Lễ hội Áo dài sẽ diễn ra trong hai ngày 11 và 12/10
Theo Vietnamplus, ngày 8/10, tại buổi công bố thông tin Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 7 năm 2020, đại diện Sở Du lịch TP cho biết, Lễ hội sẽ diễn ra trong hai ngày (11-12/10) và được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn, quận 1. Đây là địa điểm hoàn toàn mới so với những lần tổ chức trước.
Đặc biệt, với chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam", Lễ hội được xem là sự kiện mở đầu cho chuỗi sự kiện trong chiến dịch “Thành phố Hồ Chí Minh xin chào - Hello Ho Chi Minh City” do ngành Du lịch TP thực hiện, nhằm giới thiệu đến du khách hình ảnh thành phố “an toàn - sống động - cởi mở - đầy hứng khởi”.
Trong khuôn khổ Lễ hội năm nay có nhiều hoạt động đáng chú ý, như: cuộc thi "Tôi yêu áo dài Việt Nam," hội thảo chuyên đề "Áo dài - Di sản văn hóa"... sẽ được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Đánh giá của Sở Du lịch TP cho thấy, qua 6 lần tổ chức, Lễ hội Áo dài TPHCM có quy mô ngày càng mở rộng và nội dung đa dạng. Lễ hội đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa - du lịch thường niên có uy tín, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
Sẽ áp dụng mô hình cấp cứu 115 theo tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ
Ngày 8/10, tại lễ tiếp nhận trang thiết bị y tế do nhà hảo tâm tài trợ để phòng, chống dịch Covid-19, Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết hiện Thành phố có 34 trạm cấp cứu vệ tinh 115 phủ rộng trên 24 quận huyện. Nội dung trên báo Thanh Niên.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, ngành y tế TP xây dựng hệ thống cấp cứu 115 hoàn chỉnh theo mô hình của Mỹ, châu Âu, Úc. Đó là mô hình phối hợp bao gồm các trạm cấp cứu 115 vệ tinh và các trung tâm cấp cứu 115 ngoại ô.
Theo Giáo sư Bỉnh, nếu bảo hiểm y tế chi trả cho cấp cứu ngoại viện giống như mô hình các quốc gia khác thì công tác cấp cứu sẽ rất hiệu quả.
Trước đó, lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo giám đốc các BV cần xem hoạt động cấp cứu ngoại viện là hoạt động tạo niềm tin cho người dân, đầu tư nguồn nhân vật lực phù hợp tùy vào quy mô từng BV. Trong thời gian tới, Sở sẽ ban hành văn bản hướng dẫn các trạm cấp cứu vệ tinh 115 xây dựng cơ cấu giá cấp cứu ngoại viện, nêu rõ định mức giá giữa BV công lập và BV ngoài công lập. Các trạm cấp cứu vệ tinh 115 phải hoàn thành cơ cấu giá thu, gửi về Sở Y tế để thẩm định và công khai mức giá trên cổng thông tin điện tử ngành y tế để người dân được biết.
Sở Y tế cũng giao Trung tâm cấp cứu 115 tham mưu Sở xây dựng kế hoạch phát triển hoạt động cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp hóa gắn kết với hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở y tế trong cộng đồng; triển khai giải pháp “Hệ thống điều hành thông minh” tại Trung tâm cấp cứu 115 và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động tiếp nhận và xử lý cuộc gọi cấp cứu cho các điều phối viên cấp cứu ngoại viện.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp dân
Tin từ báo Pháp Luật, theo báo cáo của UBND TP về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo: Từ tháng 8/2019 đến nay, công tác tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo UBND TP và lãnh đạo các sở/ngành, quận/huyện luôn được chú trọng.
Việc tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân được thực hiện kịp thời, đúng quy định và đúng thẩm quyền. Quá trình thụ lý giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố cáo năm 2018.
TP đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại; các quyết định giải quyết khiếu nại được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành.
Ngoài ra, các sở/ngành, quận/huyện đều nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân. Cụ thể, các cơ quan đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO TCVN 9001:2015 nhằm kiểm soát hiệu quả tiến trình xử lý vụ việc và đảm bảo đúng thời hạn quy định.
Hơn 129 tỷ đồng xây dựng hệ thống thoát nước quận Thủ Đức
Theo báo SGGP, ngày 8/10, UBND quận Thủ Đức đã khởi công xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân. Đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Dự án này đã được Sở GTVT và Sở Xây dựng TP phê duyệt với quy mô chiều dài tuyến gần 2,5km với kinh phí hơn 129 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Thủ Đức làm chủ đầu tư.
Công trình xây mới hệ thống cống hộp với bề rộng và ngang hơn 1m ở đường Võ Văn Ngân, thay tuyến cống tròn cũ đường kính từ 0,6-0,8m, đã xuống cấp.
Theo UBND quận Thủ Đức, đường Võ Văn Ngân là tuyến giao thông chính của địa phương, nhưng do địa hình dốc, tuyến cống dọc bên đường lại nhỏ hẹp nên không đủ khả năng thoát nước khi mưa lớn. Ngoài ra, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều ao hồ bị san lấp nên thường xuyên bị ngập.
Sẽ có nhiều mức phí cách ly, công khai biểu giá từng gói dịch vụ
Thông tin trên báo Tuổi trẻ, ngày 8/10, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó giám đốc Sở Du lịch TP cho biết, sự bất cập trong khâu triển khai cách ly y tế tại khách sạn khiến các chuyến bay thương mại quốc tế vừa mới được nối lại vài ngày đã phải tạm ngưng để chờ xây dựng quy trình cách ly thống nhất.
Theo bà Hoa, có những phản ánh về mức phí cách ly ở khách sạn nhưng phục vụ khách trong điều kiện bình thường khác với đón khách cách ly y tế. Ngay cả khi ở khách sạn 4 sao thì cũng có nhiều mức giá khác nhau tùy theo yêu cầu của khách.
Khách ở phòng đơn, sử dụng dịch vụ cơ bản thì chắc chắn sẽ khác với khách có những yêu cầu cao hơn như thay drap giường, giặt quần áo mỗi ngày. Với các dịch vụ này, khách sạn không được giặt như trước đây mà phải là xử lý y tế để diệt khuẩn. Hay khách ở phòng đôi, phòng tổng thống, giá gói dịch vụ cách ly cũng sẽ phải khác.
"Điều quan trọng là phải công khai rõ các biểu giá, mức phí dịch vụ của từng gói. Hiện nay các khách sạn đang làm biểu giá cho từng gói phục vụ, chúng tôi sẽ thông tin rộng rãi để người dân nắm rõ, từ đó mọi người cùng nhau giám sát, thực hiện đúng công tác phòng chống dịch và cam kết giá cả", bà Hoa nói.
Cũng theo bà Hoa, để trở thành một điểm cách ly, khách sạn phải trải qua các cuộc khảo sát đảm bảo cơ sở vật chất, quy trình phương án cách ly, phân luồng ra vào và cả khu phòng đệm. Do đó, khách sạn không thể khai thác công suất tối đa 100% như bình thường, chưa kể vấn đề đào tạo nhân sự phục vụ.
Các nhân viên khách sạn phục vụ cách ly không được về nhà và phải tự cách ly sau thời gian phục vụ. Chính những đòi hỏi nghiêm ngặt này cấu thành một chi phí không nhỏ trong giá thành các gói cách ly y tế tại khách sạn.
Ngoài ra, các khách sạn đang thực hiện hoạt động cách ly y tế tại Thành phố là những khách sạn có tên tuổi nên chỉ cần những thông tin không chính xác cũng có thể ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu doanh nghiệp. Vì thế, các đơn vị này cũng mong muốn thông tin về giá cả, dịch vụ một cách rõ ràng để người dân khi sử dụng dịch vụ cách ly sẽ biết rõ và lựa chọn.
Yêu cầu cưỡng chế 5 công trình không phép tại Bình Chánh
Báo SGGP đưa tin, Văn phòng UBND TP vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan về việc xử lý công trình vi phạm xây dựng tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh).
Cụ thể, UBND huyện Bình Chánh được giao khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm việc cưỡng chế các công trình vi phạm tại khu vực trên, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP. Dự án trên do Công ty CP Khu công nghiệp Phong Phú làm chủ đầu tư, được UBND TP cho thuê để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Phong Phú. Hiện dự án đã san lấp một phần, chưa triển khai thực hiện hạ tầng kỹ thuật.
Tại dự án này, trước đó, UBND xã Phong Phú đã cưỡng chế 60 công trình vi phạm xây dựng. Tuy nhiên, ngày 3/7, Thanh tra Sở Xây dựng TP kiểm tra phát hiện 5 công trình xây dựng không phép có diện tích từ 13 - 44 m2/công trình, kết cấu khung sắt, vách tôn, mái tôn, lá, cỏ nhân tạo…
Ngày 17/7, Thanh tra Sở Xây dựng đề nghị Chủ tịch UBND xã Phong Phú khẩn trương xử lý 5 công trình không phép nêu trên. Ngày 11/8, UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định cưỡng chế nhưng hiện xã Phong Phú vẫn chưa tổ chức cưỡng chế.
Xử lý triệt để 63 bến xếp dỡ vật liệu xây dựng trái phép
Báo Tuổi trẻ cho hay, Sở Giao thông vận tải TP vừa đề nghị Công an TP và UBND các quận - huyện kiểm tra và có biện pháp xử lý triệt để 63 bến thủy nội địa trái phép tại các địa phương.
Trước đó, trong gần một tháng, Thanh tra Sở GTVT và các đơn vị chức năng tổ chức đợt kiểm tra toàn bộ hệ thống bến thủy nội địa ở TP đã phát hiện 58 bến không có giấy phép thuộc địa bàn Thành phố quản lý và 5 bến không có giấy phép thuộc địa bàn Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý.
Các địa phương có nhiều bến bãi hoạt động trái phép nhất là quận 9 có 18 bến, huyện Bình Chánh có 13 bến, huyện Hóc Môn 8 bến, Cần Giờ 5 bến...
Các bến thủy nội địa trái phép này chủ yếu là kinh doanh vật liệu xây dựng như bốc dỡ cát, đá từ các phương tiện thủy lên bãi, sau đó vận chuyển bằng đường bộ. Phần lớn các bến trái phép này được lập trên các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Rạch Chiếc, sông Tắc, rạch Tra, rạch Bà Cua, rạch Ông Nhiêu…
Theo cơ quan chức năng, các bến bãi hoạt động trái phép trên đã gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể như trong quá trình bốc xếp vật liệu xây dựng làm rơi vãi xuống dòng sông, kênh, rạch gây hậu quả là làm bồi lắng dòng nước làm thay đổi dòng chảy gây hư hại cầu và các công trình ở hai bên bờ sông, rạch…
Thanh tra Sở GTVT cho biết tùy theo mức độ vi phạm bến bãi trái phép bị xử phạt từ 7,5 đến 20 triệu đồng.
Đào tạo nghề miễn phí cho lao động thất nghiệp do dịch Covid-19
Báo Người Lao Động đưa tin, chương trình hợp tác Việt - Đức "Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam" sẽ phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 8 tỉnh, thành (Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Nha Trang, An Giang, Long An, TP HCM và Đồng Nai) mở các khóa đào tạo nghề ngắn hạn cho những lao động mất việc, chưa có việc làm hoặc có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Những khóa đào tạo tập trung vào các ngành nghề kỹ thuật như: cơ khí, cơ điện tử, điện - điện tử, cắt gọt kim loại, xử lý nước thải... là những ngành ít chịu tác động của đại dịch hơn so với những lĩnh vực như du lịch, khách sạn hay may mặc. Khóa học kéo dài tối đa 2 tháng, học viên sẽ được miễn toàn bộ học phí, ngoài ra còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền lưu trú và đi lại. Sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ chứng chỉ sơ cấp và nhận thêm trợ cấp. Các khóa học dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10, 11/2020.
Chương trình được sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) nhằm giúp NLĐ có thể chuyển đổi nghề nghiệp hoặc tạo việc làm mới nhằm ứng phó với dịch Covid-19.
Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II TP. HCM vừa thông báo chiêu sinh mở lớp đào tạo nghề miễn phí cho người lao động (NLĐ) thất nghiệp do dịch Covid-19. Học viên phải là NLĐ đủ 15 tuổi trở lên, có đủ sức khỏe lao động, người mất việc do dịch Covid-19 trong độ tuổi 19-40 cần được đào tạo lại để chuyển đổi việc làm. Các ngành nghề học viên có thể lựa chọn là: Hàn 3G, hàn bán tự động, điện công nghiệp, lắp đặt điện.
Tham dự khóa học, học viên được hỗ trợ tiền ăn (80.000 đồng/ngày) và tiền lưu trú, đi lại (500.000 đồng/tháng). Sau khi hoàn thành khóa học, học viên được cấp chứng chỉ đào tạo và khoản hỗ trợ 100 euro (tương đương 2,7 triệu đồng Việt Nam). NLĐ có nhu cầu có thể liên hệ Trung tâm Tuyển sinh Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II TP HCM - số 502 Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Bình, quận 9. Điện thoại: 0283.731.0667. Thời gian nhận hồ sơ đến hết ngày 30/10/2020.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (tổng hợp)