Nhà bán lẻ giảm giá thịt lợn, đơn đặt hàng qua điện thoại tăng
Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) công bố, từ ngày 6/4 đến hết ngày 8/4, những điểm bán thuộc hệ thống này sẽ triển khai khuyến mãi thịt lợn, với mức giảm giá từ 15-25%, áp dụng cho nhiều nhóm sản phẩm.
Cụ thể, các điểm bán như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... sẽ giảm giá sản phẩm chân bắp giò, móng giò, xương bộ lợn với mức giảm 25%; sườn non lợn, ba rọi với mức giảm 18%. Riêng những mặt hàng thịt lợn sơ chế như thịt lợn xay, thịt lợn tẩm ướp có mức giảm giá là 15%.
Đại diện Saigon Co.op cho biết sau thời gian này, Saigon Co.op tiếp tục làm việc với nhiều nhà cung cấp, thực hiện chương trình khuyến mãi cho mặt hàng thịt lợn. Điều này nhằm giúp khách hàng tiết kiệm chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Theo ghi nhận của báo điện tử Vietnamplus, trong tuần đầu tiên cả nước nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng, thực hiện hạn chế đi lại, không gian mua sắm tại các điểm bán thuộc Saigon Co.op thông thoáng đáng kể. Hầu hết nhóm ngành hàng đều xếp sản phẩm đầy kệ; rau củ quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm dồi dào, tươi ngon.
Lượng đơn đặt hàng qua điện thoại tại Saigon Co.op tăng gần 50% so với tuần trước đó.
Doanh nghiệp có chỉ số rủi ro nhiễm COVID-19 từ 80% không được hoạt động
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP vừa ra quyết định ban hành bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại doanh nghiệp trên địa bàn TP, gồm 10 chỉ số thành phần.
Theo bộ chỉ số, doanh nghiệp sẽ được chấm theo thang điểm tối đa 10 điểm cho mỗi chỉ số thành phần tương ứng với mức độ rủi ro cao nhất, 1 điểm tương ứng với mức độ rủi ro thấp nhất. Cách tính điểm là lấy điểm cộng của 10 chỉ số thành phần chia cho 100.
Nếu chỉ số điểm bằng 10% đồng nghĩa với rất ít rủi ro thì doanh nghiệp được hoạt động. Chỉ số dưới 30% thì được đánh giá là rủi ro thấp, doanh nghiệp được hoạt động nhưng phải kiểm tra định kỳ để khắc phục hạn chế ở chỉ số thành phần nào cao nhất.
Từ 30% đến dưới 50%: rủi ro lây nhiễm trung bình. Doanh nghiệp có thể được phép hoạt động với điều kiện không có chỉ số thành phần nào từ 7 điểm trở lên.
Từ 50% đến dưới 80%: rủi ro lây nhiễm cao, phải có giải pháp giảm rủi ro mới được hoạt động. Từ 80% đến 100%: rủi ro lây nhiễm rất cao, doanh nghiệp không được hoạt động.
10 chỉ số thành phần đánh giá rủi ro gồm:
- Số lượng công nhân làm việc tập trung của doanh nghiệp.
- Mật độ người lao động làm việc ở các phân xưởng; bình quân trên 1m2 mặt bằng phân xưởng
- Người lao động có rửa tay, có xịt nước sát khuẩn trước khi vào và ra khỏi phân xưởng
- Tỉ lệ công nhân có đeo khẩu trang khi làm việc.
- Số công nhân được kiểm tra nhiệt độ trước khi vào phân xưởng.
- Khoảng cách công nhân ở nhà ăn.
- Số công nhân đi làm bằng xe đưa rước.
- Số khu vực (địa điểm đón, trả công nhân) công nhân ở trước khi đi làm (mỗi khu vực cách nhau từ 3km trở lên)
- Công ty phát khẩu trang cho công nhân hằng ngày hoặc phát đủ khẩu trang giặt được.
- Công ty có làm ca đêm (trừ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng, dầu, diện nước, nhiên liệu và trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19.
Những căn nhà "lạ" ở TP. Hồ Chí Minh
Không ít công trình nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi bỗng dưng mặt tiền bị án ngữ hoàn toàn, gây tranh cãi lớn bởi yếu tố... lịch sử để lại. Nội dung được đăng tải trên báo Người Lao Động.
Căn nhà ở địa chỉ 469 Bạch Đằng, quận Bình Thạnh vốn là nhà cấp 4 rộng hơn 760 m2, phía trước tiếp giáp mặt tiền đường. Theo bản vẽ nhà cách lộ giới 4 m nhưng mấy chục năm nay gia đình vẫn không có lối đi riêng.
Ông Trần Văn Tâm, chủ căn nhà trên, cho hay: Bãi đất kế bên nhà trước đây là kho hàng chứa vật liệu kinh doanh xăng dầu và được chính quyền Thành phố tiếp quản từ 1975. Năm 1978, UBND quận Bình Thạnh sử dụng làm cửa hàng kinh doanh hải sản. Sau đó, chuyển giao cho một công ty xăng dầu sử dụng và kinh doanh đến nay. Kể từ khi tiếp quản, đơn vị kinh doanh xăng dầu đã lấy phần đất là lối đi của nhà ông để làm cây xăng. Xe máy và các thành viên trong gia đình ông Tâm muốn vào nhà thì phải "chui" vào giữa các trụ bơm xăng.
Thế nhưng hàng chục năm qua, UBND quận và các sở, ngành đều lúng túng, không biết phải giải quyết ra sao. Bởi căn nhà được xác nhận quyền sở hữu gia đình và sân phía trước nhà lại được nhà nước cấp cho đơn vị bán lẻ xăng dầu. Tất cả đều có chủ quyền đầy đủ.
Tương tự, là trường hợp khu đất nằm trong hẻm 67 đường Nguyễn Quý Yêm, phường An Lạc, quận Bình Tân. Suốt 2 năm qua, UBND phường loay hoay vẫn chưa tìm được hướng giải quyết.
Bà Hồ Thị Thanh Thảo đã được chính quyền cấp giấy phép xây dựng nhà. Nhưng lại gặp sự phản ứng quyết liệt của bà Đoàn Thị Hồng Diễm, hàng xóm. Bởi nếu công trình nhà bà Thảo xây xong thì lối đi bên hông nhà bà Diễm sẽ bị chắn mất; còn nếu nhà bà Diễm mở cửa phía sau nhà để đi lại thì sẽ đi trên phần đất của bà Thảo. Điều này khiến cả hai mâu thuẫn và không tìm được tiếng nói chung. Nhiều lần chính quyền địa phương tìm cách hòa giải nhưng vẫn không được.
Luật sư Nguyễn Anh Minh, Đoàn Luật sư Thành phố, cho biết từng tham gia bào chữa nhiều vụ liên quan đến lối đi. Theo quy định, công dân có quyền tự do đi lại nhưng nhiều trường hợp căn nhà nằm lọt thỏm giữa 4 bức tường và muốn đi lại phải "mượn" đất của các hộ xung quanh. Vì vậy, nếu ra tòa kiện hàng xóm cản trở đi lại là đúng nhưng nếu xem xét ở khía cạnh lối đi lại thuộc chủ quyền của người khác thì vụ kiện khó có hồi kết.
Theo luật sư Minh, giải pháp tốt nhất để xử lý những trường hợp này là "dĩ hòa vi quý" với mong muốn hàng xóm tạo điều kiện để có thể đi lại. Thậm chí, nếu cần thiết thì nên thương lượng mua lại phần diện tích của hàng xóm để có thể đi lại.
Mở đợt cao điểm chống tội phạm, ứng phó Covid-19
Thông tin từ báo Pháp Luật TP, Phòng tham mưu Công an TP cho biết, ngành công an đã triển khai tháng cao điểm đảm bảo trật tự an toàn xã hội ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19. Đợt cao điểm từ ngày 1/4 đến ngày 1/5 với nhiều biện pháp đồng bộ.
Theo Công an TP, dịch Covid-19 đã tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự. Trên địa bàn xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt, xuyên tạc sự thật gây hoang mang trong dân. Đặc biệt, các loại tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản, nhất là cướp, cướp giật, trộm cắp lợi dụng nơi vắng, sơ hở để hoạt động...
Thực hiện tháng cao điểm,Công an TP tiếp tục nắm tình hình, đánh giá, dự báo tình hình liên quan đến an ninh chính trị, trật tự xã hội kết hợp các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm. Trong đó, mạnh tay trấn áp các loại tội phạm, đồng thời tuyên truyền đến người dân nhận thức đúng, hỗ trợ lực lượng công an trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tổ công tác 363 tập trung phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trên đường phố, nơi công cộng, những người có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội. Các tổ này cũng tập trung xử lý những người không đeo khẩu trang, tụ tập, vi phạm về vận tải hành khách, các hành vi làm lây lan dịch Covid-19 cho cộng đồng khác.
Lực lượng CSGT tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các lỗi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, đảm bảo yêu cầu về trật tự an toàn giao thông và hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh.
Lực lượng công an cũng tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những người có hành vi buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả…, nhất là các trường hợp lợi dụng tình hình dịch Covid-19 gây ra sự khan hiếm giả tạo để đầu cơ, găm hàng, tăng giá ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Ngoài ra, công an cũng phối hợp với các đơn vị liên quan túc trực ở 62 chốt tại các cửa ngõ ra vào TP, khu vực giáp ranh, bến tàu, bến xe, nhà ga nơi tiếp nhận các phương tiện giao thông ra vào TP, các khu vực có dịch...
Những suất cơm nghĩa tình công nhân, lao động nghèo giữa mùa dịch
Theo Vietnamplus, từ ngày 6-15/4, Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức trao suất cơm và quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, phải tạm ngưng việc đang ở các khu nhà trọ, người lao động nghèo khu vực phi chính thức bị mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại Quận 12 và các quận Gò Vấp, Tân Phú, Thủ Đức.
Theo Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, mỗi ngày sẽ có gần 1.000 suất cơm và quà do nghệ nhân Chiêm Thành Long phụ trách; thực đơn món ăn được chế biến từ nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, hợp vệ sinh của Công ty Cỏ May Essential.
Thực đơn sẽ được thay đổi mỗi ngày, tuy nhiên chủ yếu vẫn là nguồn nguyên liệu sạch của các doanh nghiệp tham gia chương trình như: Cá basa fillet, gạo, thịt gia cầm, các loại rau xanh... giúp cân bằng giá trị dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu của từng người.
Để có những suất ăn và quà gửi đến những người khó khăn, nhiều doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã tham gia góp công, góp của thể hiện tinh thần người Việt Nam “lá lành đùm lá rách.”
Nhiều doanh nghiệp đã cử nhân viên tham gia từ các khâu chuẩn bị đến khâu chế biến và đồng hành cùng đi trao tặng những phần quà đầy ý nghĩa cho công nhân, người lao động nghèo.
Máy phát gạo tự động, miễn phí trong dịch Covid-19
Để chung tay phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày cách ly xã hội, một chiếc máy phát gạo tự động, miễn phí được một doanh nghiệp tại quận Tân Phú chế tạo và đưa vào hoạt động. Thông tin được đăng tải trên báo Người Lao Động.
Chiếc máy phát gạo này được đặt tại 204B đường Vườn Lài (quận Tân Phú), hoạt động 24/24 giờ và dự kiến hoạt động cho đến khi hết dịch bệnh Covid-19.
Những người có hoàn cảnh khó khăn khi đến nhận gạo phải xếp hàng cách nhau 2 m và không tập trung quá 10 người để có thể rút gạo tự động. Người nhận khi đến chỉ cần bấm nút, gạo trong máy sẽ tự động chảy ra. Mỗi lần lấy được khoáng 1,5 - 2 kg gạo.
Được biết, chiếc máy này do ông Hoàng Tuấn Anh (Công ty PHGLock ) tận dụng từ máy móc có sẵn của công ty để chế tạo, với mong muốn giúp giảm tình trạng tập trung đông người, người phát gạo và người nhận không tiếp xúc với nhau sẽ tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Dự kiến ban đầu máy phát chỉ phát 300 kg gạo/ngày, tuy nhiên trong ngày đầu tiên vận hành đã phát gần 1 tấn gạo cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Với những điểm phát gạo hay những suất ăn miễn phí, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn sẽ cảm thấy ấm lòng hơn khi các tổ chức xã hội và những cá nhân có lòng hảo tâm luôn quan tâm đến họ dù trong những thời điểm khó khăn nhất.