Kiến nghị Bộ Chính trị, Chính phủ tạo điều kiện cho TP. Hồ Chí Minh xây dựng “Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị”
Đó là một nội dung quan trọng trong phần phát biểu thảo luận của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tại hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 vào trưa 30/12.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2020, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Chính trị, Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện cho TP xây dựng “Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh”. Đồng thời, nhằm đảm bảo TP cũng như các địa phương có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, TP chủ động đề xuất thực hiện Đề án xây dựng tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP cùng các địa phương giai đoạn 2021 - 2025; kiến nghị Chính phủ quan tâm ủng hộ nhằm tạo nên một nguồn lực tương xứng, động lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của TP và các địa phương trong cả nước.
Mặt khác, trong định hướng phát triển kinh tế quốc gia, việc xây dựng một trung tâm tài chính mang tầm vóc khu vực và quốc tế là việc cần thiết và là xu thế phát triển tất yếu; trong điều kiện thực tế TP. Hồ Chí Minh là trung tâm tài chính lớn nhất cả nước, đầu tàu kinh tế của cả nước sẵn sàng tiên phong đi trước thực hiện những nhiệm vụ mới vì cả nước, cùng cả nước. Do đó, kiến nghị Chính phủ xem xét đưa nội dung xây dựng trung tâm tài chính quốc gia, xứng tầm khu vực và quốc tế đặt tại TP. Hồ Chí Minh vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của quốc gia.
(Theo Thanhuytphcm.vn)
Đất lành TP. Hồ Chí Minh
Mạng lưới Người nước ngoài toàn cầu InterNations vừa công bố bình chọn những thành phố tốt nhất thế giới để sống, làm việc và kết bạn vào năm 2020. Vượt qua Singapore, TP. Hồ Chí Minh xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng 82 đô thị (sau Đài Bắc và Kuala Lumpur). Kết quả này một lần nữa khẳng định: Thành phố là nơi đất lành chim đậu!
Báo Người Lao Động dẫn chứng nhiều trường hợp người nước ngoài đã đến sống và làm việc tại Thành phố đều ấn tượng về sự thân thiện, hiếu khách của người dân và muốn gắn bó với Thành phố. Điểm chung của những người nước ngoài đến và ở lại Thành phố là “khoái” đồ ăn – thức uống tại đây. Họ nhìn nhận đó chính là lợi thế để khai thác du lịch.
Thành phố cũng được đánh giá là điểm đến đầu tư lý tưởng, nguồn nhân công và tài nguyên dồi dào bên cạnh những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn. Trong khi đó, tình hình chính trị - xã hội rất ổn định.
(Theo báo Người Lao Động)
Tăng thêm 1.000 tấn thịt heo phục vụ Tết Nguyên đán 2020
Tại cuộc họp báo Công bố số liệu kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh năm 2019, ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TP cho biết, TP đã xây dựng và triển khai các giải pháp bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân.
Trong đó, các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là nguồn cung thịt heo bình ổn dự kiến đáp ứng 4.091 tấn/tháng (ngày thường) và tăng thêm 1.057 tấn tương đương 5.148 tấn/tháng dịp Tết Nguyên đán 2020.
Các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Canh Tý 2020 trên 19.027 tỷ đồng, trong số này nguồn hàng bình ổn thị trường là hơn 7.244 tỷ đồng, tăng trên 602 tỷ đồng so với dịp Tết Kỷ Hợi 2019.
Đối với tháng cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán, từ 26-12-2019 đến 24-1-2020 (từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp), tổng trị giá hàng hóa của doanh nghiệp chuẩn bị trên 10.224 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường hơn 4.088 tỷ đồng.
(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng)
Thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm tại 4 doanh nghiệp, đơn vị
Theo Trang điện tử Đảng bộ Thành phố, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP đã có thông báo kết quả kiểm điểm, xem xét thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm.
Theo đó. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Hồ Văn Lâm, nguyên Thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (từ tháng 11/2014 đến 31/12/2017).
Đồng thời Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đã thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Hoàng Thế Bảo, thành viên Hội đồng quản trị (đại diện vốn của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn), Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Trung An; thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Phan Xuân Lộc, Trưởng Ban Quản lý Dự án Công ty cổ phần cấp nước Trung An.
Đối với các vi phạm Công ty Thoát nước đô thị TP, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Nguyễn Quốc Thái, Đảng ủy viên Đảng ủy Khối Doanh nghiệp thành phố, Bí thư Đảng ủy Công ty, nguyên Giám đốc Công ty (từ tháng 10/2013 đến tháng 10/2018).
Liên quan đến Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP, thông báo nêu rõ, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Đam, Đảng ủy viên Đảng ủy Khối Doanh nghiệp thành phố, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty.
Đối với vi phạm tại Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố (nay là Ban Quản lý Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP), Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với 3 đảng viên. Cụ thể là ông Nguyễn Ngọc Công, nguyên Bí thư Đảng ủy (nhiệm kỳ 2015-2020), nguyên Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP; ông Trần Như Quốc Bảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án 1547 thuộc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP; ông Đinh Thanh Nghị, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 1547 thuộc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.
Thành phố thu hồi dự án tại khu đất “vàng” số 7-9 Tôn Đức Thắng
Theo nguồn tin trên báo Tuổi Trẻ, UBND Thành phố đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận đã cấp cho dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại – dịch vụ tại khu đất “vàng” số 7-9 Tôn Đức Thắng (quận 1).
Năm 2009, UBND Thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Hải Thành với thời hạn sử dụng đất 49 năm, đến cuối năm 2011 phải hoàn thành dự án. Công ty Hải Thành dùng khu đất trên (diện tích 3.531 m2) góp vốn với Công ty Yên Khánh do bà Vũ Thị Hoan (làm giám đốc) thành lập Công ty liên doanh Yên Khánh Hải Thành để đầu tư dự án. Cuối năm 2013, bà Hoan đã thế chấp quyền sử dụng khu đất trên cho ngân hàng để đảm bảo cho 7 nghĩa vụ tài chính phát sinh của bên thứ ba (công ty người nhà của bà Hoan) với tổng giá trị 717 tỉ đồng. Còn dự án đến nay chưa được đầu tư xây dựng, hiện vẫn là bãi đất trống.
Vì sao loại bỏ hơn 560 căn biệt thự cũ ?
Thông tin trên báo Người Lao Động cho hay: TP. Hồ Chí Minh còn hơn 1.000 căn biệt thự chưa được thẩm định, đánh giá khiến chủ nhà và cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn.
Ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, thừa nhận quận có sai sót trong quá trình phân loại các biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975. "Hiện quận đang cho thu hồi lại văn bản gửi Viện Nghiên cứu phát triển (NCPT) Thành phố về hiện trạng các biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975 và sẽ tiến hành rà soát thật kỹ vấn đề này" - ông Hòa thông tin.
Tại quận 3, trong báo cáo kiểm kê gửi Viện NCPT Thành phố của UBND quận hồi tháng 10/2019 có liệt kê hàng loạt căn biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975, trong đó nhiều căn được báo cáo "không tồn tại địa chỉ" hoặc "không tồn tại" nhưng Hội đồng Phân loại biệt thự Thành phố kiểm tra thì phát hiện chúng vẫn tồn tại. Ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3 cho biết để phân loại đánh giá biệt thự thì tiêu chí nguyên bản và sự trọn vẹn của một thửa đất quyết định đến tính khả thi trong việc giữ gìn biệt thự. Hơn nữa, việc phân loại, công tác giữ gìn biệt thự cũng gặp nhiều khó khăn bởi tính khả thi trong giữ gìn biệt thự phụ thuộc rất nhiều vào hình thức sở hữu.
Giải đáp thắc mắc về việc hơn 560 căn biệt thự cũ trên địa bàn Thành phố bị loại bỏ trong thời gian qua, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố cho biết nguyên nhân vì giấy tờ và thực tế khác nhau. Khái niệm "biệt thự" mà Bộ Xây dựng đưa ra nêu rõ: Căn nhà có quy mô dưới 4 tầng, khuôn viên sân trước, sân sau và lối đi đủ rộng. Đối chiếu với danh sách 1.400 căn biệt thự được liệt kê thì rất nhiều căn hiện nay đã biến dạng.
Chấn chỉnh việc tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh
Sở Giáo dục và Đào tạo TP vừa có văn bản gửi các cơ sở giáo dục về việc chấn chỉnh tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh tại Khu di tích địa đạo Củ Chi.
Theo đó, Sở yêu cầu các trường không cắt xén chương trình tham quan tại Khu di tích địa đạo Củ Chi theo hợp đồng thỏa thuận đã ký kết với đơn vị thực hiện, nhằm giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho học sinh, sinh viên. Sở cũng khuyến khích các trường tổ chức tham quan đầy đủ chương trình tại Khu di tích địa đạo Củ Chi, Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm duyệt nội dung và thời gian khi tham quan.
Yêu cầu này được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đưa ra sau khi có Công văn số 261/ĐĐCC ngày 03 tháng 12 năm 2019 của Khu di tích địa đạo Củ Chi về việc các Công ty du lịch không đưa học sinh vào tham quan địa đạo Củ Chi.
Công văn này nêu rõ: “Trong thời gian gần đây các trường học ký hợp đồng với các Công ty du lịch để đưa học sinh tham quan tại địa đạo Củ Chi. Qua thực tế nắm bắt thông tin, hiện nay có một số Công ty du lịch phối hợp với nhà trường đã thu tiền của học sinh tổ chức tham quan địa đạo Củ Chi, nhưng không đưa học sinh vào tham quan địa đạo mà chỉ tổ chức cho học sinh viếng Đền thờ Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định…”.
Bắn pháo hoa 3 điểm dịp Tết dương lịch
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc bắn pháo hoa tại Thành phố dịp Tết dương lịch 2020. Theo đó, đồng ý cho Thành phố tổ chức 2 điểm bắn pháo hoa tầm cao và 1 điểm bắn pháo hoa tầm thấp thời lượng không quá 15 phút vào ngày 1/1/2020 tại quận Bình thạnh, quận 2 và quận 11.
Việc tổ chức bắn pháo hoa phải thực hiện đúng quy định của Chính phủ về quản lý sử dụng pháo, đảm bảo an ninh trật tự và tuyệt đối an toàn, không sử dụng ngân sách nhà nước. Cụ thể, Thành phố sẽ bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (quận 2) và tòa nhà Landmark 81 (quận Bình Thạnh) và bắn tầm thấp tại công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11).
(Theo báo Tuổi Trẻ).