Đón tàu chở các toa Metro số 1 về Sài Gòn từ phao số 0
Rạng sáng 8/10, tàu Bayani dài 120m đã đi vào vùng biển Vũng Tàu sau 8 ngày rời cảng Kasado (Nhật Bản) chở đoàn tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đầu tiên về Việt Nam. Lúc 3h sáng 8/10, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã ghi nhận được hình ảnh các thủy thủ tàu Bayani được hoa tiêu của Công ty TNHH Hoa tiêu Hàng hải khu vực I lai dắt tàu biển chở các toa metro khi về tới phao số 0 vùng biển Vũng Tàu.
Các toa tàu đã được đơn vị vận chuyển đặt trong khoang tàu biển, bên trên được phủ bạt che nắng mưa. Anh Đoàn Anh Duy, hoa tiêu của Công ty TNHH Hoa tiêu Hàng hải khu vực I, cho biết con tàu này sẽ đi theo luồng sông Lòng Tàu và dự kiến cập cảng Khánh Hội, quận 4 khoảng 8h sáng nay.
Trong khi đó, tại cảng Khánh Hội, Ban quản lý đường sắt đô thị TP cùng các đơn vị liên quan cũng đang túc trực chuẩn bị công tác đón đoàn tàu đầu tiên. Sau khi tàu cập cảng, các đơn vị sẽ cần khoảng 2 giờ để đưa các toa tàu từ xuống và nâng lên các xe chuyên dùng chuẩn bị vận chuyển về Depot Long Bình (quận 9). Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, dự kiến ngày 10/10, đoàn tàu metro sẽ được vận chuyển về Depot Long Bình bằng xe chuyên dụng.
Đoàn tàu gồm có 3 toa đầu tiên được đưa về nước sau một thời gian gián đoạn của dịch COVID-19 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng về tiến độ dự án metro số 1, công trình trọng điểm được người dân TP chờ đợi.
Lấy ý kiến Hà Nội và TPHCM trước khi cấp phép lịch bay quốc tế
Thông tin từ báo SGGP, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TPHCM và TPHà Nội lấy ý kiến đối với lịch khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và các nước.
Theo kế hoạch, dự kiến, hàng tuần sẽ có 4 chuyến bay hạ cánh Hà Nội vào các ngày thứ ba, tư, năm, sáu (tổng số tối đa 1.304 ghế) và có 5 chuyến bay hạ cánh TPHCM vào các ngày thứ ba (2 chuyến), tư, năm, sáu (tổng số tối đa 1.290 ghế) do 2 hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air thực hiện.
Với các đối tác nước ngoài, phía Hàn Quốc đã chỉ định Korean Air khai thác chuyến bay ngày 9/10 từ Incheon đi/đến TPHCM và ngược lại; Asiana Airlines khai thác chuyến bay từ Incheon đi/đến Hà Nội vào các ngày 7/10 và 21/10, khai thác đi/đến TPHCM vào ngày 1/10 và 15/10.
Trung Quốc chỉ định Hãng hàng không China Southern Airlines (CZ) khai thác đường bay Quảng Châu - TPHCM với tần suất 1 chuyến/tuần. Nhật Bản chỉ định Japan Airlines (JL) và All Nippon Airways (NH) khai thác luân phiên từ Tokyo đến Hà Nội và TPHCM theo từng tuần với tần suất 1 chuyến/tuần/đường bay. Đài Loan (Trung Quốc) chỉ định China Airlines (CI) và Eva Air (BR) khai thác từ Đài Bắc đến Hà Nội và TPHCM theo từng tuần với tần suất 1 chuyến/tuần/đường bay.
Kế hoạch khai thác cụ thể của Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan sẽ được Cục Hàng không Việt Nam cập nhật sau khi các quốc gia này gửi thông tin.
Trên cơ sở góp ý của các địa phương, Cục Hàng không Việt Nam sẽ xem xét, cấp phép bay cho các hãng hàng không trong thời gian tới.
