Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 31/3/2020

10:43 31/03/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 31/3/2020

Ngừng thăm bệnh, ngưng hoạt động các phòng khám tư nhân

Thông tin từ báo Tuổi trẻ, ngày 30/3, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP, gửi văn bản khẩn đến bệnh viện công lập và ngoài công lập, Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện điều trị COVID-19 tại Cần Giờ, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP, Trung tâm y tế và phòng y tế quận, huyện về việc khẩn trương triển khai thực hiện kiểm soát lây lan dịch COVID-19 trong cơ sở y tế và trong cộng đồng.

Nhân viên y tế đo thân nhiệt người đi vào Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội trước khi bệnh viện được cách ly (ảnh chụp sáng 29-3) - Ảnh: NAM TRẦN
Nhân viên y tế đo thân nhiệt người đi vào Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội trước khi bệnh viện được cách ly (ảnh chụp sáng 29-3) - Ảnh: NAM TRẦN

Theo đó yêu cầu, bắt đầu từ ngày 30/3, các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh tạm ngừng cho thăm bệnh để phòng tránh COVID-19. Tất cả các phòng khám chuyên khoa tư nhân cũng tạm ngưng hoạt động.

Đồng thời, lãnh đạo các cơ sở y tế tại TP.Hồ Chí Minh khẩn trương thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh, thân nhân và khách đến liên hệ công tác, các đơn vị, cá nhân tham gia cung ứng các dịch vụ hậu cần như: nhân viên vệ sinh, bảo vệ, giặt ủi, căng-tin, siêu thi mini... tới bệnh viện.

Các cơ sở y tế cần hạn chế số cổng ra - vào, mỗi người bệnh chỉ có duy nhất một người nhà chăm sóc và hỗ trợ tinh thần. Cân nhắc chỉ định nhập viện điều trị nội trú.

Khi phát hiện trường hợp nhiễm mà không phải là người bệnh đến khám hay nhân viên y tế, cần báo cáo ngay Sở Y tế, đồng thời lập tức cách ly tạm thời toàn bộ khoa bao gồm người bệnh, thân nhân và nhân viên y tế, lập danh sách toàn bộ người tiếp xúc gần để thực hiện cách ly, tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân.

Nếu xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện lập tức dừng toàn bộ việc tiếp nhận người bệnh, trừ trường hợp cấp cứu, thực hiện cách ly toàn bệnh viện. Các khoa điều trị bệnh nhân nặng thực hiện cách ly tuyệt đối.

Lên kế hoạch đưa người cách ly về nhà

Báo Pháp Luật TP đưa tin: Dự kiến trong tuần này, hàng ngàn người sẽ hoàn thành 14 ngày cách ly theo quy định. Thời điểm cao nhất lên đến 2.300 người/ngày. Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh đã đưa ra kế hoạch giải tỏa người được cách ly tại các khu cách ly tập trung vào cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP chiều 30/3.

Ông Bỉnh đề nghị Ban quản lý các khu cách ly lên phương án di chuyển người ra khỏi khu cách ly đảm bảo trật tự, an toàn, tránh tụ tập và đề phòng các trường hợp bỏ trốn khỏi khu cách ly.

Một du học sinh (phải) vừa hoàn thành thời gian cách ly tại BV dã chiến Củ Chi tặng khung ảnh kỷ niệm cho các nhân viên khu cách ly. Ảnh: HT
Một du học sinh (phải) vừa hoàn thành thời gian cách ly tại BV dã chiến Củ Chi tặng khung ảnh kỷ niệm cho các nhân viên khu cách ly. Ảnh: HT

Theo đó, đối với người được người nhà đón tại khu cách ly sẽ tổ chức địa điểm phù hợp, an toàn trong khu cách ly. Đối với người cư trú tại các quận, huyện của TP.HCM, xe của TP vận chuyển người từ khu cách ly về địa điểm cố định do quận, huyện bố trí để người nhà đón về.

Đối với người cư trú tại các tỉnh miền Tây, xe của TP vận chuyển người từ khu cách ly về bốn điểm đón tập trung tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Các điểm đón tập trung do Bộ tư lệnh Quân khu 7 bố trí, từ đó các tỉnh khác của miền Tây đưa xe đến đón người dân về địa phương.

Đối với người cư trú tại các tỉnh miền Trung và miền Đông Nam bộ, xe của TP vận chuyển người từ khu cách ly về điểm đón tập trung tại tỉnh Đồng Nai và TP Phan Thiết (Bình Thuận). Từ đó các tỉnh khác của miền Trung và miền Đông Nam bộ đưa xe đến đón người dân về địa phương.

Đối với người về địa phương bằng máy bay, tàu hỏa, người cách ly chủ động tìm phương tiện vận chuyển về địa phương mình, đăng ký với ban quản lý khu cách ly về địa điểm và phương tiện để về địa phương. Ban quản lý các khu cách ly gửi thông tin đến Bộ tư lệnh TP, Sở GTVT để phối hợp tổ chức điều xe đưa người cách ly đến nhà ga, sân bay.

Quốc lộ 50 đoạn qua TP. Hồ Chí Minh đã…dễ thở!

Đó là tiêu đề bài viết được đăng tải trên báo Người Lao Động số ra hôm nay. Theo đó, từ ngày 28/3, trên Quốc lộ 50, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến đường vào Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh), bắt đầu áp dụng cấm xe tải trên 5 tấn lưu thông từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 16 giờ đến 19 giờ mỗi ngày.

Cấm xe tải trên 5 tấn lưu thông trong các giờ cao điểm trên quốc lộ 50
Cấm xe tải trên 5 tấn lưu thông trong các giờ cao điểm trên quốc lộ 50

Việc tổ chức lại giao thông như trên được các hộ dân tại địa phương hoan nghênh bởi Quốc lộ 50 vốn thường xuyên xảy ra kẹt xe, tai nạn, đặc biệt là liên quan đến xe chở rác.

Ba ngày trước thời điểm áp dụng cấm xe tải nặng lưu thông giờ cao điểm, hôm 25/3, phóng viên ghi nhận mật độ phương tiện tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 50, quan sát trong khoảng 30 phút có ít nhất 20 lượt xe chở rác di chuyển ra vào bãi rác Đa Phước. Nhiều thời điểm, xe rác nối đuôi nhau từ 3-4 chiếc, rầm rập di chuyển trên đoạn đường kéo dài khoảng 5 km.

Quốc lộ 50 hiện tổ chức lưu thông hỗn hợp 2 chiều, không có dải phân cách giữa các làn đường. Vì vậy chỉ cần 2 xe tải nặng lưu thông song song, người đi xe máy bị dạt vào sát lề đường, còn nhiều phương tiện phía sau bị ùn lại, không thể vượt lên, gây ùn tắc.

Thế nhưng, ngày 29/3 (sau 1 ngày áp dụng cấm xe tải nặng giờ cao điểm), khi phóng viên trở lại đoạn đường trên, hầu hết các hộ dân sống dọc đường đều tỏ ra đồng tình bởi hết cảnh phải lưu thông chung với ôtô lớn, nhất là xe chở rác bốc mùi hôi nồng nặc, khi vào khung giờ đông người lưu thông nhất.

Nhiều quán ăn, cà phê vỉa hè vẫn mở cửa đón khách

Nhiều quán ăn tuân thủ quy định "chỉ bán mang đi", không cho thực khách ngồi tại quán. Song, vẫn không ít quán cơm và quán cà phê sắp xếp lại quy mô và cách thức để kinh doanh lén phục vụ khách. Đó là nội dung được đăng tải trên báo Tuổi trẻ online.

Theo ghi nhận trưa 30/3, nhiều cửa hàng quán ăn tuân thủ quy định, ghi rõ thông báo "chỉ bán mang đi, không cho thực khách ngồi tại quán" và dán quy tắc về việc khách hàng xếp hàng phải "đứng cách nhau 2 mét".

Tuy nhiên, không phải quán nào cũng vậy. Khảo sát trên tuyến đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh, Ngô Tất Tố (Q. Bình Thạnh), nhiều hàng quán phục vụ cà phê, cơm..., vỉa hè cho đến tiệm trong nhà vẫn diễn ra tình trạng người dân ăn uống tại chỗ. Nhiều quán ngay bên cạnh bảng thông báo "bán mang đi" là những vị khách ngồi ăn uống thản nhiên.

Tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, P.19, Q.Bình Thạnh, một quán treo bảng "cà phê mang đi" nhưng vẫn có khách ngồi tại chỗ thưởng thức - Ảnh: BÔNG MAI
Tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, P.19, Q.Bình Thạnh, một quán treo bảng "cà phê mang đi" nhưng vẫn có khách ngồi tại chỗ thưởng thức - Ảnh: BÔNG MAI

Vẫn không ít quán cơm và quán cà phê sắp xếp lại quy mô và cách thức để kinh doanh lén và cho thực khách ngồi tại quán, thậm chí nhiều chiêu trò qua mặt cơ quan chức năng.

Khoảng 12h20, tại quán cơm không tên trên đường Bùi Hữu Nghĩa (gần Công an P.2, Q.Bình Thạnh) mở bán bình thường và không dán thông bán về việc "phục vụ mang đi do COVID-19". Thời điểm trên, vòng ngoài vẫn có nhiều người mua mang đi, nhưng khi khách có nhu cầu ăn tại quán vẫn được phục vụ, thời điểm này có khoảng 3-4 thực khách ngồi ăn tại quán.

Dù UBND TP đã chỉ đạo chỉ được bán mang đi trong thời gian này để phòng chống dịch COVID-19 nhưng quán cơm ở Q.Bình Thạnh vẫn tấp nập khách ngồi ăn tại chỗ - Ảnh: BÔNG MAI
Dù UBND TP đã chỉ đạo chỉ được bán mang đi trong thời gian này để phòng chống dịch COVID-19 nhưng quán cơm ở Q.Bình Thạnh vẫn tấp nập khách ngồi ăn tại chỗ - Ảnh: BÔNG MAI

Cũng thời điểm trên, một quán nước trên đường Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh) mở cửa và cho khách ngồi uống tại quán dù vẫn dán thông báo "bán mang đi".

Theo đại diện người bán ở đây, quy mô chỗ ngồi đã thu gọn lại bằng phân nửa bình thường, nên khi cơ quan chức năng kiểm tra cũng sẽ dễ đối phó.

Trong khi đó, khoảng 13h30, tại quán cà phê với tên gọi A. (Q. Phú Nhuận) dù để bảng giá bán thức uống mang đi và bên ngoài im ắng, nhưng bên trong lại hoạt động khá nhộn nhịp với hàng chục thực khách đang ngồi.

Khách thản nhiên ngồi uống nước, không đeo khẩu trang - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Khách thản nhiên ngồi uống nước, không đeo khẩu trang - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Do đó, hầu như những ai là khách quen mới biết được quán trên vẫn hoạt động bình thường. Thậm chí để "qua mặt" cơ quan chức năng, nhân viên quán trên còn có "chiêu" xin số điện thoại và tên khách. Theo nhân viên này, khi cơ quan chức năng đến kiểm tra thì sẽ chưng ra thông tin trên để giới thiệu khách là "người quen" tới chơi, không phải kinh doanh.

Dù biết quy định tạm dừng kinh doanh, nhưng nhiều cửa hàng cho biết cũng vì miếng cơm manh áo, dù mở bán nhưng hạn chế số lượng bán hơn trước.

Sắp khởi công nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Liên quan đến lĩnh vực giao thông - vận tải, theo nội dung trên báo Pháp Luật TP dự kiến trong tháng 4, dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) sẽ chính thức được khởi công và hoàn thiện vào quý II/2020, đưa vào sử dụng hạng mục hai hầm chui phía đường Nguyễn Văn Linh. Dự án có tổng vốn đầu tư là 830 tỉ đồng (nguồn vốn thực hiện bằng ngân sách TP).

Kẹt xe thường xuyên ở nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Ảnh: THU TRINH
Kẹt xe thường xuyên ở nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Ảnh: THU TRINH

Tuy nhiên, Ban QLDA cho rằng tình hình khách quan có thể ảnh hưởng tới tiến độ dự án do vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông. Bên cạnh đó, hiện nay hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, dây viễn thông vẫn chưa được tiến hành di dời. Do đó, để đảm bảo tiến độ và tiết kiệm thời gian di dời hạ tầng kỹ thuật, Ban QLDA vẫn tiếp tục thi công hầm chui, sau đó mới thi công đường dẫn.

Ngoài ra, Ban QLDA đang lên phương án tổ chức giao thông khu vực bởi tuyến đường này đã quá tải và thường xuyên ùn tắc giao thông. Hiện Ban QLDA đã trình Sở GTVT và phối hợp với các đơn vị liên quan để góp ý phương án giao thông tại khu vực này.

Những chiếc mặt nạ tặng tuyến đầu chống dịch

Cũng trên báo Tuổi Trẻ: Những ngày qua, các bạn sinh viên ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh đang cùng nhau thực hiện 500 chiếc mặt nạn chống dịch (faceshields) gửi tặng cho lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly, bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19.

Với ý tưởng ban đầu là làm những chiếc mặt nạ để sử dụng khi đi thực tập lâm sàng, các bạn trẻ đã tìm hiểu cách làm mặt nạ chống dịch trên mạng rồi làm theo. Thấy dễ thực hiện và chi phí cũng thấp, nên những bạn trẻ này đã đề xuất Đoàn - Hội sinh viên trường phát động làm số lượng lớn để tặng các y bác sĩ.

Để đẩy nhanh tiến độ, các bạn đã chia nhau mỗi người thực hiện một khâu, người đo, đánh dấu, người cắt, người hoàn thiện sản phẩm. Trong quá trình thực hiện, các bạn sinh viên tình nguyện luôn chú ý đảm bảo các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, giữ đúng khoảng cách.

Thạc sĩ Trương Văn Đạt, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP, Trưởng phòng công tác sinh viên, Bí thư Đoàn trường ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh, cho biết ngoài việc thực hiện các mặt nạ chống dịch, từ đầu tháng 2 đến nay, đoàn viên, thanh niên nhà trường đã thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa như: pha chế dung dịch rửa tay sát khuẩn phát miễn phí cho sinh viên toàn trường; tuyên truyền cho người dân về bệnh Covid-19; hỗ trợ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và truyền thông về dịch bệnh; kêu gọi vận động các nguồn lực từ cộng đồng tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Hướng nghiệp online mùa Covid-19

Lo lắng, hoang mang… là tâm trạng chung của nhiều sĩ tử trên cả nước vì hàng loạt ngày hội tư vấn tuyển sinh bị hủy do dịch bệnh. Nhận thức rõ điều đó, một số chuyên gia tâm lý giáo dục đã nỗ lực tận dụng công nghệ để tìm giải pháp thay thế. Nội dung này được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ.

JobWay - ứng dụng (app) giành được giải thưởng “Ứng dụng được yêu thích nhất”
JobWay - ứng dụng (app) giành được giải thưởng “Ứng dụng được yêu thích nhất”

Từ nhiều năm nay, công tác hướng nghiệp theo phương thức truyền thống như đến tư vấn trực tiếp tại các trường, các tỉnh thành… đã góp phần đem lại nhiều kết quả khả quan trong việc “giải mã” định hướng nghề nghiệp cho các học sinh cuối cấp.

Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, các chương trình hướng nghiệp tại chỗ đã phải thông báo hoãn vô thời hạn. Và để tạm thời giải quyết các vấn đề trên, Nguyễn Thị Hoàng Anh (thạc sĩ quản trị nhân sự ĐH Western Sydney, Úc) cùng cộng sự đã tạo ra JobWay - ứng dụng (app) giành được giải thưởng “Ứng dụng được yêu thích nhất” tại vòng chung kết cuộc thi “Sáng tạo phần mềm dành cho sinh viên lần I - năm 2019” do Thành đoàn TP tổ chức.

Ứng dụng tích hợp các tính năng: hiểu mình (trắc nghiệm tâm lý, tính cách miễn phí); hiểu nghề (hơn 200 ngành nghề từ dữ liệu của Tổ chức Lao động quốc tế); hiểu trường (thông tin tuyển sinh, ngành đào tạo của các trường ĐH, CĐ công lập trên địa bàn TP). Bên cạnh đó, nếu học sinh vẫn còn thắc mắc, có thể tương tác trực tiếp với chuyên gia giáo dục hướng nghiệp nhiều kinh nghiệm thông qua mục “Tư vấn”.

Ngoài việc học sinh “tự hướng nghiệp” với các tiện ích của ứng dụng JobWay, đây còn là cầu nối giữa học sinh với các chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp. Ứng dụng khuyến khích các em đặt câu hỏi, câu trả lời sẽ được gửi từ các chuyên gia, cố vấn trong khoảng 24 đến 36 giờ, hoàn toàn miễn phí.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục