TPHCM cần 6.000 tỉ đồng thay đèn LED, ngầm hóa hệ thống chiếu sáng để tiết kiệm điện
Báo Lao Động thông tin, Sở Xây dựng vừa báo cáo UBND về tình hình thực hiện, khó khăn, vướng mắc khi triển khai các nhiệm vụ được phân công theo Quyết định số 6012/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của UBND TPHCM về ban hành Kế hoạch thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Qua thực tế triển khai nhiều giải pháp, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật nhận thấy, để thực hiện được nhiệm vụ "tối thiểu tiết kiệm 30% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2023-2025" thì giải pháp hiệu quả nhất là thay thế toàn bộ các đèn cao áp HPS, MH hiện hữu thành các đèn chiếu sáng LED. Các giải pháp như điều chỉnh thời gian tắt - mở đèn hợp lý, hoạt động theo khung giờ cố định có tiết kiệm nhưng không mang lại hiệu quả cao.
Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ được giao theo kế hoạch tiết kiệm 30% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, Sở Xây dựng cho rằng, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật cần được bố trí nguồn kinh phí (khái toán) khoảng 6.000 tỉ đồng thực hiện công tác thay thế toàn bộ đèn HPS, MH thành đèn chiếu sáng LED và ngầm hóa hệ thống chiếu sáng đô thị.
Đề xuất mở rộng thí điểm xe buýt hai tầng đi quận 5 và quận 6
Báo Tuổi Trẻ cho biết, Sở Giao thông vận tải vừa kiến nghị UBND TPHCM cho phép tiếp tục thực hiện thí điểm dịch vụ vận chuyển khách du Iịch bằng xe buýt hai tầng, thoáng nóc trên địa bàn quận 1, quận 4 và triển khai mở rộng thí điểm tại quận 5, quận 6 và TP Thủ Đức đến hết ngày 31/12/2025.
Hiện nay, có hai đơn vị thí điểm khai thác hai tuyến xe buýt hai tầng, thoáng nóc chở khách du lịch. Trong đó, Công ty TNHH Ảnh Việt Hop On - Hop Off Việt Nam đảm nhận tuyến DL01, hoạt động từ tháng 1-2020. Tuyến có chiều dài 12,7km, thời gian xe chạy từ 9h đến 23h mỗi ngày. Tính đến hết quý 1-2024, tuyến DL01 phục vụ 191.681 lượt khách.
Còn Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội đảm nhận tuyến DL02, hoạt động từ tháng 8-2022. Tuyến có chiều dài 13,8km, thời gian hoạt động từ 9h đến 17h30 mỗi ngày. Tính đến hết quý 1-2024, tuyến DL02 đã chở được 125.203 lượt khách.
Song song với việc vận hành hai tuyến hiện tại, hai công ty tiếp tục đề xuất mở thêm hai tuyến. Cụ thể, Công ty TNHH Ảnh Việt Hop On - Hop Off Việt Nam đề xuất mở tuyến bến xe buýt Sài Gòn - Chợ Lớn. Tuyến này dự kiến hoạt động 30 chuyến mỗi ngày. Còn Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội đề xuất mở tuyến City tour Sài Gòn - Chợ Lớn, dự kiến mỗi ngày chạy 15 chuyến.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập đạt 73%
Theo báo SGGP, Sở GD-ĐT vừa có báo cáo gửi UBND TPHCM về tình hình phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và giao chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2024-2025.
Để chuẩn bị tuyển sinh năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT đã thống kê và rà soát. Kết quả, tính đến tháng 1/2024, toàn thành phố có 115.759 học sinh đang học lớp 9. Số học sinh dự kiến tốt nghiệp lớp 9 năm học 2023-2024 là 114.601 học sinh (tỷ lệ 99%). Trong đó, dự kiến có khoảng 102.349 học sinh lớp 9 đăng ký tham dự Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2024-2025. Như vậy, có khoảng 13.410 học sinh không tham dự kỳ thi tuyển sinh.
Từ cơ sở đó, năm học 2024-2025, Sở đã giao chỉ tiêu tuyển sinh cho 113 trường THPT công lập là 71.020 chỉ tiêu, giảm 6.124 chỉ tiêu so với năm học 2023-2024. Ngoài 71.020 chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT công lập, năm học 2024-2025, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ giáo dục thường xuyên là 12.036 chỉ tiêu.
Như vậy, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục theo loại hình công lập (trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên) là 83.856 chỉ tiêu - chiếm tỷ lệ 72% tổng số học sinh lớp 9 trên địa bàn TPHCM và chiếm tỷ lệ 73% so với số lượng học sinh lớp 9 dự kiến tốt nghiệp THCS năm học 2023-2024, 82% so với học sinh đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10.
Học sinh, giáo viên TPHCM mang nước sạch về miền Tây khô hạn
Vừa qua, Trường Tiểu học Bông Sao, quận 8 tổ chức chương trình “Hành trình mang nước sạch về miền Tây” nhằm hỗ trợ người dân nơi đây đang thiếu nước sinh hoạt do bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Tin trên báo Pháp Luật TP.
Bà Mao Thị Kim Liên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước khi chương trình diễn ra, trường đã tổ chức sinh hoạt với học sinh giúp các em biết về những khó khăn người dân miền Tây đang gánh chịu do thiếu nước. Đồng thời vào cuối tuần qua trường đã gửi thư ngỏ đến quý phụ huynh học sinh để kêu gọi sự hỗ trợ.
Bà Liên cho biết chương trình đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ quý phụ huynh học sinh và cán bộ, giáo viên trong nhà trường. Nhiều em ủng hộ số tiền tuy không nhiều nhưng đã thể hiện sự quan tâm, chia sẻ đối với mọi người xung quanh.
“Kết thúc chương trình, tính đến trưa nay, trường đã quyên góp được hơn 32 triệu đồng. Số tiền này sẽ được gửi trực tiếp về phòng GD&ĐT quận 8 để chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới. Bên cạnh đó, trường còn hỗ trợ 100 bình nước loại 30 lít. Những bình nước này đã được Ban chỉ huy quân sự quận 8 vận chuyển về các khu vực miền Tây” – bà Liên nói thêm.
Hàng hóa rục rịch tăng giá
Ảnh hưởng từ tỷ giá, xăng dầu, chi phí vận chuyển… cùng thời tiết nắng nóng kéo dài nên giá nhiều mặt hàng rục rịch tăng.
Chia sẻ với báo Tiền Phong, chị Hoài An (26 tuổi, ngụ quận 11, TPHCM) cho biết, từ đầu tháng 5 tới nay, nhiều mặt hàng tươi sống như rau củ, trái cây đã tăng thêm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày, chị An đi chợ tiêu hết tầm 100.000 đồng, nhưng giờ phải từ 110.000 - 120.000 đồng mới tạm đủ.
“Dù đã chi tiêu tằn tiện nhưng mỗi tháng tôi vẫn phải bù thêm từ 500.000 - 600.000 đồng tiền ăn uống, chưa kể các khoản chi cho điện nước tiêu thụ nhiều trong mùa nắng nóng cũng có giá cao hơn” - chị An nói.
Bà Minh, kinh doanh thực phẩm khô gần chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, TPHCM) cho biết, giá nhiều loại bột mì, bột gạo, dầu ăn đều tăng giá từ 3.500 - 5.000 đồng. Thịt heo (lợn) cũng nhảy giá thêm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với tháng trước do ảnh hưởng từ giá heo hơi.
Khảo sát giá tại nhiều chợ lẻ ở TPHCM, nhiều loại trái cây có giá chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/kg như thanh long, xoài, dưa hấu… giờ gần như không còn nữa. Thay vào đó, giá đã tăng gấp đôi.
Nhiều học sinh TPHCM có các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm
Thông tin trên báo Phụ Nữ TP, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, đơn vị vẫn đang tiếp tục điều tra, thu thập thông tin liên quan đến vụ việc nhiều học sinh tại quận 4 và TP Thủ Đức phải nhập viện. Cụ thể, 22 học sinh của Trường tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4) và Trường tiểu học Linh Chiểu (TP Thủ Đức) bị hàng loạt các triệu chứng nghi bị ngộ độc thực phẩm.
Trước đó, ngày 4/5, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận 2 ca điều trị nội trú cho trẻ có các triệu chứng của nhiễm trùng đường ruột, nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bán trú trưa ở trường. Đầu tiên là 1 bé trai 9 tuổi (học sinh Trường tiểu học Đặng Trần Côn) nhập viện với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn rồi nôn, tiêu chảy.
Bà Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Trần Côn - cho hay, trường có 5 học sinh có các triệu chứng nghi bị ngộ độc thực phẩm trong ngày 4/5 (1 em không ăn bán trú tại trường). Trong đó, có 3 em phải nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, 2 em có triệu chứng nhẹ hơn nên không cần nhập viện. Hiện vẫn còn 1 học sinh điều trị tại viện.
Ngoài bé trai, ngày 4/5, Bệnh viện Nhi Đồng 2 còn tiếp nhận một bé gái 11 tuổi (học sinh của Trường tiểu học Linh Chiểu) nhập viện với các triệu chứng đau bụng, ói nhiều lần, nghi bị ngộ độc thực phẩm.
Bà Tạ Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng Trường tiểu học Linh Chiểu - thông tin, cùng với bé gái còn có 16 học sinh khác, chủ yếu là học sinh của khối 3-4-5 bị các triệu chứng tương tự. Nhưng chỉ có mỗi học sinh này nhập viện. Hiện tại, toàn bộ học sinh đã ổn định, đến trường học bình thường.
Cảm xúc dạt dào với triển lãm giao lưu mỹ thuật TPHCM - Huế - Hà Nội
Báo Người Lao Động cho hay, Hội Mỹ thuật TPHCM cuối tuần qua đã khai mạc triển lãm giao lưu mỹ thuật TPHCM - Huế - Hà Nội. Đây được xem là thành tựu đầu tư của đợt ký kết giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa 3 Thành phố, trong đó ngành mỹ thuật đã tạo sự khởi động rất ấn tượng thông qua cuộc triển lãm này. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 11/5 tại 218 A Pasteur, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM.
Mục tiêu của cuộc triển lãm nhằm thắt chặt tình cảm của hội viên 3 miền, thúc đẩy mối quan hệ học tập sáng tạo nghệ thuật trong lĩnh vực mỹ thuật của 3 Thành phố lớn.
GS-TS Nguyễn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM - cho biết: "Đây là năm đầu tiên tiến hành hoạt động giao lưu tổ chức tại TPHCM với sự tham gia của các họa sĩ, nhà điêu khắc đến từ Huế, Hà Nội và sẽ lần lượt tổ chức tại Hà Nội, Huế vào những năm kế tiếp. Triển lãm trưng bày và giới thiệu 83 tranh, tượng của 78 tác giả với nhiều chất liệu của loại hình nghệ thuật trên giá vẽ và không gian đa chiều".
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM nhận xét, triển lãm đạt chất lượng cao khi các đề tài nói lên tinh thần sáng tạo mang tính đột phá của từng cá nhân họa sĩ, nhà điêu khắc.