Tôn vinh 100 doanh nghiệp, 100 doanh nhân tiêu biểu
Báo Pháp Luật TP đưa tin, tối 7/10, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) kỉ niệm 16 năm ngày doanh nhân Việt Nam (13/10) và tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân TP tiêu biểu năm 2020.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA cho biết, cuộc bình chọn 100 doanh nhân, 100 doanh nghiệp (DN) tiêu biểu năm 2020 đã thu hút 215 DN và 156 doanh nhân đăng ký tham gia. Ban tổ chức đã chọn và đề xuất UBND TP công nhận, vinh danh 100 doanh nhân, 100 DN tiêu biểu, đại diện cho hơn 438.000 DN đăng ký hoạt động trên địa bàn.
Theo ông Dũng, năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn đối với giới doanh nhân cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến nhiều DN bị đứt gãy chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu thiếu hụt, thị trường thu hẹp, các nguồn lực ngày càng cạn kiệt dẫn đến ngưng trệ sản xuất. Dù khó khăn nhưng cộng đồng DN, doanh nhân TP đã tích cực đổi mới, đưa ra các giải pháp tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm ra cơ hội để chuyển đổi công nghệ, thị trường và sáng tạo ra sản phẩm mới.
Vì thế ngay trong dịch Covid-19 vẫn có nhiều DN đạt mức tăng trưởng cao, đóng góp tốt vào nguồn thu ngân sách TP và cả nước.
Bên cạnh tinh thần sáng tạo, các DN thể hiện tinh thần đoàn kết cùng bắt tay nhau hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh. Trong cùng ngành, DN sẵn sàng chia sẻ nguyên vật liệu với nhau. DN khác ngành thì trao đổi sản phẩm cho nhau, giảm tiền thuê mặt bằng hay giảm giá các dịch vụ liên quan đầu vào…
Ông Dũng cho rằng, DN và doanh nhân được tôn vinh năm nay thực sự là những ngôi sao sáng, có nhiều cống hiến, đóng góp cho sự phát triển kinh tế TP và cả nước. 100 DN được tôn vinh tiêu biểu năm nay đã đầu tư 976.956 tỷ đồng vốn điều lệ để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế TP, nộp ngân sách gần 12.000 tỷ/năm. Họ đã đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 152.000 lao động, đóng góp gần 1.000 tỷ đồng cho các quỹ và chương trình an sinh xã hội của TP.
Thời gian tới, HUBA sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN, nắm bắt các khó khăn để kịp thời kiến nghị giải pháp tháo gỡ. Hiệp hội sẽ giúp DN tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới, nhất là công cuộc chuyển đổi số, hỗ trợ cộng đồng DN kết nối những thị trường mới và phát triển nguồn nhân lực hiệu quả.
Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đánh giá cao vai trò của Hiệp hội DN TP là chỗ dựa đáng tin cậy của TP trong công tác hỗ trợ phát triển DN. Theo ông thành phố tiếp tục đặt kỳ vọng vào Hiệp hội với bước phát triển mới mang trọng trách cao hơn và nhiệm vụ sẽ nặng nề, khó khăn thử thách sẽ nhiều hơn...
Đề xuất mở lại BOT xa lộ Hà Nội
Theo báo Người Lao Động, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa trình UBND TP về việc cho phép thu phí dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, nhằm hoàn vốn cho dự án mở rộng xa lộ Hà Nội.
Theo Sở GTVT TP, dự án chưa hoàn thành nhưng việc thu phí cấp bách. Lý do càng kéo dài thời gian thì lãi phát sinh càng cao, thời gian thu phí sẽ tăng thêm. Nếu trễ 1 năm khai thác thì kéo dài thêm 6 năm thu phí. Cụ thể, năm 2010 dự án phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 2.516 tỉ đồng. Do bị chậm trễ nên đến năm 2016, dự án điều chỉnh nâng mức đầu tư lên 4.900 tỉ đồng.
Trên cơ sở đó, Sở GTVT TP đề xuất mức cho phép thu phí trạm BOT xa lộ Hà Nội kể từ ngày 1/11/2020, với mức như sau: ôtô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 30.000 đồng/lượt; ôtô từ 12-30 chỗ, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 45.000 đồng/lượt; ôtô từ 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 60.000 đồng/lượt; xe tải từ 10-18 tấn, xe container loại 20 feet là 120.000 đồng/lượt; xe tải trên 18 tấn, xe container loại 40 feet là 170.000 đồng/lượt. Trường hợp mua vé tháng được giảm 10%.
Bên cạnh đó, miễn phí 11 nhóm xe, trong đó có xe cứu thương, cứu hỏa, xe cảnh sát; xe buýt TP HCM tuyến cố định chạy qua trạm; giảm 50% cho ôtô dưới 12 chỗ không kinh doanh, chủ xe có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng ở mặt tiền hai đường song hành xa lộ Hà Nội (quận 2, 9 và Thủ Đức). Giá thu sẽ điều chỉnh sau 5 năm hoạt động cho phù hợp.
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội dài 15,7 km, đi qua các quận 2, 9, Thủ Đức (TPHCM) và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) làm chủ đầu tư. Dự án khởi công ngày 2/4/2010, đến nay chỉ mới thực hiện được 76% khối lượng công việc đề ra, nguyên nhân là do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Trong đó, trục đường song hành xa lộ Hà Nội (đoạn thuộc địa phận TP HCM) chỉ mới kết nối được 73%, dự kiến tháng 3/2021 mới hoàn thành.
Cũng trên đường này, đoạn thuộc địa phận tỉnh Bình Dương vẫn còn vướng nhiều công trình liên quan đến metro số 1 và Bến xe Miền Đông mới, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.
CSGT tăng cường kiểm soát xe ô tô vận tải hàng hoá trên địa bàn
Báo SGGP đưa tin, ngày 7/10, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP vừa phát đi thông báo về việc tăng cường kiểm soát xe ô tô vận tải hàng hóa.
Theo đó, thời gian thực hiện từ ngày 1/10 đến ngày 14/12. Đợt 1 từ ngày 1/10 đến hết ngày 10/10, trong giai đoạn này, các đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền về quy định pháp luật đến đối tượng là chủ xe, tài xế xe ô tô vận tải hàng hóa. Đợt 2 từ 11/10 đến hết ngày 14/12, các đơn vị thực hiện việc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch đề ra, các đơn vị trực thuộc Phòng tăng cường bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm những trường hợp xe ô tô vận tải hàng hóa (tập trung vào các phương tiện như: Xe tải, xe container, xe tải ben và xe bồn) vi phạm ngay tại nơi xuất phát, khu vực sân bay, bến xe, bến cảng, kho bãi, khu vực phức tạp về trật tự xã hội, các tuyến đường giao thông đường bộ trên địa bàn TP; trong đó tập trung các tuyến Quốc lộ, tuyến đường thường xuyên xảy ra TNGT, ùn tắc giao thông đặc biệt là các tuyến giao thông cửa ngõ ra vào TP.
Khi phát hiện xe ô tô vận tải hàng hóa vi phạm các lỗi như: Vi phạm các quy định về tải trọng phương tiện; vi phạm về kích thước thành, thùng xe; đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi không đúng tuyến, phạm vi, thời gian quy định; đi không đúng làn đường quy định; chạy quá tốc độ quy định; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn, chất kích thích... lực lượng CSGT tiến hành dừng phương tiện để kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng CSGT sẽ kiểm tra, xử lý những trường hợp sử dụng các loại giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc tẩy xóa, sửa chữa, giả mạo… Trong trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng như: Sử dụng ma túy, vận chuyển chất cháy nổ, hàng nguy hiểm, hàng gian, hàng giả… thì lực lượng CSGT tiến hành đình chỉ lưu hành hoặc tạm giữ phương tiện; đồng thời, phối hợp với cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, kỹ thuật hình sự, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, công an phường, xã… để xử lý theo đúng quy định.
257 trường hợp vận chuyển trái phép vũ khí qua Tân Sơn Nhất
Một thông tin khác trên báo SGGP cho hay, ngày 7/10, Công an TPHCM và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam tổ chức buổi làm việc đánh giá công tác phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo đánh giá, trong thời gian qua tình hình an ninh, an toàn hàng không và trật tự an toàn xã hội tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được duy trì tốt.
Các vụ việc vi phạm về an ninh hàng không được phát hiện và xử lý kịp thời, đảm bảo các chuyến bay đi, đến tuyệt đối an toàn. Các đơn vị hoạt động tại Cảng hàng không, sân bay chấp hành nghiêm túc các quy định về đảm bảo an ninh hàng không; đảm bảo an ninh, an toàn cho các lượt chuyến bay chuyên cơ đi/đến, lượt chuyến bay VIP góp phần phục vụ an toàn, chu đáo cho các sự kiện lớn của đất nước, phục vụ tốt yêu cầu công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Từ năm 2018 đến nay, các đơn vị chức năng đã phối hợp, phát hiện và xử lý 1.471 vụ việc liên quan đến an ninh, an toàn hàng không. Trong đó, có 257 trường hợp vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ (roi điện hình dạng đèn pin, bình xịt hơi cay, đạn còn hạt nổ), tiếp nhận giám sát và bàn giao đúng quy định 723 trường hợp hành khách bị từ chối nhập cảnh, 3 hành khách phát ngôn có bom trong hành lý, 15 trường hợp vận chuyển ma túy, hỗ trợ dẫn giải 386 trường hợp đối tượng truy nã và can phạm đi máy bay, 92 trường hợp hành khách sử dụng giấy tờ không hợp lệ.
Triển lãm công nghiệp hỗ trợ 2020 sẽ tổ chức trực tuyến
Theo Vietnamplus, chuỗi "Triển lãm công nghiệp hỗ trợ 2020" và "METALEX Vietnam 2020" sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến từ ngày 23-24/10 tới, tại TPHCM, nhằm kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Chuỗi triển lãm năm nay sẽ hướng đến mục tiêu tiếp tục tạo nền tảng giúp doanh nghiệp thích ứng và tăng trưởng trong thời kỳ "bình thường mới”. Ban tổ chức kỳ vọng "Triển lãm công nghiệp hỗ trợ 2020" và "METALEX Vietnam 2020" sẽ trở thành điểm đến toàn diện cho cộng đồng sản xuất, gia công cơ khí, công nghiệp hỗ trợ...
Sự kiện kết nối doanh nghiệp Việt Nam và nhật Bản cũng được diễn ra trong khuôn khổ chuỗi triển lãm. Các đơn vị tham dự được gặp gỡ trực tiếp bên mua là công ty Nhật Bản có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam, tham dự hội thảo chuyên ngành và hoạt động tư vấn doanh nghiệp, trải nghiệm trình diễn công nghệ...
Chuỗi triển lãm trên do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC), Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ (CSID) và Công ty Reed Tradex Vietnam phối hợp giới thiệu ngày 7/10, tại TPHCM.
Đề xuất đúc nổi dòng chữ “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”
Báo Thanh Niên cho hay, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGTQG đã có ý kiến như trên tại hội thảo về mũ bảo hiểm, trong khuôn khổ dự án “Hành trang An toàn”, diễn ra tại TP.HCM ngày 7/10.
Ông Khuất Việt Hùng cũng cho biết, Ủy ban ATGTQG phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) sẽ có báo cáo gửi đến Thường trực Chính phủ để ban hành chỉ thị mới về quản lý chất lượng mũ bảo hiểm. Hai đơn vị trên sẽ soạn dự thảo chỉ thị, xin ý kiến của các Bộ, ngành trong đó có Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Công thương, Bộ Công an, đặc biệt là Cảnh sát giao thông, để đưa vào Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm quy định đúc nổi dòng chữ “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” trên mũ.
Việc này để cho Cảnh sát giao thông dễ nhận thấy khi xử lý vi phạm về việc đội mũ bảo hiểm của người đi mô tô, xe máy và xe đạp điện; đồng thời cũng nhằm ngăn ngừa hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ông nhận định, việc 89,5% tổng số mũ được thử nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng trong khảo sát của Trường Đại học Y tế Công cộng phần nào phản ảnh tình trạng chất lượng mũ bảo hiểm trên thị trường, đặt ra những câu hỏi lớn đối với hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng đối với loại sản phẩm có liên quan trực tiếp đến sức khoẻ sinh mạng của nhân dân.
Đồng thời, cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, toàn diện hơn nhằm đưa ra những chính sách, giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy và xe đạp điện ở Việt Nam.
Tại hội thảo, các Đại biểu đã tham gia thảo luận nhóm về các chiến lược cải thiện chất lượng mũ bảo hiểm. Kết quả thảo luận nhóm sẽ góp phần vào việc xây dựng một kế hoạch hành động nhằm nâng cao chất lượng mũ bảo hiểm tại TP.HCM và tỉnh Thái Nguyên, từ đó làm tiền đề để mở rộng quy mô ra toàn quốc.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai