn trong bao để tiện thu gom. Nhưng cứ đến đêm, một số người thường lén đem rác đổ trước cửa. Theo người này, rác thải này bị vứt bừa bãi và không được phân loại nên không được thu gom. Rác cứ thế rơi vãi ra mặt đường, nhếch nhác gây ô nhiễm, bốc mùi hôi thối.

Đại diện Ban Quản lý Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, có những hộ tạm cư không chịu đóng tiền thu gom rác, họ vứt rác bừa bãi, từ đó tạo nên nhiều bãi rác trong khu vực. Ngoài ra, còn có một số trường hợp doanh nghiệp, người dân ngoài khu vực lén đổ rác thải, trong đó có cả rác thải độc hại.

Vân Anh - Khang Minh (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục