Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 7/10/2020

09:15 07/10/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 7/10/2020:

EVFTA mở rộng cửa cho hàng hóa từ TPHCM tiếp cận thị trường EU

Báo SGGP đưa tin, ngày 6/10, Cục Hải quan TP tổ chức tọa đàm “Cục Hải quan TPHCM và doanh nghiệp đồng hành thực hiện EVFTA”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm phát biểu khai mạc
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm phát biểu khai mạc

Đến dự và phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết, kể từ khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển giữa hai bên, giúp vượt qua những khó khăn, biến động của nền kinh tế toàn cầu do dịch Covid-19 gây ra.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 7/10/2020 - Ảnh 1

TPHCM được đánh giá là thành phố năng động nhất cả nước, đứng thứ 3 Đông Nam Á (theo đánh giá xếp hạng của JLL), với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ qua các năm. EU là thị trường xuất khẩu truyền thống, là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 và là đối tác nhập khẩu thứ 2 của TP, với kim ngạch song phương từ đầu năm đến nay đạt 15,44 tỷ USD. Do đó, EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU) sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn hơn cho hàng hóa từ TPHCM tiếp cận thị trường 500 triệu dân của EU.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP, nhấn mạnh, buổi tọa đàm là cơ hội để cơ quan hải quan cùng cộng đồng doanh nghiệp trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi thực thi Hiệp định EVFTA.

Có thêm 2 trạm cấp cứu vệ tinh 115

Theo báo Thanh Niên, ngày 6/10, Sở Y tế TP đã ra mắt Trạm cấp cứu vệ tinh 115 đặt tại Bệnh viện Q.8. Đây cũng là trạm cấp cứu vệ tinh 115 thứ 33 thuộc mạng lưới cấp cứu ngoại viện trên địa bàn Thành phố.

Phát biểu tại lễ ra mắt, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, đã đánh giá cao nỗ lực của Bệnh viện Q.8, tuy còn gặp không ít khó khăn nhưng bệnh viện đã quyết tâm đầu tư nguồn lực để tham gia vào mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện.

Trạm cấp cứu vệ tinh 115 đặt tại Bệnh viện Q.8 bắt đầu hoạt động. Ảnh: SYT
Trạm cấp cứu vệ tinh 115 đặt tại Bệnh viện Q.8 bắt đầu hoạt động. Ảnh: SYT

Theo ông Thượng, cấp cứu ngoài bệnh viện đã được ngành y tế TP xác định là nhóm hoạt động quan trọng – là chân thứ 3 trong thế kiềng 3 chân của các hoạt động khám, chữa bệnh của hệ thống y tế TP. Cụ thể là phát triển năng lực tuyến đầu của các bệnh viện quận - huyện và năng lực chuyên sâu tuyến cuối của các bệnh viện TP; phát triển y tế cơ sở, chuyển đổi hoạt động của trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình; phát triển mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp (Paramedic).

Lãnh đạo Sở Y tế cũng giao Trung tâm Cấp cứu 115 hỗ trợ năng lực cấp cứu ngoài bệnh viện đối với trạm cấp cứu vệ tinh 115 thứ 33 đặt tại Bệnh viện quận 8. Giao Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hỗ trợ toàn diện cho Bệnh viện Q,8, trong đó chú trọng hỗ trợ và tư vấn từ xa hoạt động cấp cứu của Bệnh viện Q.8, ưu tiên tiếp nhận bệnh nhân do Trạm cấp cứu vệ tinh 115 của Bệnh viện quận 8 chuyển đến.

Yêu cầu giáo viên rút kinh nghiệm sau mỗi tiết học

Thông tin từ báo Pháp Luật TP, Sở GD-ĐT TP vừa có văn bản thông báo kết luận chỉ đạo của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Nguyễn Văn Hiếu sáng 6/10 tại Hội nghị xây dựng giáo dục cấp tiểu học năm học 2020-2021.

Theo đó, về chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Hiếu yêu cầu các phòng GD&ĐT phải đặt công tác kiểm tra, giám sát lên hàng đầu. Có kế hoạch kiểm tra nội dung cụ thể, ưu tiên kiểm tra tổ chức dạy học lớp 1 và các điều kiện chuẩn bị cho lớp 2.

Ngoài ra, giáo viên cần căn cứ kế hoạch dạy học của các môn học, hoạt động giáo dục để lưu ý mục tiêu của chương trình là chú trọng hình thành các năng lực đặc thù của môn học bên cạnh các phẩm chất và năng lực chung cho học sinh. Phải sử dụng các thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định, sau đó mới đến các thiết bị dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị, lớp học và chuỗi hoạt động dự kiến tổ chức.

Học sinh Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10 trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Học sinh Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10 trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Về nội dung dạy học, giáo viên cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu cần đạt, thời gian, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động, phương tiện dạy học và phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá.

Sở cũng yêu cầu giáo viên rút kinh nghiệm sau mỗi tiết dạy, khuyến khích giáo viên làm nhật ký giảng dạy ghi nhận những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn khi thực hiện chương trình để báo cáo với cấp quản lý, sau đó chuyển cho các nhà xuất bản để điều chỉnh sách giáo khoa cho phù hợp khi tái bản.

Sở GD&ĐT TP cũng nói rõ, tùy theo mức độ tiếp nhận của học sinh, giáo viên chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, phân phối các tiết dạy theo từng giai đoạn, giãn tiến độ thực hiện chương trình và tăng thời lượng tiết dạy để vừa sức với các em, giúp các em dễ dàng tiếp thu, nắm vững bài học.

Phó Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu cũng chỉ đạo, các giáo viên tuyệt đối không được tạo áp lực, phê bình, chê bai học sinh, tăng cường phối hợp với phụ huynh để cùng hỗ trợ giúp các em học tập. Đặc biệt, giáo viên tuyệt đối không được bắt ép học sinh tham gia học thêm dạy thêm.

Xây dựng mô hình dịch vụ công tác xã hội trong trường học

Cũng trên lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, theo báo Người Lao Động, trong buổi tham vấn quốc gia về thúc đẩy công tác xã hội trong ASEAN vừa diễn ra tại TP HCM, ông Bùi Tiến Dũng, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh - sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết hiện nay, ở các trường phổ thông, việc thành lập một phòng công tác xã hội là không thể, mà công tác xã hội là điều cần thiết để giải quyết những vấn đề ngoài chuyên môn giảng dạy.

Tham vấn quốc gia về thúc đẩy công tác xã hội trong ASEAN
Tham vấn quốc gia về thúc đẩy công tác xã hội trong ASEAN

Vì vậy, trong năm 2020, Bộ GD-ĐT sẽ tạo ra mô hình dịch vụ công tác xã hội trong trường học, tiếp cận theo hướng mới, đổi mới sáng tạo. Xây dựng mô hình doanh nghiệp dịch vụ công tác xã hội trong trường học như là doanh nghiệp xã hội. Đáp ứng được hầu hết các yêu cầu, bao gồm: chính sách hỗ trợ người nghèo trong trường học, các dịch vụ tham vấn, tư vấn, phát triển kỹ năng.

Dịch vụ công tác xã hội trong trường học sẽ hướng đến 4 nhóm đối tượng: học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý và phụ huynh. Công tác xã hội trong trường học sẽ phát triển theo quy trình 4 bước: phát hiện, phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ phát triển.

Ông Dũng nhấn mạnh, trong trường học, học sinh đang đối mặt với rất nhiều vấn đề. Công tác xã hội sẽ giải quyết tất cả vấn đề của học sinh nhưng theo quy trình chuyên nghiệp và bài bản của công tác xã hội. Kết hợp bằng nhiều phương thức khác nhau như tư vấn, tham vấn để xử lý hiệu quả vấn đề.

Hơn 1.000 vị trí việc làm chờ ứng viên

Báo Người Lao Động cho hay, sáng 7/10, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM tổ chức sàn giao dịch việc làm dành cho người lao động (NLĐ) tại số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh.

Theo Ban Tổ chức, đến nay đã có 45 đơn vị tham gia tuyển dụng tại sàn với 1.140 vị trí. Cụ thể: có 10 doanh nghiệp (DN) tham gia tuyển dụng trực tiếp với 510 vị trí và 35 DN tham gia tuyển dụng trên Cổng thông tin việc làm quốc gia (http://vlhcm.vieclamvietnam.gov.vn) và Cổng thông tin việc làm TP HCM (http://vieclamhcm.net) với 630 vị trí.

Người lao động đăng ký tìm việc tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM tổ chức
Người lao động đăng ký tìm việc tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM tổ chức

Nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các ngành: tài chính, chứng khoán, bất động sản, kỹ thuật cơ khí, lao động ngành may, bảo vệ, lao động phổ thông… Trong tổng nhu cầu tuyển dụng, dẫn đầu là lao động ngành may với 238 vị trí; kế đến là lao động phổ thông với 229 vị trí, thứ ba tài chính, bất động sản với 202 vị trí.

Thông qua sàn giao dịch việc làm, NLĐ có nhu cầu tìm việc tiếp cận thông tin tuyển dụng của các DN một cách nhanh chóng, kịp thời. Ngoài việc được tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, NLĐ còn được hưởng trợ cấp thất nghiệp; tư vấn pháp luật lao động miễn phí...

NLĐ có thể tham gia, khai thác thông tin tuyển dụng của DN thông qua Cổng thông tin việc làm quốc gia (vlhcm.vieclamvietnam.gov.vn) và Cổng thông tin việc làm TP HCM (www.vieclamhcm.net).

3 giải pháp kiểm soát xe cá nhân vào trung tâm

Theo báo Pháp Luật TP, Sở GTVT TP đã trình UBND TP đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM” giai đoạn 2021-2030. Đề án nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Theo dự kiến, trong tháng 10/2020 đề án sẽ được cụ thể hóa sau khi UBND TP phê duyệt.

Để kiểm soát phương tiện cá nhân vào trung tâm TP, Sở GTVT TP.HCM đưa ra ba giải pháp và phân tích cụ thể về phương án hoạt động của từng giải pháp.
Để kiểm soát phương tiện cá nhân vào trung tâm TP, Sở GTVT TP.HCM đưa ra ba giải pháp và phân tích cụ thể về phương án hoạt động của từng giải pháp.

Đối với việc kiểm soát các phương tiện cá nhân vào trung tâm TP, tại đề án này Sở GTVT đưa ra 3 giải pháp.

Thứ nhất, tổ chức thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm. Đối tượng thu phí là các loại ô tô trừ phương tiện công cộng (xe buýt, taxi, xe hợp đồng...). Thời gian thu phí vào giờ cao điểm sáng và chiều. Sở GTVT cho rằng việc tổ chức thu phí sẽ có nhiều vấn đề phức tạp cần nghiên cứu kỹ. Cụ thể, nghiên cứu về các phương án kỹ thuật, mức thu, đối tượng thu để đảm bảo được mục tiêu hạn chế ô tô cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm.

Thứ hai, kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Sở GTVT đề xuất kiểm soát khí thải bằng việc thực hiện dán tem môi trường các mức xanh, vàng, đỏ khi xe đi kiểm định ở các cơ sở kiểm tra. Qua đó, thu phí phương tiện lưu thông qua mức độ phát thải (theo màu tem dán). Một giải pháp khác là thu hồi, loại bỏ đối với những phương tiện không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, có mức phát thải vượt quá mức cho phép mà không có biện pháp khắc phục.

Sở GTVT hướng đến ngưng hoạt động xe máy tại trung tâm TP vào năm 2030. Ảnh: LINH PHƯƠNG
Sở GTVT hướng đến ngưng hoạt động xe máy tại trung tâm TP vào năm 2030. Ảnh: LINH PHƯƠNG

Thứ ba, kiểm soát hoạt động của mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh. Sở GTVT sẽ tiến hành phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng. Cùng với đó, ngưng hoạt động xe máy tại một số khu vực trung tâm TP khi đảm bảo đủ điều kiện.

Cụ thể, giai đoạn đến năm 2025, thí điểm ngưng hoạt động xe máy trên một số tuyến theo thời gian. Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục mở rộng phạm vi ngưng hoạt động xe máy trong khu vực quận 1. Đến năm 2030 ngưng hoạt động xe máy khu vực trung tâm toàn bộ thời gian (về cắm biển, tổ chức giao thông phân luồng từ xa, bố trí bến bãi gửi xe...).

Người dân giao nộp hung khí được tặng nón bảo hiểm, bánh trung thu

Báo Tuổi Trẻ cho hay, ngày 6/10, Công an quận 11 đã triển khai kế hoạch tổng kiểm tra, mở cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để hạn chế điều kiện, phương tiện sử dụng gây án.

Theo đó, đầu tháng 9/2020, công an 16 phường (quận 11) đã đồng loạt tổ chức ra quân tuyên truyền "Ngày hội toàn dân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ".

Người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được công an tặng quà - Ảnh: C.A.
Người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được công an tặng quà - Ảnh: C.A.

Trong tháng 9/2020, người dân đã giao nộp 1 báng súng, 1 nòng súng, 1 tay súng, 1 ty súng AK, 2 hộp tiếp đạn, 42 viên đạn, 1 roi điện, 2 bình xịt hơi cay và 146 hung khí các loại như mã tấu, kiếm, dùi cui kim loại, côn nhị khúc, lưỡi lê, dao, cây xăm gạo, búa, rìu, cây chĩa...

Khi người dân đến giao nộp hung khí sẽ được công an tặng nón bảo hiểm, bánh trung thu... nhằm khuyến khích, vận động, tạo sự lan tỏa, thu hút thêm nhiều người dân tự giác tham gia.

Góp 1.000 cây xanh làm đẹp quận 4

Ghi nhận trên báo SGGP, hưởng ứng đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Ban Thường vụ Quận ủy quận 4 đăng ký 32 công trình, mô hình, giải pháp cấp thành phố, quận và cơ sở.

Trong đó, thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP về Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, đến nay, 15/15 phường của quận đạt tiêu chí “Sạch, không xả rác ra kênh rạch”, xây dựng 100% tuyến đường, hẻm không tồn đọng rác; 15/15 phường và các cơ quan, đơn vị có mô hình “Công trình sạch và xanh, thân thiện”.

Thực hiện công trình bồn hoa thay điểm tồn đọng rác tại khu phố 4, phường 4, quận 4
Thực hiện công trình bồn hoa thay điểm tồn đọng rác tại khu phố 4, phường 4, quận 4

Ngoài ra, các đơn vị, cơ sở trên địa bàn quận cũng có nhiều mô hình, cách làm hay như: góp 1.000 cây xanh xây dựng môi trường xanh trên địa bàn quận; gắn 130 mắt camera góp phần xây dựng khu phố, tổ dân phố đoàn kết, an ninh, an toàn; chuyển hoá 14/14 điểm tồn đọng rác, trong đó rõ nét là hai điểm tại chợ Xóm Chiếu và chợ Hãng Phân.

Thông qua phong trào thi đua đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, động viên, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn quận tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của quận.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục